Thế hệ trẻ hôm nay luôn năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết trong học tập, rèn luyện và bồi dưỡng kiến thức cho bản thân nhằm tìm kiếm cơ hội làm việc, tiến thân nói riêng và phụng sự cho sự phát triển đất nước nói chung, cho tương lai đất nước hòa bình và phát triển vững mạnh.
Thế hệ trẻ hôm nay luôn năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết trong học tập, rèn luyện và bồi dưỡng kiến thức cho bản thân nhằm tìm kiếm cơ hội làm việc, tiến thân nói riêng và phụng sự cho sự phát triển đất nước nói chung, cho tương lai đất nước hòa bình và phát triển vững mạnh.
Để tưởng niệm, nhớ công ơn của các chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập tổ quốc, nhân kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7/1947 – 27/7/2019, chúng ta cùng nhớ về một số phong trào yêu nước của các phật tử, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong phong trào ấy; qua đó, nhằm giúp thế hệ trẻ thêm trân quí và biết ơn đối với những người có công với cách mạng, những tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
Trong những năm 1963 – 1965, hoạt động cách mạng đấu tranh vì hòa bình tại Việt Nam, dấy lên phong trào tự thiêu của các tăng ni phật tử để đòi hỏi giải quyết 5 nguyện vọng của Phật Giáo, đã lan tỏa khắp nơi trong nước.
1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ giáo kỳ của Phật Giáo.
2. Yêu cầu Phật Giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như Hội truyền giáo Thiên Chúa.
3. Yêu cầu Chính Phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ phật giáo.
4. Yêu cầu cho Tăng, Tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
5. Yêu cầu Chính Phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những người bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.
Những điểm trên đây là những nguyện vọng tối thiểu và tha thiết nhất của toàn thể Tăng và Tín đồ Phật Giáo trong cả nước thời bấy giờ. Phật giáo sẵn sàng hy sinh cho đến lúc nào những nguyện vọng hợp lý trên được thực hiện. Để đòi được yêu sách ấy, liên tiếp diễn các phong trào đấu tranh bùng phát tại các nơi như: 8 Phật Tử tử vì Đạo trong ngày Phật Đản 2507 ở Huế.
Kế sau đó là, vào sáng 11/6/1963, trên 500 tăng, ni tập trung tại Phật Bửu Tự, sau lưng Tam Tông Miếu làm lễ cầu siêu cho 8 phật tử ở Huế. Sau buổi lễ, ngay tại ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt các Tăng ni diễn hành thành một vòng tròn quanh Hòa Thượng Thích Quảng Đức, 73 tuổi, nguyên quán Khánh Hòa, là trụ trì chùa Quan Âm Phú Nhuận- người đã sáng lập và tu bổ trên 30 cảnh chùa, người đã bước xuống từ xe hơi du lịch hiệu Austin số TBA 599, tự nguyện thiêu thân yêu cầu Chính Phủ giải tỏa cấp tốc chùa Từ Đàm Huế vì có hơn 300 sinh mạng Tăng, ni phật tử, sinh viên, gia đình Phật tử sống khắc khoải trong đó. Nhục thân Hòa Thượng được đưa về chùa Xá Lợi hỏa táng, làm lễ theo nghi lễ Phật giáo.
Bên cạnh cuộc đấu tranh tự thiêu vì hòa bình, các Tăng ni phật tử lại tiếp tục đấu tranh bằng cách tuyệt thực trong 5 ngày. Bằng nhiều hình thức đấu tranh khác nhau nhưng chung một nguyện vọng vì hòa bình.
Cuối cùng, ngày 24/10/63 Phái đoàn điều tra liên Hiệp Quốc đã tới Việt Nam can thiệp cho tiếng nói của Phật giáo. Song, ấn tượng nhất đối với phụ nữ chúng ta, đó là tấm gương của Thích nữ Nhất Chi Mai đã cho thấy vai trò không thể thiếu của người phụ nữ trong đấu tranh vì hòa bình của đất nước.
Thích nữ Nhất Chi Mai, pháp danh Diệu Huỳnh. Bà tên thật là Phan Thị Mai, sinh năm 1934 tại xã Thái Hiệp Thạnh, quận Phú Khương, tỉnh Tây Ninh. Cha bà là ông Phan Duy Mỹ, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Duyên. Gia đình bà có 3 anh chị em, anh là Phan Duy Chương và chị là Phan Thị Ngoạn.
Bà tốt nghiệp trường Quốc gia Sư phạm năm 1956, trường Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1964 và trường Cao đẳng Phật học Vạn Hạnh năm 1966. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, bà về làm giáo viên tiểu học ở trường Tân Định (Sài Gòn) và tham gia nhóm “Thanh niên phụng sự xã hội”- một hội đoàn thanh niên ở Sài Gòn lúc bấy giờ và dạy dỗ nhiều trẻ em mồ côi.
Là một Phật tử thuàn thành mến đạo, yêu đời, rất say mê với giáo lý nhà Phật, Nhất Chi Mai tích cực tham gia vào các công tác Phật sự; đồng thời tích cực tham gia vào các phong trào chống chiến tranh do thanh niên, sinh viên, học sinh phát động.
Nhân ngày lễ Phật đản lần thứ 2511, sáng sớm bình minh ngày 16/5/1967, Thích nữ Nhất Chi Mai đã tưới xăng lên mình và châm lửa tự thiêu trước sân chùa Tư Nghiêm, Sài Gòn (nay là chùa Từ Nghiêm thuộc Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) và để lại di thơ với những lời thơ bất hủ:
Xin đem thân làm đuốc,
Xin soi sáng U Minh,
Xin tình người thức tỉnh,
Xin Việt Nam Hòa Bình.
Ngọn lửa tự thiêu của Nhất Chi Mai giữa không khí khủng bố bao trùm càng làm bùng cháy thêm ngọn lửa căm thù vốn âm ỉ trong lòng người dân Sài Gòn và khơi dậy một quyết tâm mạnh mẽ đấu tranh cho hòa bình, cho độc lập tự do. Hàng loạt các tổ chức đòi hòa bình đòi quyền sống ra đời, nhiều cuộc mít tinh, hội thảo huy động đông đảo các tầng lớp tham gia lên tiếng kết tội Mỹ Diệm kéo dài chiến tranh, gây chết chóc đau khổ cho nhân dân miền Nam Việt Nam và nhiều nơi khác diễn ra các cuộc tự thiêu. Tại các trường học, sinh viên, học sinh tổ chức những cuộc thi thơ, sáng tác ca ngợi kỷ niệm Nhất Chi Mai v.v… Và còn rất nhiều hình thức đấu tranh khác đã và đang diễn ra tại Sài Gòn trong cuộc đấu tranh sôi sục chống Mỹ được dấy lên từ ngọn lửa Nhất Chi Mai – người với một ý chí sắt thép, chấp nhận hy sinh, sẵn sàng đương đầu, ngẩng cao đầu tiến bước – đó là thái độ chung của người yêu nước tại Sài Gòn.
Ngày 05/01/1969, Đại hội Liên đoàn nữ Phật tử Việt Nam tại chùa Ấn Quang đã tổ chức buổi lễ cầu nguyện hòa bình và làm lễ truy điệu nữ Phật tử Nhất Chi Mai. Tại buổi lễ, bà Diệu Chơn, Tổng Thư ký Liên đoàn Phật tử Việt Nam đọc diễn văn khai mạc, “đại ý nêu lên các thảm trạng của chiến tranh và mong mỏi sớm thực hiện việc vãn hồi hòa bình cho đất nước”. Tiếp đến, bà Diệu Bích, Liên đoàn trưởng Liên đoàn nữ Phật tử đọc bài: “Ý nghĩa cái chết của Nhất Chi Mai” và bà Tá Hương đọc Thỉnh nguyện với nội dung đề cao sự thiêu thân của nữ Phật tử Nhất Chi Mai, đồng thời thỉnh nguyện ba điểm sau đây:
1. Yêu cầu 2 phe lâm chiến ngồi vào bàn hội nghị để chấm dứt chiến tranh, đem lại hòa bình cho Việt Nam.
2. Yêu cầu Chính phủ thực thi đại đoàn kết dân tộc, để làm hậu thuẫn cho cuộc thương thuyết.
3. Yêu cầu hạ giá sinh hoạt nhất là gạo, để tương xứng với đồng lương của binh sĩ, công, tư chức đến dân chúng.
Thích nữ Nhất Chi Mai đã trở thành biểu tượng đối với hầu hết các phong trào hoà bình của các tầng lớp nhân dân miền Nam, nhất là đối với tăng tín đồ Phật giáo và sinh viên, học sinh.
Mỗi thời đại đều sinh ra một thế hệ, mỗi thế hệ đều có trách nhiệm, nghĩa vụ với tổ quốc. Chính vì thế, thế hệ chúng ta hôm nay không chỉ chăm lo công việc hiện tại, mà cũng phải suy nghĩ và hành động theo gương những thế hệ đi trước, đồng thời bồi dưỡng cho thế hệ mai sau kế thừa xứng đáng sự nghiệp của cha anh. Với truyền thống giàu lòng yêu nước, cần cù sáng tạo, nhân ái thủy chung, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ lập được thật nhiều thành tích hơn nữa để không phụ lòng các anh hùng liệt sĩ.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 7 năm 2019
Đào Thị Hồng Quyên
Phòng Truyền thông – Giáo dục- Quan hệ Quốc tế