Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3 là dịp để mỗi thanh niên nhớ về truyền thống vẻ vang và những sứ mệnh lịch sử trong từng thời kỳ của mình trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3 thế hệ thanh niên chúng ta hiện nay cùng nhìn lại và nhớ về người “Nữ đoàn viên ưu tú – Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm”
chân dung “Nữ đoàn viên ưu tú – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm”
Đoàn viên, thanh niên là lực lượng tiên phong, đi đầu trong công việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Nối tiếp tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của anh Lý Tự Trọng, lớp lớp thanh niên đã ghi tên mình vào trang sử vàng của dân tộc với nhiều chiến công hiển hách, vang dội. Trong kháng chiến chống Pháp, có chị Võ Thị Sáu, anh La Văn Cầu, anh Cù Chính Lan, chị Nguyễn Thị Chiên, anh Bế Văn Đàn, anh Phan Đình Giót, anh Tô Vĩnh Diện,… Trong hơn 2 thập niên đánh đuổi Mỹ xâm lược, có chị Tạ Thị Kiều, chị Lê Thị Hồng Gấm, anh Lê Mã Lương, anh Nguyễn Văn Trỗi, anh Nguyễn Viết Xuân,… Và cũng vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước cũng từng có một người con gái, một anh hùng mang sứ mệnh chân chính của người lính Cụ Hồ. Chị cũng đã có ước mơ, hoài bão nhưng ước mơ, hoài bão của chị là dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh. Chị chọn cho mình một công việc vinh quang nhưng vô cùng gian khó. Để rồi, thanh xuân của chị mãi mãi ở tuổi 20, cái tuổi đẹp nhất, sung sức nhất của cuộc đời. Đó là “Nữ đoàn viên ưu tú – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm”.
“Nữ đoàn viên ưu tú – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm” đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một thế hệ cầm súng vào giai đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc Việt Nam; là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay, những người sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, chưa từng nếm trải trận mạc, gian khổ, mất mát và hy sinh.
Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức mà có cha là Bác sĩ, mẹ là Dược sĩ. Chị sinh ra tại Huế năm 1942 và hy sinh năm 1970. Năm 10 tuổi chị được kết nạp vào Đội Thiếu niên tháng Tám; đến tháng 9 năm 1952, chị được bầu vào Ban Chỉ huy Đội thôn Duy Tình, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Từ tháng 9 năm 1952 cho đến năm 1957, chị được bầu vào Ban Chỉ huy đội Thiếu niên. Ngày 01 tháng 4 năm 1960, chị được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động tại Chi đoàn lớp 9C của Trường Chu Văn An. Niên khóa 1960-1961, chị được công nhận là “Đoàn viên ưu tú” của Trường Chu Văn An. Từ năm 1961 đến 1966, chị được nhà trường tặng giấy khen về thành tích học tập, hai lần chị được Đoàn trường tặng bằng khen “Đoàn viên ưu tú”, tặng huy hiệu “Đoàn viên Điện Biên Ấp Bắc” và huy hiệu “Đoàn viên Thanh niên 3 sẵn sàng”. Bên cạnh đó chị được 2 lần Trường Đại học Y Hà Nội tặng bằng khen “Sinh viên tiên tiến” và một lần khen vì “Tích cực học tập và công tác”.
Nữ đoàn viên ưu tú – Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm (Bên trái)
cùng bạn trong Hội diễn sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội năm 1963.
Bác sĩ Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1966. Thời điểm đó bác sĩ Đặng Thùy Trâm có thể tìm được cho mình một công việc tốt theo đúng ngành nghề. Nhưng theo tiếng gọi cuả miền Nam ruột thịt, người con gái ấy đã xung phong vào miền Nam chiến đấu nơi mà những chiến sĩ của ta đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất.
Chị đã thể hiện quan điểm sống, lý tưởng cách mạng của mình và thế hệ thanh niên thời bấy giờ trên trang đầu nhật ký của mình qua những dòng nổi tiếng của văn hào N.A.Ostrotsky: “…Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí,… để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh đã cống hiến xứng đáng cho cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập. Trong bức thư mà Bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết cho em gái khi chị chuẩn bị ra chiến trường: “Từ trong gian khổ mới hiểu rõ hơn giá trị của những người cách mạng. Ai đứng vững trong lửa đỏ và nước sôi, người đó là người chiến thắng”. Và trong bức thư chị viết cho em gái từ chiến trường chị cũng nói: “Không ở đâu giá trị đích thực của con người được thấy rõ như tại chiến trường miền Nam lúc này, nơi đó chị sẽ làm được nhiều việc có ích… đem ánh sáng cho những đôi mắt tật nguyền, đem niềm vui và chút hiểu biết đã thu nhận được suốt 15 năm qua dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Trong gian lao chị sẽ tìm được hạnh phúc chân chính”.
Qua đoạn trích trong hai bức thư mà Bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết cho em gái khi chị chuẩn bị ra chiến trường và từ chiến trường ta thấy được một tấm gương sáng của người “Nữ đoàn viên ưu tú”. Một con người toàn vẹn của một thời quá khứ, sống có lý tưởng, lấy lý tưởng làm mục đích lẽ sống, biết sẻ chia đùm bọc, nhận lãnh trách nhiệm khó khăn gian khổ cùng với mọi người, nồng nàn yêu thương cuộc sống, nhưng cũng sẵn sàng hy sinh cuộc sống của mình vì khát vọng chung của nhân dân. Tất cả đều diễn ra một cách thanh thản, chứ không nặng nề, u uất, cũng tự nhiên như vẻ đẹp tâm hồn lộng lẫy và cao thượng của một thế hệ thanh niên. Điều đó, còn tiềm ẩn một nội dung mỹ cảm căn cốt trong chị, bắt nguồn từ truyền thống gia đình, dòng họ, vùng đất nơi chị sinh ra và lớn lên, là bản lĩnh văn hóa của người tri thức đích thực, luôn trong tư thế sẵn sàng vượt qua thử thách khắc nghiệt, với vóc dáng mỏng manh của một người thiếu nữ mới bước qua ngưỡng tuổi đôi mươi.
Nữ đoàn viên ưu tú – Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm (Ngoài cùng bên phải)
cùng các y, bác sĩ tại Trạm xá Đức Phổ.
Không chỉ trong thời chiến mà trong thời bình trong những ngày Đại dịch Covid bùng phát, tinh thần dân tộc lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tình thương yêu đồng bào, truyền thống “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” lại tỏa sáng rực rỡ giữa đời thường. Những tháng ngày hừng hực khí thế với lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ “Chống dịch như chống giặc”. Cả dân tộc Việt Nam như bước vào một cuộc chiến mới, đầy cam go và ác liệt. Và cũng trong những ngày Đại dịch Covid ấy tinh thần “cống hiến và dấn thân” của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm năm nào lại bùng cháy dữ dội trong tâm thức của mỗi người Thanh niên Việt Nam hiện nay, không chỉ trong đội ngũ Y bác sĩ mà cả lực lượng Vũ trang nhân dân. Kẻ thù của chúng ta chính là Vi rút Corona, tâm dịch chính là chiến trường ác liệt. Hình ảnh từng đoàn Y bác sĩ, lực lượng Vũ Trang tăng cường khắp nơi trên Đất nước chi viện cho tâm dịch lớn như Thành phố Hồ Chí Minh giống như cuộc chi viện Nam Tiến của một thời chống Mỹ. Họ biết rằng, cuộc “cống hiến và dấn thân” sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng tinh thần yêu nước, thương nòi đã thôi thúc mỗi người chiến sĩ luôn hướng về chiến tuyến và tâm dịch.
Gần 2 năm, cả nước kiên cường chiến đấu với dịch Covid-19 cũng là từng ấy thời gian ghi nhận biết bao cống hiến, hy sinh thầm lặng của những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Và lấp lánh trong đó, những nỗ lực, sự hy sinh vô bờ bến của những người phụ nữ trong mọi ngành nghề, với nhiều độ tuổi, “những đoá hồng” ấy luôn dũng cảm, sẵn sàng gác lại niềm riêng để chiến đấu với niềm tin quyết thắng cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Với nhiều căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng những “ đoá hồng” vẫn lặng thầm “gánh trên vai” sứ mệnh cao cả: tham gia chữa bệnh cứu người của đội ngũ y, bác sĩ, tận tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm bệnh của các chị em chưa từng có con nhỏ, hay sự dấn thân không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng có mặt tại những điểm nóng, “ổ dịch”, các khu phong tỏa, cách ly để phục vụ giúp dân trong mọi tình huống… Họ đã vượt qua khó khăn, hy sinh thời gian ở bên gia đình, không ngại xông pha đến các điểm nóng của dịch bệnh, thức thâu đêm lấy mẫu xét nghiệm, lo lắng quán xuyến các bếp ăn thiện nguyện… hay tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, xa những người thân yêu nhất để ngày đêm túc trực bên buồng bệnh, tận tình chăm sóc bệnh nhân. Mỗi người một chức năng, nhiệm vụ. Người ở hậu phương tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác chung cho mọi người, vận động mọi người thực hiện tốt “khuyến cáo 5K” mọi lúc, mọi nơi không lơ là mất cảnh giác với đại dịch COVID-19 đến truy vết cộng đồng ở các khu dân cư. Người nơi tiền tuyến chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ và giành sự sống cho người bệnh từ lưỡi hái của tử thần…. Dù bao khó khăn, gian khổ, nhưng những “đoá hồng”ấy vẫn lao vào“cuộc chiến”với tâm thế sẵn sàng và một trái tim nhiệt huyết nhất vì người dân và đất nước cùng nhau vượt qua thử thách, bước qua đại dịch.
“Nữ đoàn viên ưu tú – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm” là một biểu tượng hùng hồn cho ý chí, niềm tin và tinh thần cống hiến, dấn thân của thế hệ Thanh niên Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Cuộc đời của chị sẽ mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của tuổi trẻ Việt Nam. Chị đã hy sinh oanh liệt nhưng những gì chị làm cho Đoàn Thanh niên vẫn còn được lưu trữ vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 3 năm 2023
Trang Ngọc Thắng
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo
- Đặng Thuỳ Trâm, Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm, NXB Hội Nhà Văn.