Dương Vân Nga là con của ông Dương Thái Huyền và bà Phạm Thị Thường, hai vợ chồng vốn là người hiếm muộn, khi đã quá tuổi vợ ông mới sinh được một cô con gái “ mắt phượng mày ngài”, hai vợ chồng bàn cách đặt tên con như thế nào cho xứng. Người cha quê ở làng Vân Long ( Vân Lung, Gia Vân), có nghĩa là rồng mây. Còn người mẹ quê ở làng Nga My ( nay là Mỹ Hạ, Gia Thuỷ) có nghĩa là mày ngài. Vì thế quyết định đặt tên con là Vân Nga, nghĩa là người con gái yểu điệu như mây, vừa gắn với tên làng vừa thể hiện ước nguyện của hai vợ chồng ( Nguyễn Văn Trò, 1998).
Người ta tương truyền rằng khi mới chào đời, Dương Vân Nga đã khóc “dạ đề” ba tháng, dỗ mãi không khỏi, một ông đạo sĩ đã ru rằng:
Nín đi thôi, nín đi thôi
Một vai gánh vác cả đôi sơn hà
Điều này báo trước Dương Vân Nga sẽ gánh giang sơn của hai triều đại Đinh và Tiền Lê (Nguyễn Văn Trò, 1998, tr. 138).
Từ khi còn nhỏ, Dương Vân Nga là nhân vật đặc biệt mang trong mình nhiều thần tích. Truyện kể rằng, Lưu Phúc là bạn tâm giao của Đinh Công Trứ là cha của Đinh Bộ Lĩnh. Ông từng giúp Đinh Bộ Lĩnh rất nhiều khi lên làm vua. Khi Đinh Bộ Lĩnh làm trại trưởng, ông có ý định tìm cho Đinh Bộ Lĩnh người vợ đảm đang, tìm mãi nhưng vẫn chưa thấy được người nào vừa ý. Khi đến vườn Rồng ở thôn Mỹ Hạ, thấy một cô gái có mây ngũ sắc che vừa cắt cỏ vừa hát:
Anh đi tán tía tán vàng
Để em cắt cỏ bên đàng sao đang
Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Hàng trăm ngọn cỏ lai hàng tay ta
Một cô gái cất giọng hát với giọng điệu khẩu khí, tay cầm liềm được ví như là cầm mặt trăng, hàng trăm ngọn cỏ được ví như hàng trăm quân lính lai hàng dưới tay mình. Khi Lưu Phúc đến nhà bạn cũ là Dương Thái Huyền, Dương Thái Huyền gọi con ra tiếp nước thì ông nhận ra đây chính là cô gái cắt cỏ ven sông. Hỏi ra mới biết tên là Dương Vân Nga. Ông liền hỏi cô về làm vợ cho Đinh Bộ Lĩnh. Dương Vân Nga từ cô gái cắt cỏ trở thành vợ của trại trưởng Đinh Bộ Lĩnh, sau này là Hoàng hậu của vua Đinh ( Nguyễn Văn Trò, 1998).
Thái hậu Dương Vân Nga trong chính sử
Sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, bà từng giữ cương vị chấp chính trong 8 tháng (từ tháng 11/979 – 7/980) vì do Đinh Toàn còn nhỏ chưa lãnh đạo được triều đình. Với uy quyền trong tay, bà đã điều khiển các công việc của triều đình để giữ vững ngôi báu cho nhà Đinh. Dù không chính thức làm vua, nhưng bà đã điều hành việc nước như một ông vua (Lã Đăng Bật, 1998).
Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc do quân Tống lăm le xâm lược đất nước. Trước ý nguyện của ba quân, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao long bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Lê Hoàn là một vị tướng giỏi được lòng quân sĩ. Trúc Đường (1979) trong vỡ ca kịch Thái hậu Dương Vân Nga, tướng Phạm Cư Lượng có nói về Lê Hoàn như sau:
“Tiểu tướng nhớ hồi còn tiên đế
Người vẫn thường khen: Thập đạo tướng quân tài đức song toàn
Cầm quân đánh nơi nào thì nơi đó giặc tan
Đóng quân ở nơi nào thì nơi đó mặc người hớn hở!
Đó là một vị chủ suý được lòng quân sĩ
Người ta sẵn lòng vì ông nhảy vào lửa bỏng dầu sôi
Tâu Thái hậu, hiện nay gió giông kéo đến đầy trời
Ba quân thấy rằng: Ngoài Thập đạo tướng quân ra, khó có ai đứng ra đảm đương việc lớn” (tr. 256, 257).
Lê Hoàn đã chiến thắng oanh liệt quân Tống, “ Cảm động trước tấm lòng của Dương Vân Nga, đợi nàng đoạn tang chồng. Lê Hoàn lập Dương Vân Nga làm Đại Thắng Minh hoàng hậu. Nhưng vì tái giá, nên Dương Vân Nga chỉ làm hoàng hậu thứ năm. Biết Dương Vân Nga là người có tài, Lê Hoàn cho mời bốn bà hoàng hậu kia lại và nói: Nhờ ai mà các bà có ngày hôm nay. Mọi người chưa nói gì thì Lê Hoàn đã hướng về phía Dương Vân Nga. Các bà hoàng hậu đều đồng ý, Lê Hoàn yên lòng lập Dương Vân Nga làm chính cung hoàng hậu” (Nguyễn Văn Trò, 1998, tr. 137).
Lã Đăng Bật ( 1998) nhận định: “Công lao lớn nhất của bà là lượng sức mình không đảm đương nổi việc nước, bà đã quyết định trao ngôi báu cho Lê Hoàn, tức là đã truất bỏ cơ nghiệp của nhà Đinh, xây dựng nhà Tiền Lê. Đây là việc làm hợp với lòng trời và lòng người khi đó. Bà là người phụ nữ thức thời, nghĩ đến vận mệnh của đất nước trên hết, bỏ qua những lời bàn tán, phản đối, thậm chí cả những dư luận xấu của triều đình lúc bấy giờ. Lại một lần nữa, vượt lên những người phụ nữ đương thời, dám tự quyết đoán tình cảm riêng tư, theo tiếng gọi của con tim, bà chia sẻ hạnh phúc với Lê Hoàn. Tiếp đó, bà đã cùng Lê Hoàn xây dựng đất nước sau chiến thắng. Đến năm Canh Tý (1000) bà qua đời, thọ 49 tuổi ( tr. 55, 56).
Vài nhận định về huyền thoại Dương Văn Nga
Dương Vân Nga vừa là một nhân vật lịch sử, chính trị có thật, vừa là nhân vật mang tính chất huyền bí. Qua việc phân tích về thân thế và cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga cho ta thấy một số môtip thể hiện tính huyền thoại như: khuynh hướng lịch sử hoá huyền thoại; cảm hứng ngợi ca nhân vật có công với đất nước, sinh đẻ thần kỳ. Đây được xem là sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền.
Có lẽ nhắc đến Thái hậu Dương Vân Nga, không ít người biết đến giai thoại bà mới sinh thường hay khóc dạ đề. Lời tiên tri của ông đạo sĩ ứng nghiệm vào việc bà lấy Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Đời sau có thể ước đoán rằng, câu sấm này là do người ta đặt ra sau khi sự việc đã diễn ra, sau khi Thái hậu Dương Vân Nga đã mất ( năm 1000), bà đã chỉ lấy hai vua, Đinh và Lê, nên người đời mới đặt ra câu sấm, mượn lời ông đạo sĩ, để bà gánh vác “đôi sơn hà” mà không phải gánh vác “ba sơn hà”.
Mặt khác, còn một giai thoại kể về mối tình trẻ giữa Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Dân gian cảm thông, biện minh cho quan hệ của hai người sau này trong cung đình nên đã hợp pháp hoá cho mối tình của họ từ tuổi thanh xuân, để đến khi vào cung, việc họ làm chỉ là “nối lại tình xưa”, làm giảm nhẹ tình tiết mà các nhà nho gọi là Lê Hoàn đã “lấy mẹ goá, hiếp con côi”. Câu chuyện trên dù có thật hay chỉ là giai thoại, nó cũng phản ánh môt giá trị : Lê Hoàn và Dương Vân Nga trạc tuổi nhau. Và đó mới là cơ sở để dân gian thêu dệt câu chuyện tình thời trẻ đẹp đẽ, “xứng đôi vừa lứa với thái độ đồng tình.
Thần tích của Dương Vân Nga khi làm Hoàng hậu mang ý nghĩa củng cố và tăng cường uy tín cho một triều đại. “Khi nước nhà lâm nguy thì bậc chân tu cũng không thể ngồi yên trước những trang kinh Phật”, bởi thế khi vận mệnh của đất nước đang bị nạn ngoại xâm đe doạ nghiêm trọng thì những quyết đoán kịp thời và xử lý nội bộ một cách linh hoạt là điều hết sức cần thiết cho môt đất nước.
Bên cạnh đó, việc Dương Vân Nga trao long bào cho Lê Hoàn là việc hợp thức hoá một triều đại mới, thể hiện tâm thức, ý chí và mong muốn của cộng đồng khi vận mệnh của đất nước lâm ngụy. Có thể thấy, hành động trao long bào của Dương Vân Nga cho Lê Hoàn đã được nhắc đến rất nhiều trong lịch sử và được xây dựng lại trong các tác phẩm nghệ thuật. Một hành động có quyết định sống còn cho một đất nước, thấu tình hợp lý khi kết thúc một vương triều cũ để chuyển giao cho một vương triều mới cai quản và phát triển đất nước.
Lịch sử Việt Nam, nếu nhìn từ thân phận phụ nữ thì đó là những tiếng nói yếu ớt, nghĩa là phụ nữ không có hoặc ít có tiếng nói, mà chỉ là những tiếng lồng đa thanh của những kẻ đàn ông cho những khuôn mặt đàn bà đã phôi pha theo dòng chảy thời gian. Hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga trong lịch sử được xem như một biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam biết hy sinh hạnh phúc cá nhân để giữ gìn sự thống nhất và bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Có thể thấy Dương Vân Nga là người phụ nữ có tài sắc vẹn toàn, đặc biệt mang dáng dấp của một nhà chính trị, đã có những quyết đoán kịp thời để cứu vận mệnh của đất nước trong thời khắc rối ren của lịch sử. Góp phần giữ cho giang sơn yên ổn, thanh bình, chuyển giao quyền lục đúng thời điểm, chọn đúng người tài đứng ra giúp nước. Huyền thoại Dương Vân Nga cũng như huyền thoại về những nhân vật lịch sử khác đã lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác góp phần ca ngợi về truyền thống dựng và giữ nước của cha ông ta trong lịch sử. Đặc biệt, Dương Vân Nga là phụ nữ nhưng cũng đã có những đóng góp quý báu cho quá trình giữ nước của dân tộc.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 4 năm 2021
Nguyễn Thị Kim Voanh
Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ Quốc tế
Tài liệu tham khảo
1. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. (1997). Truyện tích và Huyền thoại Phụ nữ Việt Nam. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Phụ nữ.
2. Lã Đăng Bật. (1998). Cố đô Hoa Lư lịch sử và danh thắng. Hà Nội: Thanh niên.
3. Lã Đăng Bật. (2009). Kinh đô Hoa Lư xưa và nay. Hà Nội. Văn hoá dân tộc.
4. Nguyễn Danh Phiệt. (1990). Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước. Hà Nội: Khoa học xã hội.
5. Nguyễn Văn Trò. (1998). Cố đô Hoa Lư. Hà Nội: Văn hoá dân tộc.