Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú. Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Vì vậy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú. Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Vì vậy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn dương là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Đây là một ngày Tết truyền thống dựa trên văn hóa – tín ngưỡng dân gian Phương Đông nhằm đánh dấu một giai đoạn mới mở đầu cho những điều tốt đẹp, cầu cho mùa màng bội thu, sinh nhai thuận lợi. Trong ngày Tết Đoan Ngọ người ta thường có những tục lệ khác nhau như: tục giết sâu bọ, tục nhuộm móng chân – móng tay, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ Ngọ…
Trong “Tết giết sâu bọ” mọi người cùng nhau chuẩn bị những món ăn quen thuộc, đặc trưng trong mùa này để dâng lên ông bà tổ tiên với mong muốn được mùa màng bội thu. Bên cạnh đó mọi người còn quan niệm rằng vào ngày 5/5 âm lịch này, các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng. Tùy theo từng địa phương sẽ có những món ăn khác nhau trong ngày này. Các món ăn thường gặp trong các gia đình sẽ gồm:
Cơm rượu nếp – vào những ngày sát Tết Đoan Ngọ chúng ta lại thấy ngoài chợ hoặc ông bà lại chuẩn bị nấu cơm nếp để làm cơm rượu ăn trong ngày này. Đây là một món ăn khá phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ ở hầu hết các địa phương. Theo quan niệm dân gian cho rằng, để diệt sâu bọ hiệu nghiệm thì chúng ta nên ăn cơm rượu vào sáng sớm ngày 5/5 khi chúng ta vừa ngủ dậy. Bởi cơm rượu có vị cay nồng của rượu nếp sẽ khiến cho các loại sâu bọ sẽ được tiêu diệt.
Bánh tro – bên cạnh cơm rượu, thì bánh tro cũng là một món ăn không thể thiếu của người dân ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam và một số nơi của miền Bắc. Chiếc bánh nhỏ xíu, thuôn dài hoặc hình chóp tam giác (tùy nơi gói), bánh có cả 3 loại nhân ngọt hoặc mặn hoặc không nhân. Nhiều người cũng cho rằng ăn bánh tro, hoa quả cũng như cơm rượu vào ngày này sẽ giúp bệnh tật trong người tiêu tan hết và đây cũng là một món ăn rất phù hợp vào thời tiết nóng bức.
Trái cây – mỗi mùa có một loại trái cây đặc trưng, vào tháng 5 sẽ thường có một số loại như mận, vải, đào… Những loại này có vị tươi ngon và có vị chua chua, thơm ngon phù hợp cho Tết Đoan Ngọ.
Thịt vịt – người ta chỉ quen với những cái tên như bánh tro, cơm rượu nếp, mận, đào… mà ít ai biết trong ngày lễ này ở nhiều địa phương của miền Trung, người ta ăn thịt vịt. Theo quan niệm của người xưa thì ngày 5/5 âm lịch là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao nên người ta dung thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt và hàn giữa Trời và Người.
Đối với thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là cư dân quận Gò Vấp trong mùa Covid lần thứ tư, Tết Đoan ngọ của năm nay là một cái tết thật đặc biệt bởi người dân phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Ủy ban nhân dân thành phố, trên nguyên tắc “người cách ly người, nhà cách ly nhà, phường cách ly phường”.
Với một đơn vị hành chính rộng gần 20km2, có hơn 3.000 ngõ hẻm, gần 700.000 người dân và giáp ranh với 4 quận đông dân khác là Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 12, Quận Gò Vấp thời điểm cuối tháng 5 năm 2021 thật sự là vùng tâm dịch. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các đơn vị, các địa phương, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của thành phố, đến nay tình hình của quận bước đầu khả quan. Tuy nhiên người dân trong quận vẫn thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và theo dõi tình hình sát sao. Ngành y tế của quận đã rất nỗ lực và cũng ở trong tình trạng quá tải, các bác sĩ, đội ngũ nhân viên bệnh viện đã rất tích cực trong vai trò nhân viên chống dịch. Họ đã chiến đấu ngày đêm để mang lại sự bình yên cho người dân trong quận. Lời tâm sự của Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo: “Chúng tôi hay đùa với nhau là chúng tôi không phải F0, không phải F1 mà là F0.5”. Đối với vị bác sĩ này, làm nghề y mấy chục năm, ông chia sẻ chưa bao giờ cảm thấy kiệt sức như những ngày Gò Vấp bùng dịch. Ông và nhiều đồng nghiệp bị quá tải trước khối lượng công việc khổng lồ. Ngày xử lý các F, đêm lại đi lấy mẫu. Thời gian gian căng thẳng nhất là từ ngày 30/5 đến 1/6, toàn đội thức trắng 3 đêm để lấy hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm của người dân 4 phường. “Nói thật, nhiều khi mệt mỏi đến muốn buông, nhưng rồi không hiểu sao vẫn làm tiếp được. Chúng tôi không nghĩ đến cái gì khác, chỉ làm sao truy vết cho đàng hoàng để giảm tình hình dịch thôi”, ông nói với chúng tôi mà giọng khản đặc.
Mặc dù, Tết Đoan Ngọ đã qua, bài viết chỉ muốn lưu lại một cái Tết Đoan Ngọ đáng nhớ. Người dân thành phố nói chung cũng như dân cư quận Gò Vấp nói riêng thật sự mong muốn dịch qua mau để họ được quay trở lại công việc và cuộc sống đời thường, trả lại sự bình yên thường ngày với niềm vui trong công việc. Thương lắm các bác sĩ tuyến đầu ngày đêm vất vả cho sự bình yên của người dân. Cầu chúc sức khỏe cho đội ngũ ngành y tế để họ có đủ lực và sức trong trận chiến này. Mỗi người dân hãy chung tay thực hiện tốt các qui định về phòng chống dịch để mỗi người đều là một chiến sĩ trên mặt trận đặc biệt này. Tết Đoan ngọ năm nay chắc chắn sẽ mãi là một cái Tết đặc biệt, không chỉ là “diệt sâu bọ” như ý nghĩa của cái tên mà còn là “diệt mấy cô vi rút lạ” để mang lại sự bình an cho mọi người.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 8 năm 2021
Nguyễn Thị Thu Hồng
Phòng Truyền thông- Giáo dục- Quan hệ quốc tế
Tham khảo:
– Bài báo “Cuộc truy vết F0 cân não ở Gò Vấp” trên trang Zing.