TẤM GƯƠNG ANH HÙNG TUỔI 18 NGUYỄN VIỆT HỒNG

altAnh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Việt Hồng, sinh ngày 14/7/1950 tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Mẹ chị là bà Phan Thị Tốt, nguyên chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ba chị là Liệt sỹ Nguyễn Hùng Sơn (Nguyễn Văn Quý). Năm 1940, mẹ chị tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ ở Cà Mau và bị địch bắt khi đang trên đường về Vĩnh Long móc nối liên lạc với Xứ ủy Nam kỳ, sau đó bị giam giữ tại khám Chí Hòa tới năm 1945 mới được trao trả. Năm 1964, ba chị bị giặc bắt rồi hy sinh trong tù khi chị mới 14 tuổi. Căm thù giặc sâu sắc, chị xin mẹ đi theo cách mạng. Có một câu chuyện rất cảm động là khi thoát ly, chị Hồng đã nói với mẹ: “Con đi trả thù cho cha, nếu hy sinh thì con sẽ theo bước anh hùng Võ Thị Sáu chết vinh quang vì Tổ quốc…”.

Năm 1961, chị Nguyễn Việt Hồng tình nguyện làm hộ lý ở một bệnh viện vùng giải phóng, chăm sóc các thương bệnh binh. Sau đó, chị được cấp trên cho đi học tại trường văn hóa Lý Tự Trọng. Tổ chức dự định sẽ đào tạo chị làm công tác báo chí, nhưng chị chỉ mơ ước được trực tiếp chiến đấu để trả thù cho cha, giành lại độc lập tự do cho quê hương, Tổ quốc. Cuối năm 1967, Nguyễn Việt Hồng được tổ chức điều về công tác tại thị xã Sóc Trăng, bổ sung cho lực lượng nội thành phục vụ cho việc nắm tình hình địch và chuyển thư từ đến các cơ sở hợp pháp của ta.

Đầu năm Mậu Thân (1968) khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân thị xã diễn ra, với nhiệm vụ giao liên, chị Nguyễn Việt Hồng hăng hái dẫn đường đưa bộ đội tiến sâu vào sào huyệt của địch, tham gia tiếp lương, tải đạn, vận chuyển thương binh … Cũng trong năm ấy, chị được kết nạp vào Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam. Cuối năm 1968, chị Nguyễn Việt Hồng được Khu ủy chuyển về làm đội trưởng giao liên vùng một Cần Thơ, giữ trọng trách nối liên lạc từ căn cứ của Thành ủy vào nội thành. Với vỏ bọc là một cô nữ sinh hiền lành, nhút nhát, chị đã nhiều lần qua mắt địch đem được nhiều truyền đơn và vũ khí vô nội thành, tham gia treo khẩu hiệu, rải truyền đơn… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau Tết Mậu Thân 1968, bọn giặc điên cuồng tăng cường càn quét, khủng bố các cơ sở cách mạng, chị Nguyễn Việt Hồng xin được xung phong đánh vào trung tâm thị xã Cần Thơ và được chấp thuận.

Qua thời gian điều tra nghiên cứu, nắm rõ giờ giấc sinh hoạt, khoảng 9 giờ tối ngày 12/3/1969, chị Hồng cùng một nữ biệt động khác nhận nhiệm vụ đặt mìn đánh cư xá Mỹ trên đường Quang Trung. Quả mìn đã được đặt vào vị trí an toàn, nhưng đến giờ hẹn mà mìn lại không nổ do sự cố kỹ thuật. 05 giờ sáng ngày 13/3/1969, vì sợ lộ điểm đánh và sợ mìn nổ gây thương vong cho nhân dân, chị quyết định quay lại điểm cũ lấy mìn mang về sửa chữa để đánh tiếp nhưng không may mìn phát nổ làm chị bị thương nặng giập nát hai chân và ngất đi. Đến 10 giờ sáng bọn giặc đưa chị vào nhà thương Thủ Khoa Nghĩa để chữa trị và âm mưu khai thác tìm ra đầu mối cơ sở cách mạng. Trong năm ngày ở bệnh viện, bọn giặc đã dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến dùng vũ lực để trấn áp, hăm dọa nhưng không làm lung lạc được ý chí của chị, dù đau đớn nhưng chị vẫn nói những lời lên án mạnh mẽ, đanh thép: “Tao thù Mỹ, tao giết Mỹ, chúng mày đừng có nói gì thêm, muốn biết thì mổ bụng tao mà xem trái tim tao nè. Mỹ cướp nước, giết cha mẹ tao, đồng bào tao, tao đánh Mỹ”. Chiều ngày 16/3/1969, một tên Mỹ nham hiểm, đến bên chị Nguyễn Việt Hồng dùng đòn tâm lý giả bộ thăm hỏi sức khỏe chị, bất ngờ chị Nguyễn Việt Hồng chồm dậy dùng tất cả sức lực còn lại của mình sau năm ngày bị thương nặng không ăn uống gì chụp cắn vào tay tên Mỹ đứng gần. Hắn hốt hoảng kêu cứu, bọn giặc xúm lại đánh chị bất tỉnh. Không khai thác được gì, bọn Mỹ cưa chân chị từng đoạn làm chị ngất xỉu nhiều lần nhưng mỗi khi tỉnh lại thì chị lại tiếp tục lên tiếng chửi Mỹ – Ngụy, đến 2 giờ sáng ngày 17/3/1969 chị bị giặc giết.

Sau khi giết chị, bọn giặc đem xác chị Hồng bỏ trước nhà xác cả ngày, lúc này mặt chị bị chúng đập giập nát và bụng bị đâm rất nhiều nhát. Đến sáng hôm sau thì xác chị Nguyễn Việt Hồng biến mất. Ngày đất nước thống nhất, câu chuyện mất xác này mới được làm rõ: có một người giữ nhà xác cảm kích gương hy sinh của chị, nửa đêm lén lấy xác về chôn, sau năm 1975 ông đến thông tin cho chính quyền địa phương và hướng dẫn nơi chôn xác của người nữ biệt động anh hùng.

Ngày 10/02/1970, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định truy tặng chị Nguyễn Việt Hồng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất và danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Giải Phóng.

Người nữ chiến sỹ biệt động kiên cường bất khuất trước kẻ thù đã sống, chiến đấu và ra đi trong tuổi thanh xuân đẹp nhất của người con gái trên đất Tây Đô anh hùng. Hiện nay, tên của chị được đặt cho một con đường đẹp trong nội ô và một ngôi trường cấp 3 (tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ).

Tp. Hồ Chí Minh,, ngày 22 tháng 3 năm 2021

Hồ Ngọc Phương

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế

Tour 360° Tour 360° 360 Tour