Tác động bạo lực gia đình đối với xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc, bền vững

Trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, gia đình luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Từ gia đình, con người được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Gia đình với hai chức năng cơ bản là tái sinh con người để duy trì nòi giống và xã hội hóa cá nhân để hình thành nhân cách mỗi con người, là nơi mỗi con người được rèn luyện, phát triển theo hướng chân – thiện – mỹ, từ đó hình thành văn hóa gia đình. Sự tồn tại của mỗi cộng đồng, làng, nước phụ thuộc vào sự tồn tại, phát triển của gia đình, nhất là văn hóa gia đình, vì gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học – công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng, gia đình Việt Nam đang trong quá trình biến đổi để thích ứng với những điều kiện mới.

Lối sống công nghiệp với các điều kiện về thu nhập, chi tiêu, nhà cửa, ý thức về tự do cá nhân khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không thật sự gắn kết như trước. Đạo đức gia đình đang có những biểu hiện suy giảm. Cách sống, lối sống xa lạ, lệch chuẩn đã xuất hiện ở không ít gia đình, nhất là lối sống thực dụng, đề cao giá trị vật chất, lợi ích cá nhân đã tác động tiêu cực tới các giá trị truyền thống trong gia đình Việt Nam như lòng nhân ái, vị tha, đồng cảm, sẻ chia, quan tâm lẫn nhau… Nhiều tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống, thừa kế và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Đặc biệt, tác động của bạo lực gia đình và nạn xâm hại tình dục trẻ em gái đang gây nhức nhối cho toàn xã hội, là rào cản, ảnh hưởng rất lớn trong xây dựng gia đình Việt Nam. Đây là vấn đề mà Hội Phụ nữ chúng tôi quan tâm và muốn nhấn mạnh trong tọa đàm.

Có ai đó đã từng nói “có một nơi để về, đó là nhà; có một ai đó để yêu thương, đó là gia đình”. Trong tiềm thức, gia đình đối với mỗi người là nơi an toàn, là tổ ấm, là một điều gì đó thân thương và là động lực giúp con người ta vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng gia đình có thật sự hạnh phúc, khi mỗi thành viên trong gia đình tự gây đau khổ cho nhau? Gia đình có thật sự là văn hóa khi mỗi thành viên không tôn trọng, yêu thương, quan tâm, chia sẻ với nhau. Điều đáng nói là thực trạng bạo lực gia đình mà chúng tôi đề cậpsau đây cho thấy một thực tế đáng buồn vì gia đình đôi khi lại là nguồn cơn của bạo lực.

Theo kết quả thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2011 tới 2015, nước ta có trên 157.000 vụ bạo lực gia đình được phát hiện, trong đó, nạn nhân là phụ nữ (từ 16-59 tuổi) chiếm gần 75%, hơn 17.500 trường hợp là trẻ em với tỷ lệ là 11,14% và 8,9% trường hợp là người cao tuổi. Trung bình mỗi năm, nước ta xảy ra hơn 31.500 vụ, mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình. Đặc biệt, năm 2012 xảy ra tới 50.700 vụ, cao gấp 1,5 lần con số bình quân hàng năm. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 20 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng do bạo lực gia đình. Điều đó cho thấy, vấn nạn bạo lực gia đình đang ngày càng diễn biến phức tạp và trở nên nghiêm trọng. Đối tượng bị bạo lực hay có nguy cơ bị bạo lực thường là phụ nữ, trẻ em và người già; những người gây ra bạo lực trong cùng một gia đình thường là đàn ông, người chồng, người cha, người anh. Bạo lực gia đình nghiêm trọng không chỉ ở số lượng mà theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan điều tra, trên cả nước cứ khoảng 2-3 ngày lại có một vụ án mạng liên quan đến bạo lực gia đình. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vụ chồng cắt gân chân, tay vợ ở tỉnh Bắc Giang năm 2015, hay vụ chồng đổ xăng thiêu vợ con ở tỉnh Đăk Lăk năm 2016…

Bạo lực gia đình không chỉ có ảnh hưởng rất tiêu cực đối với việc xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiến bộ mà còn gây hậu quả nặng nề với từng cá nhân thành viên trong gia đình, người bị bạo lực lẫn người gây ra bạo lực. Điều này càng đặc biệt nghiêm trọng đối với việc hình thành nhân cách của trẻ em, là thế hệ tương lai của đất nước. Vòng tuần hoàn về bạo lực sẽ tiếp tục diễn ra. Nếu lúc nhỏ, trẻ chứng kiến cảnh cha mẹ, người lớn trong gia đình có hành vi bạo lực hay bản thân trẻ bị bạo lực thì khi lớn sẽ hình thành lối sống thích dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Nếu lúc nhỏ, bị cha mẹ bạo lực thì đến khi lớn, trẻ cũng sẽ dùng bạo lực để đối xử lại với cha mẹ. Và thực tế xã hội ngày nay, trường hợp này đang xảy ra.

Với xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, trình độ nhận thức của mỗi người ngày càng được nâng lên, hình thức bạo lực gia đình ngày càng có sự biến đổi. Nếu bạo lực thân thể là bạo lực ta có thể gọi nôm na là “trực quan”, nhìn thấy được thì bạo lực về tinh thần, về kinh tế là loại bạo lực khó phát hiện, vì đôi khi cả người bạo lực và người bị bạo lực không nhận thức được đó là hành vi bạo lực. Bạo lực gia đình không dừng lại ở những gia đình nghèo khó, học vấn thấp mà nó còn đi vào cả những gia đình khá giả, có học thức, nhất là các gia đình có sự chênh lệch giữa người làm ra của cải, kinh tế, vật chất với người thụ hưởng (như người già, người vợ, trẻ nhỏ).

Kính thưa quý đại biểu,

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Vì vậy, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ cũng như việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, chức năng của gia đình, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều bộ luật trực tiếp và gián tiếp hướng đến xây dựng gia đình được ban hành như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật trẻ em 2016, Bộ luật Dân sự,.. và đặc biệt Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Những văn bản này đã góp phần tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.

Thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ là chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em, cùng với hệ thống chính trị Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Những mô hình câu lạc bộ, đội nhóm hướng về gia đình được Hội quan tâm xây dựng như câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc, Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội, Gia đình nuôi dạy con tốt… đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, gắn kết tình cảm giữa các thế hệ và truyền dạy những bí quyết, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc… Bên cạnh đó, xác định nguyên nhân gây bạo lực gia đình thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn về kinh tế, nhất là phụ nữ không làm chủ kinh tế, khó khăn trong công việc, Hội có nhiều hướng hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể như trợ vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm… nhằm tạo điều kiện để mỗi hội viên phụ nữ đều có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững, qua đó, góp phần giảm bớt áp lực tinh thần trong quá trình bươn chải kiếm sống, hạn chế phần nào nguồn cơn bạo lực gia đình.

Song song đó, những chương trình, đề án của Chính phủ, của Thành phố về hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững được các cấp Hội cụ thể hóa bằng các hoạt động khuyến khích cộng đồng có hànhđộng tích cực đem hạnh phúc cho người thân, gia đình và cộng đồng, đã tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và góp phần phát huy truyền thống, giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình cũng như hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững như: Hội thi “Bữa ăn gia đình, gắn kết yêu thương”, “Cả nhà cùng hát”, tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu gắn với giao lưu, giới thiệu các bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc… được các cấp Hội tổ chức vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm; các hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác xã hội, cá nhân và gia đình;…

Một công tác mà Hội chúng tôi tâm đắc và duy trì hoạt động cho đến nay, đó là công tác hòa giải, tư vấn pháp luật, giải quyết đơn thư của phụ nữ. Trên thực tế, trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, điều khó nhất là việc hàn gắn các mối quan hệ trong gia đình. Khi những mâu thuẫn của các thành viên xảy ra, nhưng không khéo để tư vấn, hòa giải kịp thời sẽ dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc, nhất là trong hôn nhân cũng như duy trì các mối quan hệ trong gia đình. Có rất nhiều trường hợp liên quan đến vấn đề bạo lực giới, bạo lực gia đình được hòa giải thành công.

Nổi bật là từ giữa năm 2016 trở lại đây, Hội đi sâu can thiệp, hỗ trợ can thiệp các vụ việc bạo hành gia đình và xâm hại trẻ em. Thông qua “Đường dây nóng trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình” của Báo Phụ nữ Thành phố, 739 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” Hội tham gia phối hợp xây dựng và các điểm tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp Hội đã góp phần giúp chị em phụ nữ có chỗ dựa tinh thần, mạnh dạn lên án các hành vi bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, các kênh thông tin mạng xã hội, trang tin điện tử của Hội và hoạt động trực tiếp công dân của Tổ trợ giúp pháp lý Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã nhận được sự tin tưởng của các chị em. Nhiều trường hợp bức xúc, kêu cứu vì bạo lực, những vấn đề mâu thuẫn trong hôn nhân gia đình, tranh chấp, hay đơn giản là tư vấn, giúp gỡ những nút thắt rối rắm gia đình cũng được Hội tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã tiếp nhận và xử lý 132 trường hợp, trong đó có 09 trường hợp bị bạo lực gia đình nghiêm trọng.

Để có được những kết quả đó, một công cụ giúp Hội phát huy nội lực trong hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ yếu thế, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực đó chính là Báo Phụ nữ Thành phố – cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiên hiệp Phụ nữ Thành phố đã góp phần lên tiếng và tạo sự quan tâm vào cuộc của các ngành chức năng. Đặc biệt, từ năm 2015, trên cơ sở thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 – 2018”, chuyên mục Gia đình của Báo tăng cường đăng tải nhiều bài viết về gia đình, bạo lực gia đình và những kỹ năng, bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với tuyên truyền về pháp luật. Qua đó, nhiều trường hợp bạo lực gia đình được phát hiện, đưa ra trước công chúng nhằm cảnh tỉnh người dân, đồng thời phổ biến kiến thức pháp luật về những vấn đề liên quan đến gia đình, để người dân biết luật và không phạm luật, nhất là thực trạng bạo lực gia đình trong xã hội hiện nay.

Những kết quả nêu trên, chỉ là một phần nhỏ nhưng hiệu quả mà Hội chúng tôi đã, đang góp cùng với hệ thống chính trị thành phố trong công cuộc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Và chúng tôi nhận thấy rằng, ngăn chặn bạo lực gia đình và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong công tác xây dựng gia đình có đời sống kinh tế phát triển và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú là yêu cầu bức thiết không chỉ đối với từng gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa gia đình trong tình hình hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, chịu sự tác động trên 04 lĩnh vực:

Một là, về kinh tế: Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào đó, đã phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Tình hình mới cũng tiềm ẩn những thách thức, tạo ra xung đột giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục của gia đình, dân tộc với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại; làm xuất hiện tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên của gia đình, dẫn đến sự thiếu ổn định và bền vững của gia đình.

Hai là, về văn hóa: Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường hội nhập quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ. Sự giao lưu, mở cửa đem đến cho gia đình Việt Nam cơ hội tiếp cận những kiến thức, giá trị văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới cũng như kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại và điều kiện phát triển kinh tế. Song, mặt trái của cơ chế thị trường cũng tác động không nhỏ đến đời sống gia đình Việt Nam.

Ba là, về xã hội: Tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, hiện tượng hôn nhân đồng giới và quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng như nạo phá thai trong giới trẻ có xu hướng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng tăng. Sau hôn nhân, nhiều phụ nữ di cư theo chồng ra nước ngoài, tạo khoảng trống khách quan trong duy trì mối quan hệ gia đình, đặt ra mối quan ngại cho toàn xã hội. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện phai nhạt.

Bốn là, về nội tại gia đình và các thành viên gia đình: kinh tế khó khăn, nghèo khó, thiếu ý chí vươn lên, ít chịu tiếp cận tri thức, thay đổi hoàn cảnh sống. Đặc biệt, đối với phòng, chống bạo lực gia đình, xuất phát từ thực tế quan hệ trong gia đình mang tính khép kín, với các thành viên gia đình cũng như những người xung quanh, việc trong gia đình thì người ngoài ít có cơ hội xen vào. “Rào cản” tâm lý e ngại của nạn nhân và cả những người biết chuyện, luôn muốn giữ sự “im lặng”, không trình báo hoặc “chịu đựng”, chấp nhận hành vi bạo lực trong gia đình giữa chồng và vợ là “bình thường”, việc kỷ luật con cái bằng bạo lực cũng là “bình thường” là nguyên nhân tạo sự khó khăn trong việc phát hiện và xử lý đối với các trường hợp bạo lực gia đình, thậm chí nếu xử lý rồi thì khả năng tái diễn cũng rất cao vì để tìm ra biện pháp ngăn chặn phù hợp là không dễ. Các quy định pháp luật khó vươn tới từng gia đình, bởi nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế, sự can thiệp thô bạo của pháp luật có thể dẫn tới phá hoại các mối quan hệ các thành viên gia đình, cũng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự khó khăn, thách thức để xây dựng văn hóa gia đình hiện nay.

Từ những khó khăn, thách thức trên, cho thấy công tác xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam trong tình hình hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm và coi trọng. Trong thời gian tới, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện các chương trình hướng đến hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững. Công tác trợ vốn, trao tặng phương tiện sinh kế, tạo điều kiện giúp các chị vươn lên, thoát nghèo cùng với việc tăng cường tổ chức các hoạt động hướng đến xây dựng văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đồng hành hỗ trợ nâng cao kiến thức kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc cho phụ nữ thông qua việc thực hiện các Đề án của Chính phủ về gia đình gắn với đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” là cách làm thiết thực để giúp phụ nữ tự chủ về kinh tế, nâng cao nhận thức về giới, bản lĩnh, kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng… sẽ góp phần tích cực để phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao chất lượng dân số và tổ chức tốt cuộc sống gia đình.

Trong khuôn khổ tọa đàm khoa học hôm nay, Hội cũng có một số kiến nghị cùng trao đổi với mong muốn góp phần tham gia cùng cơ quan, ban, ngành xây dựng thành công mục tiêu gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững:

Thứ nhất, đó là cần tập trung giải quyết vấn đề bạo lực gia đình. Vì tình trạng bạo lực gia đình là nguyên nhân hàng đầu, có tác động quan trọng đến việc xây dựng văn hóa gia đình và hình thành nhân cách thế hệ trẻ. Việc ban hành Luật pháp liên quan đến lĩnh vực gia đình là cần thiết, nhưng điều cần thiết hơn cả đó là kiểm tra, giám sát việc áp dụng và thi hành nghiêm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là việc phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, cần có sự can thiệp, bảo vệ kịp thời đối với nạn nhân bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, của thành phố; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm xóa bỏ “thói quen” chấp nhận và chịu đựng của nạn nhân, hạn chế kéo dài hành vi bạo lực, ngăn việc gây tổn thương đến các thành viên và mối quan hệ gia đình.

Thứ hai, cần tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hòa giải các vấn đề gây nên mâu thuẫn gia đình. Vì điều đó sẽ góp phần rất quan trọng trong định hướng hành vi của mỗi người. Thông qua hoạt động này, nạn nhân bị bạo lực hay có nguy cơ bị bạo lực sẽ được trang bị kiến thức để tự bảo vệ; người có thể có hành vi bạo lực sẽ nhận thức được tính chất, hậu quả của hành vi để tự kiềm chế tốt hơn; những người xung quanh biết được trách nhiệm tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và có ứng xử phù hợp.

Thứ ba, việc xây dựng văn hóa gia đình cần có sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh, xu thế hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay. Những hủ tục lạc hậu theo dạng “phép vua thua lệ làng” cần được xã hội phát hiện, lên án và xóa bỏ, nhất là quan niệm về “giới” trong gia đình. Các thiết chế xây dựng gia đình văn hóa cần rà soát, cụ thể và đơn giản hóa, tránh việc chạy theo hình thức, thành tíchc tại một số địa phương, đơn vị trong xây dựng “gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, phường, xã văn hóa” gây nhiều tranh cãi, phản ứng trong dư luận về cụm từ “văn hóa”. Bên cạnh đó, cần có quản lý tốt đối với các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu những chương trình ý nghĩa ca ngợi tình cảm gia đình, có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực, kêu gọi cộng đồng thực hiện.

Thứ tư, tăng cường giáo dục văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong học sinh, sinh viên; coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức công dân trong ứng xử phù hợp, hòa nhã đối với tất cả các mối quan hệ gia đình, nhà trường và ngoài xã hội; song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự quản lý nghiêm ngặt đối với các trang mạng xã hội, các trò chơi, phim ảnh gây kích động bạo lực; có hình thức hạn chế việc tiêu thụ rượu, bia, thức uống chứa nồng độ cồn cao gây ảnh hưởng đến việc không kiểm soát được hành vi, dễ dẫn đến hành vi bạo lực, gây tổn thương người khác và gây mất an toàn xã hội.

Ngày nay, để xây dựng gia đình Việt Nam theo chuẩn mực văn hóa truyền thống gắn với mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững theo những nấc thang giá trị mới, vừa kế thừa được những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống, vừa tiếp thu có chọn lọc những tiến bộ của các tư tưởng nhân văn, tiên tiến trên thế giới, vừa bảo đảm các điều kiện để con người Việt Nam phát triển toàn diện đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình và trước hết là cần phải xóa bỏ tình trạng bạo lực giới, bạo lực gia đình. Gia đình hạnh phúc, bền vững sẽ là điểm tựa quan trọng xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ những kiến nghị trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ chúng tôi rất mong sự quan tâm của các nhà làm luật, các ngành chức năng, với vai trò, vị trí và thẩm quyền của mình sẽ đồng thuận và tiếp tục vào cuộc quyết liệt ngăn chặn bạo lực gia đình để góp phần cùng hệ thống chính trị và nhân dân xây dựng văn hóa gia đình ngày càng tốt đẹp, để mỗi gia đình trên đất nước Việt Nam đều sẽ là gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 12 năm 2017

Hội LHPN Thành phố Hồ Chí Minh

Tour 360° Tour 360° 360 Tour