Vào những năm đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, kỳ diệu thay, những tà áo dài như những cánh bướm tươi xinh, dịu dàng phấp phới bay, tỏa muôn phương, len lỏi từng góc phố, con đường, ở những miền quê xa xôi nhất. Tôi nhớ khi ấy áo dài là trang phục chính thống và phổ biến. Phụ nữ ra đường là mặc áo dài, dù đi bộ, đi xe đạp, đi xích lô. Vào chốn công đường, các dì các chị nghiêm túc mặc áo dài. Không ai bảo ai, áo dài như sức sống của đất nước, dịu dàng mà mạnh mẽ, thách thức đạn bom. Có biết bao người phụ nữ giấu những giọt nước mắt của mình trong tà áo dài. Biết bao nỗi khổ, thương khó ẩn khuất sau những tà áo dài. Rồi hòa bình, thống nhất; những năm tháng đất nước rơi vào hậu chiến, thời bao cấp, vải không đủ mặc, thiếu ăn, thiếu cả dầu đốt, bột giặt… Áo dài tự bao giờ mai một trong bề bộn cơm áo gạo tiền. Rồi những năm 1990, đất nước đổi mới, những tà áo dài được phục hưng, mang một dáng vẻ mới, phong phú và đa dạng với đủ loại chất liệu. Mỗi khi ngắm nhìn áo dài được tôn vinh, tôi chợt nhớ đến niềm tự hào của các dì cách mạng lão thành ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Các dì kể cho chúng tôi nghe về huyền thoại, sức mạnh diệu kỳ của những tà áo dài trên mặt trận ngoại giao. Đúng là có một thời những tà áo dài mềm mại, duyên dáng mà “hiên ngang lừng lẫy bốn phương trời” như nhà thơ Xuân Thủy từng tôn vinh giới phụ nữ Việt Nam, qua hình ảnh những người phụ nữ trong phái đoàn ngoại giao đấu tranh cân não, bền bĩ trong hội nghị Paris.
Trong những cuộc họp biên soạn lịch sử Phụ nữ Nam Bộ, các dì khẳng định: “Nếu trong cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân ta, trên mặt trận đấu tranh chính trị có “đội quân tóc dài, thì trên mặt trận đấu tranh ngoại giao nhằm tranh thủ các lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng có sự góp phần không nhỏ và không kém phần vẻ vang của những “tà áo dài Việt Nam”. Khi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, ngoài thành tựu công tác ngoại giao nhân dân, phụ nữ đã đóng góp vai trò tích cực trên lĩnh vực ngoại giao Nhà nước. Giới phụ nữ Việt Nam rất tự hào khi lần đầu tiên có một phụ nữ giữ chức vụ Bộ trưởng ngoại giao trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cũng từ đó, bà bước vào trận chiến cam go, trên mặt trận không tiếng súng nhưng không kém phần khốc liệt, nghiệt ngã mà vũ khí là trí tuệ, bản lĩnh, đoàn kết với vẻ đẹp sâu thẳm của những người phụ nữ “Vừa hiền vừa dịu lại vừa tươi” trong những tà áo dài Việt Nam mềm mại, uyển chuyển. Trong hồi ký, bà Nguyễn Thị Bình gọi đây là một mặt trận đặc biệt của cuộc chống Mỹ cứu nước, một nhiệm vụ nặng nề, “một trang rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động của tôi”.
Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình (hàng đầu, ngồi, thứ 3 từ trái) – một trong bốn bên ký vào Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, ngày 27/01/1973. Ảnh tư liệu
Thật ra, hoạt động ngoại giao của bà Nguyễn Thị Bình đã bắt đầu từ những chuyến đi ra nước ngoài từ đầu những năm 1960, khi bà từ vai trò thư ký của bà Nguyễn Thị Thập – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được đưa về bộ phận đối ngoại của Ban Thống nhất, khi mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời. Tháng 6/1962, tà áo dài Việt Nam trên mặt trận đối ngoại đầu tiên xuất hiện tại Đại hội Thanh niên sinh viên quốc tế ở Ba Lan, do bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn đại biểu sinh viên miền Nam Việt Nam. Tháng 3/1963, đoàn đại biểu phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam gồm 3 nữ đại biểu do bà Nguyễn Thị Bình với danh nghĩa Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam dẫn đầu dự Đại hội phụ nữ thế giới tại Mác-xcơ-va (Liên Xô cũ) khiến hàng ngàn đại biểu các nước có mặt trong hội trường sững sờ trước những người phụ nữ Việt Nam mảnh mai trong những tà áo dài nói về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở miền Nam Việt Nam. Cả hội trường lặng đi, sau đó vỡ òa những giọt nước mắt vì xúc động, căm phẫn. Tại hội nghị này, lần đầu tiên hai đoàn phụ nữ miền Nam và miền Bắc Việt Nam gặp đoàn phụ nữ Mỹ, mở đầu cho những cuộc gặp gỡ sau này, giữa những người phụ nữ ở hai trận tuyến có chồng, con bị chết trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bình (hàng đầu, trái) dẫn đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam thăm một nhà máy ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên
Theo yêu cầu các bạn Mỹ và sự giúp đỡ trung gian của các bạn phụ nữ Indonesia, tháng 7/1965, tại Gia-các-ta, đoàn miền Nam do bà dẫn đầu gồm 5 chị và đoàn miền Bắc cũng 5 chị, hợp thành đoàn với 10 tà áo dài gặp đoàn phụ nữ từ nhiều bang nước Mỹ sang để “tìm hiểu gương mặt của kẻ thù”. Các chị được tổng thống Su-các-nô tiếp tại lâu đài Bô-go. Những người phụ nữ Mỹ thật kinh ngạc trước “gương mặt kẻ thù” lại là những người phụ nữ khả ái trong những tà áo dài mềm mại, tha thướt. Nhiều phụ nữ Mỹ đã bật khóc khi nghe những “tà áo dài” Việt Nam kể về nỗi đau khổ phụ nữ và trẻ em Việt Nam phải gánh chịu trong chiến tranh. Kết quả cuộc gặp gỡ lịch sử ấy là một bản tuyên bố thật xúc động, được các chị đọc trước báo chí Indonesia và thế giới, đòi chính phủ Johnson chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Cuối năm 1965, bà Nguyễn Thị Bình lại dẫn đầu đoàn Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam sang Châu Âu. Sau khi dự khóa họp Hội đồng Liên đoàn phụ nữ Dân chủ thế giới tại Áo, đoàn được phụ nữ Pháp mời dự đại hội. Cùng tham gia trong đoàn có Mã Thị Chu, Nguyễn Ngọc Dung và Phạm Thanh Vân (Bình Thanh). Bốn “tà áop dài” dử dụng ngôn ngữ Pháp thành thạo để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người trên đất Pháp. Sau này, nhiều đoàn ngoại giao nhân dân do những người phụ nữ trong những tà áo dài mềm mại đi các nước tố cáo tội ác cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam như vụ Sơn Mỹ, ba Làng An… Sự đối lập ấy gây nên hiệu quả mạnh mẽ cho phong trào ủng hộ hòa bình ở Việt Nam.
Những “tà áo dài” tham gia ngoại giao cấp nhà nước chính thức từ sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, khiến tổng thống Nixon chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự kiện bà Nguyễn Thị Bình nhận trách nhiệm Bộ trưởng Bộ ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ tại hội nghị Paris gây ra cơn bão truyền thông với báo chí Pháp và quốc tế. Trước đó vài hôm, báo chí được tin đã săn lùng hình ảnh và tiểu sử của vị trưởng đoàn “Việt Cộng” là một phụ nữ. Có báo còn đưa nhầm ảnh và tiểu sử bà Nguyễn Thị Định. Các dì cựu cán bộ ngoại giao lại rất thú vị về sự nhầm lẫn này: “Một sự nhầm lẫn làm chúng tôi tự hào về hai chị, đại diện tài ba và kiệt xuất của giới nữ miền Nam Việt Nam khiến đối phương biết đến và kiêng nể!”. Các dì xúc động nhớ lại: “Phi trường Orly nước Pháp ngày 4/11/1968 như sôi động hẳn lên trong quang cảnh tiếp đón phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mà người đại diện lại là một phụ nữ với gương mặt khả ái, vóc dáng thanh mảnh trong chiếc áo dài Việt Nam xuất hiện trước rừng người hiếu kỳ với phong thái trầm tĩnh, đĩnh đạc. Trước đội quân báo chí thế giới, chị đã đọc lời tuyên bố nói lên thiện chí của Mặt trận khi đến bàn hội nghị”.
Bà Nguyễn Thị Bình (thứ hai từ trái) cùng Bà Nguyễn Thị Định (thứ ba từ trái) sau ngày hòa bình
Suốt 4 năm hội nghị Paris, bà Nguyễn Thị Bình được một nhà báo phương Tây phong tặng danh hiệu “Bà hoàng Việt Cộng”. Bên cạnh bà còn có 4 “tà áo dài” thanh mảnh nhưng đầy trí tuệ, bản lĩnh. Đó là bà Đỗ Duy Liên, Nguyễn Thị Chơn, Nguyễn Ngọc Dung, Phạm Thanh Vân (Bình Thanh). Tần suất làm việc của năm “nữ tướng” dày đặc. Ngoài những phiên họp thứ năm hàng tuần, các thành viên trong đoàn phải tiếp xúc với nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới tìm đến tìm hiểu lập trường của chính phủ ta, trả lời phỏng vấn báo chí với những câu hỏi nhạy cảm. Các “tà áo dài” không chỉ đi khắp nước Pháp mà còn thay phiên nhau đi các nước châu Âu, châu Mỹ giới thiệu giải pháp 10 điểm của chánh phủ Cách mạng tại bàn Hội nghị Paris. Gót chân bé nhỏ của những người phụ nữ, những tà áo dài Việt Nam những năm tháng ấy đã thuyết phục, thu phục nhiều trái tim yêu cái đẹp và hòa bình trên thế giới, góp phần đấu tranh thắng lợi ngoại giao trong hiệp định Paris nhưng những căng thẳng, thử thách với những người phụ nữ ấy thật quá sức tưởng tượng. Chỉ một cái tên gọi, một khái niệm đưa ra bàn hội nghị, trong các cuộc họp báo cũng đủ làm các chị thức trắng đêm trăn trở, thảo luận. Những tà áo dài phải hy sinh hạnh phúc riêng tư, xa gia đình, lao vào cuộc chiến cân não trên xứ người trong điều kiện vật chất chính phủ ta lúc đó còn rất khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bình đã chia sẻ trong hồi ký: “Chúng tôi sống rất đạm bạc. Có những nhà báo muốn quay phim cảnh sinh hoạt, ăn ở của trưởng đoàn “Việt Cộng”, chúng tôi kiên quyết từ chối, lấy lý do phong tục Việt Nam không cho phép đưa công khai sinh hoạt riêng tư của phụ nữ. Thực tế là chúng tôi khó lòng cho họ xem chỗ ở của tôi và Bình thanh, trên gác thượng sát mái, chỉ có hai cái giường sắt như ở bệnh viện. Có nhà báo tò mò hỏi tôi đi may áo dài ở đâu, làm tóc ở đâu, chăm sóc sắc đẹp ở đâu, tôi tìm cách đối đáp cho qua chuyện…”.
Những tà áo dài ở hội nghị Paris chỉ có một bí quyết duy nhất: “Để có được những lý lẽ sắc bén đấu tranh trên bàn đàm phán và tranh thủ được dư luận rộng rãi, chúng tôi thường tìm đọc các sách lịch sử thế giới, và nhất là lịch sử nước ta. Tôi đặc biệt thích đoạn nói về thời Lê Lợi – Nguyễn Trãi thế kỷ thứ XV. Cách đây 500 năm, tổ tiên ta đã tổ chức hiệp đồng đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao rất tài tình. Thật tuyệt vời là những bức thư ngoại giao lúc mạnh mẽ, lúc mềm dẻo của Nguyễn Trãi vừa gây sức ép vừa thuyết phục đối phương rút quân về nước. Gần sáu thế kỷ sau, đúng là chúng ta đang đi theo truyền thống đánh giặc vừa cực kỳ anh dũng vừa hết sức thông minh của cha ông”.
Chúng ta tự hào về những người phụ nữ vừa xinh đẹp, thông minh trong những tà áo dài mềm mại, tha thướt nhưng có sức mạnh hơn nhiều đoàn quân khi ra trận.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 3 năm 2017
Trầm Hương