Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vĩ đại, thần thánh nhất của lịch sử dân tộc ta; sự kiện lịch sử, chính trị, xã hội nổi bật, đậm dấu ấn của thế giới trong thế kỷ XX. Thắng lợi của cuộc kháng chiến là thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, thắng lợi của sức mạnh toàn dân tộc. Sức mạnh chiến thắng này có phần đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ Việt Nam, đã hăng hái tham gia phong trào thi đua“phụ nữ ba đảm đang” vừa bảo vệ hậu phương vững chắc, tích cực tăng gia sản xuất, bảo đảm cho quân đội ta ăn no đánh thắng quân xâm lược, vừa giết giặc nơi tuyền tuyến. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 kéo dài gần 5 tháng gồm 2 đợt tiến công, “đội quân tóc dài” nổi tiếng của phụ nữ Nam bộ trong đó có phụ nữ Sài Gòn – Gia Định đã kiên cường, dũng cảm, mưu trí,.. đấu tranh trực diện với Mỹ- ngụy làm cho chúng khiếp sợ. Gương chiến sĩ, chiến đấu của các mẹ, các dì, các chị mãi mãi là bài ca bất diệt, sáng ngời phẩm chất anh hùng cách mạng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết. Đây là kết quả của 9 năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ của nhân dân cả nước, trong đó có phần đóng góp lớn lao của nhân dân Nam bộ. Đối với Cách mạng Việt Nam, thắng lợi này vô cùng to lớn: một nửa đất nước hoàn toàn tự do độc lập và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhưng đối với miền Nam nói chung và Nam bộ nói riêng thì đây là thời kỳ khó khăn thử thách rất lớn, trước mắt là tình trạng không có chính quyền, không có lực lượng vũ trang và phải đối diện với chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ có xu hướng chống cộng cực đoan, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài nước ta. Cả dân tộc ta lại bước vào chiến đấu chống xâm lược mới.
Thực hiện đường lối chiến lược và phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi” (chính trị, quân sự, binh vận) của Đảng, có thể nói đấu tranh chính trị tiêu biểu nhất, sáng tạo nhất của phụ nữ Nam bộ là đấu tranh trực diện của “Đội quân tóc dài” – đội quân đặc biệt này xuất hiện từ cao trào Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960, sau đó lan rộng toàn miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, vùng tạm chiếm đến trung tâm đô thị Sài Gòn. Nội dung, hình thức đấu tranh, tổ chức đội ngũ của đội quân tóc dài luôn thay đổi, biến hoá linh hoạt, thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể. Ngoài ra, các cuộc đấu tranh chống bắt lính, chống dồn dân lập “ấp chiến lược”, chống bắn pháo, rải chất độc hóa học, đấu tranh đòi bồi thường nhân mạng… diễn ra ở khắp nông thôn miền Nam. Ở nội thị, nữ công nhân, sinh viên học sinh, tiểu thương, trí thức, ni sư Phật tử … biểu dương lực lượng và khí thế cách mạng, xuống đường giương cao biểu ngữ. Vũ khí đấu tranh của họ không phải là súng đạn, mà chủ yếu là lòng yêu nước, là tinh thần quật khởi của phụ nữ Nam bộ. Các mẹ, các dì, các chị luôn có mặt trong nhiều cuộc mít tinh, biểu tình quyết đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai Mỹ. Vì thế, khi các chiến sĩ Cách mạng trong đó có các chiến sĩ nữ, kể cả hội viên phụ nữ và quần chúng Cách mạng bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn rất dã man trong trại giam, nhà tù, tưởng như sức người không thể vượt qua được, nhưng các mẹ, các dì, các chị vẫn kiên cường một lòng một dạ với cách mạng, cố sức vượt qua mọi cực hình giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.
Phụ nữ Nam bộ đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến thắng trên các lĩnh vực: tình báo, chính trị, phụ vận, giao liên, vũ trang, phục vụ chiến đấu. Bằng sự quả cảm, gan dạ phụ nữ Nam bộ đã góp một phần xương máu của mình để làm nên chiến thắng lịch sử đầy tự hào của dân tộc và trong chiến dịch Mậu Thân 1968 như: nữ tình báo Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Yên Thảo), người đã dũng cảm mưu trí cứu đồng chí Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang, cụm trưởng tình báo H.63) thoát khỏi vòng vây của kẻ thù trong đêm mùng 3 Tết Mậu Thân; chị Giáp Thị Thanh Tiến – nữ thanh niên xung phong đội Hoàng Lệ Kha tại suối Bà Tiên (Tây Ninh) cùng đồng đội tìm những tấm ván nhà kho của hậu cần bỏ lại trong rừng, kê mình làm trụ cầu cho bộ đội cáng thương đi qua; chị Lê Thị Bạch Cát (công tác tại Thành đoàn Sài Gòn) trong tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, chị đã chỉ huy tổ vũ trang tuyên truyền Quận 4 phát động quần chúng nổi dậy đánh vào hẻm Hiệp Thành tại bến Vân Đồn, chuẩn bị vũ trang liên Quận 2 và 4, chỉ huy cùng các cụm, các điểm ém quân khác quyết chiến đấu giữ trận địa chờ các cánh quân của ta tiến vào theo kế hoạch tấn công đồng loạt vào các cơ quan đầu não ngụy quyền Sài Gòn. Chị cùng đội vũ trang bị bọn cảnh sát dã chiến và cảnh sát (Quận 2 cũ) phát hiện bao vây song vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội chiến đấu cầm cự với địch, tìm cách rút lui để bảo toàn lực lượng và dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ngoài ra, còn rất nhiều các cuộc biểu tình như: cuộc biểu tình của Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ tổ chức tại Sài Gòn năm 1968; đội nữ biệt động Phân khu 6 nghiên cứu bản đồ quận 7 trong Mậu Thân 1968,…
Phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, Hội phụ nữ và quân Giải phóng đã huy động lực lượng lớn nhân dân, chủ yếu là phụ nữ trên địa bàn các tỉnh miền Đông tham gia phục vụ cho tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Nhiệm vụ của lực lượng này là vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm vào nội đô cất giấu trước và cứu thương, tải thương khi chiến sự nổ ra, và xây dựng “hũ gạo nuôi quân”. Lực lượng quần chúng kết hợp với các đơn vị vận tải đã chuyển hàng trăm tấn hàng từ vùng Mỏ Vẹt xuống vùng tây nam Sài Gòn. Hội phụ nữ cùng quân Giải phóng đã huy động hàng trăm xe bò chở hàng từ Mỏ Vẹt xuống Hóc Môn, Gò Vấp. Huyện Đức Hòa có phong trào xây dựng “hũ gạo nuôi quân”. Trước Tết Mậu Thân, mỗi gia đình để sẵn năm lon gạo đón chủ lực, sau đó, cứ mỗi tuần lại quyên góp một lần (do Hội phụ nữ phát động). Từ quần chúng cách mạng nhiều mẹ, chị, em phụ nữ Nam bộ đã trưởng thành do được trang bị và huấn luyện để hình thành các đội võ trang, biệt động tấn công vào các mục tiêu của địch, tích cực tham gia trong lực lượng đấu tranh chính trị, phụ vận, giao liên…Bằng những bàn tay yêu nước của phụ nữ Nam bộ nói chung và phụ nữ Sài Gòn-Gia định nói riêng hàng ngàn những chiếc hầm bí mật đã được đào trong những ngôi nhà ngay trong lòng địch, những bờ kênh, rạch,.. những nơi trú ẩn của cán bộ, bộ đội, du kích, thương binh được hình thành từ những bàn tay khéo léo góp phần quan trọng trong việc giữ gìn sự an toàn cho cán bộ, bộ đội, bảo tồn lực lượng cách mạng. Có nhiều cơ sở che dấu cán bộ bị lộ, nhiều hầm bí mật bị tìm ra, chúng bắt cả gia đình xét hỏi, tra tấn đánh đập và có cả trường hợp chúng đốt nhà, bắn chết tại chỗ nhưng tinh thần yêu nước, khí tiết dũng cảm của những nữ chiến sĩ cộng sản càng mãnh liệt và vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân Nam bộ và người dân đô thị Sài Gòn-Gia định.
Chính quyền Ngô Đình Diệm muốn loại trừ triệt để những người cộng sản còn lại ở miền Nam bằng những chiến dịch tố cáo cộng sản nằm vùng và thực hiện khẩu hiệu: “đồng tâm diệt cộng”, “tiêu diệt cán bộ nằm vùng”, “tiêu diệt cộng sản tận gốc”, “giết nhầm còn hơn bỏ sót”,…Ngô Đình Diệm đã tuyên bố: “Thấy cộng sản ở đâu là phải bắn bỏ ngay, thấy ai tuyên truyền cho cộng sản cũng bắn bỏ ngay”. Vì thế, người dân sống dưới chính quyền Ngô Đình Diệm vô cùng ngột ngạt và sợ hãi vì ngày đêm luôn bị tra hỏi, rình rập, bắt bớ,… nên không chỉ nam giới mà nhiều chị, em phụ nữ đã thể hiện rất rõ lòng căm thù bè lũ cướp nước và bán nước bằng hành động cụ thể: sẵn sàng thoát ly gia đình để tham gia cách mạng như hai chị em chị Ba Nhung sống ở Sài gòn- Gia định đã xung phong vào đơn vị biệt động đội 10 từ khi 17 tuổi và nổi tiếng với những lần qua mắt địch, mật thám một cách thông minh, dũng cảm khiến địch nhiều phen ngỡ ngàng và khiếp vía. Để qua mặt địch, những chuyến hàng đầu tiên từ Hóc Môn về Sài Gòn là chị Ba Nhung chở hoa quả, trái cây. Sau nhiều lần kiểm soát, quân địch tin chị là người buôn bán trái cây nên không để ý. Từ những sơ hở này của địch, chị Ba Nhung phối hợp cùng đồng đội vận chuyển thành công các loại vũ khí từ Hóc Môn về cơ sở, chuẩn bị cho tiến công Mậu Thân 1968. Đồng thời, chị còn phụ trách Trung đội nữ cối 60 ly (đóng quân ở huyện Bình Chánh) vừa tham gia chống càn khi địch bung ra, vừa chủ động tiêu hao sinh lực địch. Giữa lúc chiến sự đang “nóng”, địch truy quét dữ dội, tăng cường phi cơ, pháo binh bắn phá đêm ngày. Trung đội nữ cối 60 ly ba lần phối hợp với đơn vị nam chống càn, bẻ gãy các cuộc càn, diệt nhiều tên, trong đó có hai lần chị tổ chức chỉ huy tiếp cận đồn Kiều Công Mười, dùng cối 60 ly, mỗi lần bắn 30 quả vào đồn, diệt 16 tên tại trận và nhiều tên khác bị thương khiến địch vô cùng hoảng sợ.
Hòa nhịp với phong trào chung của nhân dân, phụ nữ Nam bộ nói chung và phụ nữ Sài Gòn-Gia định nói riêng còn nêu cao vai trò và biểu dương lực lượng của mình với tinh thần mưu trí, sáng tạo trong phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, lập nhiều chiến công. Bất chấp kẻ thù khủng bố dã man những ai liên hệ và che giấu cộng sản; pháo đài là lòng dân được dựng lên khắp mọi nơi. Những chiếc hầm bí mật không chỉ mọc lên ở các làng quê mà ngay đô thị, hang ổ của kẻ thù. Các mẹ, các dì, các chị đã gan dạ, táo bạo đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ ngay trong chính gia đình mình. Đặc biệt có những mẹ, dì đưa cả tiểu đội về nhà bảo bọc hàng tháng trời… đồng thời vận động nhân dân đi đấu tranh trực diện, nắm tin tức của địch, báo cáo kịp thời cho bộ đội, góp phần đắc lực cho anh em diệt địch…
Trong buổi đầu mới tổ chức hình thành các đơn vị vũ trang tập trung, Hội Liên hiệp phụ nữ ở các tỉnh, thành đã lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo cho lực lượng vũ trang về mọi mặt như tổ chức học tập chính trị, mở trường lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ tiểu đội, trung đội trưởng, các lớp đào tạo cứu thương, y tá, vận động quần chúng ủng hộ nuôi quân, tổ chức các hội mẹ, hội chị thăm hỏi động viên bộ đội,…. Công tác vận động nuôi quân đặc biệt được chị em phụ nữ hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, vô cùng cảm động. Có chị sẵn sàng cùng chồng, con cầm ruộng lấy tiền ủng hộ cán bộ, bộ đội. Đồng bào ở các tỉnh, thành cũng rất tích cực đóng góp tiền của thuốc men ủng hộ cách mạng. Tuy xa xôi, cách trở với đất liền nhưng từng xuồng lương thực, vật dụng, thuốc men bằng mọi cách vẫn được vận chuyển về Rừng Sác, nơi tập kết của quân ta… Những việc làm cao đẹp của các mẹ, các chị đối với các chiến sĩ không thể nào kể hết và Bác Hồ, vị cha già của dân tộc luôn động viên và ghi nhận công lao to lớn đó: “Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp đỡ thương binh đã hòa lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối yêu thương không bờ bến mà giúp đỡ chiến sĩ và săn sóc thương binh như con ruột của mình”.
Trong chiến tranh hiện đại luôn cần có sự kết hợp biện pháp quân sự với chính trị và công tác binh vận mới đem lại hiệu quả thiết thực, vì binh vận là một mũi đấu tranh vô cùng lợi hại trong chiến pháp ba mũi giáp công. Công tác binh vận ở Nam Bộ được tiến hành không chỉ nhằm vào binh lính mà còn nhằm vào gia đình binh sĩ. Với bản năng dịu dàng, khôn khéo của phụ nữ các mẹ, các chị dễ dàng tiếp cận, tranh thủ binh lính địch. Sức mạnh chính nghĩa, tinh thần yêu nước và dân tộc được các mẹ, diễn đạt bằng ngôn ngữ dễ hiểu, giản dị, thân tình, chỉ rõ đâu là kẻ thù cướp nước, đâu là con đường cùng của bè lũ tay sai. Từ những tác động ấy, những người lính trong hàng ngũ ngụy quân khi nhận ra con đường chính nghĩa đã vứt bỏ vũ khí quay về với nhân dân. Nhiều cuộc đấu tranh chính trị đã vận động được sự đồng tình của các gia đình binh sĩ cùng tham gia. Những gia đình binh lính ngụy không bị xem là đối tượng của cách mạng mà luôn được động viên, cảm thông, chia sẻ. Từ sự cảm thông, không phân biệt đối sử ấy, chính gia đình đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần của anh em binh sĩ. Hiện tượng đào ngũ trong quân đội ngụy quyền ngày càng nhiều. Theo ước tính của cố vấn Mỹ thì con số đó lên đến khoảng hơn mười phần trăm. Vào những thời điểm ác liệt con số đó tăng lên gấp bội. Nhiều đồn giặc nhờ công tác binh vận của các mẹ, các dì, các chị mà bị tiêu diệt không tốn một viên đạn. Binh lính ngụy quyền quay về với nhân dân bằng nhiều hình thức, từ trung lập hóa, đào rã ngũ đến cung cấp tin tức cho bộ đội, làm nội ứng, binh biến, mang súng về với cách mạng trên khắp các tỉnh thành Nam bộ bước vào thời kỳ đấu tranh vũ trang chống kẻ thù.
Hòa chung với khí thế cách mạng dâng lên ngày càng mạnh mẽ, phong trào cách mạng của các tầng lớp chị em phụ nữ trên khắp các tỉnh Nam Bộ cũng có những bước phát triển mới, nhất là phong trào đấu tranh chính trị và binh vận với hình thức công khai tuyên truyền cách mạng đưa tài liệu truyền đơn nêu rõ chính sách của Mặt trận và Chính phủ Cách Mạng lâm thời vào các đồn bót lính bảo an và dân vệ đóng quanh khu vực sở. Một số đơn vị lính ngụy đang thế suy yếu buộc phải chấp nhận mọi qui ước do ta đề ra. Nắm tình hình cách mạng miền Nam lúc ấy, Hội nghị Trung ương lần thứ XXI của Đảng xác định: “dù phát triển theo khả năng nào, con đường cách mạng Việt Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, kiên quyết phản công và tiến công, giữ vững và phát triển thế chủ động về mọi mặt của ta, đánh bại các cuộc hành quân của địch đánh chiếm vùng giải phóng hoặc bình định”. Phối hợp ba mũi chính trị, quân sự và binh vận liên tục tiến công địch. Những cuộc tấn công dồn dập của bộ đội và các đội trinh sát vũ trang đã tạo nên thế và lực để cách mạng tiến lên giải phóng từng vùng, từng bộ phận. Đồng thời đánh thẳng vào các căn cứ xuất phát hành quân hậu cứ, kho tàng…nhằm làm suy yếu địch toàn diện, tạo ra bước ngoặt mới về tương quan thế và lực có lợi cho ta. Phụ nữ Nam bộ nói chung và phụ nữ Sài Gòn-Gia định nói riêng đã tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của với các phong trào mang tên “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, phụ nữ Nam bộ có mặt trên khắp các măt trận ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu như chiến trường Nam bộ. Những tổn thất lớn lao không thể bù đắp được đó là những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh như chị: Châu Thị Kiền, Nguyễn thị Tân, Nguyễn Thị Rẫy….ở Long An, chị Cẩm Y, Chị Bảy Hoa, chị Bảy Bê ở Biên Hòa, cùng biết bao những người mẹ, người chị hữu danh và vô danh tại các nhà tù Tân Hiệp, Thủ Đức, Chí Hòa, Côn Đảo đã thầm lặng dệt nên trang sử vẻ vang của dân tộc.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của đất nước đã trở thành một mốc son quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Để có ngày chiến thắng, hàng chục ngàn bà mẹ Việt Nam vĩnh viễn mất con, hàng ngàn người mẹ, người chị ở Nam bộ bị giam cầm, đọa đày trong các nhà tù ở miền Nam, hàng ngàn chị em hy sinh tuổi thanh xuân của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Khi đánh giá về sự cống hiến của phụ nữ Việt Nam cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sự tham gia của phụ nữ là nhân tố quyết định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh của dân tộc. Người viết: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc” “ Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ đang gánh một phần quan trọng”; “ Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”. Cùng với toàn quân, toàn dân, phụ nữ Nam Bộ trong đó có phụ nữ Sài Gòn – Gia Định đã đóng góp sức người, sức của với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” thêu dệt cho trang sử vàng của dân tộc thêm rạng rỡ . Các mẹ, các chị thật xứng đáng với tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Đảng, Bác Hồ và Nhà nước khen tặng./.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 3 năm 2023
TS Lê Thị Thanh Tâm
Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM
(Bài viết tham gia Toạ đàm khoa học năm 2017)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Đồng Nai (1930 -2000 )
- Thường vụ tỉnh ủy Long An, Long An- Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, NXB . Quân đội nhân dân, H. , 1994.
- Phụ nữ Long An- truyền thống và lịch sử, NXB. Hội LHPN Tỉnh Long An. Chủ biên: Trần Thị Hồng Chủ tịch Hội LHPN, Hội đồng biên soạn: Đỗ Thanh Hồng- Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh Long An.
- Thường vụ tỉnh ủy Long An, Long An – Lịch sử kháng chiến chống Mỹ , NXB . Quân đội nhân dân, H. , 1994.
- Thiếu tướng Huỳnh Công Thân, Ở chiến trường Long An, NXB. Quân đội nhân dân ,H., 1994.
- Viện Lịch sử quân sự , Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, NXB. Quân đội nhân dân, H., 1995.