‘Sống tiếp ước mơ’ day dứt phận người phụ nữ trong chiến tranh…
TTO – ‘Tôi lên chiếc xe bò đi nhận xác mẹ, khi đến nơi, dì chú tôi không nhận ra mẹ nhưng không hiểu sao tôi chạy ngay tới chỗ mẹ, vì tôi nhớ khi đi mẹ mặc chiếc áo màu nâu…’
‘Sống tiếp ước mơ’ day dứt phận người phụ nữ trong chiến tranh…
TTO – ‘Tôi lên chiếc xe bò đi nhận xác mẹ, khi đến nơi, dì chú tôi không nhận ra mẹ nhưng không hiểu sao tôi chạy ngay tới chỗ mẹ, vì tôi nhớ khi đi mẹ mặc chiếc áo màu nâu…’.
Chị Phan Thị Thắm (đứng, bên trái) và người chị là Phan Thị Đằm đang kể về trường hợp hy sinh của mẹ mình hồi năm Mậu Thân– Ảnh: L.Điền
“Chuyến đi nào của mẹ tôi cũng nhớ, nhưng chuyến cuối cùng tôi nhớ nhất dù lúc đó tôi chỉ mới 5 tuổi”…
Cả hội trường bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ lặng đi nhiều hồi khi nghe chị Phan Thị Thắm – con gái nữ liệt sĩ Trần Thị Hết – kể về nỗi mất mát quá lớn khi tuổi đời của cô và chị là Phan Thị Đằm hãy còn quá nhỏ.
Sự có mặt của hai chị em Phan Thị Đằm, Phan Thị Thắm cùng các nữ anh hùng lực lượng vũ trang, nữ cựu chiến binh, thương binh và thân nhân liệt sĩ tại chương trình giao lưu Sống tiếp ước mơ do Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ tổ chức sáng 25-7 như thêm một lần nhắc nhớ những thân phận người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh khốc liệt và mang nặng thiệt thòi.
Như trường hợp liệt sĩ Trần Thị Hết, cô là một trong số 32 nữ dân công hỏa tuyến đã hy sinh tại cánh đồng bưng Láng Sấu (Vĩnh Lộc – Sài Gòn) trong cái đêm định mệnh 20 tháng 5 âm lịch năm Mậu Thân 1968.
“Đêm đó mẹ gửi chúng tôi ở nhà dì Năm rồi ra đi. Chúng tôi xuống trảng xê, dì Năm nghe ngóng rồi lo lắng nói: Mà tụi con đi hướng đó không biết có sao không, vì máy bay bắn dữ quá”, chị Thắm kể trong nghẹn ngào.
“Mãi sau này tôi nghe kể lại, trước lúc hy sinh mẹ tôi có than rằng: “Con tui còn nhỏ quá mà tui hy sinh như vầy rồi ai nuôi tụi nó”. Cả hội trường lặng đi.
Tiếp lời em, chị Phan Thị Đằm nói thêm lúc đó chị mới 11 tuổi, người cha đi kháng chiến đã hy sinh năm 1967.
“Kể từ đó chị em tôi sống rất cơ cực, nương tựa nhà dì, rồi về nhà ông nội 1 năm, sau đó sống với chú thím, không được đi học, đến giải phóng mà mới học đến lớp 2-3”.
Một nữ cựu binh đã đi qua chiến tranh và đi từ Cà Mau lên TP.HCM dự giao lưu là Hồ Thị Sao – em ruột nữ anh hùng Hồ Thị Kỷ.
Bà Sao không còn nhớ nhiều chi tiết của cuộc chiến tại chiến trường Cà Mau khốc liệt, nhưng trong trí nhớ của bà vẫn hằn in hình ảnh người “chị Kỷ” dấu yêu:
“Hễ đi thì thôi, mỗi khi về nhà là chị vá từng chiếc quần chiếc áo cho bộ đội, cho thương binh. Chị dặn tụi tôi nếu chị hy sinh thì các em phải tiếp bước. Và dặn chúng tôi khi sống với mọi người phải nhớ câu “đi dân nhớ, ở dân thương”, bà Sao chia sẻ.
Bà Hồ Thị Sao kể lại những kỷ niệm lúc sinh thời của chị Hồ Thị Kỷ– Ảnh: L.Điền
Một trường hợp nữ liệt sĩ khác hy sinh trong điều kiện vô cùng khốc liệt được chính ông Phạm Chánh Trực – nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM – kể lại.
Đó là tấm gương nữ liệt sĩ Mười Thoa (Nguyễn Thị Sáu) – cán bộ Thành Đoàn, khi bị bắt vào tổng nhà cảnh sát năm 1970, cô Mười Thoa kiên quyết không khai đồng đội, ngay cả khi biết ông Phạm Chánh Trực cũng đã bị bắt, cô cũng không khai ra ông.
“Tôi bị bắt trước Mười Thoa nên không biết Mười Thoa cũng bị bắt. May mà Mười Thoa không khai ra tôi nên tôi còn được sống, và cơ sở của Thành Đoàn cũng nhờ đó mà không đi phá vỡ thêm.
Nhưng cũng vì không khai mà Mười Thoa bị tra tấn cho đến chết. Sự chịu đựng tra tấn đến chết của Mười Thoa có đồng 1 đồng chí chứng kiến và kể lại cho tôi”. Dịp đó còn có 2 nữ cán bộ Thành đoàn cũng anh dũng hy sinh vì không khai đồng đội, chính điều đó tạo cảm hứng để ông Phạm Chánh Trực viết bài thơTên em còn đóngay trong cachot nhà giam, như nén hương gửi đến ba người nữ cán bộ Thành đoàn.
Ông Phạm Chánh Trực đang đọc bài thơ gửi đến nữ liệt sĩ Mười Thoa, người chịu hy sinh để ông và đồng đội được sống– Ảnh: L.Điền
Buổi giao lưu còn các trường hợp cũng thật đặc biệt, đó là chị Trương Thị Kim Thư – con gái nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Năm. Mẹ Năm là gia đình nuôi giấu Biệt động Sài Gòn bị lộ hồi Mậu Thân, mẹ bị bắt vào tù và hy sinh.
Là nữ cựu binh Nguyễn Thị Hai từ Phan Thiết vào dự giao lưu.
Bà Hai có người cha theo kháng chiến nhưng được tổ chức gài lại làm công an trong chính quyền Sài Gòn chứ không đi tập kết.
Bản thân bà Hai theo du kích, làm quân báo và trong một lần giặc tấn công căn cứ bà bị bắn trọng thương mất một chân từ năm 19 tuổi…
Nữ thương binh Nguyễn Thị Hai đang kể lại một thời tuổi trẻ theo cách mạng rất đỗi hào hùng– Ảnh: L.Điền
Những câu chuyện về thân phận người phụ nữ trong chiến tranh vất vả kéo sang thời hậu chiến nhiều cơ cực như chưa có điểm dừng.
Nhà văn Trầm Hương – người thiết kế ý tưởng cho chương trình giao lưu – chia sẻ rằng còn nhiều câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh vừa đau thương khốc liệt nhưng cũng nhân văn đằm thắm mà bút mực các nhà văn chưa khai thác hết được.
Và bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã có một chương trình kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ thật nhân ái, nghĩa tình.
LAM ĐIỀN