Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, phụ nữ là lực lượng phục vụ chiến đấu trên mọi mặt trận, lòng yêu nước của phụ nữ không chỉ thể hiện qua những tấm gương chiến đấu anh dũng mà còn thể hiện qua nhiều hành động mang ý nghĩa thiết thực, việc may cờ giải phóng là một trong những nhiệm vụ mang ý nghĩa thiêng liêng và hết sức bí mật mà phụ nữ thường đảm nhiệm. Những lá cờ vững gan, bền chí ấy đã tung bay trên các nẻo đường vinh quang của Tổ quốc.
Lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chứa đựng khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc. Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Cờ giải phóng) được sử dụng từ năm 1960 đến năm 1975. Đây là lá cờ lấy khuôn mẫu của quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa và chia một nửa màu đỏ để thay bằng màu xanh. Lá cờ có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Nửa phần trên đại diện cho miền Bắc đã độc lập, nửa màu xanh dương tượng trưng cho miền Nam còn trong vòng kềm kẹp của Mỹ và chế độ Sài Gòn, song miền Nam đấu tranh cho khát vọng hòa bình, thống nhất (màu xanh hòa bình).
Tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, hiện đang lưu giữ nhiều lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do những người phụ nữ Nam Bộ may và cất giữ ngay trong lòng địch. Trong đó có lá cờ do bà Nguyễn Thị Thiệt may và cất giấu. Bà Nguyễn Thị Thiệt vừa đảm nhiệm công tác hậu cần, vừa ngày ngày bí mật may cờ giải phóng. Ngày đó, nguồn nguyên liệu rất khan hiếm, để có vải và các nguyên liệu để may cờ, bà và các anh em trong tổ công tác thường xuyên phải xuống địa bàn, liên hệ với các cơ sở. Do may cờ phải mua đến 3 loại vải: Xanh, đỏ, vàng lại thêm thời đó đi đâu cũng có tai mắt của đối phương, nên bà phải đề cao cảnh giác. Lúc đầu mỗi ngày, bà chỉ mua một ít vải, biết tiểu thương nào tốt bụng, đáng tin cậy, bà mới dám mua nhiều. Cứ một tuần mua một loại vải và mỗi lần chỉ mua một vài thước. Nếu nhà có gác thì bà sẽ leo lên đó may vào mỗi buổi tối. Có những lần địch tính xét nhà, bà phải mềm mỏng dung lời ngon ngọt. Nhiều lúc bọn tay sai nghi ngờ, tính vào kiểm tra, bà phải tìm cách né tránh. Lúc đó, bà sợ lắm, nhưng trách nhiệm với quê hương đất nước là trên hết.
Ngoài ra, còn có lá cờ của Bà Võ Hồng Điều, sử dụng trong ngày đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước 30/4/1975. Bà sinh năm 1940 quê ở xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Cửu Long, tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 2/1959 đến năm 1975 với bí danh Hồng Vân. Bà vừa trực tiếp tham gia đấu tranh trực diện vừa chỉ đạo phối hợp với các lực lượng học sinh, sinh viên, trí thức, chị em tiểu thương, cùng tham gia đấu tranh trong nội ô đòi dân sinh, dân chủ… Bà còn tập hợp chị em phụ nữ tham gia may cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và chuẩn bị cờ cho ngày toàn thắng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bà Võ Hồng Điều chịu trách nhiệm một mũi khởi nghĩa phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang tiến vào Dinh Tỉnh trưởng đấu tranh cùng với lực lượng quần chúng, góp phần giải phóng hoàn toàn thị xã Trà Vinh. Rạng sáng ngày 30/4/1975, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã được bà cùng với đồng đội treo khắp nơi báo hiệu kháng chiến đã thắng lợi.
Cờ giải phóng, bà Võ Hồng Điều cầm cờ cùng bà con thị xã Trà Vinh kéo ra đường hòa vào dòng người nô nức trong niềm vui đại thắng đất nước ngày 30/4/1975
Cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam của Bà Nguyễn Thị Thiệt may và cất giấu những năm kháng chiến chống Mỹ
Những lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam cứ thế được các mẹ, các chị ở khắp các tỉnh miền Nam âm thầm tự may để chuẩn bị cho các cuộc nổi dậy, tổng khởi nghĩa. Một trong những người phụ nữ đã tự may những lá cờ chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 là bà Nguyễn Thị Đại. Nhà bà có sẵn máy may nên bà thường xuyên may quần áo, quân trang, quân phục cho bộ đội. Ở trong cơ sở cần may áo quần thì bà may áo quần, cần may cờ thì bà may cờ nhưng giặc tới thì bà bí mật giấu đi, bà thường may vào ban đêm. Khi may mà nghe tiếng động là giấu hết và cất xuống hầm giấu kỹ; Bà Lê Thị Sên, xã Tân Thành, Biên Hòa cựu nữ tù chính trị tại nhà lao Tân Hiệp cũng đã tự may và sử dụng cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 và trao tặng cho bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ như kỷ vật ký ức của một thời khói lửa chiến tranh
Với những lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là sự minh chứng sống động cho những năm tháng hào hùng của người phụ nữ miền Nam sống và chiến đấu vì đất nước, là di sản văn hóa trong tinh thần và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam đồng thời cũng chính là thông điệp để thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay hiểu, tự hào và tiếp nối truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của ông, cha.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Huỳnh Thị Kim Loan
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo
1.Tư liệu hình ảnh Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
- baotangphunu.org.vn