NỮ TƯỚNG NGUYỄN THỊ ĐỊNH – CHÂN DUNG MỘT HUYỀN THOẠI

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17/01/1960-17/01/2020)- phong trào khởi nguồn cho các hoạt động đấu tranh và hình thành nên “Đội quân tóc dài” khắp các tỉnh, thành miền Nam sau này; Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu đến bạn đọc một số bài viết tham gia tọa đàm khoa học, chủ đề: “Vai trò của Đội quân tóc dài trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, nhằm giúp cho bạn đọc hiểu rõ phần nào về phong trào Bến Tre Đồng khởi, về đội quân tóc dài và về nữ tướng Nguyễn Thị Định- Nguyễn Thị Định là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre – người lãnh đạo chủ chốt của phong trào này.

Lịch sử Việt Nam thật đặc biệt. Những anh hùng đầu tiên của dân tộc phất cờ khởi nghĩa giành quyền độc lập cho dân tộc lại là những người phụ nữ: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cơn nguy biến của triều đại, của dân tộc, lại chính những người phụ nữ đứng ra gánh vác: Thái hậu Trần Thị Dung của nhà Lý với cuộc chuyển ngôi hòa bình từ nhà Lý sang nhà Trần, tổng chỉ huy cả hoàng tộc rút khỏi kinh thành Thăng Long trong cuộc chiến chống quan Mông Cổ; An Tư Công chúa gạt nước mắt sang trại giặc để lui bước quân thù. Trong công cuộc mở cõi của dân tộc Việt về phương Nam ghi dấu ấn và công lao vĩ đại của những bậc anh thư Huyền Trân Công chúa, Bà Ngọc Khoa, Ngọc Vạn. Đặc biệt, trong thế kỷ XX, khi đất nước trong cơn nghiêng ngả, đã xuất hiện rất nhiều những người phụ nữ anh hùng, một trong những người phụ nữ như một huyền thoại ấy chính là nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1936, khi vừa tròn 16 tuổi, được sự dìu dắt của người anh trai, bà Nguyễn Thị Định đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó cho đến hết cuộc đời mình, bà Nguyễn Thị Định đã giành tất cả sức lực, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, cho lý tưởng cao đẹp mà suốt cả cuộc đời bà đã trung thành cho đến hơi thở cuối cùng.

Cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc của dân tộc trong thế kỷ XX ở Việt Nam là cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt này đã hằn biết bao gương mặt những người phụ nữ. Chiến tranh là chết chóc, điêu tàn, là đau khổ thì với người phụ nữ, sự đau khổ ấy phải nhân lên rất nhiều lần, bà Ba Định – Nguyễn Thị Định cũng là một người trong số đó. Chồng bà, ông Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre đã bị mật thám đến vây nhà bắt khi bà mới sinh con 3 ngày để rồi sau đó ông bị kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo. Ông đã hi sinh tại Côn Đảo sau đó không lâu.

Tháng 7 năm 1940, chính bà Nguyễn Thị Định và con trai mới 7 tháng tuổi của mình lại bị mật thám lùng bắt và đưa về giam giữ tại Bến Tre. Người mẹ trẻ ấy đã phải gửi lại con nhỏ của mình trước khi bị chính quyền thực dân đưa đi đày ở tỉnh Bình Phước. Năm 1943, bà Nguyễn Thị Định ra khỏi nhà tù của chế độ thực dân và đã ngay kịp thời bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Trong cuộc giành chính quyền năm 1945, bà chính là người đi đầu dẫn hàng nghìn người dân tiến vào giành chính quyền ở thị xã Bến Tre. Ngày 23/9/1945, khi nhân dân miền Nam mới được hưởng độc lập tự do hơn 20 ngày, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, tiếng súng kháng chiến lại rền vang trên bầu trời Nam Bộ. Tháng 3/1946, bà cùng với đoàn cán bộ miền Nam vượt biển ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ, xin chi viện đưa được 12 tấn vũ khí về miền Nam. Con đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được thành lập ngày 23/10/1961. Tuy nhiên, chính những con người Nam Bộ quả cảm trong đoàn quân năm ấy của bà Nguyễn Thị Định chính là những người đã “khai sơn, phá thạch” cho con đường huyền thoại này về sau. Năm 1954, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre.

Sau chiến thắng của quân và dân Việt Nam trên chiến trường Điện Biên Phủ, thực dân Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Geneve. Sau Hiệp định Geneve, rất nhiều những người kháng chiến tập kết ra miền Bắc. Bà Nguyễn Thị Định đã gửi người con trai duy nhất của mình với người chồng liệt sĩ mà xác còn chưa tìm thấy khi hi sinh ở Côn Đảo ra miền Bắc, bà tình nguyện ở lại miền Nam chiến đấu. Cuộc chia ly này cũng là cuộc chia ly vĩnh viễn giữa bà và người con trai duy nhất ấy. Năm 1960, giữa chiến trường khói lửa khốc liệt ở miền Nam, bà nhận được tin người con trai duy nhất của mình vĩnh viễn ra đi vì trọng bệnh. Phải sau ngày bà từ trần, mẹ con bà lại mới được đoàn tụ bên nhau tại Nghĩa trang Thủ Đức – Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm treo giải thưởng 10 nghìn đồng cho ai bắt hoặc giết được Nguyễn Thị Định. Nhờ sự che chở, đùm bọc của Nhân dân mà bà đã thoát khỏi mọi sự truy lùng, bắt bớ của kẻ thù. Ngày 17/01/1960 đánh dấu bằng sự kiện đồng khởi Bến tre, sau đó lan ra toàn miền Nam. Cuộc đồng khởi Bến Tre bắt đầu từ huyện Mỏ Cày, khi ấy bà Nguyễn Thị Định là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre – người lãnh đạo chủ chốt của phong trào này. Trong phong trào đồng khởi sôi động ấy đã xuất hiện một đội quân đặc biệt: Đội quân tóc dài. Tên tuổi của bà Nguyễn Thị Định gắn với gắn với phong trào Đồng khởi Bến Tre, với Đội quân tóc dài”. Từ sau Đồng khởi, bà Nguyễn Thị Định lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre; Khu ủy viên Khu 8; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam…

Năm 1965, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh đã truyền đạt ý kiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rút bà Nguyễn Thị Định sang công tác bên quân đội và đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Định đã giữ cương vị suốt 10 năm cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Mười năm bà giữ cương vị Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là 10 năm khốc liệt của cuộc chiến đấu ở miền Nam. Rất nhiều các hồi ký của những người từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam bên cạnh bà Ba Định đều nhớ hình ảnh người nữ tướng vá áo cho chiến sĩ, chăm lo từng giấc ngủ của những người lính trẻ giữa chiến trường. Ngày 17/4/1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, nữ tướng Nguyễn Thị Định lần lượt giữa nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… Trên cương vị của mình, bà Ba Định – Nguyễn Thị Định đã có nhiều đóng góp trong công tác thương binh, liệt sĩ, công tác đền ơn áp nghĩa…Trong công cuộc đổi mới đất nước, bà Nguyễn Thị Định đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

Ngày 26/8/1992, trái tim của vị nữ tướng huyền thoại Nguyễn Thị Định ngừng đập. Sinh thời, bà Nguyễn Thị Định nhận được rất nhiều tình cảm quý mến, quý trọng của các tầng lớp Nhân dân, của bạn bè quốc tế. Từ năm 1968, bà Nguyễn Thị Định đã được nhà nước Liên Xô trao giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin. Sau khi bà qua đời 3 năm, ngày 30-8-1995, bà Nguyễn Thị Định đã được Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dân Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội đã lập bàn thờ và rước bài vị của bà vào thờ đền thờ Hai Bà Trưng.

Sinh thời, năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về bà: “Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Cuộc đời bà Nguyễn Thị Định là một huyền thoại, bà là người rất xứng đáng tiêu biểu cho phụ nữ Nam Bộ mà Đảng và Bác Hồ đã trao tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 01 năm 2020

Thạc sĩ Vũ Trung Kiên

Giảng viên Học viện Chính trị khu vực II

Tour 360° Tour 360° 360 Tour