NỮ DƯỢC SĨ KIÊN TRUNG, BẤT KHUẤT PHẠM THỊ YÊN

          Dược sĩ Phạm Thị Yên, sinh ngày 8 tháng 3 năm 1919 tại Xóm Củi – Chợ Lớn cũ, nay thuộc Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, trong một gia đình đông con. Bà là một dược sĩ giỏi, một nữ trí thức cách mạng kiên trung, bất khuất, một đảng viên cộng sản ưu tú, liêm khiết, quên mình vì sự nghiệp cách mạng, là tấm gương sáng để thế hệ cán bộ đảng viên noi theo.

          Sinh ra trong một gia đình trung lưu đông con, thuở nhỏ, bà Phạm Thị Yên học tại Trường nữ Gia Long hay còn gọi trường nữ sinh Áo Tím, nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai. Lớn lên, bà thi đậu vào trường Pétrus Ký. Thông minh, chăm học, bà luôn đứng đầu lớp, kể cả hai kỳ thi tốt nghiệp ra trường. Thời đó, việc một nữ sinh đỗ đầu tú tài toàn phần ban Toán là một hiện tượng lạ, hiếm thấy. Sau đó, bà ra Hà Nội thi vào trường Đại học Y dược. Tại trường Đại học danh tiếng này, bà là một sinh viên nổi trội về kiến thức, học lực và được các bạn kính nể.

          Bà là mẫu người phụ nữ đoan trang kiệm lời, ít nói nhưng rất giàu tình cảm. Thông cảm với những khó khăn, cô đơn và thiếu thốn tình cảm của các bạn sinh viên Nam Bộ xa nhà. Cùng cảnh ngộ nên bà rất quan tâm và chăm sóc, giúp đỡ các bạn, những ngày nghỉ, bà thường xuyên tổ chức các bữa ăn “Nam Bộ” để mọi người có điều kiện gặp gỡ nhau và vơi nỗi nhớ quê hương.

Dược sĩ Phạm Thị Yên (1919 – 1971)

          Cuối năm 1944, tốt nghiệp bằng dược sĩ hạng ưu, bà trở về Sài Gòn và mở tiệm thuốc Tây mang tên Phạm Thị Yên tại góc đường Tổng đốc Phương (bây giờ là đường Châu Văn Liêm) và Cây Mai (nay là Võ Tánh nối dài). Tiệm thuốc trở thành nguồn sống duy nhất của gia đình bà lúc đó. Cũng có khi anh em tù chính trị khám lớn Sài Gòn cần loại thuốc gì quý hiếm, đến nhờ bà, bà cũng tận tình giúp đỡ. Bà đã tham gia kháng chiến từ năm 1945 ngay giữa Sài Gòn với cả sự giác ngộ, tự nguyện và tình cảm chân thành của một người nữ trí thức tiến bộ. Nhờ giỏi về chuyên môn, lại rất khiêm tốn, bà đã dễ dàng vận động những đồng nghiệp hơn bà về tuổi đời, về tài sản và kinh nghiệm kinh doanh thuốc cùng tham gia hoạt động cách mạng.

          Theo Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, ông Huỳnh Văn Tiểng – Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước kể lại thì những năm học ở Hà Nội, bà là một trong số rất ít nữ sinh viên tham gia hoạt động trong Tổng hội sinh viên Việt Nam do đồng chí Dương Đức Hiền làm Chủ tịch. Do hoạt động tích cực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên bà được Tổng bộ Việt Minh chú ý. Đây chính là lý do để bà là một trong số những trí thức miền Nam đầu tiên được Đảng kết nạp vào thời kỳ tiền khởi nghĩa.

          Năm 1945, chi bộ Đảng trí thức vận đầu tiên được thành lập ở Sài Gòn – Chợ Lớn, bà được bầu làm Bí thư với tên thường gọi là chị Bảy Yên. Nhờ giỏi chuyên môn, tính cách khiêm nhường, lại có tài vận động, thuyết phục nên bà được anh chị em Sài Gòn tin yêu và làm theo. Chi bộ hoạt động đều tay và rất mạnh, trong một thời gian ngắn (1948 – 1949) chi bộ của bà đã kết nạp được 11 trí thức vào Đảng Cộng sản Đông Dương gồm các nhà giáo có tên tuổi, những kỹ sư tài năng, bác sĩ, dược sĩ có kiến thức uyên thâm. Đó là những người được lớp nhân sĩ, trí thức đầu đàn của Sài Gòn thời đó như cụ Lưu Văn Lang, ông Michel Vỹ, luật sư Trịnh Đình Thảo, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tín nhiệm và tin tưởng, coi anh chị em trí thức vừa mới được kết nạp vào Đảng như những đại diện cho Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Nam Bộ ở thành phố.

          Khi Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam ra đời, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt, bà đã vận động dược sĩ Phạm Hữu Hạnh làm Chủ tịch, một dược sĩ có tiếng trong ngành dược nói riêng và trong giới trí thức Sài thành nói chung thời đó với tiệm thuốc tây sầm uất ở đường Đồng Khánh (Trần Hưng Đạo B). Cũng nhờ vậy mà Mặt trận Liên Việt đã thu hút được rất nhiều nhà trí thức tên tuổi cùng tham gia, bên cạnh đó, tổ chức thanh niên, công đoàn, phụ nữ cũng hoạt động rất mạnh đã giúp cho Mặt trận Liên Việt phát triển nhanh và lập nhiều tổ Liên Việt ở Xã Tây, Bưu điện, Ba Son, trường học… và ở cơ sở khu phố, dược sĩ Hồ Thu, Hồ Huê, dược sĩ Hồ Đắc Ân, dược sĩ Trần Kim Quan, dược sĩ Nguyễn Chí Nhiều… đã trở thành những cán bộ cốt cán, hoạt động công khai của Mặt trận Liên Việt trong các phong trào đấu tranh của quần chúng lúc bấy giờ.

          Ngày 19/3/1950, bà Bảy Yên tham gia vào lực lượng xung kích trước trường Tôn Thọ Tường để bảo vệ luật sư Nguyễn Hữu Thọ – Trưởng phái đoàn liên lạc các giới đến nói chuyện với đồng bào. Nhưng khi cờ đỏ sao vàng từ trên lầu bay như mưa xuống sân trường thì bị bọn cảnh sát Pháp và mã tà Ngụy đã ra tay đàn áp. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng chưa nói được lời nào. Bà Bảy Yên bị rách vạt áo dài, mất cả dép, cùng với một số chạy dạt qua đường Lê Thánh Tôn rồi nhập vào dòng người xuống đại lộ Nguyễn Huệ. Bà đã quên mình là chủ tiệm thuốc tây mà chỉ là một cán bộ cách mạng tham gia chỉ đạo phong trào, bất chấp hiểm nguy và bạo lực. Bà đã thoát khỏi vòng vây của địch nhờ nhân dân xung quanh che dấu và dẫn đường.

          Sau đợt đấu tranh đó vì đã bị lộ, Xứ ủy điều bà lên chiến khu D dự lớp trung cấp chính trị tại trường Lê Văn Sĩ do đồng chí Trần Quốc Thảo – Phó Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn phụ trách. Học xong, bà được phân công cùng bác sĩ Dương Quỳnh Hoa – Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phụ trách bệnh viện đa khoa của đặc khu. Bà và dược sĩ Hồ Thu đi sâu về khâu nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị, đặc biệt là pha chế và cung cấp thuốc chống sốt rét.

          Năm 1951, bà xây dựng gia đình với ông Trần Bửu Kiếm, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Nam Bộ. Năm 1954, sau Hiệp định Genève, bà cùng một số anh chị em trở lại thành phố hoạt động bí mật. Năm 1956, bà được chỉ định làm Trưởng ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Tuy phụ trách chung, nhưng bà vẫn đi sâu vào giới dược sĩ, bác sĩ và tập hợp được một số dược sĩ giỏi, nhiệt tình, hình thành một tổ vừa nghiên cứu, vừa sản xuất thuốc tại chỗ để phục vụ đồng bào. Bên cạnh đó, bà còn vận động anh, chị em gắn bó với những hoạt động yêu nước trong lòng địch.

          Đầu năm 1960, khi đang học Nghị quyết 15 của Trung ương, bà được thông báo tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày bà bắt liên lạc để nhận nhiệm vụ mới thì bị địch bắt. Bọn biệt kích I biết bà là vợ ông Trần Bửu Kiếm nên chúng tra tấn bà rất dã man, bắt bà dẫn về nhà để bắt ông. Bà chịu đựng mọi cực hình, cương quyết không khai, kéo dài thời gian đủ để chồng trốn thoát. Địch điên cuồng đánh bà chết đi sống lại, cả tháng sau bà vẫn chưa bưng được chén cơm bằng chính đôi tay của mình để ăn. Không khuất phục được bà, chúng đưa bà ra tòa xét xử và kết án tù chung thân. Một nhà báo nước ngoài đã chụp được ảnh của bà trước cổng tòa với nét mặt vô cùng bình tĩnh và tươi cười với cái bản án dã man đó. Qua nhiều nhà giam, cuối cùng chúng đầy bà ra Côn Đảo. Ở đây bà cũng cùng với chị em chống chào cờ, học tập và đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù.

          Năm 1967, để thực hiện một âm mưu chính trị mới, địch thả bà ra. Bọn Mỹ đưa bà đến ở trong một khu biệt thự tại một hòn đảo với chế độ chăm sóc đặc biệt. Người Mỹ phục vụ ăn uống hằng ngày, cung cấp quần áo mới đầy đủ, có bác sĩ Mỹ khám và điều trị cho bà. Nhưng bà vẫn bộ bà ba đen với cái khăn rằn như khi ở Côn Đảo, bà không đụng đến bất cứ thứ gì của địch, kể cả thuốc men, ngoại trừ vài miếng bánh mì mỗi ngày. Nhiều tên Mỹ tiếp xúc với bà tỏ ra lịch sự, tế nhị nhưng vẫn không khuất phục được bà. Cuối cùng, chúng buộc phải đưa bà về Sài Gòn vào bệnh viện tư của bác sĩ Nguyễn Duy Tài và cho gia đình đến thăm nom.

          Vài tuần sau, địch chở bà lên biên giới Tây Ninh, cấp cho ít tiền Ria của Campuchia và nói: Bà đi thẳng thì lên Phnôm Pênh có Sứ quán của Việt Cộng ở đó, bà rẽ tay mặt, thì vào chiến khu Việt Cộng, tùy bà lựa chọn. Bà quyết định lên Phnôm Pênh và xuất hiện trước sự kinh ngạc tột độ của anh chị em Sứ quán miền Nam Việt Nam. Mấy ngày sau Trung ương điện mời bà ra Hà Nội và cử bà đi một số nước tư bản để tố cáo tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam.

          Cuối năm 1968, trước nguyện vọng tha thiết được trở về miền Nam chiến đấu, bà được Trung ương chấp nhận và phân công bà giúp đỡ các nhân sĩ, trí thức trong Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ở khu giải phóng. Bà đã làm việc ngày đêm, lo cho công tác mà không nghĩ gì đến sức khoẻ của bản thân. Do làm việc quá sức trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, năm 1971 bà đã ra đi mãi mãi sau một cơn sốt rét ác tính.

          Bà Phạm Thị Yên là một dược sĩ giỏi, một nữ trí thức cách mạng kiên trung, bất khuất, được quần chúng mến mộ, một đảng viên cộng sản ưu tú, liêm khiết, quên mình vì sự nghiệp cách mạng, là một chiến sĩ ngoan cường, anh dũng khiến cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải kính nể, là một người vợ hiền và là người mẹ hết lòng chăm lo cho các con. Đây cũng là tấm gương sáng để thế hệ cán bộ đảng viên hôm nay và mai sau noi theo. Nhân kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024) Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trân trọng giới thiệu về bà với lòng tri ân, cùng những anh hùng, những liệt sĩ nói chung và các bà mẹ, các nữ liệt sĩ nói riêng.

         

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2024

Phạm Tuấn Trường

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ Quốc tế

Tài liệu tham khảo:

  • Theo “Chung một bóng cờ” – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 1993.
  • Tập sách “Áo tím trên các nẻo đường đất nước”.
Tour 360° Tour 360° 360 Tour