Kỷ vật của hai mẹ là 2 chiếc nồi đồng mang dấu ấn của thời gian và lịch sử. Chỉ riêng lịch sử của bản thân chiếc nồi đồng vào khoảng thế kỷ 18…. Những bữa cơm gia đình đầm ấm hàng ngày của cả hai Mẹ xuất phát từ những nồi đồng này. Qua các bữa ăn Mẹ giáo dục các con về đạo đức, nếp nhà, nuôi các con khôn lớn, động viên con tham gia chiến đấu. Nồi đồng còn được cả hai mẹ dùng nấu cơm tiếp tế cho bộ đội.
Huyện Củ Chi – nơi có nhiều Bà Mẹ được truy tặng, phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng nhất tại thành phố Hồ Chí Minh với 777/2086 Mẹ. Củ Chi là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, còn được gọi là “vùng đất thép”.
Các Mẹ Việt Nam anh hùng là những nhân chứng sống của lịch sử, là tấm gương về lòng yêu nước và lòng nhân ái của nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam. Cuộc đời của các Mẹ là tài sản vô giá, là động lực thúc đẩy thế hệ trẻ soi mình và cống hiến sức lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Hình ảnh của các Mẹ xứng đáng được bảo lưu và gìn giữ cho thế hệ mai sau. Đó cũng chính là thông điệp của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ được Ủy ban nhân dân TPHCM giao thực hiện dự án “nghiên cứu sưu tầm, trưng bày tư liệu Mẹ Việt Nam anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh.”
Chúng tôi đã đến ấp Đồng Lớn, xã Trung lập Thượng, huyện Củ Chi ghi lại những câu chuyện kể về cuộc đời các Mẹ. Thật xúc động khi nghe con, cháu kể về những bà nội, bà ngoại, mẹ mình với những ký ức rất đời thương nhưng vô cùng vĩ đại về tấm gương hy sinh của các Mẹ trên đường làm giao liên cho cách mạng; sự tần tảo, chịu thương chịu khó để quán xuyến gia đình và nuôi dạy các con trong hoàn cảnh thường xuyên bị bom đạn Mỹ cày xéo ruộng vườn, đốt cháy nhà cửa….Và thật cảm động khi gia đình trao lại những kỷ vật thân thương của bà nội, ngoại cho Bảo tàng lưu giữ, nhằm giáo dục truyền thống “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” của các Mẹ cho thế hệ mai sau.
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thành kính ghi ơn các Mẹ và trân trọng cảm ơn gia đình đã bảo quản tươm tất kỷ vật của Mẹ.
Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu về hai chiếc nồi đồng của Mẹ Huỳnh Thị Kiểu (1910 – 2007) và mẹ Trần Thị Tua (1913 – 2006 ). Hai mẹ có đặc điểm khá tương đồng, đều sinh ra trong một gia đình nghèo và có cô con gái hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Mẹ Huỳnh Thị Kiểu là hội viên Hội phụ nữ Cứu quốc xã. Cuối năm 1954, mẹ bị bắt giam tại nhà tù Phú Lợi. Mẹ được kết nạp Đảng,Cộng sản Việt Nam năm 1963, được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam Anh hùng năm 1994. Mẹ có 4 người con là liệt sĩ, trong đó, có một liệt sĩ nữ là chị Trần thị Trà – làm giao liên, hy sinh năm 1971.
Mẹ Trần thị Tua có 3 con hy sinh, trong đó có 1 liệt sĩ nữ Phạm Thị Ánh – y tá trưởng đội phẩu thuật quân y, hy sinh tháng 12/1967 tại Bến Súc (Bến Cát – Bình Dương). Mẹ được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng năm 2000.
Kỷ vật của hai mẹ là 2 chiếc nồi đồng mang dấu ấn của thời gian và lịch sử. Chỉ riêng lịch sử của bản thân chiếc nồi đồng vào khoảng thế kỷ 18. Nồi đồng có nhiều kích cở: nồi nhỏ và nồi đại thường rất dày, nồi trung mỏng hơn. Nồi đồng xưa được đúc theo kiểu làm khung đất sét, nên mỗi khung chỉ cho một sản phẩm. Nồi đồng có hình dáng đặc trưng là loe phần giữa nồi, miệng nhỏ. Nồi đồng thường có 2 quai, loại có hoa văn, loại không hoa văn. Nồi nhỏ nhất nấu cơm cho một người ăn gọi là nồi om. Nồi nấu 4-5 người ăn là nồi lỡ, nấu cho 6-7 người gọi là nồi rưỡi, nồi nấu cho 10 người ăn trở lên gọi là nồi 3. Nồi đồng là một dụng cụ sinh hoạt hàng ngày không thể thiếu trong mổi gia đình Việt Nam.
Những bữa cơm gia đình đầm ấm hàng ngày của cả hai Mẹ xuất phát từ những nồi đồng này. Qua các bữa ăn Mẹ giáo dục các con về đạo đức, nếp nhà, nuôi các con khôn lớn, động viên con tham gia chiến đấu. Nồi đồng còn được cả hai mẹ dùng nấu cơm tiếp tế cho bộ đội.
Từ một chiếc nồi đồng bình thường theo chân các mẹ đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với biết bao câu chuyện truyền thống đầy tự hào.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23/9/2011