Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc: “Non sông gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Đáp lại những tình cảm to lớn, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phụ nữ Việt Nam ra sức lao động, chiến đấu góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phụ nữ Bến Tre, tham gia đánh giặc trên mọi lĩnh vực, là lực lượng xung kích, là “Đội quân tóc dài” trên mặt trận đấu tranh chính trị, binh vận… và trong đấu tranh vũ trang, phụ nữ không thua kém nam giới về mưu trí và lòng dũng cảm.
Bến Tre – một tỉnh nhỏ trong các tỉnh Trung Nam Bộ nằm ở phía đông Nam và cách Sài Gòn 86 km. Tỉnh Bến Tre bốn bề sông nước, phía Bắc con sông Tiền ngăn Bến Tre với Tiền Giang. Phía tây và nam, sông Cô Chiên phân ranh giới Bến Tre với Vĩnh Long, Trà Vinh. Hai con sông Ba Lai và Hàm Luông chảy giữa tỉnh, chia Bến Tre thành ba cù lao. Trên mỗi cù lao, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Bến Tre có bảy huyện (Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày, Minh Tân, Thạnh Phú) và một thị xã (thị xã Bến Tre, với 115 xã, 786 ấp, 60 vạn dân). Hiện nay, Bến Tre có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 8 huyện. Trong đó 164 đơn vị hành chính cấp xã gồm có 7 thị trấn, 10 phường và 147 xã.
Từ thuở khai hoang lập ấp, người dân Bến Tre đã có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết đắp đê ngăn mặn, lấn biển, chống trọi với thiên nhiên. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Bến Tre cùng với nhân dân Nam Bộ đoàn kết đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí thô sơ ngăn bước quân thù hung hãn.
Năm 1954, đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, nhận thấy Bến Tre là mảnh đất kiên cường, bất khuất, nơi địa bàn chiến lược quan trọng, là đầu mối giao thông nối Sài Gòn với các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam Bộ, địch đã đặt Bến Tre là nơi thí điểm đánh phá phong trào cách mạng. Chúng thiết lập hệ thống kìm kẹp từ tỉnh đến huyện, xã nhằm thống trị nhân dân, chia Bến Tre thành bảy quận, 24 tổng, 115 xã; đồng thời xây dựng các đơn vị chủ lực, bảo an, dân vệ đủ mạnh để đàn áp cách mạng.
Tháng 5/1959, “Quốc hội” Ngô Đình Diệm ban hành Luật số 91 ngày 6/5/1959 mang tên “Luật 10/59”, luật chỉ có hai hình phạt tử hình và khổ sai chung thân. Diệm lập tòa án quân sự lưu động xét xử tại chỗ những người yêu nước. Ngày 4/7, Quốc hội ngụy thông qua luật 21 cho phép dùng máy chém chặt đầu những ai không ủng hộ các chính sách phát xít của Diệm. Từ đây, quân lính của Diệm lê máy chém đi các tỉnh Nam Bộ để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Chúng đưa máy chém về các huyện Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày, Châu Thành thuộc tỉnh Bến Tre và thị xã Tây Ninh… Địch hy vọng với biện pháp cứng rắn này sẽ làm cho quần chúng khiếp sợ, đem lại an ninh cho chế độ. Song chính hành động tàn bạo đó lại kích động lòng căm thù của nhân dân, họ quyết đứng về phía cách mạng để chống Mỹ – Diệm. Cả miền Nam đang nóng lòng chờ quyết định của Trung ương. Sự cần thiết trước tiên là phải đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và quần chúng ở miền Nam, nếu không sẽ bỏ lỡ một thời cơ cho phát động một cuộc khởi nghĩa vũ trang rộng lớn.
Trước yêu cầu cấp thiết của Cách mạng miền Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế rất phức tạp, từ ngày 12 đến ngày 22/01/1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng). Nghị quyết chỉ rõ: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đường và định hướng hoạt động cho phong trào Đồng Khởi ở miền Nam và là tiền đề cho Đại hội toàn quốc của Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III, xác định đường lối cách mạng miền Nam.
Tháng 11/1959, Xứ ủy Nam Bộ tiến hành Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Nghị Quyết trung ương 15 của Đảng. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ trước mắt là giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, lấy đấu tranh chính trị rộng rãi của quần chúng làm chính; đồng thời kết hợp với vũ trang tuyên truyền và chống chính sách khủng bố của địch; từng bước ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu thâm độc của kẻ thù; dần dần giành lại thế chủ động và đẩy địch vào thế bị động. Phương châm lúc này là tập trung củng cố cơ sở, phát triển lực lượng, mở rộng phong trào; kết hợp các lực lượng hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp; kết hợp thành thị và nông thôn với căn cứ địa kháng chiến; kết hợp đấu tranh chính trị với sử dụng đúng mức hoạt động vũ trang tuyên truyền, giữ thế hợp pháp cho phong trào quần chúng. Hội nghị Xứ ủy cũng cho rằng, giữ thế hợp pháp là rất cần thiết, nhưng giữ thế hợp pháp không có nghĩa là hạn chế quần chúng đấu tranh quyết liệt hoặc từ bỏ đấu tranh vũ trang chống địch. Hội nghị nhấn mạnh bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chính có các tổ đơn vị vũ trang tự vệ làm nòng cốt, ta có thể diệt bọn tề, dân vệ, ác ôn làm chủ xã, ấp.
Từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng soi sáng, phong trào cách mạng miền Nam có những bước phát triển to lớn.
Tại miền Tây Nam Bộ, các cuộc nổi dậy diễn ra rộng khắp làm cho quân địch lúng túng, bị động. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đồng chí Nguyễn Thị Định đã truyền đạt tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và chủ trương nổi dậy của Liên tỉnh ủy. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địch, ta ở Bến Tre, cân nhắc những thuận lợi và khó khăn khả năng của địa phương, Tỉnh ủy phát động tuần lễ nổi dậy trên toàn tỉnh, lấy ba xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp (thuộc huyện Mỏ Cày) làm điểm. Phương châm là: mạnh làm theo mạnh, yếu làm theo yếu, đánh vào nơi hiểm yếu, đồng thời cũng là chỗ yếu nhất của địch là bộ máy kìm kẹp ở cơ sở vừa diệt ác phá kìm, vừa phát động quần chúng, trong đó chú trọng vận động các gia đình binh sĩ ngụy, kết hợp với cơ sở trong lòng địch để bức hàng, bức rút, lấy đồn, giải phóng xã ấp.
Sau khi quyết định phương thức nổi dậy, tỉnh ủy bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị. Đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó Bí thư Tỉnh ủy báo cáo các đồng chí Bí thư tỉnh ủy ở khu vực cù lao Bảo về tình hình và nội dung cuộc họp Tỉnh ủy. Chưa có lực lượng vũ trang, tỉnh đã lập những tổ hành động làm nòng cốt trong việc diệt ác, trừ gian. Thanh niên được tập hợp thành từng tổ, trang bị mã tấu, dao găm, súng bập dừa lấy danh nghĩa tiểu đoàn 502 (đơn vị đã đánh thắng địch ở Giồng Trôm – Gò Quản Cung) để khoa trương thanh thế, uy hiếp tinh thần binh lính địch. Lực lượng làm nhiệm vụ phát động quần chúng kịp thời thu nạp những người tốt vào các tổ chức cách mạng, làm cho lực lượng quân sự, chính trị của ta phát triển nhanh. Các cơ sở nội tuyến trong các đồn bốt địch được rà soat lại.
Sau 16 ngày chuẩn bị khẩn trương và bí mật, ngày 17/01/1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, bà Nguyễn Thi Định, Phó Bí thư Tỉnh ủy là người chỉ đạo trực tiếp phong trào Đồng Khởi nổ ra từ ba xã điểm của tỉnh.
Mở đầu là xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, quân ta bao vây tiêu diệt tổng đoàn dân vệ 12 tên và tiểu đội dân vệ đóng ở xã bắt bọn tề, điệp, ác ôn phá tan bộ máy kìm kẹp của địch, thu về 28 khẩu súng, đội vũ trang được thành lập và điều động sang hỗ trợ xã Phước Hiệp và xã Bình Khánh. Ngày 18 – 19/01/1960, xã Phước Hiệp và xã Bình Khánh nổi dậy giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa của ba xã đã giành thắng lợi, phong trào lan nhanh ra toàn tỉnh. Trận đột phá mở đầu đã làm cho bộ máy thống trị của địch ở Bến Tre rúng động, khí thế quần chúng lên cao. Ngày 19/01/1960, ba tiểu đội vũ trang được thành lập tại Bình Khánh làm công tác tuyên truyền vũ trang ở Minh Tâm, Thạnh Phú, Mỏ Cày, từ đây đội vũ trang đầu tiên của tỉnh được thành lập mang phiên hiệu Đại đội 264. Từ tay không nổi dậy, Bến Tre đã có lực lượng vũ trang, thực hiện phương thức đồng loạt tiến công địch bằng chính trị, quân sự và cả binh vận.
Thắng lợi ở ba xã điểm, ghi nhận công đóng góp rất lớn của đội quân tóc dài do đồng chí Nguyễn Thị Định lãnh đạo đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận, và vũ trang để tấn công quân Mỹ – Ngụy. Danh xưng “Đội quân tóc dài” lại bắt nguồn từ chính sự khiếp sợ của viên Đại tá, chỉ huy trưởng cuộc hành quân Nguyễn Văn Y. Viên đại tá này thốt lên: “Thôi đành phải chịu thua đội quân đầu tóc”. Phụ nữ toàn tỉnh tham gia đấu tranh, bao vây đồn bốt địch, hỗ trợ đắc lực cho nam giới từ tay không cướp chính quyền địch…Từ đó, phong trào Đồng Khởi nhanh chóng lan ra khắp tỉnh. Chỉ trong vòng một tuần (từ ngày 17 đến ngày 24/01/1960), 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú, các tầng lớp nhân dân và phụ nữ Bến Tre đã nhất tề nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ tại 22 xã. 25 xã còn lại, nhân dân tiến hành vây đồn, giải phóng thêm nhiều ấp. Đến cuối tháng 01/1960, gần 50 xã trong tỉnh đã được giải phóng.
Tháng 2/1960, thành lập đơn vị vũ trang thứ hai của Bến Tre mang phiên hiệu Đại đội 269. Các đơn vị vũ trang đã tổ chức chiến đấu dũng cảm, diệt đồn bốt địch, lấy súng địch trang bị cho mình. Hoảng sợ trước cuộc tiến công của nhân dân và “đội quân tóc dài” Đồng Khởi. Địch đưa tiểu đoàn thủy quân lục chiến đóng ở Phước Hiệp đến giải nguy cho các đồn bốt đang bị bao vây. Đội vũ trang 264 và du kích một số xã đã chặn đánh địch. Phối hợp với hoạt động quân sự, hơn 5.000 phụ nữ đã kéo vào huyện lỵ đấu tranh, hình thành “đội quân tóc dài” có tổ chức kết hợp với lực lượng vũ trang chống càn quét, khủng bố. Ngày 22/3/1960, chính quyền Ngô Đình Diệm huy động gần 1vạn quân lính chủ lực, 70 xe quân sự, 17 tàu, 47 pháo 105, cùng với toàn bộ lực lượng bảo an ở Bến Tre mở cuộc càn quét vào Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh. Chúng thẳng tay đàn áp rất man rợ, 36 thanh niên bị trôn sống, 80 người khác bị giết hại. Các đơn vị vũ trang mới thành lập là 264 và 269 tổ chức phản kích đánh địch, đồng thời phối hợp với lực lượng vũ trang xã thực hiện cách đánh du kích, trận đánh diễn ra 10 ngày đêm, làm thương vong trên 300 tên địch. Quân ta huy động hơn 5.000 dân kéo vào quận lỵ Mỏ Cày, được dân chúng ủng hộ và phối hợp đấu tranh. Địch phải rút hết quân khỏi ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh.
Phong trào Đồng Khởi thắng lợi là điển hình về khởi nghĩa ở một tỉnh đồng bằng. Là sự thử nghiệm thành công phương pháp kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận góp cho cách mạng miền Nam phương pháp đấu tranh mới trong lãnh đạo khởi nghĩa đồng loạt. Từ cuộc “tản cư ngược” của phụ nữ Bến Tre, “đội quân tóc dài” ra đời. Đó là những cống hiến của Bến Tre trong phong trào Đồng Khởi, là điển hình về sự kết hợp các phương thức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang và ba mũi (chính trị, quân sự, binh vận) đã đem lại sức mạnh to lớn giành thắng lợi cho nhân dân ta.
Qua Đồng Khởi, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ, trở thành mũi tiến công lợi dụng được thế hợp pháp và huy động được đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân tham gia như: công nhân, nông dân, sư sãi, thanh niên, sinh viên…Trước mắt, lực lượng chính trị của quần chúng vẫn là chỗ dựa chủ yếu của phong trào đấu tranh cách mạng kết hợp với sử dụng lực lượng vũ trang đúng mức.
Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đã mở ra bước ngoặt mới trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công liên tục, thực hiện mục tiêu của cách mạng là đập tan chế độ thực dân mới của Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đã chứng minh sự đúng đắn của Nghị quyết trung ương 15 về “con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”; đồng thời cũng cho thấy sự chấp hành kiên quyết, sáng tạo của các cấp bộ Đảng ở miền Nam trên cơ sở phân tích cụ thể tình hình thực tế ở từng vùng, miền địa phương. Vì thế, tuy tình hình ở đồng bằng không giống ở miền núi, vùng căn cứ kháng chiến cũ khác vùng địch kìm kẹp nghiệt ngã, nhưng Đồng Khởi vẫn mở ra đều khắp và giành thắng lợi. Đó cũng là thắng lợi của nghệ thuật tổ chức xây dựng lực lượng, phát triển lực lượng trong quá trình Đồng Khởi; thắng lợi của nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa, đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng, nhằm đúng vào nơi địch sơ hở, nơi yếu nhất trong hệ thống kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ cho nhân dân. Thắng lợi của Đồng Khởi bước đầu giải quyết thành công vấn đề khởi nghĩa nổi dậy và chuyển từ khởi nghĩa sang chiến tranh cách mạng.
Như vậy, thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đã chấm dứt thời kỳ ổn định tạm thời của chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam, mở ra thời kỳ khủng hoảng triền miên của chế độ Sài Gòn cho đến ngày sụp đổ hoàn toàn. Với thắng lợi của Đồng Khởi, nhân dân miền Nam đã làm thất bại chiến lược “chiến tranh một phía” và âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược ra miền Bắc của Mỹ – Diệm, tạo ra những nhân tố vững chắc bảo đảm cho thắng lợi của cuộc kháng chiến của quân và dân miền Nam. Điều đó, chứng minh tính đúng đắn và tính năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ miền Nam. Thắng lợi ấy tạo ra bước phát triển nhảy vọt từ thế phòng ngự chuyển sang thế tiến công liên tục của lực lượng cách mạng, từ khởi nghĩa từng phần chuyển sang chiến tranh cách mạng, để nhân dân Việt Nam đánh thắng các chiến lược chiến tranh tiếp theo của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.
Sự thành công của phong trào đã chiếm được nhiều vùng rộng lớn và thúc đẩy sự thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 20/12/1960. Sự đóng góp của “Đội quân tóc dài” của tỉnh Bến Tre đã được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dành tặng 8 chữ vàng: “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”. Nhà nước Việt Nam ca ngợi “Đội quân tóc dài” đã phát triển rộng khắp trong toàn miền Nam Việt Nam và đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lịch sử Sài Gòn chợ lớn Gia Định kháng chiến (1945-1975). ( 2015). Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật. Tr. 323-326.
2. Từ phong trào Đồng Khởi đến đại thắng mùa xuân 1975. ( 2015). Hà Nội: NXB Quân đội Nhân dân Hà Nội. Tr. 32-50.
3. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1945-1975 – tập 2 chuyển chiến lược. (1996). Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia . Tr. 266-289.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 01 năm 2020
Bùi Thị Hạnh – Nguyễn Thị Vân Huệ
Bảo tàng Hồ Chí Minh-CN TP.HCM – Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ