Văn hóa Chăm là một bộ phận văn hóa lớn phát triển dọc các tỉnh ven biển miền Trung và kéo dài tới một số tỉnh miền Nam Việt Nam, nhưng hiện tập trung và được bảo tồn nhiều nhất ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Trải qua một quá trình lịch sử hình thành và phát triển lâu dài với những giao thoa văn hóa đa diện, văn hóa Chăm đã có những tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng tới văn hóa các dân tộc khác ở nhiều khía cạnh, trong đó không thể không kể đến chế độ “mẫu hệ” – một đặc trưng văn hóa tiêu biểu đã đưa tính mẫu/nữ hòa vào đời sống sinh hoạt, tư tưởng và quan điểm của đại bộ phận người Việt.
Trong những năm gần đây, vấn đề giới về “nam nữ bình quyền” đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Tuy nhiên, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có truyền thống và bản sắc văn hóa mang đặc trưng riêng. Vấn đề “trọng nam khinh nữ” đến nay vẫn còn phổ biến ở một số nơi. Riêng đối với dân tộc Chăm, là một dân tộc theo chế độ mẫu hệ từ lâu đời và đến nay thì phụ nữ Chăm vẫn là trung tâm và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa gia đình và xã hội của người Chăm.
Trải qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển, người Chăm đã xây dựng một nền văn hóa đồ sộ rất đặc trưng, đa dạng và mang bản sắc riêng. Đến nay, họ vẫn còn lưu giữ đền tháp, nhà cửa, trang phục, ẩm thực, nghi lễ, hội hè và nhiều phong tục tập quán khác. Những di sản văn hóa này đã có những đóng góp đáng kể và làm phong phú thêm vườn hoa trăm sắc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Người Chăm là dân tộc thiểu số ở Việt Nam có số dân là 178.948 ngàn người (số liệu tháng 04/2019), sinh sống ở nhiều địa phương khác nhau nhưng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là nơi người Chăm tập trung sinh sống đông nhất. Người Chăm đã từng xây dựng nên Vương quốc Champa với một nền văn hóa phát triển rực rỡ ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Ấn Độ.
Vùng Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) người Chăm chủ yếu tập trung sinh sống ở đồng bằng, họ thường chọn những vùng đất gò, có địa hình cao ráo để định cư. Xung quanh làng thường được bao quanh bởi ruộng lúa và có một số làng định cư gần nương rẫy. Làng Chăm thường cư trú theo cộng đồng tôn giáo: Làng người Chăm Ahíer (ảnh hưởng Bà La Môn giáo) và làng Chăm Bani/Awal (ảnh hưởng Hồi giáo). Mỗi làng Chăm hiện nay có khoảng từ 500 đến 1000 hộ gia đình và tập hợp nhiều tộc họ cùng sinh sống với nhau.
Các khuôn viên nhà ở của người Chăm thường được bố trí theo hướng Đông – Tây. Trong mỗi làng đều có một đền thờ thần hoặc thánh đường và ở đầu làng thì có nhà làng. Cách làng không xa thường có một nghĩa địa và nhà thờ họ. Mỗi làng Chăm đều có hội đồng phong tục, có luật tục riêng và được truyền miệng gọi là Adat. Hiện nay palei Chăm là một đơn vị hành chính thôn được quản lý bởi chính quyền có thôn trưởng, công an, đoàn thanh niên, phụ nữ, bô lão…
Nhân kỷ niệm 19 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2024), Thư viện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ xin giới thiệu đến bạn đọc tập sách “Những câu chuyện về phụ nữ Chăm trong xã hội mẫu hệ” để giúp chúng ta hiểu thêm về văn hóa, nét đẹp cũng như vai trò, đóng góp của phụ nữ Chăm trong đời sống văn hóa gia đình và xã hội mẫu hệ truyền thống mà đến nay ít nhiều vẫn còn giữ nguyên giá trị. Từ đó, góp phần cổ vũ phụ nữ các dân tộc anh em giao lưu, học hỏi, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và phát huy vai trò của phụ nữ trong tiến trình giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Tập sách được chia làm 06 phần chính như sau:
Phần I: Đặc điểm chế độ mẫu hệ Chăm.
Hôn nhân người Chăm theo chế độ mẫu hệ, trong đó người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức gia đình và xã hội. Con gái khi đến tuổi trưởng thành thì cha mẹ phải đi hỏi chồng và cưới chồng về sinh sống bên nhà vợ. Con cái khi sinh ra sẽ theo dòng họ mẹ và bị ảnh hưởng từ người mẹ nhiều hơn là người cha. Con gái có trách nhiệm nối dòng, thờ tổ tiên và khi kết hôn sẽ được chia một phần tài sản của cha mẹ.
Người Chăm quan niệm khi kết hôn là người vợ sẽ có thêm sức lao động mới, tức là có thêm người chồng phụ giúp để lao động trên phần đất canh tác của gia đình bên vợ. Khi kết hôn, người vợ được hưởng nhiều quyền lợi bởi vì họ phát huy được quyền làm chủ trong gia đình và xã hội. Phụ nữ Chăm ngoài việc có trách nhiệm chính với gia đình, chăm sóc cho con cái, họ còn phải chăm lo thực hiện những lễ nghi quan trọng liên quan đến gia đình, dòng họ, tổ tiên.
Nếu như làng Chăm là đơn vị cư trú cổ truyền mang đặc trưng của công xã nông thôn thì “gia đình” lại là bộ phận hình thành nên đặc trưng đó. Gia đình Chăm được tổ chức theo hình thái gia đình mẫu hệ gồm gia đình ba thế hệ và gia đình hai thế hệ. Thành viên trong gia đình được tính theo huyết thống bên mẹ. Trong gia đình thì người phụ nữ là chủ nhà.
Tộc họ (dòng họ) là nơi tập hợp những thành viên có cùng huyết thống phía bên mẹ. Những thành viên trong tộc họ Chăm thường cư trú gần nhau theo từng “dãy 3nhà”. Nhiều “dãy nhà” hình thành nhóm gia đình và nhiều “nhóm gia đình” cùng chung huyết thống thì hình thành nên một tộc họ.
Phần II: Huyền thoại về phụ nữ Chăm.
Từ thuở xa xưa, trong những câu chuyện truyền miệng cũng như trong tác phẩm triết lý thì người Chăm tự truyền cho nhau và tin rằng nữ thần Po Nagar Taha là thủy tổ của loài người.
Từ những câu chuyện huyền thoại và truyền thuyết mà Thánh mẫu Po Ina Nagar luôn là nữ thần được người Chăm tôn sùng và tôn xưng là thánh mẫu, là “Nữ vương” và còn có danh xưng khác là “Bà Đen” (Muk Juk) có quyền năng vô hạn, che chở giúp đỡ cho muôn dân và luôn đứng đầu trong bảng hệ thống thần linh (khoàng 120 vị thần) mà hiện nay người Chăm đang cầu cúng trong mỗi dịp nghi lễ và hội hè hằng năm.
Phần III: Phụ nữ Chăm qua các truyện cổ tích.
Người phụ nữ Chăm có một số trường hợp bỏ xứ mình theo chồng về quê chồng sinh sống nhưng không bao giờ nhập thân vào tổ tiên bên nhà chồng mà phải tự tạo lập một nhà tổ riêng mang tên của người mẹ. Điều này thể hiện rõ phong tục mẫu hệ đã đi sâu trong lòng văn hóa Chăm, thể hiện vai trò chính của phụ nữ trong đời thường cũng như trong thế giới tâm linh.
Phần IV: Phụ nữ Chăm và truyện cười.
Người Chăm có tục lệ mẫu hệ. Tất cả mọi tài sản đều giao cho phía bên nữ trông coi và giải quyết hết tất cả mọi chuyện trong gia đình. Theo phong tục Chăm thì người phụ nữ sẽ giữ nhà, đi cưới chồng, sau khi kết hôn thì người chồng theo về ở nhà vợ, con gái út sẽ được thừa kế tài sản và phụng sự tổ tiên, cha mẹ là có từ những sự tích này.
Phần V: Phụ nữ Chăm qua những mối tình ngoại tộc.
Ngày xưa người Chăm quan niệm rất khắt khe, hai người khác đạo là không được phép lấy nhau. Hiện nay thì tục lệ đó đã phai dần và cũng không còn khắt khe như trước, nhiều cặp vợ chồng người Chăm khác đạo đã kết hôn với nhau và chung sống với nhau rất hạnh phúc.
Phần VI: Thơ Ariya và những bài tụng ca phụ nữ Chăm.
Người Chăm có cả kho tàng thơ rất đa dạng và phong phú, những tác phẩm thơ này nhằm giáo dục và xây dựng mẫu hình lý tưởng của người phụ nữ Chăm trong xã hội mẫu hệ. Trong đó, nổi bật nhất là cách cư xử, lối sống của người phụ nữ Chăm trong gia đình – xã hội; cụ thể là cách cư xử với chồng, con, người thân, bạn bè và làng xóm trong từng lời ăn tiếng nói; đặc biệt là cách tính toán làm ăn, giữ của cải và giữ tổ ấm gia đình. Đó là những giá trị nhân văn mà phụ nữ cần phát huy trong xã hội hiện đại ngày nay.
Một điều đặc biệt là mặc dù người Chăm theo chế độ mẫu hệ nhưng trong thực tế cuộc sống, đàn ông Chăm hoạt động có phần nổi trội hơn là phụ nữ, hoạt động chính trong gia đình là người chồng, người đàn ông. Ông trưởng tộc họ mẹ là đàn ông và vua Chăm (Champa) đa số cũng là đàn ông. Điều này về mặt hình thức không phải là đàn ông nắm quyền mà đàn ông chỉ thay mặt cho phụ nữ, thay mặt cho tộc họ phía mẹ để thực hiện nghĩa vụ của mình mà thôi, quyền quyết định mọi vấn đề vẫn luôn là phụ nữ. Những mối quan hệ bên mẹ là quan hệ thân thuộc và quan trọng nhất đối với người Chăm. Tổ tiên được thờ phụng là tổ tiên bên mẹ. Quyền thừa kế tài sản thuộc về con gái út và phụ nữ Chăm nắm quyền quyết định tất cả mọi việc trong gia đình.
Có thể nói, cơ chế xã hội truyền thống của người Chăm gắn bó chặt chẽ với nhau và được vận hành bằng luật tục bên cạnh luật pháp. Sự nối dòng trong hệ thống gia đình – xã hội là người phụ nữ chứ không phải là nam giới; xã hội được phân chia và xác định nhóm người theo hệ thống thân tộc, huyết thống dựa bên dòng họ mẹ là chính; nơi cư trú sau hôn nhân là người chồng về sinh sống luôn bên nhà vợ; cuối cùng là con gái, đặc biệt là người con gái út sẽ được quyền thừa kế tài sản gia đình và có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Họ sống trên cơ sở bình đẳng, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau bảo vệ, lưu giữ thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa truyền thống của tổ tiên. Đó cũng chính là những mắt xích quan trọng góp phần tạo nên một cơ cấu xã hội truyền thống bền vững và trở thành cái nôi bảo tồn và lưu giữ văn hóa Chăm trong suốt những tháng năm thăng trầm của lịch sử dân tộc.
“Những câu chuyện về phụ nữ Chăm trong xã hội mẫu hệ” không những giới thiệu một cách khái quát về văn hóa Chăm trên nền các huyền thoại, truyện cổ tích, truyện cười, sử tích và thơ ca, nơi các nhân vật nữ và nữ thần được tôn vinh mà còn đóng góp tiếng nói chung vào tiến trình “nam nữ bình quyền” đang phát triển mạnh mẽ trong xã hội hiện đại, khẳng định vai trò, vị thế và giá trị của người phụ nữ trong cộng đồng văn hóa Chăm – Việt.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 11 năm 2024
Phạm Tuấn Trường
Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ Quốc tế