“Kính cẩn nghiêng mình trước vẻ đẹp, nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam anh hùng”
“Kính cẩn nghiêng mình trước vẻ đẹp, nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam anh hùng”
Có một điều rất đặc biệt, là nhiều đoàn khách nước ngoài khi đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, đều rất muốn được gặp gỡ, giao lưu với những bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sau khi được gặp những bà mẹ VNAH bằng xương bằng thịt như mẹ VNAH Bùi Thị Mè, Trần Quang Mẫn, Nguyễn Thị Điểm (Thanh Tùng), Nguyễn Thị Chít…; Bà Yamara- Trưởng đoàn đại biểu Hội Phụ nữ mới Nhật Bản, hơn 10 năm trước nói: “Chúng tôi xin nghiêng mình trước vẻ đẹp, nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Bà còn nói thêm: “Phụ nữ Việt Nam thông qua hình ảnh những bà mẹ VNAH để lại trong lòng chúng tôi ấn tượng rất đẹp. Chúng tôi thấy phụ nữ Việt Nam rất đẹp, rất dịu dàng; nhân dân Việt Nam rất thân thiện. Chúng tôi sẽ đem những hình ảnh tốt đẹp này về Nhật Bản…”. Và một trong những Bà mẹ VNAH trong buổi giao lưu gây ấn tượng sâu sắc, mạnh mẽ ấy là bà mẹ VNAH Bùi Thị Mè. Câu nói của bà Yamara lúc ấy gợi tôi nhớ đến chuyện kể của một cựu chiến binh: “Đúng là cái đẹp đã cứu rỗi nhiều thứ. Hồi trong chiến khu, đang bơi xuồng hành quân, nghe nói xuồng bên có dì Năm Mè là cánh chiến sĩ chúng tôi nhất loạt đứng lên chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bà, đến nổi xuồng chìm… Xuồng chìm có hề gì, so với niềm tự hào của chúng tôi khi có được người phụ nữ vừa xinh đẹp, vừa là một trí thức yêu nước, tài năng trong hàng ngũ kháng chiến!”. Quả thật, mẹ Bùi Thị Mè có một vẻ đẹp vượt thời gian. Trong trang phục áo bà ba khăn khăn rằn hay áo dài những khi dự những buổi lễ trọng đại; bà toát lên vẻ dẹp cao sang, đường bệ từ sự giản dị, nền nã. Cốt cách của một nữ sinh áo tím vẫn đi theo suốt cuộc đời bà, dù trong những ngày chiến tranh ác liệt, ở chiến khu đầy bom đạn hay trên đường Trường Sơn máu lửa. Chúng tôi tự hào về vẻ đẹp của một bà mẹ VNAH và từng lặng đi trước những giọt nước mắt của người mẹ khóc những đứa con trai khỏe đẹp, thông minh, kiên cương không bao giờ trở về với mẹ sau cuộc chiến tranh…
Tôi làm phim “Người Mẹ”
Tôi chọn đề tài “Người mẹ” làm luận văn tốt nghiệp khoa Đạo diễn với nỗi bức xúc được thể hiện chân dung một bà mẹ VNAH trong hàng triệu những bà mẹ Việt Nam đã có công sinh ra, nuôi dưỡng, cống hiến những người con cho sự trường tồn của tổ quốc. Một chân dung trong hàng triệu chân dung, một nỗi đau trong hàng triệu nỗi đau, vừa là người mẹ hữu danh nhưng nỗi đau mất con như bao bà mẹ vô danh khác… Đó là bộ phim tài liệu về chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè mà tôi đặt tựa đề “Người Mẹ”. Tôi cám ơn Hãng phim truyền hình TPHCM (TFS) đã ủng hộ kinh phí cho một sinh viên khoa đạo diễn thực hiện phim tốt nghiệp để đưa vào phát sóng, Vì sự tin cậy này mà đoàn làm phim đã vô cùng nỗ lực, nâng niu từng chi tiết “Người mẹ”. Đầu tiên là quá trình tiếp xúc viết kịch bản. Tôi may mắn được bà mở lòng, kể những câu chuyện sâu thẳm cuộc đời người mẹ. Bà nguyên là một nhà giáo, Thứ trưởng Bộ Y tế Thương binh Xã hội của Chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Năm 1968, chỉ trong nửa tháng, bà liên tiếp nhận được tin 3 người con trai hy sinh và người con trai út bị thương.
Lớp trẻ chúng tôi lớn lên sau chiến tranh, khi gặp bà đều bật thốt lên câu hỏi: “Làm thế nào Dì năm có thể đứng vững khi cùng một lúc phải nhận bốn phát súng vào tim?”. Lặng đi một lúc, Dì Năm nói: “Ban ngày lùa nước mắt vào tim, nghiến chặt răng, thu toàn lực để đứng vững trên hai chân… lưỡi tôi như tê cứng. Nói gì khi nỗi đau tàn phá đó. Ở cơ quan mọi người nhìn tôi ái ngại, chẳng ai dám an ủi bằng lời. Chiều hết giờ làm việc, các cháu gái rủ tôi đi tắm để các cháu phụ kéo nước giếng giúp đỡ tôi giặt giủ . “Giá các anh còn, tụi con xin được làm dâu của dì”. Gần 30 năm trôi qua, tôi cám ơn biết bao câu an ủi đầy tế nhị thốt lên từ đáy lòng của các cháu trong cơ quan. Rừng miền Đông đêm đêm có con chim gì kêu “mẹ ơi, mẹ ơi” nghe đứt từng đoạn ruột. Nỗi đau mất con khiến tôi bị chứng suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể. Tôi sẽ gục ngã vì nỗi đau quá lớn này ư?… Hình ảnh những bà mẹ đã từng đau nỗi đau mất con mà tôi đã gặp trên bước đường công tác trở về, in đậm trong tâm trí tôi. Tôi hiểu, không chỉ một mình tôi, mà hàng triệu bà mẹ trên đất nước này đã trải qua mất mát như tôi cho ngày hòa bình, thống nhất nhưng những bà mẹ ấy vẫn đứng vững trước đau thương, vẫn góp công sức vào cuộc chiến đấu. Không, tôi không thể ngả gục. Kẻ thù còn kia, tôi phải sống để tiếp tục sự nghiệp các con tôi còn bỏ dỡ. Tôi phải vượt qua nỗi đau với tinh thần tôi phải làm việc để các con tôi được tự hào về mẹ như mẹ đã tự hào về các con. Bằng nhiều phương pháp kết hợp, kiên trì phấn đấu, tôi lại lao vào công việc…”
Bà nói : “Nào phải đâu chỉ riêng mình là người mẹ mất con”. Trên bước đường công tác, nhìn những đoàn quân trùng điệp vượt Trường Sơn vào Nam, Dì Năm cảm nhận vẻ đẹp sâu thẳm của những Bà mẹ Việt Nam. Trên đất nước này, có biết bao bà mẹ đã cắt ruột mình rải dài theo những con đường cho ngày thống nhất…
Năm ấy, chúng tôi đưa bà về quê chồng ở Mỏ Cày, Bến Tre, để hiểu người trí thức yêu nước sẵn sàng lìa bỏ nhà cửa cao sang, ruộng đất cò bay thẳng cánh đi kháng chiến. Chúng tôi theo chân bà về Vĩnh Long, để nhìn thấy dưới đáy nước như còn in hình bóng thời thiếu nữ của cô nữ sinh áo tím. Chúng tôi đi cùng bà về chiến khu miền Đông. Bà tìm lại ngôi nhà lá năm xưa bà đã ở. Bà lặng nhìn lại những hố bom, những giao thông hào, không ngăn được những giọt nước mắt nhớ lại quãng đời đau đớn nhất của mình. Năm ấy dì còn khỏe nên chúng tôi quay được cảnh bà mang ba lô luồn rừng như năm xưa bà đã từng đi những chuyến công tác đối mặt với sinh tử. Chúng tôi cùng bà về Vĩnh Lộc (Bình Chánh) thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Rực. Năm ấy mẹ Rực đã 85 tuổi. Vĩnh Lộc đã xây tặng cho mẹ Rực ngôi nhà tình nghĩa khá khang trang. Nhưng thoảng trong làn gió mùa thu, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và những đàn ruồi đậu đầy trên những đống rác. Để có phân hữu cơ bón hoa màu, bà con Vĩnh Lộc đã mua rác mà không hay tự lúc nào, Vĩnh Lộc đã trở thành một bãi chứa rác khổng lồ. Rác ngập trên những con đường, trên cánh đồng, dọc theo những lối đi… Ngôi nhà của má Rực nhìn ra một cánh đồng ngập rác. Nhà tường xây, cũng tủ thờ, ván gõ mà sao gian nhà bếp quá lạnh lẽo. Từ sự lạnh lẽo ấy, Dì Năm lặng lẽ đến bên mẹ Rực, mang theo trầu, cau, gói trà, tấm áo… Hai bàn tay già nua, nhăn nheo; một chai sần, một héo hắt nắm chặt lấy nhau. Ngoài khung cửa, vòm trời cao xanh đến vô cùng. Hai bà mẹ mất con tự băng bó vết thương cho nhau. Nước mắt khóc con của hai bà mẹ không còn…
Rồi chúng tôi theo bà về Trà Vinh, thăm lại Trường Long Đức, một cơ sở đấu tranh hợp pháp do bà làm hiệu trưởng thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Bà Hiệu Trưởng đã sát vai cùng chánh thư ký Lâm Thị Ba, dùng lý lẽ của địch đánh địch. Cơ sở hợp pháp trường tư thục Long Đức tồn tại giữa lòng địch trong một thời gian dài nhờ sự che chở của đồng bào. Bà nói: “Hoạt động hợp pháp phải dựa vào dân, bám vào dân như con ong hút mật, xây tổ”. Gần 40 năm đã trôi qua, sau ngày trường Long Đức bị đóng cửa vì tội “thân cộng”, bà không khỏi ngậm ngùi khi người đồng chí, đồng nghiệp năm xưa giờ trở thành người đồng cảnh. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lâm Thị Ba đã cống hiến 3 người con cho ngày hòa bình, thống nhất. Gần 90 tuổi mà mẹ Ba vẫn còn minh mẫn, kể chuyện ngày xưa rất rõ ràng, khúc chiết. “Mẹ có 9 người con, đều thoát ly. Thằng Dương Quang Quý hy sinh ở lộ Vòng Cung, thằng Dương Quang Hòa hy sinh tại cánh rừng ở Tácbàsa Bạc Liêu, còn con gái Dương Thị Thanh Hiển đi dân công chuyển thương tải đạn ở Cần Thơ hy sinh trong một trận địch thả bom bầy”. Khi nghe tin con hy sinh, mẹ đã không rơi lệ vì mẹ hiểu… nước mắt đã chảy ngược vào trong, hằn trong từng nếp nhăn của tư duy, ký ức. Đó là người mẹ khi lên bảy, được cắp sách đến trường đã hiểu cái nhục mất nước. Mẹ bước vào hai cuộc trường chinh kháng chiến gian khổ vì lòng yêu nước. Người mẹ ấy đã từng bị bắt vào tù để biết cảm thông: “Vô tù mới biết thương người đã ở trong tù”. Lòng ái quốc thấm trong máu, trong sữa, truyền cho những người con. Các anh chị trở thành những thanh niên khỏe đẹp, có học thức, có lý tưởng đã chọn con đường chiến đấu… Là vợ của một Phó chủ tịch Mặt trận Giải phóng Khu Tây Nam bộ, những người đồng chí vì thương mẹ Ba bày tỏ ý định bố trí những người con mẹ vào những bộ phận ít tiếp xúc với bom đạn. Mẹ kiên quyết nói: “Người mẹ nào mà không thương con. Nhưng chẳng lẽ để con người khác lao ra mặt trận hứng chịu bom đạn cho con mình được sống. Tôi rất cám ơn tấm lòng của các đồng chí dành cho tôi. Có thương tôi, xin hãy đối xử với các con tôi bình đẳng như với bao chiến sĩ khác”. Bà Bùi Thị Mè nhìn chúng tôi- cái nhìn như muốn nói: “Đất Trà Vinh của bà Bùi Thị Mè có biết bao bà mẹ anh hùng như thế!”. Cho đến giờ, mỗi khi phim “Người mẹ” được phát sóng, tôi tự vui với mình, bởi đợi đến dự án 100 tập phim Huyền thoại Mẹ VNAH ngày hôm nay thì bà Bùi Thị Mè không còn có dịp để đi cùng chúng tôi nữa…
Quyển tiểu thuyết chưa kịp viết
Từ phim “Người mẹ”, tôi trở thành con cháu gần gũi với bà và rồi tôi quen gọi bà là dì Năm một cách gần gũi. Dì kể tôi nghe nhiều chuyện, uẩn khúc thời thiếu nữ của dì, lẫn những trăn trở, ưu tư thời hiện đại. Trong một lần dự cuộc họp ở Văn phòng chính phủ phía Nam, khi cố thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sống, ông mời văn nghệ sĩ đến phát động viết về nhân sĩ trí thức, những người hằng sản Nam bộ đã hết lòng với kháng chiến. Tôi đứng ra đăng ký một đề tài cho dì Năm. Khi nghe tôi nói lại, dì băn khoăn: “Nhiều chuyện lắm nhưng dì biết viết cái gì? Hơn nữa dì không phải là nhà văn…”. Tôi trấn an dì: “Dì cứ viết chuyện của chính dì và những người dì kể cho cháu nghe, thật sâu sắc, nhân văn và số phận…”. Vậy là bà già tuổi bát thập ngồi cặm cụi viết. Mấy tháng sau, dì viết xong “Kể chuyện đời mình”. Tập hồi ký đã được tái bản nhiều lần. Tôi nhớ mới vài năm trước, tôi đến thăm dì, dì nói: “Đợi hôm nào rảnh rang dì Năm kể những chuyện sống để bụng chết mang theo của dì Năm, con viết tiểu thuyết chắc là hay!”. Tôi nói: “Sao dì không viết!”. Dì cười mà mắt nhìn xa xăm: “Tế nhị lắm. Nếu hồi đó mẹ dì không tin dị đoan cho rằng dì lấy người ấy sẽ không sống nát được chiếc chiếu mà từ hôn, không biết giờ cuộc đời dì sẽ rẻ sang hướng nào. Chuyện không thành nhưng dì vẫn nhớ mãi những lá thư người ấy gởi cho dì. Dì với người ấy chưa từng nắm tay nhau mà nhớ hoài thời con gái… Tình yêu thời dì đẹp lắm!”. Tôi chưa kịp đến để ghi lại những điều bí mật của dì thì dì đã ra đi… Bà mẹ VNAH Bùi Thị Mè ra đi đã mang theo vào lòng đất quyển sách quý báu của đời người mà dì chưa kịp viết! Còn tôi, tôi nhớ hoài lời khuyên của bà: “Chữ nhẫn là chữ tượng vàng”. Tôi biết bà đã sống bằng chữ nhẫn ngay trong những ngày hòa bình, kiên trì thuyết phục, là cầu nối để mang lại sự công bằng cho nhiều số phận mà bà đã từng được biết trong cuộc kháng chiến.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 3 năm 2014
Trầm Hương