NHỚ VỀ BÀ NGUYỄN THỊ KIÊM (MANH MANH NỮ SĨ)

Nhân ngày nhà báo Việt Nam 21/6:

NHỚ VỀ BÀ NGUYỄN THỊ KIÊM (MANH MANH NỮ SĨ) –

NHÀ THƠ NỮ TIÊN PHONG TRONG PHONG TRÀO THƠ MỚI

Bà Nguyễn Thị Kiêm tự Manh Manh nữ sĩ, tự Nguyễn Văn Mym, tự Lệ Thủy…, sinh năm 1914 tại tỉnh Gò Công trong một gia đình đạo đức, giỏi về Tây học. Cha là tri huyện Nguyễn Đình Trị, một nhà báo có tiếng đương thời.

Tuy bà có tư tưởng suy nghĩ rất mới, kịp với thời đại nhưng phong cách của bà vẫn giữ nguyên chuẩn mực của người phụ nữ đầu thế kỷ 20, trang phục giản dị và hầu như không trang điểm, mang đậm cốt cách của người phụ nữ thuần túy Việt Nam. Có lẽ nhờ sự giáo dục nghiêm khắc, chặt chẽ của gia đình.

Khoảng năm 1931-1932, bà Nguyễn Thị Kiêm tốt nghiệp bằng Thành Chung ban sư phạm, rồi được giữ lại trường dạy học. Vừa dạy học, Nguyễn Thị Kiêm vừa tham gia hoạt động xã hội và viết báo, cô viết cho Phụ nữ tân văn, Công luận, Nữ lưu…

Khoảng những năm 1933-1934, bà đăng bài trên báo Phụ nữ tân văn ủng hộ phong trào Thơ mới của các thi sĩ đàn anh như: Phan Khôi, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư… Ngày 26/7/1933, vào năm 19 tuổi, bà đăng đàn diễn thuyết tại Nhà hội của Hội khuyến học Sài Gòn về đề tài Thơ mới. Tiếp đó bà lần lượt ra Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Hà Nội… diễn thuyết hô hào cải cách văn chương, cải cách xã hội, nhất là cổ động cho nữ quyền. Các buổi diễn thuyết của bà luôn được đông đảo người tham dự và ủng hộ nhiệt liệt.

Nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh để lại tổng cộng 10 bài thơ mới, đó là: Viếng phòng vắng, Thơ gởi cho em Vân, Mộng du, Canh tàn, Lá rụng, Sa đà, Hai cô thiếu nữ, Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới, Một bài thơ mới gởi riêng cho các anh ghiền: Bà Lafugie – nhà thám hiểm và họa sĩ, Đêm khuya qua Xuân Lộc. Đáng chú ý là loạt bài du ký: Cuộc hành trình từ Nam ra Bắc, Hà Nội với mấy cái cảm tưởng đầu (Phụ nữ Tân Văn số ngày 25/10/1934, 8/11/1934, 13/12/1934), Dưới chân đèo Cả (Phụ nữ Tân Văn số 252 năm1934). Bên cạnh đó, bà có nhiều phóng sự trên các báo: Phụ nữ tân văn, Nữ lưu…

Manh Manh nữ sĩ đăng đàn diễn thuyết bênh vực Thơ mới với tư cách là nhà hoạt động văn hóa đi tìm những chân trời sáng tạo mới cho thơ hơn là một thi sĩ chuyên nghiệp. Toàn bộ sự nghiệp thơ ca của bà Manh Manh để lại khoảng chừng vài bài như: Viếng phòng vắng, Thơ gởi cho em Vân, Mộng du, Canh tàn, Lá rụng, Sa đà, Hai cô thiếu nữ, Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới, Một bài thơ gởi riêng cho các anh ghiền: Bà Lafugie – nhà thám hiểm và họa sĩ, Đêm khuya qua Xuân Lộc. Mặc dù thơ của bà không thật hay nhưng không phải là không có phong cách riêng và nhất là những bài thơ mới của bà là những sáng tạo có tính lên án thời đại, đoạn tuyệt mạnh mẽ với thơ cũ.

Thơ của bà mang đậm chất hiện thực, trong đó bài “Hai cô thiếu nữ” là tiêu biểu nhất cho cảm hứng đó:

“Hai cô thiếu nữ đi ra đồng

(một cô ở chợ, một cô ở đồng)

Hai cô thiếu nữ đi ra đồng

Một mảnh lụa hồng, một vóc vải đen!

Hai cô thiếu nữ đi khỏi đồng

Cô ở đồng hay nhẹ bỗng tấm lòng

Hai cô thiếu nữ đi khỏi đồng

Cô áo hồng mang nặng cái giỏ bông…”

(Phụ nữ tân văn, số 204, ngày 15/6/1933)

Bài thơ kể câu chuyện về hai cô gái đi ra đồng, người bắt cá, người hái hoa, và câu chuyện diễn ra pha màu cổ tích: hai người trở về thì gặp một bà lão nghèo đứng khóc bên vệ đường. Hỏi chuyện thì biết bà đang phải nuôi ba cháu mồ côi cả cha mẹ, hiện nhà hết gạo, hai cô đưa hết những thứ mình có được: cô đưa giỏ cá, cô đưa giỏ hoa. Bà lão nhận giỏ cá còn từ chối giỏ hoa vì nó chẳng giúp ích gì…

Cảm hứng thứ hai khá rõ trong thơ của nữ sĩ là đấu tranh cho nữ quyền. Trong bài “Một bài thơ gởi riêng cho các anh ghiền: Bà Lafugie – nhà thám hiểm và họa sĩ”, nhà thơ say mê với hình ảnh nhà thám hiểm, nhà khoa học – bà Lafugie, ca ngợi bà như biểu tượng của phụ nữ mới mạnh mẽ:

“Người từng lướt đi chẳng kể nắng nung, tuyết lạnh, đất nghiêng, đá vỡ

Người ăn vận như bạn trai, ngồi lưng ngựa long chong, mà qua đèo, xuống hố, lên dốc, lội hào

Cùng một bọn tuỳ tùng dân lạ, sấn đi giữa non núi chình chòng

Rồi trải qua những ngày phẳng lặng, những đêm hung dông bão…

”Lấy đó làm gương cho các anh ghiền á phiện đầy rẫy trong xã hội bấy giờ. Bài thơ kết thúc bằng cách nói lạ và thú vị : “Các anh có nghe tôi chăng? Hay là:

Đang lúc tâm hồn tôi rúng động, vì một bậc anh tài mới thoáng qua

Đang lúc tôi hăm hở hát ca, cái can đảm, cái khí liệt, cái hùng dũng

Của một người đàn bà, mà các anh vẫn nằm điềm nhiên vẫn móc, vẫn tim, vẫn hút, vẫn ghiền

Thì các anh ơi Đành rằng trọn đời, trên thế giới người ta:

Các anh chẳng phải là đàn ông, mà các anh cũng chẳng đáng làm đàn bà!”

(Phụ nữ tân văn, số 239, ngày 26/4/1934)

Trong suốt cuộc đời văn nghiệp của mình, bà đã gây nên một phong trào sóng gió trong làng báo phụ nữ, mở ra một trang đầu thi sử Thơ mới Việt Nam mà giai đoạn đó phần đông chỉ nghiêng về thơ đường luật có sẵn quy mô cũ. Còn loại thơ mới bị xem là dị biệt, không bao giờ tồn tại được, thế mà trải qua gần nửa thế kỷ, thơ mới dần dần được phát huy mạnh mẽ thoát khỏi bó buộc của khuôn khổ xưa.

Rất tiếc con đường văn nghệ của bà không được trọn vẹn. Sau khi tờ Phụ nữ Tân Văn bị đình bản, nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh kết hôn với người bạn thơ Lư Khê Trương Tuấn Cảnh, ông sinh năm 1916 tại Hà Tiên, là nhà thơ, nhà báo có tiếng đương thời, được người đời xưng tụng là “Hà Tiên tứ kiệt” cùng với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà. Hai người kết hôn khoảng năm 1936-1937, lúc ấy bà Nguyễn Thị Kiêm chừng 22-23 tuổi, ông Lư Khê thì 20-21 tuổi. Hai người sinh được một người con gái, chỉ sống được đến một tuổi thì mất. Sau đó, bà Nguyễn Thị Kiêm không sinh được nữa, nên để cho chồng kết hôn với người khác. Năm 1950, ông Lư Khê bị ám sát chết. Cũng năm ấy, bà Manh Manh sang định cư ở Pháp và sống âm thầm ở đấy cho đến cuối đời. Nữ sĩ mất ngày 26/1/2005 tại một nhà dưỡng lão ở Paris.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 06 năm 2020

Hồ Ngọc Phương

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế

Tour 360° Tour 360° 360 Tour