Kim Liên cái tên thân thương mà mỗi lần nhắc đến, lòng người lại dâng trào một niềm xúc động khó tả. Nơi ấy, nơi làng Sen dịu dàng trải mình giữa vùng đất Hồng Lam địa linh nhân kiệt, không chỉ là chốn quê bình dị mà còn là chiếc nôi sinh thành của một con người vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Giữa mùa sen nở, ngày 19 tháng 5 năm 1890, một bông sen quý đã chào đời nơi đất Nghệ khắc khổ nhưng tràn đầy khí phách. Người sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên giữa những tháng ngày đất nước lâm vào cảnh lầm than, đã sớm mang trong tim ngọn lửa cứu nước cháy bỏng. Từ làng quê nghèo Hoàng Trù, Người bước ra biển lớn, đi khắp năm châu, tìm đường giải phóng dân tộc bằng đôi chân bền bỉ và khối óc minh triết.
Ngày 19/5 không chỉ đơn thuần là ngày sinh của Bác, mà là ngày nhân dân cả nước, cả bạn bè quốc tế hướng về với lòng thành kính và niềm biết ơn sâu nặng. Và cũng như chính con người giản dị của Bác, những dịp sinh nhật ấy không phải để tổ chức linh đình, mà để nhìn lại, soi rọi vào những điều Người hằng mong muốn: thi đua yêu nước, nỗ lực học tập, sống tử tế và phụng sự nhân dân.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người đã mang đến cho dân tộc Việt Nam nguồn ánh sáng rực rỡ để vượt qua bóng tối nô lệ, mang đến kỷ nguyên hòa bình, độc lập – tự do – hạnh phúc cho nhân dân, một kỷ nguyên vươn mình trong thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh. Dù thời gian luôn lặng lẽ trôi qua, tình yêu và lòng biết ơn của nhân dân ta dành cho Bác vẫn không hề phai nhạt, và ngày 19/5 vẫn mãi là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước – giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi nhiều cuộc khởi nghĩa đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập và thống nhất Tổ quốc đều lần lượt thất bại và đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Ngay từ thuở thiếu thời, Người đã đi qua nhiều quốc gia, tiếp cận với những học thuyết và thực tiễn đấu tranh ở nhiều nơi trên thế giới để tìm kiếm con đường cứu nước đúng đắn, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi xiềng xích nô lệ, cùng với Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; và sau đó tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Ngày 19/5/1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó trở đi, hàng năm cứ vào ngày sinh nhật của Bác, Người luôn nhận được hàng ngàn bức thư và lời chúc mừng từ nhân dân, cán bộ trong nước và bạn bè quốc tế. Với cương vị là Chủ tịch Nước, là lãnh tụ tối cao của Đảng, nhưng cứ đến dịp 19/5 – Kỷ niệm Ngày sinh của mình, Người luôn từ chối những lễ nghi phiền phức, Bác thường căn dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức linh đình vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, gian khổ. Người từng nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc” và chính vì thế, mỗi dịp sinh nhật Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời đức tính giản dị, khiêm nhường của con người vĩ đại ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân
đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Bác tại chiến khu Việt Bắc (19-5-1950) Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc chân chính, nhà cách mạng sáng suốt, vị lãnh tụ thiên tài. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, và luôn là tấm gương sáng ngời cho chúng ta học tập và noi theo. Mặc dù Bác đã đi xa, nhưng tình cảm của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Người vẫn không thay đổi. Dù thời gian có trôi qua 50 năm, 100 năm hay nhiều năm hơn thế nữa, những đóng góp và sự hy sinh vĩ đại của Bác Hồ để đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân vẫn luôn khắc ghi trong trái tim những người con đất Việt và bạn bè năm châu. Vì vậy, mỗi năm khi đến tháng 5 mùa sen nở, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế vẫn tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ để cùng nhau ôn lại những bài học quý giá, khắc ghi những việc làm cao quý của Người lãnh tụ vĩ đại đã cống hiến cả đời mình cho lịch sử đất nước và thế giới.
Một ngày 19/5 nữa lại về, trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm các ngày lễ lớn như: Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Quốc Khánh. Chúng ta xin bày tỏ niềm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn đến Bác Hồ – người cha già của dân tộc Việt Nam. Hôm nay và mãi về sau, tên tuổi và sự nghiệp của Người vẫn sẽ luôn sống mãi cùng với non sông đất nước ta, hiện hữu trong tâm hồn của dân tộc và trong trái tim nhân loại. Bác Hồ để lại cho Đảng, nhân dân và các thế hệ ngày hôm nay và mai sau một di sản vô cùng quý báu, đó là một tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách sống rực rỡ của mình.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Người đã có những quan điểm mang tính định hướng về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ luôn ra sức giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nam bộ nói riêng, luôn lấy lời căn dặn và hành động của Bác làm kim chỉ nam cho sự nghiệp của bảo tàng: “Phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới để xây dựng nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”.
Trong hành trình 40 năm hình thành và phát triển bảo tàng luôn tự hào và vinh dự khi được lưu giữ nhiều kỷ vật gắn với Bác. Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (29/4/1985 – 29/4/2025), bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trưng bày chuyên đề “Hành trình 40 năm – câu chuyện từ những hiện vật”, trong chuyên đề này bảo tàng đã trưng bày một số hiện vật gắn với Bác. Trong đó, “Đồng tiền vàng Bác Hồ” tặng Bà Nguyễn Thị Thập năm 1948 để làm kinh phí trong một chuyến đi công tác ở nước ngoài. Vì sự trân trọng và lòng kính yêu vô bờ đối với Bác, Bà đã không sử dụng đồng tiền này mà cất giữ bên mình đến những ngày cuối đời, sau đó trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ lưu giữ.
Đồng tiền vàng Bác Hồ tặng cho Bà Nguyễn Thị Thập năm 1948 đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Đây không chỉ là hiện vật quý, mà là minh chứng sống động cho tình cảm, sự tin tưởng của Bác với các chiến sĩ cách mạng, với những người phụ nữ kiên trung. Chính những hiện vật ấy giúp thế hệ sau lặng người suy ngẫm, để hiểu sâu hơn về một con người vĩ đại mà gần gũi.
Hôm nay, giữa những ngày tháng Năm rực rỡ, giữa hương sen ngan ngát khắp núi sông, triệu triệu con tim người Việt Nam lại cùng hòa chung một nhịp: nhớ về Bác – Người đã dành trọn đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Mỗi bông sen nở là một nén tâm hương dâng Người. Mỗi lời kể về Bác là một đóa hoa tinh thần kết thành vòng hoa bất tử trong lòng dân tộc.
Và chúng ta, thế hệ hôm nay nguyện học theo gương Bác, sống có lý tưởng, trách nhiệm, khát vọng vươn lên. Để đưa đất nước Việt Nam phát triển bền vững, sánh vai cùng năm châu như điều Bác hằng mong.
Và trong mỗi tháng Năm, khi sen lại nở, lòng người lại nhắc nhau:
“Nhớ Bác – nhớ một mùa sen nở năm nào… ngát hương giữa đất trời và trong tim mỗi chúng ta.”
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 5 năm 2025
Võ Cư Phòng Truyền thông, Giáo dục và Quan hệ Quốc tế |
- Tài liệu tham khảo:
- Trình Quang Phú (2020) Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng, Nxb Thanh Niên
- Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025)