Cách đây tròn 20 năm (mùng một tháng hai Âm lịch, năm Bính Tý 1996), đồng chí Nguyễn Thị Thập (Mười Thập)- nguyên Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, thành viên Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ, một trong những thành viên sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ từ đã đi xa. Nhân hội thảo “Nguyễn Thị Thập- cuộc đời và sự nghiệp” do Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức; Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu đến bạn đọc 2 bài viết “Nguyễn Thị Thập với sự ra đời của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ” và “Nguyễn Thị Thập và phụ nữ miền Nam”.
TS.Nguyễn Thị Hiển Linh
Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
1. Nguyễn Thị Thập với sự nghiệp cách mạng của phụ nữ
Tiếp cận nghiên cứu đối tượng là nhân vật nữ dưới góc độ lịch sử và phát triển xã hội về giới là một góc nhìn tổng thể trong bối cảnh hội nhập của xã hội Việt Nam nói chung và tổ chức Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở những nghiên cứu về Bà Nguyễn Thị Thập – người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà cũng chính là người phụ nữ duy nhất tham gia Quốc hội từ khóa I đến khóa VI. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Bà tham gia lãnh đạo Khởi nghĩa Nam kỳ (1940), lãnh đạo giành chính quyền (năm 1945) tại Mỹ Tho. Bà được chỉ định là Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Nam Bộ, là Hội trưởng Phụ nữ Nam Bộ. Từ năm 1956 đến năm 1974, Bà là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Có thể nói, Bà là người đã có nhiều gắn bó với sự trưởng thành của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bà rất chú trọng đến việc nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ với những kiến nghị, yêu cầu và đề xuất nhiều phong trào cho phụ nữ Việt Nam để nâng tầm bình đẳng với nam giới trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Cùng với trách nhiệm của mình, Bà còn là người con của vùng sông nước Nam Bộ, rất quan tâm đến những phong trào của phụ nữ miền Nam và có những chỉ đạo kịp thời giúp tổ chức Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Giải Phóng miền Nam Việt Nam ra đời ngày 8/3/1961 phát huy vai trò của phụ nữ miền Nam trên các lĩnh vực chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Học tập phong cách lãnh đạo và tư duy của Bà Nguyễn Thị Thập trong vai trò của một vị nữ Chủ tịch Hội luôn mong muốn nâng cao bình đẳng giới cho phụ nữ, tìm hiểu về những chỉ đạo của Bà với phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ là cách thức minh chứng cho những giá trị mà phụ nữ đã cống hiến cho dân tộc. Đồng thời tiếp tục phát huy những thành tích đạt được của phụ nữ hai miền Nam – Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục bảo tồn những giá trị truyền thống yêu nước quý báu, kết hợp với việc phát huy tính năng động, sáng tạo của phụ nữ trong lao động và nghiên cứu khoa học để hội nhập tốt hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
2. Nguyễn Thị Thập với phụ nữ miền Nam.
2.1 Nguyễn Thị Thập với những quan tâm về vai trò giới đối với phụ nữ miềnNam. Theo Bà Nguyễn Thị Thập, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều thay đổi về vị trí xã hội và đời sống. Nếu trước đây, phụ nữ còn phải sống trong vòng nô lệ, bị coi khinh. Nhưng từ khi có cách mạng tháng Tám năm 1945, phụ nữ được giải phóng nhanh chóng. Phụ nữ trở thành người chủ thật sự của nhà máy và làm chủ vận mệnh của bản thân mình với đường lối vận động phụ nữ tham gia đấu tranh cách mạng và cống hiến xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, từ những người bình thường, phụ nữ trở thành những người sản xuất giỏi, những người lãnh đạo xuất sắc. [1]
Bà cho rằng: Hồ Chủ Tịch rất quan tâm đến phong trào phụ nữ. Ngay từ ngày đầu kháng chiến, Bác Hồ hiệu triệu “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân, cứu tổ quốc”. Khi cuộc kháng chiến đi đến giai đoạn quyết liệt, Bác kêu gọi “Phụ nữ thay thế chồng con, để nam giới ra tiền tuyến”. Người còn rất chú ý đến quyền bình đẳng nam nữ “Đó là 1 cuộc cách mạng to và khó.Vũ lực của cuộc cách mạng là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Dù to và khó nhưng nhất định sẽ thành công”. [2] Phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà phải tự cường, phải đấu tranh”. [3] Khi tổ quốc lâm nguy, Đảng cần thì phụ nữ gánh vác nhiệm vụ Đảng giao, có khả năng đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng. Do vậy, Bà Nguyễn Thị Thập rất ủng hộ bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam năm 1967, đặc biệt là tại Chương 2, Điều 9, ghi rõ:
– Phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
– Có chính sách nâng đỡ, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ phụ nữ.
– Ban hành chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ – Bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. [5]
Vì vậy, theo sự chỉ đạo của Bà hướng theo kim chỉ Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư tưởng bình đẳng với nam giới, lực lượng phụ nữ miền Nam vùng lên mạnh mẽ và quyết liệt trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, biểu hiện vai trò và phát huy trên nhiều lĩnh vực chiến đấu. Là lực lượng xung kích trong đấu tranh chính trị, binh vận, dũng cảm mưu trí trong đấu tranh vũ trang, là lực lượng sản xuất to lớn trên đồng ruộng, là những chiến sĩ kiên quyết trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nhân phẩm phụ nữ… Vừa trực tiếp chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, vừa đảm đang công tác hậu phương, còn đảm đang gia đình nuôi dạy con cái. Phong trào đấu tranh của phụ nữ chẳng những sôi nổi quyết liệt trong tầng lớp nữ công nhân lao động, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, từ nông thôn đồng bằng đến đô thị, rừng núi hình thành nên một mặt trận phụ nữ rộng lớn. Trong cao trào đấu tranh của quần chúng, đội ngũ cán bộ, hội viên của tổ chức Hội đóng vai trò nồng cốt lãnh đạo. Trong kháng chiến chống Pháp, truyền thống yêu nước của phụ nữ được phát huy mạnh mẽ. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, những hy sinh không bờ bến của phụ nữ miền Nam là những cống hiến quý báu vào sự nghiệp cách mạng của cả nước và thế giới.Chiến thắng mùa xuân năm 1975, sự nghiệp cách mạng của cả nước bước vào giai đoạn xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa, vai trò của phụ nữ rất quan trọng. Bác Hồ nói: “Không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nữa”. Vì vậy, theo Bà Nguyễn Thị Thập, công tác vận động phụ nữ giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa phải chú trọng. Hội phải vận động phụ nữ với nội dung mới và phương thức mới, động viên phụ nữ góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Chính phủ. Để giải quyết vấn đề này, trước nhất phụ nữ phải xây dựng cơ sở Hội vững mạnh từ dưới lên [4]. Điều Bà băn khoăn, mặc dù Đảng có nghị quyết nhắc nhở phải quan tâm đến cán bộ nữ, nhưng cán bộ phụ nữ lãnh đạo cấp ủy và các nghành rất ít. Theo Bà, phải nhìn nhận thực tế, cán bộ nữ ngoài nhiệm vụ công tác còn đảm nhiệm vai trò đối với gia đình, nhất là cán bộ nữ ở cơ sở. Mặt khác, cán bộ nam cũng không muốn vợ mình tham gia hoạt động. Vì vậy cần phải có chính sách động viên và phát huy lực lượng quần chúng phụ nữ kịp thời với những chính sách đãi ngộ cùng hình thức hoạt động phong trào phong phú, đa đạng để phát huy phụ nữ thể hiện khả năng của mình. [6]Theo tư tưởng chỉ đạo của Bà, Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam thể hiện sự năng động trong thực hiện vai trò của Hội, đặc biệt trong giai đoạn chống Mỹ.
2.2 Hướng về miền Nam với những chỉ đạo phong trào phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội Liệp Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, đứng đầu là Bà Nguyễn Thị Thập ngày 19/3/1965 hình thành phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”. Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Giải Phóng miền Nam Việt Nam khởi xướng phong trào “Thi đua 5 tốt”. Ngày 8/3/1966, Trung ương Hội Liệp Hiệp Phụ Nữ Việt Nam phát động “Phụ nữ miền Bắc học tập và thi đua với phụ nữ miền Nam anh hùng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”. Cuộc thi đua học tập giữa phụ nữ hai miền làm cho phong trào 3 đảm đang và phong trào 5 tốt có ý nghĩa sâu sắc, có nội dung phong phú, đáp ứng tình cảm thiêng liêng của phụ nữ hai miền. Đó có thể nói là cuộc thi đua giữa tiền tuyến lớn và hậu phương lớn.
Miền Nam bước vào cuộc thi đua với những phong trào đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận ngày càng lên cao, mở rộng đến các vùng đô thị, vùng nông thôn giải phóng, ấp chiến lược. Phụ nữ quyết tâm bám ruộng vườn, sản xuất, đóng góp sức người, sức của vào cuộc kháng chiến, nhạy bén đấu tranh chính trị, làm liên lạc, nuôi chứa cán bộ, bảo vệ cán bộ cách mạng…. Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của phụ nữ miền Nam với truyền thống yêu nước sẵn có đã phát huy khả năng, có những cống hiến to lớn, không chỉ vì tập quán cần cù, nhẫn nại mà chính là biểu thị rất cao sự tự giác và quyền lợi dân tộc, giai cấp và giới. Minh chứng cho điều này là năm 1965- 1967, trên mặt trận đấu tranh chính trị, phụ nữ miền Nam bất chấp súng đạn, đương đầu với địch, phá trên 6.000 ấp chiến lược, 47.000 phụ nữ tham gia du kích tự vệ, 2.000.000 lượt phụ nữ tham gia xây dựng xã chiến đấu. Phong trào đấu tranh của đồng bào vùng nông thôn giải phóng, chống càn quét, khủng bố, chống phi pháo, chống gom dân, hãm hiếp phụ nữ phát triển mạnh với nhiều hình thức phong phú quyết liệt. Ngày 23/1 đến ngày 11/2/1967, 6.000 đồng bào tại Đức Hòa (Long An) dàn hàng ngang chặn cả đoàn xe bọc thép Mỹ, buộc địch phải bồi thường 45.000 đồng và giữ được 200 mẫu hoa màu. Việc đấu tranh chống lại những hành động khủng bố của địch, bảo vệ sanh mạng bản thân trở thành ý thức nhạy bén của quần chúng các địa phương. Một trái bom, một quả đạn pháo bắn vào làng … là cơ hội thúc đẩy hàng trăm người kéo đến bọn chỉ huy Mỹ đòi bồi thường thiệt hại. Phong trào đấu tranh chính trị chống càn tại chỗ còn phát triển mạnh tại các vùng xung quanh căn cứ Mỹ như: Chu Lai, Đà Nẵng, Dầu Tiếng, Đức Hòa, Đức Huệ, Bình Đức, Long Hưng với nhiều hình thức đấu tranh quyết liệt như chặn đầu xe 113, giằng co với lính Mỹ không cho chúng đốt nhà, cán lúa, tạo vũ khí thô sơ đánh địch chống càn như: Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ. Phong trào binh vận có nhiều biến chuyển, phụ nữ dùng ý thức dân tộc khơi sâu mâu thuẫn giữa Mỹ – ngụy, tranh thủ binh sĩ địch làm nồng cốt trong các cuộc đấu tranh trực diện, không chịu đi càn quét, đào rã ngũ, phản chiến ngày càng tăng. Kết quả: Phụ nữ Tây Nam Bộ tuyên truyền giáo dục13.149 gia đình binh sĩ, 15.735 binh sĩ, 43.679 truyền đơn, 248 phụ nữ vào tổ chức binh vận, rã ngũ 1178 binh sĩ… [8]
Những thành tích đạt được trong đó, có vai trò của tổ chức Hội Liên Hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bà Nguyễn Thị Thập đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đến phụ nữ: vạch trần âm mưu của đế quốc, mục đích ý nghĩa ngày 8/3, phổ biến tài liệu 3 đảm đang, ý nghĩa của nội dung thi đua 5 tốt, giao ước thi đua 5 tốt với phụ nữ miền Bắc, gắn chặt với nội dung về giới đến quần chúng và hội viên. Củng cố, nâng chất lượng hội viên. Tại Tây Nam Bộ, năm 1966 phát triển 16.468 hội viên (năm 1965 có 15.820 hội viên). Công tác bảo mẹ và trẻ em được chú trọng với mạng lưới vệ sinh phòng bệnh được thực hiện nhiều nơi. Cuối năm toàn miền Nam có 138 trạm bảo sanh, hình thành 22 lớp bình dân, 1414 phụ nữ thoát dốt. Trong đó có Hội Mẹ chiến sĩ hăng hái tham gia các mặt công tác: vận động ủy lạo bộ đội, nuôi dưỡng thương bệnh binh, tích cực tham gia đấu tranh chính trị. Xuất hiện nhiều bà mẹ xứng đáng với danh hiệu” yêu nước, thương con đảm đang, bất khuất” với 2524 hội viên. Phong trào thi đua 5 tốt triển khai đến tỉnh, huyện , xã, tổ chức 38 cuộc đại hội bình chọn cấp giấy khen cho 1375 cá nhân 5,4,3 tốt. Xuất hiện nhiều nữ dũng sĩ diệt Mỹ, diệt cơ giới, diệt máy bay như anh hùng Tô Thị Huỳnh (Trà Vinh) xã đội phó du kích cùng đồng đội đánh 170 trận, Kan Lịch người dân tộc Pacô gan dạ một mình bắn rơi máy bay Mỹ, Nguyễn Thị Hạnh (Long An) chỉ huy du kích đánh trên 300 trận vào ấp chiến lược…
Song hành cùng phụ nữ miền Nam, phụ nữ miền Bắc tích cực sản xuất và chiến đấu, hoàn thành vai trò của hậu phương đối với miền Nam, tạo bước tiến vươn lên mạnh mẽ nhanh chóng thực hiện quyền nam nữ bình đẳng. Hàng triệu phụ nữ miền Bắc đạt danh hiệu “Ba đảm đang”, được Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh tặng thưởng Huân chương lao động cho phụ nữ 20 tỉnh và 19 huyện xã, 17 nữ anh hùng được tuyên dương trong Đại hội anh hùng và chiến sỹ thi đua toàn miền Bắc. [7]
3. Kết luận Ngày nay, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam tiếp tục là một mặt trận phụ nữ lớn mạnh với 14 triệu hội viên. Song song với việc động viên các tầng lớp phụ nữ tham gia cống hiến cho xã hội, Hội luôn quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ. Hội đã cùng với các cơ quan ban ngành nhà nước xây dựng nhiều luật pháp, chính sách tạo điều kiện từng bước thực hiện nam nữ bình đẳng, đào tạo những cán bộ nữ ưu tú tham gia các cơ quan lãnh đạo nhà nước theo lời dặn dò của Bà Nguyễn Thị Thập “Chị em đã làm nên những sự nghiệp vĩ đại, nhưng từ nay về sau phụ nữ phải tăng cường cao hơn, phải học tập không ngừng để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật. Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, muốn có xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc, không thể không có người phụ nữ văn minh. Người phụ nữ lạc hậu thì không thể có bình đẳng.” [7]
Tài liệu trích dẫn
1. Nguyễn Thị Thập, 1945, Bài phát biểu trong cuộc họp mặt với Trung ương Hội và các đại biểu, cán bộ ra miền Bắc dự ngày Quốc khánh 2/9/1945.
2. Nguyễn Thị Thập, 1960, Bài nói chuyện về Hồ Chủ Tịch nhân dịp Người 70 tuổi.
3. Nguyễn Thị Thập, 1966, Bài diễn văn tại cuộc mít tinh kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam ngày 20 tháng 10.
4. Nguyễn Thị Thập, 1967, Phụ nữ Việt Nam đảm đang chống Mỹ cứu nước. Viết cho báo Phụ nữ Triều Tiên.
5. Nguyễn Thị Thập, 1967, Tham luận tại Hội Nghị Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 7/9/1967
6. Nguyễn Thị Thập, 1970, Bài phát biểu tại Đại hội Phụ nữ tỉnh Hà Tây lần thứ 1 (1/11/1970)
7. Nguyễn Thị Thập, 1976, Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ IV.
8. Nguyễn Thị Được, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam, 1974, Đặc điểm tình hình và phong trào phụ nữ miền Nam trong 20 năm chống Mỹ cứu
TS.Nguyễn Thị Hiển Linh
Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ