NGUYỄN NGỌC TƯ – NGƯỜI GIỮ HỒN QUÊ NAM BỘ TRONG VĂN CHƯƠNG

Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại, nổi tiếng với những tác phẩm đầy cảm xúc và chân thực về cuộc sống và con người miền Tây Nam Bộ. Qua từng trang viết, tác giả không chỉ phác họa rõ nét vẻ đẹp bình dị của vùng đất này mà còn làm sống dậy văn hóa, tập quán và tâm hồn của người dân nơi đây.

Nguyễn Ngọc Tư, sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau. Chị bắt đầu sự nghiệp văn chương từ khi còn rất trẻ và nhanh chóng nổi tiếng với phong cách viết chân thực, giản dị, giọng văn của chị đậm chất Nam Bộ. Tác phẩm của chị thường kể về những cuộc đời éo le, những phận đời chìm nổi một cách nhẹ nhàng mà chất phác.

Chân dung Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Ngọc Tư, “Ngọn đèn không tắt” (2000), đã thu hút sự chú ý của độc giả. “Ngọn đèn không tắt” là một trong những truyện ngắn được lấy làm tựa đề tập sách là một câu chuyện thấm đẫm chất Nam Bộ. Chuyện về những con người chân chất thuần hậu, của những thế hệ can trường không thay lòng đổi dạ và mối dây đồng bào không thể chia lìa của dân tộc. Tuy nhiên, tác giả  thực sự vụt sáng và nổi tiếng là khi ra mắt tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” (2005), tác phẩm đã được chuyển thể thành phim và đạt nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước. Những câu chuyện đời thường nhưng chất chứa nhiều nỗi niềm khó tả. Bằng lời văn của mình chị đã cho độc giả hiểu được nỗi niềm của những con người chân chất.

Các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư thường lấy bối cảnh là miền Tây Nam Bộ, với những cánh đồng lúa bạt ngàn, những con sông hiền hòa và cuộc sống lao động của người dân. Không gian ấy được tái hiện một cách sinh động và đầy màu sắc, từ đó giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về vùng đất Nam Bộ và cuộc sống, con người nơi đây.

Nguyễn Ngọc Tư sử dụng ngôn ngữ địa phương một cách tự nhiên mà tinh tế. Điều đó thể hiện qua cách nói chuyện, cách kể chuyện của nhân vật. Giọng điệu kể chuyện của chị thường chậm rãi và rất trữ tình. Các tác phẩm của chị không chỉ thể hiện ngôn ngữ địa phương mà còn lột tả được tâm hồn và cuộc sống của người dân Nam Bộ một cách chân thực và sinh động. Nhân vật trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư thường là những người dân lao động bình thường, với cuộc sống giản dị nhưng đầy ắp tình người. Họ có thể là những người nông dân, ngư dân hay những người phụ nữ Nam Bộ với sự kiên cường, đảm đang và tấm lòng nhân hậu.

Phụ nữ trong văn học của Nguyễn Ngọc Tư thường được khắc họa với nhiều góc nhìn đa chiều, thể hiện sự đa dạng trong tâm hồn và số phận của họ. Những nhân vật nữ trong các tác phẩm của chị thường mang trong mình những nét đặc trưng của người phụ nữ Nam Bộ, nhưng cũng mang những tâm tư, khát vọng và nỗi niềm chung của phụ nữ Việt Nam. Trong tác phẩm “Cánh đồng bất tận”, Nương là một cô gái trẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn và đau khổ trong cuộc sống. Mẹ bỏ đi, em trai và cha là những người duy nhất còn lại trong gia đình, nhưng cha cô lại là một người sống cuộc đời phiêu bạt và có nhiều mối quan hệ không lành mạnh. Nương luôn lo lắng và chăm sóc cho em trai Điền, cố gắng bảo vệ em trước những sóng gió của cuộc đời.

Các nhân vật nữ trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư thường hy sinh rất nhiều cho gia đình và người thân. Họ có thể chịu đựng nỗi đau riêng tư để giữ gìn hạnh phúc cho người khác. Trong tác phẩm “Gió lẻ và những câu chuyện khác”, nhiều nhân vật nữ chấp nhận từ bỏ tình yêu cá nhân để bảo vệ gia đình hoặc tuân theo những giá trị truyền thống. Đó cũng phản ánh lên một phần đời sống xã hội lúc bấy giờ ở miền Tây Nam Bộ.

Trong nhiều tác phẩm, phụ nữ còn được miêu tả với nỗi cô đơn, sự trống trải trong cuộc sống hôn nhân và khao khát tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc đời. Và dù cuộc đời có khắc nghiệt, những nhân vật nữ của Nguyễn Ngọc Tư vẫn giữ được sự mềm mại và nhân hậu. Họ biết quan tâm, yêu thương và sẵn sàng chia sẻ với người khác. Điều này thể hiện rõ qua cách họ chăm sóc gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh. Nhiều nhân vật nữ trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư phải đấu tranh với chính bản thân mình, giữa những mong muốn cá nhân và trách nhiệm xã hội. Họ có những mâu thuẫn nội tâm sâu sắc, nhưng qua đó, người đọc thấy được sự trưởng thành và mạnh mẽ của họ.

Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên những nhân vật phụ nữ với nhiều sắc thái, từ đó phản ánh được sự phức tạp và đa dạng trong cuộc sống của người phụ nữ miền Nam. Các nhân vật của chị không chỉ là hiện thân của những số phận riêng lẻ, mà còn là biểu tượng cho những nỗ lực và khát vọng chung của phụ nữ trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc và tự do.

Sông nước vùng Tây Nam Bộ. Ảnh: Sưu tầm

Có thể nói, Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn xuất sắc đã và đang đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy văn hóa Nam Bộ. Qua tác phẩm của mình, Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Nam Bộ. Chị đã giúp những người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu hơn về văn hóa và con người miền Tây. Chị đã tôn vinh những giá trị của cuộc sống đời thường, làm nổi bật vẻ đẹp giản dị và chân thực của vùng đất Nam Bộ. Chị cũng truyền tải thông điệp về tình yêu quê hương và lòng tự hào về văn hóa dân tộc. Và đặc biệt là sự đồng cảm cũng như sẻ chia với thân phận người phụ nữ ở vùng đất này.

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có tại Thư viện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, kính mời quý độc giả đến tham quan bảo tàng và tìm đọc.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 6 năm 2024

Dương Kim Ngọc

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

Tài liệu tham khảo:

  • Ngọn đèn không tắt, Nguyễn Ngọc Tư (2000), Nhà Xuất Bản Trẻ.
  • Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư (2005), Nhà Xuất Bản Trẻ.
  • Gió lẻ và những câu chuyện khác, Nguyễn Ngọc Tư (2008), Nhà Xuất Bản Trẻ.

 

Tour 360° Tour 360° 360 Tour