NGƯỜI RA ĐI TÂM THƯ CÒN ĐỂ LẠI

Bà Nguyễn Thị Được sinh năm 1920, trong một gia đình trung nông ở Phong Thạnh Tây, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Máu cánh đồng Nọc Nạn- nơi diễn ra cuộc chiến đấu giữ đất quyết liệt của gia đình Mưới Chức với bọn địa chủ câu kết quan Tây vẫn còn chảy trong ký ức tuổi thơ của bà Nguyễn Thị Đuợc.

Trầm Hương

altBà Nguyễn Thị Được sinh năm 1920, trong một gia đình trung nông ở Phong Thạnh Tây, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Máu cánh đồng Nọc Nạn- nơi diễn ra cuộc chiến đấu giữ đất quyết liệt của gia đình Mưới Chức với bọn địa chủ câu kết quan Tây vẫn còn chảy trong ký ức tuổi thơ của bà Nguyễn Thị Đuợc. Tiếng đàn bầu của cha, những câu ca của mẹ sớm gieo vào tâm hồn đa cảm của cô bé Được. Với nỗi đa cảm, yêu cái đẹp, yêu nước thương dân, trọng đại nghĩa, mới 10 tuổi Nguyễn Thị Được đã làm giao liên cho tổ chức cách mạng ở địa phương. Năm 18 tuổi, Nguyễn Thị Được được kết nạp Đảng, nhận nhiệm vụ bí thư chi bộ làng…

Cũng từ ấy, Nguyễn Thị Được dấn thân vào con đường cách mạng. Trái tim mang nặng nợ nước, nghĩa đồng bào của bà còn bàng bạc chất nghệ sĩ. Chất nghệ sĩ giúp bà có được sự tinh tế, nhạy cảm. Sự nhạy cảm ấy giúp bà nhiều lần vượt qua vòng vây của địch, thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Nhưng cũng chính chất nghệ sĩ trong chừng mực nào đó bức phá ra khỏi hoàn cảnh hiện tại, khiến bà không ít lần đứng trước những tình huống khó xử, trên bờ vực của tai họa và cái chết. Đọc gần 500 trang hồi ký “Một thời để nhớ”, tôi cám ơn cả con người nghệ sĩ, lẫn con người cộng sản chân chính của bà. Hai con người ấy trộn lẫn, hoà quyện đã giúp bà có được cái nhìn tinh tế, khúc chiết cả chiều dài lịch sử, đời người. Nhờ vậy, bà đã thể hiện sự trân trọng con người dù đó là một tướng cướp hay một cô gái lầm lỡ, thuyết phục họ đến với cách mạng, hoàn lương, trở thành những con người cao đẹp. Sự tinh tế của một nghệ sĩ giúp bà phát hiện được nhiều vẻ đẹp bị bỏ quên, chìm lấp trong cát bụi. Không phải ngẩu nhiên nhân dân đem lòng yêu mến, sẵn lòng bảo vệ bà trong những ngày đen tối; không phải ngẩu nhiên bà thuyết phục được quần chúng vượt qua những rào cản vô vàn khó khăn vì đại cuộc. Lòng nhân hậu, sự nhạy cảm giúp bà phát huy được sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân. Bà vận động được quần chúng vì bà chân thành và biết chia sẻ. Năm 1947, với vai trò Thường vụ Quận ủy Cà Mau, Đoàn trưởng phụ nữ Quận, bà đã xem sự cống hiến của những người con gái trong công tác địch ngụy vận là một sự “hy sinh”. Nhung, một nữ sinh, thành viên tổ điệp báo của chợ Cà Mau năm ấy nhận nhiệm vụ làm vợ trung úy Albert, sếp đồn nằm án ngữ con đường vào căn cứ của ta. Trong quá trình thực thi công tác, tình yêu nảy sinh, Nhung hoàn thành nhiệm vụ nhưng thấy mình mềm yếu đến kỳ lạ. Bà nhìn sự “mềm yếu” ấy của cô gái bằng tất cả sự cảm thông và chia sẻ: “Tổ điệp báo được đưa về hoạt động ở thị xã Bạc liêu để tránh sự theo dõi của địch. Riêng Nhung, từ sau trận đánh nói trên em trở nên thẩn thờ, ủ rủ như con chim bị đạn và về sau, không còn ai biết được tin tức về Nhung”.

Dù bà chỉ “ghi lại những sự kiện liên quan đến mình” nhưng lịch sử được tái hiện vô cùng sinh động trong những trang hồi ký. Đó là chuyện bao vây bức rút đồn Âu Phi, chuyện “giải tán vịt tàu” trong kháng chiến chống Pháp, chuyện những ngày bà giả làm người đi bán khoai chống xuồng vào từng ngóc ngách để tìm hiểu và phát động cuộc đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm của đồng bào Công giáo di cư ở khu Dinh Điền Tân Hiệp. Bà đã vận động quần chúng phá ấp chiến lược, treo cờ đỏ búa liềm trong thị xã chào mừng sinh nhật Đảng. Tết Mậu thân 1968, bà trở về miền Tây nhận nhiệm vụ mới… Những chuyện động trời, đòi hỏi bản lĩnh, nghị lực phi thường đó được thực hiện bởi một người phụ nữ bình thường, sẵn sàng trong tư thế hòa nhập vào nhân dân, áo bà ba, khăn rằn, còn mang theo hộp nữ trang giả để khi cần là cải trang qua mắt địch. Nói cách khác, nhờ nhân dân che chở, bà làm được những điều phi thường…

Bàng bạc trong hồi ký của bà là sự đồng cảm máu thịt với những cuộc đời quanh bà. Đã xa chồng bà mới thấu hiểu nỗi khát khao được gặp lại chồng của đồng chí mình sau những tháng ngày đằng đẳng, xa cách. Đã mất đi đứa con ruột thịt bà càng thấu hiểu nỗi đau của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Điền (Má Bảy) ở Mỹ Thuận, đó cũng là cơ sở sẵn sàng đưa bà qua con sông với những “ngọn sóng bạc đầu” muôn phần nguy hiểm: “Từ sau tết Mậu Thân, đây là lần đầu tiên tôi trở lại thăm má…Tôi xuống bếp tìm mấy cái dĩa xếp ít bánh trái để lên bàn thờ cậu và mời má uống nước, má lại nhắc tôi: “Thêm một dĩa đi con, để bên kia (bàn thờ liệt sĩ) cho các em nó mừng mày”. Má đưa cho tôi nắm nhang đã đốt sẵn. Khi cắm từng cây, tôi thầm nhớ đó là cậu, 6 người con, 2 đứa cháu nội. Mỗi cây nhang là một mảnh tim của má. Tôi cũng từng đau khổ vì mất con, con tôi đồng thời là một đồng chí, một người bạn tâm tình, mất nó tôi thấy cuộc đời mình trống trải đến dễ sợ. Nhưng bây giờ so với cái mất mát của má, tôi thấy nỗi đau khổ của má mới thật là ngoài sức tưởng tượng của một con người…”

Trên bước đường công tác, hòa trộn với quần chúng nhân dân, bà không khỏi rưng rưng trước giọng rao khản đặc của một em bé bán bánh cam. Còn em bé bán bánh cam làm sao ngờ được trong số các bà, các cô xách giỏ đi chợ lại lặng lẽ ghi nhận, lặng lẽ làm thơ về mình:

“Bánh cam nóng, bánh cam giòn

Mua giùm con, bà mua giùm con!

…Em đã từng khan tiếng rao mời

Lời được mấy, với mấy mươi cái bánh

Căm hờn bấy, kẻ đã gây đói lạnh

Sáu tuổi đầu em lận đận gió sương

Bán rong qua khắp nẻo đường

Mà thân em nẻo đoạn trường chưa qua,

Giặc vào, giẫm nước non ta

Giẫm lên đời trẻ, xót xa lòng người”

Em bé bán bánh cam mới 6 tuổi đầu làm sao hiểu được bảo giông trong đôi mắt người đàn bà mua bánh cam “ủng hộ” mình. Người đàn bà ấy từng trải qua những ngày tột cùng đau khổ. Đó là mùa xuân năm 1941, khi Khởi nghĩa Nam Kỳ bị dìm trong biển máu:

“Người ta áo tím khăn hồng

Xuân về tôi quấn mấy vòng khăn tang

Đời sao mưa gió phũ phàng

Bơ vơ cảnh lạ, ngỡ ngàng một thân

Tôi không sợ bước phong trần

Chỉ lo chiếc lá giữa tầng sóng cao…”

Trên bước đường hoạt động cách mạng, bà đã trải qua bao cái tết tha hương. Bao cuộc đời dâu bể, bèo bọt nổi trôi trong mùa xuân dội vào trái tim bà. Mẹ làm gái điếm kiệt sức vì bị dồn đuổi, bị bắt vào tù rồi chết trong một nhà thương thí. Hai chị em mất mẹ, bị đuổi khỏi nhà, anh trai dắt em gái đi ăn xin, kể chuyện:

“Tết về, bé khóc đòi may áo

Đòi hoa bong bóng, thả lưng trời

Không tiền, em khóc em đòi mẹ

Thương bé, thêm buồn phận cút côi!

Bên đống xương thừa cạnh quán ăn

Một trai lên chín, gái lên năm

Nghe em kể chuyện thương tâm ấy

Giữa một ngày xuân, giữa phố phường”

Vì còn biết bao nỗi đau khi đất nước bị xâm lược, chia cắt nên bà còn phải ra đi, dong ruổi trên mọi nẻo đường, nhận mọi nhiệm vụ cách mạng giao phó. Người cộng sản ấy cũng là một người mẹ, chiều chiều đi qua những mái nhà đoàn tụ, không khỏi trào lòng nhớ thương con:

“Chiều chiều mẹ thấy trẻ nhà ai

Đùa giỡn trên sân bóng ngã dài

Mẹ ngỡ con mình đi bữa trước

Như còn vơ vẩn ở đâu đây”

Người mẹ ấy vì đại cuộc nên chấp nhận “đi xa” từ những ngày đầu tiên tuyên thệ dưới Đảng kỳ, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho lý tưởng cao đẹp:

“Tôi đi trong sương khuya,

Lòng tôi gởi chiều về,

Cho bao người ở lại

Vui buồn cùng sớt chia”

Những đoạn thơ trên rút từ tập thơ “Tâm tình” mà bà Nguyễn Thị Được đã tặng tôi từ năm 1999. Ngày ấy, tôi không khỏi cảm phục những vần thơ tràn đầy tình người, sâu thẳm, lắng đọng của một cán bộ cách mạng lão thành. Bà ra đi, tôi đọc lại hồi ký (Một thời để nhớ) và thơ của bà (Tâm tình), càng thấm thía về một con người bình thường mà rất đỗi phi thường. Bà đã từng dám chấp nhận trả giá để được là mình, chấp nhận thiệt thòi để lương tâm thanh thản. Lặn sâu vào cuộc sống, bà không làm văn chương nhưng những trang viết chân thành của bà sao đi vào lòng người đến vậy.

Trầm Hương

Tour 360° Tour 360° 360 Tour