NGÔ BÁ THÀNH – NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA THIÊN NIÊN KỶ

Công tác ngoại giao trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đóng vai trò rất quan trọng. Càng quan trọng hơn khi những người phụ nữ làm công tác ngoại giao. Với ý chí sắt đá, đầu óc khôn ngoan linh hoạt cùng một tấm lòng cởi mở, dịu dàng, duyên dáng bên tà áo dài trên mặt trận ngoại giao đã có tác động tích cực đối với phong trào phụ nữ quốc tế, kêu gọi sự ủng hộ của những người yêu tự do, công bằng và chính nghĩa trên khắp thế giới ủng hộ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam.

Bà Ngô Bá Thành- người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đỗ thủ khoa Tiến sĩ Luật học ở Pháp – Mỹ – Tây Ban Nha và được Trung tâm tiểu sử quốc tế bầu chọn là Người phụ nữ của thiên niên kỷ.

altNữ Luật sư Ngô Bá Thành (1931 – 2004) tên thật là Phạm Thị Thanh Vân (Ngô Bá Thành là tên người chồng quá cố của bà), nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và X.

Bà sinh ra tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là con gái của ông Phạm Văn Huyến, một trong những bác sĩ thú y đầu tiên của Việt Nam. Chưa đầy 20 tuổi, người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đất Hà thành Phạm Thị Thanh Vân (tức Ngô Bá Thành) mang theo 2 con nhỏ cùng chồng sang Pháp du học. Cuộc sống khó khăn nơi xứ người, ngoài giờ học tú tài ở trường, Thanh Vân nhận đánh máy thuê. Với khả năng nhanh nhẹn trời phú, trong một cuộc thi đánh máy toàn nước Pháp, bà đã đoạt chức vô địch với kết quả 220 chữ/phút và trở thành Người phụ nữ Đông Dương đầu tiên vô địch tốc ký tại nước Pháp. Năm 26 tuổi, bà bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ Luật tại Pháp. Sau đó, bà được đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thời bấy giờ – ông Dag Hammarskjưld mời làm việc cho Ban Luật quốc tế với tư cách là nữ luật gia Việt Nam đầu tiên thông thạo ba hệ thống pháp luật và ba ngoại ngữ Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên bà đã từ chối để nhận một công việc khác tại Việt Nam.

Bước ngoặt đáng kể nhất trong cuộc đời bà ấy là việc bà từ giã nước Pháp để trở về Sài Gòn vào năm 1963. Sau khi nghe tin về tình hình chiến sự trong nước qua các kênh truyền hình Pháp, trong một cuộc hội thảo về luật quốc tế tổ chức tại Paris, bà đã thổ lộ với nhóm học giả uyên thâm ở đó về nỗi lo lắng, băn khoăn của mình. Họ đã khuyên bà hãy vận dụng kiến thức của mình để giúp giải quyết tình hình xung đột vũ trang trong nước hiện thời. Bà đã từ giã chức vụ, vị trí cao tại Viện đại học quốc tế, trở về Sài Gòn. Ở Sài Gòn lúc đó, tình hình thật rối ren. Tham gia các hoạt động bí mật cũng như công khai trong những cuộc biểu tình, tuần hành rầm rộ đòi thống nhất đất nước, bà đã bị chính quyền Sài Gòn bắt và cầm tù; 5 năm nằm trong các nhà giam, 4 lần bị đưa ra tòa xét xử, nhưng dư luận phương Tây và đặc biệt là ngay trong lòng nước Mỹ lên án mạnh mẽ, chính quyền Sài Gòn buộc phải tuyên trắng án và trả lại tự do cho bà. Ra tù bà lại tiếp tục hoạt động trên mọi phương diện.

Trong thời chiến tranh Nam Bắc, bà là một đại diện tiêu biểu của thành phần thứ ba. Năm 1970, bà là Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống, nêu vai trò của người phụ nữ trong phong trào đòi hòa bình: nói lên tiếng nói của mình, đòi lại quyền sống cho chồng con, em cháu và cho chính mình.

Người phụ nữ bản lĩnh “đòi quyền sống”:

Năm 1963, bà từ giã chức vụ cao tại Đại học quốc tế Paris, rời Pháp và trở về Việt Nam với mong muốn vận dụng những kiến thức của mình để phục vụ Tổ quốc. Năm 1970, với vai trò là Chủ tịch Uỷ ban Phụ nữ đòi quyền sống, bà đã tổ chức lễ ra mắt tại Chùa Ấn Quang và đã có một bài phát biểu đanh thép. Lời lẽ của bà lúc chân thành cảm động, lúc bén nhọn, gay gắt, bà đã chỉ rõ những việc mà người phụ nữ không thể không làm để chung tay với phong trào đòi hoà bình: nói lên tiếng nói của mình, đòi lại quyền sống cho chồng con, em cháu và cho chính mình. Từ đó, Uỷ ban Phụ nữ đòi quyền sống (sau này được mở rộng ra thành Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống) đã trở thành một lực lượng đấu tranh đắc lực, một nỗi ngán ngại cho chính quyền Sài gòn. Bà đã tổ chức nhiều phong trào đấu tranh cho học sinh- sinh viên. Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm- Tổng hội Sinh viên Sài gòn bấy giờ đã kể lại trong cuốn Hồ sơ một thế hệ – tập 2:

“… Một lần Tổng hội sinh viên của chúng tôi bị bao vây chặt lúc đang họp bàn triển khai phong trào đốt xe Mỹ ở 207 Hồng Bàng, cảnh sát vây kín xung quanh, quây dây kẽm gai vòng trong vòng ngoài. Giữa lúc chúng tôi đang nát óc nghĩ cách thoát khỏi thì ai đó reo lên: chị Thành đến. Qua hàng rào kẽm gai, chúng tôi thấy chị dẫn theo hàng ngàn người, từ HSSV, các ba má phong trào đến tăng ni, phật tử. Chị lớn tiếng tranh luận với cảnh sát về pháp luật, hiến pháp nhưng chúng vẫn không hạ súng. Thế là chị ra hiệu cho mọi người ào lên giật súng, dùi cui, kéo dây kẽm gai,… Cảnh sát chạy mất, chúng tôi được giải thoát…”.

Bà Trần Thị Lan – một người cũng ở trong Uỷ ban Phụ nữ đòi quyền sống thời bấy giờ – nhận xét: “: “Tài diễn thuyết, vận động của bà đã lôi kéo, vận động được mọi tầng lớp từ công nhân, nông dân đến tiểu thương, trí thức, cả những người đang đương chức, có vai vế trong xã hội…”. Hàng chục lần bà được thả ra nhờ tài diễn thuyết và đấu lý; hàng chục lần khác bà ra toà để biện hộ và cãi trắng án cho sinh viên học sinh, những người tham gia phong trào bị bắt. Có lần bị bắt giam ở khám Chí Hoà, bị gọi lên lấy khẩu cung, vừa bước vào phòng bà đã làm cả giám thị lẫn cảnh sát mất hồn khi rút chiếc guốc dưới chân ra đập nát tấm hình Nguyễn Văn Thiệu đang treo trên tường. Những lý lẽ, phân tích sắc bén về hoà bình và chiến tranh ở Việt Nam bà đã mang đi diễn thuyết ở nhiều nơi trên thế giới. Những tuyên ngôn, tuyên cáo của phong trào được phát đi khắp nơi. Kể cả khi bị giam trong tù, bà vẫn dùng bình tưới cây làm loa, vẫn viết thư ngỏ gửi quản đốc trại giam, gửi các đoàn kiểm tra để đòi thuốc, đòi sự chăm sóc cho tù nhân… Bà đã phải nằm trong các nhà giam năm năm, bốn lần bị chính quyền Sài gòn đưa ra xét xử. Tuy nhiên, chính dư luận phương Tây và trong lòng nước Mỹ lại bảo vệ và lên án mạnh mẽ việc bắt giam bà. Cuối cùng, bà được trả tự do và lại tiếp tục hoạt động cách mạng.

Chồng bà vốn là Tổng Giám đốc nha Ngư nghiệp Sài Gòn, do vợ hoạt động xã hội nên bị cách chức, chỉ được dạy chuyên môn ở trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn. Nhưng cũng nhờ vậy mà ông có thời gian gánh vác cho vợ việc dạy dỗ, nuôi nấng con cái. Không kể xiết nhiều lần ông bị phiền nhiễu, khổ sở từ phía chính quyền cũ và dư luận do những hoạt động của vợ, nhưng không hề có một lời kêu ca, phàn nàn. Như một lời tri ân, như một lời chịu ơn thầm lặng, bà đã mang tên chồng mình: Ngô Bá Thành từ giai đoạn đó cho đến ngày từ giã cuộc đời… Sau khi hòa bình lập lại và đặc biệt sau ngày chồng gục ngã trên bục giảng và ra đi, cái tên Ngô Bá Thành càng gắn bó với bà nhiều hơn, kể cả khi là đại biểu Quốc hội, là Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, là Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam…

Hoà bình lập lại, bà giữ nhiều trọng trách quan trọng trong cơ quan nhà nước: Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Uỷ viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam; nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII, X. Ngoài ra, bà còn là thành viên của Hiệp hội Luật sư Quốc tế Mỹ (Internation Law, and Practise American), Bà mất ngày 3/2/2004, tại nhà riêng, hưởng thọ 73 tuổi. Trước ngày bà mất không bao lâu, nhiều người còn nhớ rõ thái độ kiên quyết của bà khi đưa ra lý lẽ phản đối đạo luật nhân quyền được Mỹ viện dẫn để gắn kết vào Hiệp định Thương mại Việt Mỹ. Bà chỉ rõ: Thượng nghị viện Mỹ đã gác lại Đạo luật Nhân quyền chứ chưa bác bỏ đạo luật này là một hành vi thiếu minh bạch. Đạo luật Nhân quyền là một vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hiệp quốc: Không cho phép bất cứ nước nào được can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Là một Luật sư đã từng được đào tạo ở Mỹ, bà khẳng định Đạo luật Nhân quyền ở Việt Nam của Mỹ không có giá trị pháp lý. Bà cũng đã tỏ rõ quan điểm phản đối gay gắt một tiểu bang ở Mỹ cho phép treo cờ ba sọc. Lúc nào cũng vậy, ý kiến phát biểu, thảo luận của bà luôn mạch lạc, chặt chẽ và sôi nổi, khuấy động không khí nghị trường.

Năm 1998, bà đã được Viện tiểu sử Hoa Kỳ (American Biographical Institule – ABI) chọn là “Người phụ nữ của năm 1998” vì những cống hiến to lớn cho xã hội và nghề nghiệp. Cùng năm đó, Trung tâm tiểu sử Quốc tế Anh (International Biographical Centre – IBC) chọn bà là ”Người phụ nữ thiên niên kỷ”, đồng thời được nhận vinh dự là “Người phụ nữ Châu Á đầu tiên giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Trung tâm tiểu sử quốc tế đầu tiên khu vực Châu Á”.

Tp. Hồ Chí Minh,, ngày 8 tháng 4 năm 2021

Phạm Tuấn Trường

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế

Tour 360° Tour 360° 360 Tour