(LĐ online) – Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt có những điều thật kỳ lạ. Một trong những điều kỳ lạ và thú vị ấy là những bậc anh hùng đầu tiên của dân tộc nổi dậy chống lại ngoại bang xâm lược lại là những người phụ nữ, đó là Hai Bà Trưng, Bà Triệu.
“Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời
Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”.
Đó là nhưng câu thơ trong bài Trưng Nữ vương của nữ sỹ Ngân Giang viết về những bậc anh thư đầu tiên của nước Việt.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng không chỉ diễn ra ở vùng đất của nước Việt mà đã lan sang tận các vùng phía Nam dãy Ngũ Lĩnh:
“Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”
(Đại Nam Quốc sử diễn ca)
Mấy nghìn năm sau cuộc khởi nghĩa vĩ đại này, đầu thế kỷ thứ XVII, có hai danh thần nước Việt là Nguyễn Thực và Ngô Thì Nhậm đi sứ nhà Thanh còn nhìn thấy đền thờ Hai Bà Trưng trên đất Trung Quốc. Gần hai nghìn năm sau, ngày 9/7/1971, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong dịp tiếp đã nói với cố vấn Henry Kissenger của Hoa Kỳ: “Họ (Việt Nam – NV) là một dân tộc vĩ đại, anh hùng và đáng khâm phục. Hai nghìn năm trước, Trung quốc đã xâm lược họ, và Trung quốc đã bị đánh bại. Lại bị đánh bại bởi hai người đàn bà, hai nữ tướng”. Không những vậy, tháng 7/1964, sau khi thăm Hà Nội dự hội nghị 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào, Thủ tướng Chu Ân Lai đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại đền thờ Hai Bà Trưng. Không chỉ Chu Ân Lai, lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông cũng hết lời ca ngợi Hai Bà Trưng là những người anh hùng vĩ đại.
Gần hai nghìn năm sau, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC tại Đà Nẵng năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi: “Việt Nam là một đất nước mạnh mẽ. Từ những năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng đã khơi dậy tinh thần dân tộc của những người dân đất nước này. Đó là lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đứng lên vì nền độc lập và niềm tự hào dân tộc của các bạn”.
Dù chính quyền do Hai Bà Trưng dựng nên chỉ được đúng 3 năm, nhưng đó là 3 năm quý giá của người Việt, 3 năm thật sự tự do và độc lập để đặt nền móng, để nuôi dưỡng tinh thần bất khuất và khát vọng về nền độc lập trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Hai trăm năm sau, vào năm 248, có một bậc anh thư của nước Việt lại đứng lên lãnh đạo Nhân dân chống lại ách đô hộ của người phương Bắc, đó là Bà Triệu – Triệu Thị Trinh.
“Ru con con ngủ ngon lành
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà quản tượng cưỡi voi bành vàng”
(Ca dao – khuyết danh)
Khi nước Việt Nam bị nhà Ngô đô hộ là khi ở Trung Quốc, thiên hạ chia 3 nước là Ngụy – Thục – Ngô. Nước Việt Nam khi ấy nằm dưới sự đô hộ của nhà Ngô. Để cung đốn cho cuộc chiến tranh với các nước Thục và Ngụy, nhà Ngô đã bóc lột dân ta thậm tệ. Khi được vua Ngô cử sang làm thứ sử nước ta, Chu Phù và đồng bọn đã ngang ngược hoành hành bắt dân ta cống nạp, phu phen tạp dịch lao khổ. Bởi sự đô hộ tàn ác này nên từ đó về sau, người Việt chúng ta gọi “giặc Ngô” để chỉ quân xâm lược các triều đại từ Trung Quốc xuống. Năm Đinh Mùi 1427, sau khi chiến thắng giặc Minh xâm lược, Nguyễn Trãi đã viết khúc ca khải hoàn với tên gọi “Bình Ngô đại cáo”, chứ không là “bình Minh đại cáo”. Sự ác độc của giặc Ngô còn được người Việt đưa vào cả trong kho tàng ca dao, tục ngữ của mình: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”.
Để đàn áp cuộc khởi nghĩa của người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Triệu Thị Trinh, nhà Ngô đã cử sang Việt Nam nhiều viên tướng đầy mưu mô xảo quyệt, một trong số đó là Lục Dận. Lục Dận là cháu đại đô đốc nhà Đông Ngô Lục Tốn. Lục Tốn chính là người đã đốt cháy nhiều vạn trại binh của Lưu Bị trong trận Di Lăng nổi tiếng làm cho Lưu Bị thua trận, bệnh và mất. Khi sang Việt Nam, Lục Dận đã thua rất nhiều trận nên trong quân Ngô phao tin đồn nhảm rằng Triệu Thị Trinh “vú dài 3 thước chấm đất, mỗi lần ra tận phải quấn vú lên”. Hình ảnh của thủ lĩnh người Việt đã được vẽ nên xấu xí như vậy nhưng rồi quân Ngô vẫn thất bại. Lục Dận đã bày ra một âm mưu quỷ quyệt là ra lệnh quân sỹ khi ra trước trận tiền đều cởi bỏ quần áo. Trong một lần giao chiến, quân Ngô đã cởi bỏ áo quần. Bà Triệu vì vậy mắc cỡ quay đầu voi chạy và quân ta tan rã. Người nữ anh hùng 22 tuổi ấy đã hy sinh giữa trận tiền. Xương thịt của bà đã hòa vào núi sông cây cỏ nước Việt trời Nam. Cho dù thất bại, những thế hệ người Việt Nam suốt hàng nghìn năm qua vẫn vẫn luôn ghi nhớ lời tuyên bố của bà lúc sinh tiền khi có người khuyên nên đi lấy chồng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.
Triệu Trinh Nương (226-248)
Mười bảy thế kỷ sau, một thi nhân nổi tiếng là Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu đã làm bài thơ “Vịnh Bà Triệu”:
“Mê Linh khuất bóng, gái còn ai?
Bà Triệu nhà ta cũng đáng tài
Vùng vẫy non sông ba thước vú
Xông pha tên đạn một đầu voi
Duyên trần chẳng chút tơ vương mối
Nợ nước riêng mình gánh nặng vai
Thua được cũng cho Ngô biết mặt
Lam Sơn còn có gái tài trai”.
Đại thi hào người Nga Macxim Gorki đã viết: “Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ – Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?”. Một dân tộc có nhiều anh hùng trong kháng chiến là một dân tộc chịu nhiều đau khổ. Dân tộc Việt Nam không chỉ nhiều anh hùng trong kháng chiến mà còn có nhiều nữ anh hùng. Lịch sử đã thử thách dân tộc Việt quá nhiều phen khắc nghiệt. Trong những lần sinh tử ấy, đã có những bậc anh thư đứng lên “nợ nước riêng mình gánh nặng vai”, đó chính là Hai Bà Trưng, Bà Triệu – những vị anh hùng đầu tiên của dân tộc.
VŨ TRUNG KIÊN