Trong kho tàng nghệ thuật trình diễn dân gian vô cùng phong phú ở Nam Bộ, mọi người luôn nhắc đến đờn ca tài tử, nhạc lễ, hát bội… tất cả đã góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần đặc sắc ở vùng đất này, trong đó không thể không nhắc đến “Múa bóng rỗi”.
Nếu như ở Bắc Bộ có tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn thì ở vùng đất Nam Bộ có tín ngưỡng thờ Bà gắn với trình diễn múa bóng rỗi. Hầu đồng là một nghi thức múa, hát trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Bắc Bộ diễn ra tại các đền, chùa, phủ thờ Mẫu. Còn trong múa bóng rỗi thì cô bóng là người đại diện cho bổn hội và người dân để dâng lễ vật, cầu xin, tạ ơn Bà. Hầu như các dịp lễ cúng Bà đều có múa bóng rỗi. Do đó, cô bóng rất được người dân ở Nam Bộ kính nể. Tín ngưỡng thờ Bà ở Nam Bộ là kết quả của quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa của nhiều lớp cư dân Khơ me, Hoa, Chăm và nền tảng tín ngưỡng cha Trời – mẹ Đất của người Việt. Diễn trình tiếp diễn này luôn bị tác động bởi một số yếu tố khách quan nên đã tạo ra những nét khác biệt trong văn hóa Nam Bộ.
Múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ thời khai hoang, lập ấp vùng đất Nam Bộ cách đây hơn 300 năm và gắn liền với tín ngưỡng thờ Bà ở Nam Bộ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ thì múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đền miếu Nam Bộ hay cúng tạ thần tại tư gia. Các tiết mục biểu diễn thường chia thành những phần riêng lẻ, nối tiếp nhau như: Khai tràng, Chầu mời – thỉnh tổ, mời tiên ra tuồng, phước lộc, hát chặp… Người múa phải có vũ đạo đẹp, hóa trang bắt mắt; vừa múa vừa đọc những bài vè thường nói về gốc tích đền, thờ mình đang biểu diễn hay những bài vè nói về tổ tiên, đất nước, tục lệ người xưa, tình yêu thương con người, sự hiếu thảo trong gia đình… Bên cạnh đó người múa phải có một năng khiếu đặc biệt tổng hợp về ca, diễn và múa, phải có sức khỏe, khéo léo, dẻo dai, nhạy bén trong cảm âm và có chất giọng tốt. Trang phục của người múa bóng rỗi rất sặc sỡ, màu sắc.
Khi múa phải có lễ vật là con heo trắng luộc đặt ở mâm cúng và đĩa “tam sên” thì người múa mới hứng thú, hoàn tâm nhập tâm vào vai diễn và múa hết mình. Hiện nay, có 2 hình thức múa bóng rỗi khá phổ biến là múa đơn (1 người) và múa đôi (2 người) tùy thuộc vào cách tổ chức từng nơi. Dù là múa đơn hay múa đôi cũng rất thu hút người xem, nhất là trẻ em bởi những động thái rất lạ, lời đọc vè có vần, có điệu rất hay.
Trong phần lễ cúng Bà, ngoài các nghi thức truyền thống như dâng hương, cúng bái, thì tiết mục múa bóng rỗi thể hiện lòng tôn kính thần linh, cảm tạ Bà đã che chở cho cuộc sống con người, đồng thời bày tỏ ước mơ về một cuộc sống thanh bình, an cư lạc nghiệp của người dân Nam Bộ.
Một đoạn lời rỗi trong lễ cúng Bà Ngũ hành các cô bóng hay hát tại các miếu Bà như sau:
“Cúng Bà rồi Bà ban chữ
Bà bán chữ tử mua chữ sanh
Bán chữ đau, Bà mua chữ mạnh
Thủy cúc đồng bình con mời
Bà nào có dám mời không, trầu têm, rượu rót là tiếp nghênh lệnh Bà, trên lệnh Bà”.
Qua lời rỗi ta thấy rằng, múa bóng rỗi không phải là điệu múa câu hát đơn thuần, mà nó đã được cha ông quan tâm từ thời xa xưa, dùng để nguyện cầu cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Bóng rỗi gồm hai phần: múa bóng và hát rỗi. Múa là động tác dâng lễ vật lên thần linh, các động tác múa phần lớn chỉ sử dụng đầu, cổ và trán nhằm thể hiện sự tôn kính đối với Bà. Cụ thể các điệu múa dâng Bà như múa dâng mâm (mâm vàng, mâm bạc), múa dâng bông (bông huệ), múa dâng đèn.
Múa dâng mâm vàng, mâm bạc là một thứ đồ mã đã dán trên chiếc mâm nhôm. Người ta dùng các loại giấy màu để tạo hình ngôi tháp. Tùy theo địa phương, theo lò của các bà bóng mà hình dạng, màu sắc của mâm có những sắc thái khác nhau. Mâm vàng, mâm bạc hình tháp là lễ vật mang tính linh thiêng để dâng lên các Bà. Múa mâm vàng, mâm bạc có nhiều động tác như dùng tay cuộn để dâng mâm, đội mâm lên đỉnh đầu, trên trán, trên cằm, trên môi, chuyền mâm trên vai, trên lưng, thậm chí dùng bàn chân để dâng mâm. Hình tượng múa mang tính thần kỳ, còn nghệ thuật gần với xiếc tạp kỹ. Khi một người múa dâng mâm thì có vài người khác chơi đàn cò, kèn, thanh la, trống, tạo nên không khí vừa linh thiêng vừa sôi động. Sau khi múa xong, người ta đem đốt ngôi tháp đi.
Lời bài rỗi khi múa mâm vàng, mâm bạc do bóng NguyễnThi Hai ở Bình Minh, Vĩnh Long đọc:
“… Lầu bà rồng vàng con đơm mười nén.
Bạc trắng nọ lại ba tầng, mượn san hô làm cột, hổ phách nọ làm sườn.
Mượn đồi mồi tỉa phụng vẽ rồng…”.
Tiết mục múa mâm vàng của nghệ nhân Lê Minh Hùng
Tiết mục múa mâm bạc
Múa dâng bông trang thì người ta dùng một chén đựng đầy bông trang đưa cho cô bóng. Cô bóng tiếp nhận chén, bắt đầu thể hiện những điệu múa uốn lượn cơ thể, tay chân, miệng hát rỗi theo nhịp sênh, phách của ban nhạc lễ. Động tác cuối cùng của múa dâng bông là để chén bông trên đầu, múa lượn bằng cổ đôi ba vòng rồi quỳ xuống. Sau đó có người bước đến lấy chén bông trên đầu đặt lên bàn thờ Bà. Còn múa dâng bông huệ thi cô bóng dùng hai nhánh bông huệ dài, một cắn ở miệng, một để thẳng đứng, đầu của nhánh thẳng xuống tiếp xúc với đầu của nhánh còn lại. Khi thể hiện những điệu múa thuần thục, nhuần nhuyễn, bà bóng di chuyển liên tục mà nhánh huệ không rớt. Hoặc dùng một nhánh bông huệ đặt thẳng đứng trên cằm, mặt người múa ngửa lên trời. Bằng các động tác múa cơ thể, làm cho cây huệ tự di chuyển từ cằm tới trán mà cây huệ không bị ngã.
Múa bông huệ
Múa dâng đèn thì người ta dùng một chén lật úp, nơi đáy chén có cắm cây đèn cầy được đốt cháy đưa cho bà bóng. Bà bóng tiếp nhận chén để trên đầu, bắt đầu thể hiện những điệu múa uốn lượn cơ thể, tay chân, miệng há rỗi theo nhịp sênh, phách của ban nhạc lễ mà không làm ngã cây đèn hay rớt chén. Sau đó, có người bước đến lấy chén đèn cầy đặt lên bàn thờ.
Sau phần múa rỗi là phần biểu diễn nghệ thuật dân gian, còn gọi là trò tạp kỹ như múa lu, múa khạp, múa ghế, múa dao, múa gậy, múa xe, múa dù,… với những động tác gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Đặc sắc nhất là phần biểu diễn rót rượu hoặc phun lửa tung hứng vừa thuần thục, vừa nhuần nhuyễn.
Múa lu
Nghệ thuật trình diễn dân gian múa bóng rỗi ở Nam Bộ gắn liền với tín ngưỡng thờ Bà ở vùng đất này. Đây là một bộ môn nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc của vùng đất Nam Bộ cho nên cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp ấy của vùng đất Nam Bộ.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 10 năm 2022.
Trang Ngọc Thắng
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1/ Huỳnh Ngọc Trảng (1993) “Tìm hiểu nguồn gốc và đặc điểm của múa bóng ở Nam Bộ”. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Duy trì & phát triển nghệ thuật múa truyền thống một số dân tộc phía Nam/23-24/04/1992. Viện Văn hóa – Nghệ thuật tại TPHCM.
2/ Võ Văn Sen, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Văn Lên (2014) “Tín ngưởng thờ Mầu ở Nam Bộbản sắc và giá trị”, NXB Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.