NGHỆ THUẬT HÁT BỘI TRONG LỄ CẦU NGƯ CÁC TỈNH VEN BIỂN

Các tỉnh duyên hải ven biển miền Trung ở nước ta có nhiều lễ hội, trong đó “Lễ hội cầu ngư” của các làng xã ven biển là tưng bừng nhất. Lễ hội cầu ngư có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân. Nguồn gốc lễ hội cầu ngư là tục thờ cá Ông (cá voi ) của ngư dân. Và “Nghệ thuật hát bội” được xem là linh hồn của lễ hội. Hát bội trong lễ cầu ngư là sự đam mê đến ngây ngất lòng người đã hằn sâu trong tâm khảm của mỗi ngư dân, tạo nên sức sống mãnh liệt của nếp sống sinh hoạt văn hóa vùng biển. Hát Bội thường diễn xướng các tuồng tích cổ gắn liền với lịch sử dựng và giữ nước, quá trình lao động và đấu tranh xây dựng quê hương đất nước.

Ảnh: Tư liệu hình ảnh từ Pinterest

Hát Bội lấy sự tượng trưng, lấy điển hình làm căn bản. Một khoảng đất trống, sân đình, chùa, trải vài chiếc chiếu là đủ thể hiện: sân khấu, sàn diễn. Một vài cọc tre dựng giàn che chắn chung quanh chỗ diễn để cho trẻ nhỏ không xúm lại tranh chỗ, phá phách. Khoảng đất trống trước mặt sàn diễn là rạp hát ngoài trời, khán giả đứng, ngồi xem tùy ý. Phông cảnh cũng chỉ cần vài tấm màn giăng cố định trên cao, hai bên hông sàn diễn.

Theo tập tục, trước khi đoàn hát Bội diễn xướng tại đình, vạn, Ban nghi lễ phải tiến hành nghi thức trình báo và xin phép Ông Nam Hải để khai diễn hát Bội. Đến giờ hành lễ, sau ba hồi chiêng, hồi trống, ông Trưởng lăng và Chánh tế đốt mỗi người 3 nén nhang quỳ bái 3 bái và khấn báo trước khám thờ Ông Nam Hải ở Chính điện. Lúc này trước khám thờ đã bày sẵn một khay lễ vật gồm hương đèn, trầu cau, hoa quả, vàng mã, rượu trà và 2 chiếc dùi đánh trống. Trưởng lăng làm nghi thức dâng rượu lên khám thờ Ông Nam Hải 3 lần (mỗi lần dâng phải quỳ bái 3 bái), sau đó ông trịnh trọng hai tay nâng chiếc dùi trống trước khám Ông Nam Hải xin phép được khai diễn hát Bội.

Hồi thứ nhất gọi là nhất tác viết thiêng và hô to: Phong hòa vũ thuận

Hồi thứ hai gọi là nhị tác viết địa và hô to: Quốc thái dân an

Hồi thứ ba gọi là tam tác viết nhân và hô to: Bá tánh ngư dân tài hoa lộc tấn.

Sau khi ông Chánh bái đánh xong 3 hồi trống, ông Trưởng lăng tiếp tục lên sân khấu đánh trống liên hồi. Tiếp đó, ông Trưởng đoàn hát Bội tiến ra sân khấu dâng hương đèn lên khay lễ cho Ông Nam Hải. Lễ khai diễn hát Bội đến đây kết thúc, đoàn hát Bội tiến ra sân khấu biểu diễn tuồng tích đã định để phục vụ bà con ngư dân đang chen chúc nhau xung quanh sân khấu.

Nội dung hát bội là các bản tuồng ngợi ca người anh hùng bất khuất, chữ hiếu, chữ trung, tỏa sáng như vầng nhật nguyệt, sống quang minh chính đại, thác linh thiên hiển thánh. Cuộc đời anh hùng luôn xả thân vì nghĩa cả tuy có trải qua nhiều gian khổ song cuộc đấu tranh phải giành nhiều thắng lợi, diệt được ác, đem lại niềm tin tất thắng. Các vở tuồng thường được hát trong các lễ hội cầu ngư như: Tam anh chiến Lữ Bố, Trương Cổ Thành, Quan Công phục Huê Dung đạo, các tuồng này được lượt trích trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa thuộc dòng văn học cổ điển Trung Quốc. Nhân vật chính của các vở diễn đều là Quan Công hay còn gọi là Tuồng Ông, Ông Đỏ vì mặt Quan Công được hóa trang màu đỏ.

Nghệ thuật diễn xuất được nêu lên hàng đầu, người diễn giỏi là diễn nhân vật nào ra nhân vật đó, nghệ nhân lấy tài diễn xuất là chính hay còn gọi là đóng có hồn, hát có hồn. Khi hát nghệ nhân phải là người hát hay, hát rõ lời, đúng điệu và đúng lời nhân vật vì rất nhiều người thuộc những tuồng này. Nếu hát sai thì không hay. Kỹ thuật múa đòi hỏi nghệ nhân phải tuân thủ lời nào bộ đó cho chững chạc, mượt mà đúng với tính cách và hoàn cảnh của vai diễn. Cũng như hát, bộ của từng nhân vật đã ăn sâu vào trí nhớ của mỗi người, nên chỉ cần nhìn vào bộ, khán giả biết được diễn viên sắm vai đạt hay không.

Về hóa trang và phục trang: không được mặc tùy tiện mà phải thực hiện đúng quy định, bởi cách hóa trang, phục trang trong tuồng phản ánh tư duy, đánh giá nhân cách con người qua màu sắc trên nét mặt của từng nhân vật. Chẳng hạn như Đấng quân thần nhất mực trung lương, văn võ song toàn, có địa vị cao trong hàng tường lĩnh thì mặt đỏ như Quan Công, Cao Hoài Đức,… Màu rằn đen thể hiện tính cách mạnh mẽ, nóng nảy… như Trương Phi, La Oai, Trương Bào. Mặt màu trắng mốc, mặt màu xám hoặc hồng lợt là gian hùng như Tào Tháo, Tư Mã Ý. Chính sự hóa trang này đã ăn sâu vào tình cảm của người ngư dân và trở thành ngữ trong lời ăn tiếng nói dân gian. Thấy người nào đó có hành vi xấu, gian nịnh, dân thường kêu: “Đồ mặt mốc râu rìa” hoặc “ Cái thứ đội mũ bình thiên” (tức mũ vuông, dành cho thái sư gian ninh).


Ảnh: Tư liệu ảnh từ Pinterest

Hát bội trong lễ hội cầu ngư có đôi điều cần lưu ý, trước hết đây là sân khấu mang đậm tính dân gian nên phải là sân khấu 3 chiều, giúp khán giả gần gũi hơn với các sàn diễn. Cho người nghệ sĩ trổ các tài nghệ về diễn xuất nội tâm, hát, vũ bộ mô tả tình cảm, tính cách nhân vật, thể hiện âm nhạc trong hát, lắng nghe sự phản hồi tình cảm khán giả để tự điều tiết vai diễn của mình. Thông qua dàn trống chầu, thưởng thẻ là cầu nối giữa người diễn với người xem, tạo nên sự đồng sáng tạo trong nghệ thuật. Tiếng trống chầu là sự kích thích cho nghệ sĩ biểu diễn. Tiếng trống âm vang, ấm áp như sự cảm nhận nhịp điệu tình cảm sân khấu nên có lúc khoan, lúc nhặt, lúc cuồng nhiệt hoan nghênh, cổ vũ.

Có thể nói, Hát bội là một nghệ thuật sân khấu cho phép những con người đương thời hình dung một cách rõ ràng, sinh động nhất về những câu chuyện diễn ra trong quá khứ qua lăng kính soi chiếu của dân gian thông qua tài nghệ của những nghệ nhân sáng tác, biểu diễn hát bội, tư tưởng, tình cảm, các giá trị văn hóa truyền thống được bộc lộ rõ nét, làm cho lễ cầu ngư thật sự là ngày lễ hội văn hóa của cả cộng đồng cư dân các tỉnh duyên hải ven biển. Đã bao đời nay, với cái nhìn hướng biển của các cư dân ngư nghiệp đã dày công hun đúc một bản sắc văn hóa phong phú, sôi nổi, giàu tính nghệ thuật, phản ánh phong tục tập quán của cộng đồng ngư dân vùng ven biển. Trong đó, nghệ thuật hát bội cầu ngư là điểm sáng của nền văn hóa ấy.

                                      Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 12 năm 2023

                                  Nguyễn Hà Thanh Trúc

                                         Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tài Liệu Tham Khảo:

  1. s Nguyễn Văn Khánh ( Chủ biên), 2003, “Diện Mạo Văn Hoá Khánh Hoà”,Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia.
  2. Lê Văn Chiêu, 2007, ‘Nghệ Thuật Sân Khấu Hát Bội”, Nhà Xuất Bản Trẻ.
  3. Nguyễn Chí Phú, 2017, “Đôi nét về diễn xướng Hát Bội trong Lễ Hội Cầu Ngư tại Lăng Ông Nam Hải xã Bình Thạnh huyện Tuy Phong, com.

Tour 360° Tour 360° 360 Tour