NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ – DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ – DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thành phố Hồ Chí Minh có lịch sử hơn 320 năm hình thành và phát triển, kể từ năm 1698, Kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh đưuọc chúa Nguyễn Phúc Chu phong làm Thống Suất vào Nam, “lấy đất Nông Nại đặt thành phủ Gia Định, lập xứ Sài Gòn, đặt huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Năm 1861, khi thực dân Pháp chiếm Sài Gòn đã xác lập địa giới hành chính của cả đô thị này bao gồm cả Chợ Lớn. Sau hai lần tách nhập, địa danh Sài Gòn – Chợ Lớn đã xác lập vào ngày 30/5/1954 và tồn tại cho đến 30/4/1975. Đến ngày 2/7/1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, thành phố Hồ Chí Minh được xem là “vùng đất lành chim đậu”. Nơi đây đã hội tụ biết bao thế hệ con người đến để sinh cơ, lập nghiệp, thể hiện trí tuệ, tài năng, sức lực của mình để xây dựng và phát triển thành phố về mọi mặt. Riêng đối với các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, đây còn là nơi khám phá, phát hiện, nuôi dưỡng tài năng, thể hiện sự sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới. Những loại hình nghệ thuật được khởi phát từ địa phương khác nhưng lại phát triển và thành công rực rỡ ở Thành phố Hồ Chí Minh như: Hát bội, Đờn ca tài tử, Cải lương, Kịch nói… Trong số các loại hình nghệ thuật truyền thống, Đờn ca tài tử ở Thành phố  Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội để duy trì và phát triển thuận lợi so với các tỉnh thành khác ở Nam Bộ. Quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế cùng với sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc từ sau đổi mới đã là điều kiện để khơi dậy truyền thống, khai thác tài nguyên văn hóa, thúc đẩy sự biến đổi các loại hình nghệ thuật dân tộc theo những xu hướng mới.

Nghệ thuật, tiếng Anh là art, là thuật ngữ có hàm nghĩa rất rộng với nhiều cách tiếp cận khác khau. Nghệ thuật có thể được hiểu là sự sáng tạo trong mọi hoạt động để tạo ra các sản phẩm (có thể là sản phẩm vật thể hoặc phi vật thể) chứa đựng giá trị lớn về tư tưởng, tinh thần, có tính nhân văn và thẩm mỹ, mang tới giá trị văn hóa chạm sâu tới cảm xúc của con người, khán giả thưởng thức nghệ thuật. Nghệ thuật nảy sinh và tồn tại như một bộ phận hợp thành của sinh hoạt dân gian, hay nói cách khác sinh hoạt dân gian là môi trường sống của tác phẩm văn học – nghệ thuật dân gian.

Đờn ca tài tử là tên gọi một dòng âm nhạc đặc sắc của người Việt ở Nam Bộ có nguồn gốc từ âm nhạc miền Trung (Nhã nhạc cung đình, Ca Huế) và Nhạc lễ dân gian được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 19, với rất nhiều dạng cách thức tổ chức trong sinh hoạt và biểu diễn, là món ăn tinh thần trong đời sống của người dân Nam Bộ.

Nói đến Đờn ca tài tử là nói đến hai yếu tố âm nhạc luôn gắn bó với nhau là đờnca. Đờn (đàn) là cách sử dụng nhạc cụ và hoạt động căn bản nhất của dòng nhạc này. Để đờn được mỗi người phải học lòng bản (hay còn gọi là bản nhạc). Lòng bản là khung bản nhạc trên đó quy định số lớp, số câu, số nhịp của mỗi câu và những chữ nhạc tương ứng với câu. Trên mỗi lòng bản nhạc các nghệ nhân, tài tử đặt lời ca (ca từ) theo những chủ đề khác nhau để phổ biến bản nhạc được dễ dàng, rộng rãi, đồng thời nêu lên quan điểm và tình cảm của tác giả đối với cuộc sống, người ta gọi phần soạn lời của bản nhạc là bài ca. Từ đó, thuật ngữ “bài bản” ra đời, vừa để thể hiện cấu trúc lòng bản nhạc, vừa để chỉ nội dung ca từ được sáng tác dựa trên cấu trúc đó.

Đờn ca tài tử được thực hành theo nhóm, câu lạc bộ và gia đình, ít khi nhạc công độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu. Dàn nhạc thường cùng ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách thảnh thơi, lãng đãng dựa trên khung bài bản cố định. Những bản đờn ca tài tử thể hiện cuộc sống, tâm tình của chính người dân Nam Bộ nên họ coi đờn ca tài tử là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tết, giỗ, họp mặt… Chẳng có điều gì tạo nên sự chân thật, dung dị bằng những tài tử đờn ca, ban ngày mỗi người ai cũng lo bôn ba với nhiều công việc, tối về tụ họp cùng nhau thưởng thức đờn ca tài tử trước sân nhà. Không gian đó đã nuôi dưỡng nghệ thuật đờn ca tài tử và ươm mầm cho nhiều thế hệ say mê nghệ thuật sau này.

Đờn ca tài tử Nam Bộ hội tụ đủ các điều kiện của một di sản văn hóa phi vật thể. Ngày 05 tháng 12 năm 2013, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 tiến hành tại thủ đô Bacu nước cộng hòa Azerbaijan UNESCO đã chính thức công nhận “Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại”.

Có nhiều hình thức để giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước, con người như học tập tại nhà trường thông qua các áng văn chương, thơ ca, hội họa… hay tham quan tại bảo tàng, di tích, nhà truyền thống thông qua các hiện vật, hình ảnh được nghe kể về những câu chuyện, sự kiện lịch sử… Bên cạnh đó, cũng có thể giáo dục cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước, con người thông qua tiếng đờn, lời ca sẽ là phương tiện mang thông điệp giáo dục vô cùng gần gũi nhưng rất hiệu quả.

Từ những năm đầu kháng chiến chống pháp, có rất nhiều bản đờn ca mang thông điệp giáo dục tinh thần yêu nước, lên án sự tàn bạo của thực dân xâm lược, như: Nhị Tấn (1997) đã phát biểu: “Văn Thiên Tường của Trần Văn Thọ để tưởng nhớ thủ khoa Nguyễn Hữu Huân bị thực dân Pháp giết tại Mỹ Tho trong sự liên tưởng tới một nhân vật trong lịch sử – bị bắt nhưng vẫn giữ khí tiết hiên ngang ngay cả khi bị xử tử”. Hay trong công trình nghiên cứu về nhạc sư Hai Khị, Trần Phước Thuận phát biểu rằng: “Ông đã thành lập một ban nhạc cổ, bề ngoài là một ban nhạc phục vụ các buổi ma chay, tiệc tùng, lễ lạc như các ban nhạc khác để kiểm sống nhưng thực chất đây là một lò luyện ca nhạc sĩ, cũng vừa làm phương tiện để tuyên truyền những bài ca yêu nước”.

Ngày nay, những bản đờn ca nên lồng ghép để dạy bảo thế hệ trẻ phải tự hào và yêu quê hương sâu đậm hơn nữa. Những bản về đạo lý làm người, nhân nghĩa, thái độ sống tốt đẹp trong xã hội cần tiếp tục truyền dạy trong nhà trường, các câu lạc bộ và Hội nhóm về Đờn ca tài tử…

Đờn ra tài tử là loại hình nghệ thuật văn hóa gắn kết cộng đồng bằng nghệ thuật, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa cộng đồng. Đồng thời, Đờn ca tài tử đã trở thành cầu nối cho sự giao tiếp của các cộng động, nhóm người và cá nhân góp phần hình thành sự hài hòa và nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong đó, sáng tạo và giải trí là hai nhu cầu căn bản đã thúc đẩy sự phát triển và lan tỏa của loại hình này khắp vùng Nam Bộ.

Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, không thể bỏ qua yếu tố ươm mầm cho thế hệ trẻ, kế thừa. Bởi có kế thừa, tiếp nối thì bộ môn nghệ thuật này mới có thể tiếp tục phát triển rộng rãi trong đời sống nhân dân. Thành phố Hồ Chí Minh là vùng đất hội tụ nhiều người trẻ từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, cũng là nơi có nhiều trường đào tạo âm nhạc dân tộc, nghệ thuật bài bản như: Đại học Sân khấu Điện ảnh, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật… trên cơ sở đó, phát hiện, tìm kiếm những em có năng khiếu, có đam mê, sau đó bồi dưỡng và đào tạo thêm để tạo thành những đội hình biểu diễn chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng đương đại.

Hiện nay, nhiều quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang  tổ chức được các câu lạc bộ nghệ thuật Đờn ca tài tử để duy trì và bảo tồn trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu, bởi chất lượng nghệ thuật, bài bản chưa phong phú, các thế hệ trẻ tuổi chưa nắm bắt và cũng chưa đam mê với loại hình nghệ thuật này. Số người tham gia các câu lạc bộ nhiều nhưng số nghệ nhân am hiểu về bài bản tải tử rất ít, đa phần chỉ biết ca vọng cổ và trích đoạn cải lương, nội dung sinh hoạt một số câu lạc bộ đơn điệu nên sễ gây nhàm chán cho người tham gia. Ngoài ra, do hạn chế về kinh phí nên công tác quảng bá và tổ chức các hoạt động còn hạn chế, thù lao cho tác giả, nghệ nhân, tài tử chưa phù hợp…

Thực tế việc bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật này là một vấn đề hết sức khó khăn. Hiện nay còn nhiều người nhập nhằng giữa hai loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử và Cải lương. Thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai điều tra cụ thể số lượng và chất lượng các câu lạc bộ cũng như nghệ nhân Đờn ca tài tử trên địa bàn, từ đó có cái nhìn toàn diện, tổng quan hơn trong thực hiện các chính sách đầu tư; quan tâm và tổ chức liên hoan về Đờn ca tài tử, tổ chức đưa âm nhạc dân tộc vào sân khấu học đường cần bài bản, thống nhất, phù hợp cho từng lứa tuổi và cấp học…

Để bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, các khu du lịch, điểm đến của Thành phố Hồ Chí Minh nên kết hợp Đờn ca tài tử Nam Bộ với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để gắn kết, khai thác giá trị văn hóa của đờn ca tài tử trong từng sản phẩm du lịch. Tạo cơ chế thuận lợi cho các câu lạc bộ sinh hoạt về địa điểm, phương tiện, nhạc cụ, sân bãi… Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, nhận diện, tư liệu hóa nghệ thuật Đờn ca tài tử và tổ chức tập huấn để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Xuất bản các ấn phẩm, tạp chí, sách báo, phim ngắn về nghệ thuật Đờn ca tài tử cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cho công chúng trong ngoài nước.

Đờn ca tài tử là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ nói chung và Thành phố Hố Chí Minh nói riêng, là hơi thở, là tiếng lòng của những con người hào sảng và nghĩa khí, là sức sống mãnh liệt đậm tính nhân văn. Loại hình nghệ thuật này như một viên ngọc quý cần được bảo tồn và phát huy, nhằm góp phần tăng thêm sức mạnh văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10  tháng 11 năm 2023

               Nguyễn Thị Kim Voanh

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

Tài liệu tham khảo

  • Vương Hồng Sển. (2007). Hồi ký 50 năm mê hát, 50 năm cải lương. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ.
  • Nguyễn Lê Duyên, Nguyễn Đức Hiệp. (2013). Hát bội, Đờn ca tài tử và Cải lương. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Văn hóa – Văn nghệ.

 

Tour 360° Tour 360° 360 Tour