Tương truyền rằng, đầu thế kỷ XVII, nghề thêu Việt Nam được đánh dấu một bước ngoặt phát triển mới. Thời đó, ông Lê Công Hành (18/01/1606 – 12/6/1661) tại làng Quất Động – xã Quất Động – huyện Thường Tín – tỉnh Hà Tây là người có công rất lớn trong việc cải tiến và phát triển nghề thêu cổ truyền trong nước, bằng việc thu nhập kỹ thuật thêu nổi của nước ngoài và chính ông đã truyền dạy cho nhân dân phương pháp thêu hoa theo kỹ thuật mới. Vì vậy, nghề thêu tại Việt Nam mới xuất hiện các mặt hàng thêu nổi, các mẫu mã mới đa dạng hơn. Còn ở các thời trước ông, các sản phẩm thêu phần lớn ở dạng thô sơ, kỹ thuật chưa tinh tế lắm.
Làng nghề truyền thống vốn có từ rất xa xưa, mỗi làng nghề là một loại hình văn hoá phản ánh rõ nét sự độc đáo riêng biệt của từng địa phương. Ca dao, tục ngữ xưa như là một phương tiện quảng bá văn hoá, truyền thống. Ngay từ thời phong kiến các mặt hàng thủ công sớm trở thành vật phẩm bang giao hữu nghị của nước ta với nước ngoài. Điều đó chứng tỏ tay nghề và trình độ hàng thủ công của ta rất tiến bộ.
Đối với nghề truyền thống, đại đa số phụ nữ gánh vác, họ làm công việc này vào những lúc rảnh rỗi và cũng là nguồn kinh tế nuôi sống gia đình, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày theo thị hiếu đa dạng và phong phú và trong thời đại công nghiệp hoá – hiện đại hoá như ngày nay, làng nghề Việt Nam đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Cho đến nay không ai biết được, nghề thêu tay ở Việt Nam hình thành từ bao giờ? Ai là người đầu tiên có ý tưởng biến công việc may vá, thêu thùa thành một nghệ thuật? Qua khảo cứu, nghề thêu xuất hiện từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên và khá phát triển dưới thời Lý – Trần, nghĩa là nghề thêu đã có hàng nghìn năm. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhiều biến cố, thăng trầm, tên tuổi các vị tổ nghề thêu bị thất truyền, chỉ còn lưu lại một ông Tổ thời Lê Mạt là Lê Công Hành. Tương truyền rằng, đầu thế kỷ XVII, nghề thêu Việt Nam được đánh dấu một bước ngoặt phát triển mới. Thời đó, ông Lê Công Hành (18/01/1606 – 12/6/1661) tại làng Quất Động – xã Quất Động – huyện Thường Tín – tỉnh Hà Tây là người có công rất lớn trong việc cải tiến và phát triển nghề thêu cổ truyền trong nước, bằng việc thu nhập kỹ thuật thêu nổi của nước ngoài và chính ông đã truyền dạy cho nhân dân phương pháp thêu hoa theo kỹ thuật mới. Vì vậy, nghề thêu tại Việt Nam mới xuất hiện các mặt hàng thêu nổi, các mẫu mã mới đa dạng hơn. Còn ở các thời trước ông, các sản phẩm thêu phần lớn ở dạng thô sơ, kỹ thuật chưa tinh tế lắm.
Thời phong kiến, nghề thêu là một trong những nghề phục vụ cho vua chúa và giới quý tộc. Sản phẩm thêu được hoàn thành bởi những chất liệu chỉ, vải do công sức sáng tạo của những nghệ nhân Việt Nam. Những sợi chỉ lúc đó được nhuộm bằng công thức thủ công với chất liệu hoàn toàn tự nhiên như lá vông, vỏ bàng, hoa hoè, cây chàm v..v… kết hợp hài hoà các bảng màu vô cùng đẹp mắt. Trong thời kỳ đó, theo quan niệm nho giáo, người con gái phải hoàn thiện “Công – Dung – Ngôn – Hạnh”. Đại đa số phụ nữ đều biết thêu, song tập trung và có tính chuyên nghiệp từ lâu đời là ở gốc Huế. Từ thời vua Bảo Đại, bà Hoàng Thị Cúc – mẹ vua, cùng với Nam Phương Hoàng Hậu đã kết hợp ưu điểm kỹ thuật thêu Châu Âu và tinh hoa Châu Á biến nó trở thành nghệ thuật thêu Cung Đình gắn liền đặc điểm thuỳ mị, tinh tế và tỉ mỉ của người con gái Huế.
Kết nối lịch sử của ngành nghề truyền thống, ngày nay nghề thêu còn gắn liền với lịch sử, tâm linh phụ nữ Việt Nam nói riêng, con người Việt Nam nói chung. Phụ nữ Việt Nam đã biết dùng công việc thêu thùa để trang hoàng nhà cửa, hơn nữa là để bày tỏ tâm sự, tình cảm và để làm đẹp tâm hồn và bản thân mình. Không dừng ở đó, con đường nghệ thuật và các sản phẩm thêu Việt Nam lại tiếp tục khẳng định mình, vươn xa hơn các kỹ thuật xưa. Nghề thêu thủ công ở Việt Nam được nhận định là rất khéo léo, nhất là; trong việc phân bổ màu sắc trên lụa, trên tranh thêu hoà hợp không chát chúa. Trải qua hàng thế kỷ thăng trầm, nghề thêu có khi phát triển, có lúc trầm lặng nhưng nó vẫn giữ được bản sắc văn hoá lâu đời của dân tộc.
Từ năm 1990, với sự hỗ trợ của một số bạn hữu đồng hương gốc Huế, vợ chồng Xuân – Quân đứng ra thành lập tổ hợp tranh thêu lụa tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) lấy tên là XQ – viết tắt chữ cái đầu tên của hai vợ chồng Xuân – Quân. Cuối năm 1991, họ quyết định chuyển về thành phố Đà Lạt và thành lập Công ty TNHH tranh thêu XQ. Chủ doanh nghiệp thêu là đôi vợ chồng trẻ người Huế, thừa hưởng tinh hoa nghệ thuật thêu Huế, kết hợp nghề thêu truyền thống và cách phối màu hiện đại đạt tới cái huyền ảo của nghệ thuật, cổ điển mà hiện đại. Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên trên thị trường mỹ thuật Thành Phố Hồ Chí Minh, tranh lụa thêu XQ ngay lập tức đem lại sự ngạc nhiên và thú vị cho mọi người, đặc biệt là giới sành điệu nghệ thuật thêu.
Những bức tranh thêu XQ gây ấn tượng nhất định đối với người xem, tranh thêu là tác phẩm nghệ thuật, được vẽ bằng kim chỉ trên lụa. Tranh thể hiện bởi bàn tay khéo léo của người thợ dù mang tính biểu tượng, ẩn dụ hay đặc tả rõ nét con người vùng cao nguyên, thì ở trên tranh vẫn còn vương nét thêu mỹ nghệ. Tài năng của những bàn tay điêu luyện ấy làm cho người xem thật sự trầm trồ, khâm phục phải kể đến những bức thêu miêu tả thiên nhiên. Thiên nhiên Đà Lạt huyền diệu được thể hiện sống động, mơ màng, nhưng rất thực, sinh động trên tranh thêu lụa. Đây là nét độc đáo hiếm thấy của tranh thêu lụa XQ.
Tranh thêu cơ sở XQ cũng như các loại tranh thêu khác đều lấy chuẩn mực theo nghệ thuật thêu truyền thống, quy cách và kỹ thuật quen thuộc, lâu đời. Nhưng tranh thêu XQ có được vẻ độc đáo và đặc trưng riêng bởi sự đa sắc, nét tinh tế, hài hoà bố cục và cái thần, cái hồn nghệ thuật được các nghệ nhân – nghệ sĩ phối màu cho phần “hồn” của tác phẩm được tôn lên. Giá trị nghệ thuật và kinh tế được nảy sinh từ lao động thủ công cần mẫn, tỉ mỉ ấy thật đáng quý trọng và cần được khuyến khích, giúp đỡ phát triển.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cơ sở thêu XQ được khách trong và ngoài nước biết đến ngày càng đông đảo. Các phòng trưng bày và bán tranh ở một số thành phố mở ra, càng khẳng định vị trí trên thị trường thêu. Điều đó, chứng tỏ nghề thêu Việt Nam đã tiến một bước mới rất quan trọng, mở ra hai hướng thêu mỹ nghệ và thêu nghệ thuật. Không riêng tranh thêu XQ, còn rất nhiều tranh thêu khác phát triển và đứng vững trên thị trường hiện nay, đóng vai trò quan trọng trong quá trình gìn giữ bản sắc văn hoá làng nghề thủ công truyền thống của đất nước ta và phát triển vững mạnh trong tương lai.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 8 năm 2021
Đào Thị Hồng Quyên
Phòng Truyền thông- Giáo dục- Quan hệ quốc tế
(Tra cứu sách Nghề dệt nghề thêu cổ truyền Việt Nam – Ths. Bùi Văn Vượng. Nhà xuất bản Thanh niên)