NGHỀ LÀM GIẤY DÓ CỦA VIỆT NAM

Mặc ai buôn vạn bán ngàn,

Em nay làm giấy cơ hàn vẫn vui.

Dám xin ai đó chớ cười,

Vì em làm giấy cho người chép thơ.

Từ thuở nào câu ca dao mộc mạc ấy, thể hiện lòng yêu nghề, đằm thắm tình cảm của người thợ làm giấy thủ công, vẫn vang vọng ngân nga mãi đến hôm nay. Nghề giấy thủ công của ta, cha truyền con nối, từ đời này sang đời khác đến nay vẫn còn đó.

Giấy dó, giấy bản vẫn còn được làm ra, bởi nó còn rất cần cho xã hội hiện nay và sau này. Nhưng nhu cầu và mục đích sử dụng giấy thủ công mỗi thời một khác – điều đó quyết định mức độ, quy mô sản xuất và loại giấy cần phải làm ra. Xưa giấy dó, giấy bản… dùng để viết, để vẽ, để in tranh. Nay các loại giấy này chủ yếu dùng trong sinh hoạt, như phục vụ cho việc ăn uống ở khách sạn, nhà hàng, cho việc làm vàng mã, xuất khẩu. Công việc làm giấy thủ công truyền thống cổ truyền khá vất vả, công phu vì công cụ và phương tiện sản xuất đơn giản, dùng đôi tay và sức người là chính. Vật liệu cho sản xuất hầu hết được khai thác từ cây lá mọc tự nhiên. Nhưng giấy được làm thủ công với kỹ thuật lâu đời và óc sáng tạo của người thợ, về mặt nào đó đã không thua kém giấy hiện đại, thậm chí bằng công nghệ mới không thể làm được những loại giấy có đặc tính xốp nhẹ, bền dai như thế. Từ những điều ấy đặt ra cho ta một câu hỏi. Vậy “Nghề làm giấy bắt đầu từ bao giờ?” Đó là câu hỏi luôn được đặt ra trước các nhà nghiên cứu lịch sử nghề giấy, nghề in, lịch sử sách và thư viện. Nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào, chưa có nhà khoa học nào giải đáp được vấn đề ấy, bằng cách chỉ ra những cứ liệu lịch sử, có tính thuyết phục, về thời điểm xuất hiện giấy và nghề làm giấy lần đầu tiên ở Việt Nam.

Ảnh: Tranh đông Hồ được vẽ từ Giấy dó, ảnh tư liệu internet.

Trước khi làm ra giấy, từ thời cổ, người Việt cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, đã dùng các loại vật liệu khác để ghi chép: khắc trên đồng, trên đá, trên mai rùa, xương thú, trên đất sét, đất nung, viết trên tre, nứa, trúc, trên lá cọ, lá buông, trên lụa, v.v… Những loại “sách vở” ấy đến nay còn khá nhiều ở nước ta, không chỉ của người Việt, mà còn của các dân tộc thiểu số (Thái, Mường, Tày, Nùng, Chăm, Khơme…).

Trở lại nghề giấy, chúng ta hãy lưu ý đến những ghi chép trong sử sách: Theo các tài liệu của Việt Nam viết từ thời xa xưa, thì nghề giấy cổ truyền ở nước ta có thể ra đời từ thế kỷ thứ III (sau CN) nghĩa là cách thời đại chúng ta khoảng 1.700 năm. Nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn, ở thế kỷ XVIII, trong bộ bách khoa thư “Vân đài loại ngữ” của ông, đã có khảo cứu về nghề làm giấy ở nước ta. Ông cho biết, nhân dân biết dùng vỏ cây dó, vỏ cây thượng lục để làm giấy. Theo ông, cây dó dễ trồng, mau lớn, chỉ sau hai năm đã lấy được khá nhiều vỏ. Bấy giờ, các trấn Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái nguyên, Lạng Sơn thuộc vùng thượng du và trung du Bắc Bộ đã trồng nhiều cây dó để làm giấy. Còn cây thượng lục thì hiếm hơn, vỏ cây này để chế loại giấy đặc biệt, bền dai, trắng sáng “thực là hạng giấy tốt nhất”, như lời Lê Quý Đôn nhận xét. Như vậy, nghề làm giấy ở nước ta có lịch sử lâu đời và đến đầu thế kỷ XVII thì đã phát triển khá rộng rãi ở nhiều địa phương.

Nói về Giấy dó của Việt Nam ta, đây là một loại giấy phổ biến khi xưa, được dùng cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, hay lưu giữ các tài liệu, nhờ vào nhiều ưu điểm, nổi bật nhất là độ bền theo thời gian.

Người thợ có thể phân đoạn cây tươi trước khi ngâm để tạo các loại bột xơ giấy có chất lượng khác nhau. Phần gốc, từ mặt đất đo lên trên khoảng 20-30cm là loại ba. Phần ngọn, từ ngọn đo xuống khoảng 40cm là loại 2. Thân chính là phần thân cây dài 2m- 2,4m thuộc loại 1.

Giấy dó được làm chủ yếu từ vỏ cây dó. Người ta tạo ra giấy từ bột xơ của vỏ dó, thông qua công nghệ thủ công truyền thống khá phức tạp. Chính nguyên liệu và công nghệ sản xuất này đã tạo nên đặc tính của giấy dó. Còn công nghệ truyền thống làm giấy dó thì chỉ lấy vỏ cây đo làm nguyên liệu, còn thân cây thì không dùng được.

Vỏ cây dó được ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, sau đó được nấu cách thủy khoảng 3 ngày 2 đêm cho đến khi ngửi thấy mùi thơm của vỏ cây được nấu chín nhừ hoặc thấy phần thịt của vỏ cây dó trong lại. Dùng dao nhỏ bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày cho đến khi thành một dạng bột nhuyễn rồi cho bột dó vào ngâm và lọc bột giấy trong bể gạch xi măng (hay còn gọi là bể xeo giấy) và dụng cụ chuyên dụng. Bể xeo giấy được xây như bể đựng nước, cỡ 2-3m3, không có nắp. Bột dó giã lọc kỹ, hoà trong nước theo tỷ lệ nhất định (1gam bột dó/ 10 lít nước). Trộn bột dó cho tan đều với dụng cụ bằng gỗ hình mái chèo. Bột dó trong nước gọi là huyền phù. Sau đó người thợ dùng khuôn để xeo giấy dó cho tan đều với dụng cụ bằng gỗ hình mái chèo. Bột dó trong nước gọi là huyền phù. Sau đó người thợ dùng khuôn để xeo giấy.

Ảnh: Vỏ cây dó, tư liệu internet.

Trên khuôn xeo làm bằng loại gỗ chịu nước, không cong vênh, được trải tấm mành gọi là liềm xeo. Có hai loại liềm xeo: loại bằng mành trúc dày để xeo giấy tốt và loại bằng đồng để xeo giấy xấu. Thợ xeo chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn xeo, ép, bóc, cán, phơi (sấy), lột giấy. Sau khi chao xong, chồng giấy dó xếp cao 15-20cm được ép kiệt nước bằng bàn ép chuyên dụng. Tập giấy được ép kiệt nước phải bóc ra từng tờ hay từng bản (gọi là giấy bản) đem phơi dưới nắng trời hoặc trên lò sấy.

Nếu làm khô giấy bằng lò sấy phải thực hiện theo nguyên tắc: độ nóng phải tương tự trời nắng, giấy khô từ từ chất lượng mới đảm bảo độ xốp và trắng sáng không bị ố vàng. Giấy khi phơi, sấy thường quăn mép. Do đó người ta phải là cho thật phẳng từng tờ giấy. Cách làm phẳng thông thường là ép hay còn gọi là nghè, bằng cách dùng tấm gỗ phẳng đặc lên tập giấy, rồi đặt tảng đá hoặc cục sắt nặng lên trên qua một ngày đêm là giấy được làm phẳng. Để giấy có chất lượng đồng đều, người ta phân loại một lần nữa bằng cách soi tờ giấy lên ánh sáng trời hoặc đèn, nếu giấy trắng sữa và thấy rõ các sợi xơ xếp khá đồng đều, đó là giấy tốt. Tờ giấy tốt không có vết, ngược lại, nếu thấy hạt màu do xơ gốc lẫn vào thì phải đưa sang giấy loại hai. Giấy dó không bao giờ được xén cạnh. Mép giấy để xơ tự nhiên mới đẹp. Các làng nghề giấy dó cổ truyền thường đóng gói sản phẩm theo bó trăm, bó vạn: bó trăm là mỗi bó 100 tờ, bó vạn là mỗi kiện gồm nhiều bó trăm, tổng cộng đủ một vạn tờ giấy.

Ảnh: Phơi giấy, tư liệu ảnh intetnet

Từ việc ngày nay chúng ta còn lưu giữ được các bản sắc phong cổ trong một số di tích đình, đền, miếu thờ đã cho thấy: giấy dó có độ tuổi thọ tới hơn 500 năm. Và thấy được sự phát triển của các làng nghề làm giấy dó của Việt Nam rất thịnh vượng lúc bấy giờ. Trong đó có những làng nghề làm giấy dó nổi tiếng phải kể đến như:

  1. Giấy sắc Nghĩa Đô: Nghĩa Đô thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nói tới Nghĩa Đô là phải nói đến nghề làm giấy sắc từng nổi tiếng trong lịch sử văn hóa dân tộc. Giấy sắc là một loại giấy đặc biệt, làm bằng vỏ cây dó, chọn toàn dó lụa. Giấy sắc được tạo màu vàng từ hoa hòe, mặt trước vẽ rồng, mây, xung quanh tờ giấy viền truyền chỉ và đóng triện tiền. Mặt sau vẽ Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phượng) với bầu rượu, túi thơ. Nguyên liệu dùng để vẽ lên mặt giấy là vàng, bạc, và kim nhũ. Giấy sắc vì thế mà rất quý, hình thức và màu sắc rất đẹp, lại lưu giữ được bền lâu.
  2. Làng nghề giấy dó Yên Thái

Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương,

Mịt mù khói tỏa ngàn sương,

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Làng nghề giấy dó nổi tiếng Yên Thái (tức An Thái), còn gọi là làng Bưởi, ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Nghề làm giấy dó ở đây bắt đầu từ thế kỷ XV, được Nguyễn Trãi nói đến khá rõ trong sách Dư địa chí của ông: phường Yên Thái ở Thăng Long đương thời chuyên làm giấy; người thợ thủ công ở đây đã làm ra giấy thị (để viết chỉ thị); giấy lệnh (để ghi mệnh lệnh).

  1. Làng nghề giấy Phong Khê: Nghề làm giấy thủ công Phong Khê (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) có từ mấy trăm năm nay. Giấy cổ truyền Phong Khê là giấy dó. Giấy dó ở đây dùng để in tranh Đông Hồ, để viết chữ Nho, xeo ngòi pháo và làm vàng mã. Còn các loại giấy để in lịch, làm khăn ăn, giấy gói hàng của Phong Khê mới chỉ xuất hiện trong vài chục năm nay.

Ở Việt Nam, nghề làm giấy dó có lịch sử lâu đời, đã từng hình thành những làng nghề, những trung tâm sản xuất phồn thịnh với nhiều sản phẩm giấy nổi tiếng. Các làng nghề giấy vẫn còn duy trì sản xuất đến ngày nay hoặc có làng đã thất truyền, nhưng từng phát triển trong suốt hàng nghìn năm. Nhân dân các làng nghề này hiện vẫn thờ phụng Tổ nghề, với lòng biết ơn và niềm tự hào. Do đó, với vẻ đẹp bền bỉ, mộc mạc gắn với nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, giấy Dó cần được phổ biến rộng rãi tạo thành cầu nối giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, việc khôi phục, bảo tồn nghề làm giấy Dó truyền thống là rất cần thiết để giữ lại nét đặc sắc mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 9 năm 2024

Nguyễn Hà Thanh Trúc

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nghề Giấy dó, Tranh dân gian Việt Nam, Ths Bùi Văn Vượng, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Tư liệu Thư viện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
  2. Giấy dó lưu giữ giá trị văn hoá truyền thống, Hà Trần Minh Phương, Tạp chí điện tử Người Làm Báo.

Tour 360° Tour 360° 360 Tour