Ai đã sinh ra ở làng quê Việt Nam, hẳn không một ai là không biết đến chiếc chiếu. Chiếu lác (cói) từ xưa đến nay trong mỗi gia đình Việt Nam đều sử dụng rất phổ biến và đại trà, có nhiều làng nghề khắp các tỉnh thành trên toàn quốc sản xuất dòng chiếu này và được đón nhận sử dụng rộng khắp. Chiếc chiếu gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt Nam tự bao đời nay, là thứ sản phẩm thủ công vừa bình dị, vừa cao sang, vừa mộc mạc, vừa nghệ thuật điều đó được thể hiện qua phim ảnh, tranh vẽ,…Ngày nay, bên cạnh các sản phẩm giường, nệm cao cấp thì chiếu vẫn được nhiều gia đình ưa chuộng ở cả thành thị và nông thôn. Chiếu lác (cói) đồng hành cùng cuộc sống con người, đói no, rách lành, sang hèn, với sinh hoạt gia đình, xã hội cũng như tình yêu đôi lứa…Chiếu để ngồi ăn cơm, để nằm, đắp, gối đầu, dùng để tiếp khách,chuyện trò, hóng mát, chiếu dùng trong sinh nở, để trải giường tân hôn và dùng để đắp hay quấn thi hài người chết. Chiếu còn là vật dụng rất giá trị trong một số lễ tục thờ cúng tổ tiên, lễ hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật như Chèo, Tuồng, hát Chầu văn, hát Xoan… nhất là chiếu hoa đã đi vào ca dao, dân ca, thơ phú từ lâu đời:
“Mấy khi bạn đến chơi nhà
Võng điều ra rước chiếu hoa trải ngồi”
“ Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp ,đôi trầm em đeo”
“Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công anh cực lắm mưa nắng giải dầu
Chiếu này tôi chẳng bán đâu
Tìm cô không gặp gối đầu mỗi đêm”
Ở Việt Nam nghề dệt chiếu thủ công truyền thống vốn có từ rất lâu đời và chưa có ai biết nghề chiếu xuất hiện từ bao giờ, cũng như Tổ nghề thật sự là ai. Theo truyền thuyết, vào thời Tiền Lê – Lý (thế kỷ X-XI), ởlàng Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã bắt đầu dệt chiếu, rồi phát triển mạnh vào thời Hậu Lê (thế kỷ XV). Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (1457 – ?) – Ông người làng Hải Triều, huyện Ngự Thiêm, phủ Tân Hưng (nay là huyện Hưng Hà), tỉnh Thái Bình. Khi ông lớn lên, làng Hới đã có nghề dệt chiếu từ lâu. Nhưng chiếu dệt khung đứng, không có ngựa đỡ sợi nên chiếu không đẹp. Khi đi sứ sang Trung Quốc, qua vùng Ngọc Hà, Châu Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Phạm Đôn Lễ đã tìm hiểu và học được bí quyết kỹ thuật dệt chiếu của người Trung Quốc. Đó là kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn. Ông đã phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật dệt mới cho nhân dân. Ông cho cải tiến khung dệt. Nhờ vậy, chiếu Hới đẹp hơn và nổi tiếng từ đó. Dân làng tôn ông là ông Tổ nghề dệt chiếu, gọi ông là “Trạng Chiếu” và lập đền thờ sau khi ông mất- đền thờ Phạm Trạng Nguyên. Rồi từ làng Hới, nghề dệt chiếu truyền thống được phát triển ra cả nước trải dài từ Bắc vào Nam.
Các làng chiếu nổi tiếng như làng chiếu Nga Sơn (Thanh Hoá);làng chiếu Kim Sơn (Ninh Bình); làng chiếu Bàn Thạch, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam);làng chiếu Sơn Tịnh – Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), làng chiếuChương Hòa, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định);làng chiếuPhú Tân – xã An Cư, huyện Tuy An (Phú Yên);làng chiếu Mỹ Trạch, xã Ninh Hà, huyện Ninh Hoà (Khánh Hòa); làng chiếu Vĩnh Thái – Nha Trang (Khánh Hoà); làng chiếu An Thạnh, An Hài, Ninh Phước (Ninh Thuận);làng chiếu Long Cang, Long Định – huyện Cần Đước;Bến Lức – Cần Giuộc; Châu Thành, Tân Trụ(Long An); làng chiếu Định Yên, huyện Thạnh Hưng (Đồng Tháp); làng chiếuCà Hom – Bến Bạ, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú (Trà Vinh); làng chiếu Tà Niên, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang); làng chiếu Tân Duyên – Đầm Dơi; Tân Lộc – Thới Bình, Huyện Tân Thành, (Cà Mau)… và nhiều nơi khác.
Sản phẩm chiếu ở mỗi nơi đều có đặc điểm riêngvà mang đặc trưng của địa phương đó, nhưng tựu chung lại đây là một nghề truyền thống của người Việt, có lịch sử lâu đời và cần có sự tỉ mỉ, khéo léo của người dệt.
Nghề dệt chiếu truyền thống ít vốn và có thể làm vào những lúc rảnh rỗi, chính vì vậy chủ yếu là do phụ nữ và trẻ em làm. Với một khung dệt trong nhà, hai lao động nữ vừa đảm bảo công việc không tên từ dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, heo gà… cũng có thể dệt được một đôi, đến hai đôi chiếu trong một ngày. Sợi lác, sợi đay tuy đơn sơ nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa, cần mẫn, tỉ mỉ của những người phụ nữ đã trở thành những chiếc chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu nổi… rực rỡ, mịn màng và bền chắc, được thị trường trong nước ưa chuộng.
Nguyên liệu chủ yếu được dùng để dệt chiếu chính là lác (cói) và sợi đay (bố). Đây là hai loại cây hay mọc và được trồng ở những vùng gần sông nước, nơi nhiều phù sa bồi đắp. Sau đó, những loại cây này được thu hoạch và trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và cẩn thận để có thể đạt yêu cầu về nguyên liệu làm chiếu. Lác thu hoạch đến đâu, phân loại và sơ chế ngay đến đến đấy, đồng thời phân loại theo chất lượng lác và theo chiều dài của sợi lác. Cọng lác tươi được cắt gốc bỏ ngọn, rồi tỉ mỉ dùng dao lột từng sợi, bỏ ruột chỉ lấy phần vỏ ngoài, chẻ hai hay ba sợi tùy theo ý muốn, tùy loại lác, yêu cầu dệt loại chiếu dày hay mỏng và kiểu dáng khác nhau. Sau đó, lác được mang đi phơi nắng qua hàng chục ngày đến khi sợi lác chuyển sang màu trắng đục, cuộn lại thành sợi tròn thì coi như xong giai đoạn quan trọng nhất. Trong quá trình này nếu dính chút nước mưa, hoặc phơi không kỹ thì sợi lác khô sẽ cho màu xanh thâm thâm, không thể nhuộm màu, hoặc sẽ mốc meo không bền được.
Ngoài lác, thợ dệt còn phải tự làm lấy sợi đay (bố) dùng để dệt xương chiếu. Cây đay nhổ đem về cạo sạch, đem phơi nắng cho khô, rồi xé sợi thành những sợi mảnh như tơ, sau đó xe sợi đay được làm bằng tay hoặc dùng con quay. Sợi đay buộc một đầu vào con quay, rồi dùng tay miết lăn nhẹ con quay vào đầu gối để quấn sợi đã được xoắn đều thành từng cuộn.
Tùy theo từng loại cần dệt mà các sợi lác (cói), sợi đay sẽ được nhuộm màu theo từng sản phẩm. Màu đỏ, màu xanh, màu lục, màu vàng,… Màu dùng để nhuộm chiếu đều lấy từ tự nhiên như cây giang, cây nghệ, cây mít, lá chàm, quả dành dành, lá me chua, phèn chua…với liều lượng vừa đủ để có độ màu, độ dính nhất định khi nhuộm sẽ không phai. Công đoạn nhuộm màu cho lác, cần phải đảm bảo được sự đều tay thì lên màu mới tươi và giữ được lâu. Phẩm màu nấu lên và nhúng sợi lác vào, nhúng từng nạm một và đem phơi. Một nạm lác có thể nhuộm một hoặc hai ba lần tùy phẩm màu và độ pha chế đậm nhạt. Những sợi lác màu sau khi phơi thật khô, được đem đi dệt chiếu hoa.
Công cụ dệt chính là chiếc khung dệt, gồm 6 bộ phận liên kết với nhau bằng những đường trân: Cọc nêm (còn gọi là trụ đứng hay nọc) liên kết với đòn ngang để mắc sợi dọc vào; Đòn ngang (còn gọi là đòn giàn, miền Bắc gọi là suốt ngang hay đòn ém, có nơi gọi là đòn néo) để căng sợi dọc (sợi trân) nối từ đòn ngang bên này luồn qua khung dạo với đòn ngang bên kia; Đòn kê (ngựa) có chiều dài ngang với chiếc chiếu cần dệt, được đặt cố định để nâng sợi dọc và khung dạo không chạm đất; Khung dạo (lược go) là bộ phận quan trọng nhất của chiếc khung dệt, cũng như trong toàn bộ kỹ thuật dệt chiếu. Khung dọc của dạo làm bằng gỗ nhẹ, dày 5- 6 cm, chiều dài tương đương chiều rộng của thân chiếu. Tạo mặt sợi dọc và chia đôi sợi dọc khi khung dạo ở tư thế sấp, ngửa để thực hiện động tác kỹ thuật đưa sợi ngang vào (chuồi sợi lác) và nêm chặt sợi ngang; Cây chuồi sợi (miền Bắc gọi là văng que hay que chao) công cụ quan trọng chỉ sau chiếc khung dạo, là một chiếc thoi dùng để chuồi (lao) sợi lác, có chiều dài khoảng 2m, hình dáng giống cần cầu, đầu của nó vạt nhọn để quấn sợi cói; Ghế cho người dệt ngồi. Ngoài ra còn có dụng cụ xơ dầu, làm bằng sợi đay trông tựa như cái chổi nhỏ. Xơ dầu dùng để quét dầu lên sợi đay để khi dệt được trơn, dễ dệt và tránh đứt sợi đay.
Nghề dệt chiếu thủ công xem qua tưởng như đơn giản, nhưng nó cũng đòi hỏi người đan có những kỹ năng nhất định và sự sáng tạo phong phú.Trước khi dệt, người thợ dệt phải rũ lác, đảo lác và mắc sợi đay (sợi dọc, sợi trân) tạo thành mặt sợi dọc trên khung dệt. Khi dệt chiếu phải có hai người. Một người xếp cói và một người dệt. Người xếp cói và người dệt có thể thay thế vị trí cho nhau. Hai người phải phối hợp nhịp nhàng, lúc người dệt điều chỉnh cây dệt về tư thế ngửa thì người xếp cói sẽ xếp phần gốc của cọng cói và ngược lại, khi người dệt đưa cây dệt về vị trí sấp thì người xếp cói xếp phần ngọn của cọng lác. Hai người phối hợp như thế cho đến khi dệt xong chiếc chiếu. Đây là quy trình dệt cơ bản đối với chiếu thông thường. Với từng loại chiếu khác nhau, có những nguyên tắc kỹ thuật, cách thức chuẩn bị nguyên liệu đặc trưng khác nhau.
Dệt chiếu hoa gồm hai loại: in hoa và dệt hoa. In hoa là phương pháp tạo hoa văn trên chiếu trơn thành phẩm bằng khuôn in, bàn chải lông (hoặc cọ sơn), ván, phảng, giường với các đề tài khác nhau theo nhu cầu của khách hàng. Chiếu sau khi in, màu thuốc in khô thì hấp chiếu bằng hơi nước để màu ăn chặt vào sợi lác.
Dệt chiếu hoa là lác trắng dệt làm nền, lác nhuộm màu để dệt hoa, cài hình theo bản mẫu thiết kế trước, người thợ dệt tính sợi lác màu, tính mảng màu và từng màu để cài cho đúng chỗ, để dệt nền cho chuẩn xác. Ngoài dệt chiếu hoa cơ bản, còn có kỹ thuật dệt các loại chiếu hoa khác nhau như: chiếu phệt, chiếu sọc, chiếu hột mè…
Trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa các làng nghề dệt chiếu đang dần chuyển mình theo phương thức và công nghệ, máy móc tiên tiến.Số lượng chiếu làm ra nhanh hơn và ngày một nhiều, sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng so với dệt truyền thống không thua kém là mấy.Sợi nylon, phẩm màu công nghiệp đã thay thế dây đay, nước dang, nước nghệ… diện tích đất nông nghiệp trong đó có đất trồng lác, đay đang bị thu hẹp dần do tốc độ phát triển các khu công nghiệp du lịch và thương mại. Nhiều dịch vụ, ngành nghề thu hút người lao động với mức thu nhập khá hơn. Người thợ dệt làng nghề đang đứng trước sự lựa chọn đầy trăn trở, số lượng nghệ nhân biết bí quyết nhuộm và dệt chiếu truyền thồng tại các làng nghề dệt chiếu đang có nguy cơ mai một cao. Tuy vậy, một số làng nghề dệt chiếu thủ công đã nhanh nhạy, bắt kịp với nhu cầu của khách hàng trong nước và xuất khẩu hiện nay, đã tạo ra rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu lác đạt yếu tố mỹ thuật cao, phong phú về chủng loại và mẫu mãnhư: các loại thảm cói, túi xách, dép cói, nón cói, chiếu du lịch, chiếu nôi, chiếu giường phòng, nệm xe, nệm ghế, gối cói, sọt, khăn chiếu, khay…
Như vậy, dù trong cuộc sống hiện đại, có thể chiếu được sử dụng ít đi, nhưng những giá trị của chiếc chiếu vẫn mãi trường tồn trong ký ức của con người Nam Bộ nói riêng, người Viêt Nam nói chung. Nghề làm chiếu vẫn luôn bền bỉ duy trì và tồn tại, lưu giữ nét đẹp văn hóa và truyền thống lâu năm, được nhiều người sử dụng và trở thành một làng nghề truyền thống đặc sắc, đóng góp cho du lịch những giá trị văn hóa sâu sắc và giá trị tinh thần rất lớn đối với thế hệ sau này. Trong năm 2014, Nghề dệt chiếu lác đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.Vì vậy, cần phải có giải pháp bảo tồn, phát huy hợp lý, cần có phương án, kế hoạch tiếp tục đầu tư để khôi phục nghề dệt chiếu truyền thống tiếp tục duy trì và phát triển.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 6 năm 2021
Nguyễn Thị Vân Huệ
Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày