NGHỀ GỐM NAM BỘ – NƠI LƯU GIỮ BẢN SẮC VIỆT

Nhắc đến các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và tạo hình dân gian Nam Bộ, chúng ta không thể nào không đề cập đến nghề làm gốm. Khi lưu dân người Việt đặt chân vào vùng đất này thì ngoài việc làm nông nghiệp để có thóc gạo, họ còn phải bắt tay sản xuất ngay những vật dụng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu đời sống hằng ngày từ đó hình thành nên nghề làm gốm thủ công. Mặc dù công cuộc khai phá với quy mô lớn được bắt đầu khá muộn, xong nghề gốm thủ công vẫn sinh sôi và phát triển nhanh chóng, với bản lĩnh và tay nghề khá già dặn mang những nét độc đáo riêng biệt.

Võ Cư

Lịch sử hình thành và quá trình phát triển của nghề gốm ở Nam Bộ đến nay vẫn còn những ý kiến có đôi chút khác nhau giữa các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, đa số cho rằng, nghề gốm ở đây được tính từ khi cư dân Việt ở miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp khoảng cuối thế kỷ XVII, sau đó một bộ phận người Hoa ở phía nam Trung Quốc qua các đợt di dân với nhiều lý do, mục đích khác nhau. Vượt qua nhiều trở ngại ban đầu, họ đã tụ lại để làm ăn, buôn bán, sản xuất và định cư lâu dài, xây dựng quê mới trên vùng đất hoang vu với cảnh rừng rậm, cọp gầm, cá sấu vùng vẫy… Trong cộng đồng ấy có những người rất giỏi nghề gốmvà họ đã mang theo nghề đến mảnh đất phương Nam. Với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, họ đã cung cấp hàng triệu sản phẩm quan trọng cho cuộc sống như các loại gốm dùng trong sinh hoạt hàng ngày, trong kiến trúc xây dựng, trang trí, trong tôn giáo, trong kỹ thuật.

Nam Bộ với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho nghề gốm: có vùng đất sét và cao lanh khá dồi dào – một trong những nguyên liệu chính để sản xuất ra đồ gốm phục vụ cuộc sống cho con người. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, Nam Bộ có đặc điểm chung của khí hậu, thời tiết là nhiệt độ cao đều trong năm và có hai mùa mưa – khô rõ ràng tác động chi phối môi trường cảnh quan sâu sắc. Điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa, độ ẩm thuận lợi thích hợp cho nhiều loại cây cối phát triển, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm. Rừng cung cấp gỗ cho xây dựng nhà cửa, đóng ghe thuyền đánh bắt cá và chuyên chở người, hàng hóa, đặc biệt rừng cung cấp gỗ, củi các loại cho nhiệt lượng phù hợp để làm chất đốt trong sản xuất gốm.

Nam Bộ có nhiều sông lớn như sông Đồng Nai dài hơn 600km, sông Bé 344km, sông Sài Gòn 280km, sông Vàm Cỏ Đông 283km, sông Vàm Cỏ Tây 239km, sông La Ngà 210km, sông Tiền và sông Hậu dài 250km… Ngoài ra còn có các sông nhỏ như sông Lá Buông, sông Thao, suối Cả, suối Tam Biên, và nhiều sông suối khác (hơn 250 dòng chảy, chúng hợp thành mạng lưới thủy đạo trải dài khắp nơi)… Riêng ở Tây Nam Bộ, ngoài những con sông kể trên, vùng đất này còn có trên 30 con sông lớn nhỏ với chiều dài tổng cộng trên 1.700km và hơn 100 rạch dài hơn 2.000km, hình thành hệ thống dòng chảy tự nhiên đan xen khắp mặt đất châu thổ. Thời các vua Nguyễn đã cho đào đắp thêm nhiều con kênh lớn nhỏ nhằm nhiều mục đích khác nhau phục vụ cho như cầu phát triển kinh tế và quốc phòng. Đây là điều kiện lý tưởng cho giao thông đường thủy và là điều kiện vô cùng thuận lợi cho nghề làm gốm, bởi chuyên chở nguyên vật liệu, sản phẩm đi bán rất tốt. Hệ thống cảng, bến bãi ở Nam Bộ có nhiều và thuận tiện cho việc buôn bán, trao đổi hàng hoá, lập các kho hàng như cảng Bến Nghé, cảng Cần Giờ, cảng Đồng Nai, ven sông Tiền, sông Hậu… và có hàng trăm chợ búa lớn nhỏ khắp các khu dân cư. Đây chính là điều kiện thuận lợi lớn cho việc hình thành nhiều ngành nghề kinh tế trong cộng đồng dân cư, trong đó có nghề gốm.

Từ cuối thế kỷ XVII gốm hàng hóa đã xuất hiện ở vùng đất Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và nhiều thương lái nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia đã đến mua hàng. Do nhu cầu rất lớn về đồ gốm trong đời sống, nên nghề gốm ở Nam Bộ đã nhanh chóng đi vào chuyên môn hóa, và nhiều trung tâm gốm đã xuất hiện rất sớm. Tại Đồng Nai, cả một vùng từ Hiệp Hòa, Tân Bửu tới Hòa An, Bửu Hòa, Tân Vạn, Tam Hiệp, Long Bình,…của Biên Hòa, ở đây có rất nhiều lò gạch ngói, lò lu, lò chén đĩa. Vùng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một cũng là nơi có nhiều lò sản xuất lu, khạp, chậu kiểng, bình bông, đôn, chén, bát,…

Tại Bình Dương, các làng nghề gốm ở đây xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Ba làng nghề nổi tiếng còn tấp nập sản xuất cho đến ngày nay là: Làng nghề gốm Lái Thiêu do những người Hoa theo chân các đoàn thuyền buôn vào lập nghiệp, thấy vùng đất này thuận lợi nên họ đã định cư, đến lập nghiệp, biết làm gốm, họ đã mở lò sản xuất và tạo ra dòng gốm riêng biệt độc đáo, mang dấu ấn riêng từ giữa thế kỷ XIX đến nay. Làng nghề Tân Phước Khánh (thường gọi Tân Khánh) với điều kiện hết sức thuận lợi như gần vùng đất sét, rừng nhiều củi… thuận lợi cho việc làm gốm. Làng nghề gốm Chánh Nghĩa (thường gọi làng gốm Bà Lụa) thuộc Phú Cường, Thủ Dầu Một. Tại Sài Gòn, khoảng thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX, ở vùng Sài Gòn xưa (thuộc khu vực các quận 5, 6, 8, 11 ngày nay) đã có hàng chục lò gốm sản xuất tập trung với quy mô lớn như kênh Ruột Ngựa, rạch Lò Gốm (quận 8), đường Xóm Đất, gò Cây Mai (quận 11),…Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở Sài Gòn, đặc biệt là dưới thời Pháp thuộc, một lần nữa, nghề gốm và những người làm gốm ở đây lại phải di dời về Đồng Nai và Bình Dương lập nghiệp. Khoảng giữa thế kỷ XX, gốm ở Sài Gòn chính thức nhường vai trò và vị trí cho Đồng Nai và Bình Dương.

Khi chế tác một sản phẩm gốm phải qua các khâu làm đất, tạo dáng, chạm khắc, tráng men, nung sản phẩm, mà khâu nào cũng đều phải đảm bảo cao về mặt kỹ thuật. Ví dụ ở khâu làm đất, phải đảm bảo đất được lọc kỹ, không được để lẫn tạp chất vào; ở khâu tạo dáng người thợ phải vừa xoay bàn xoay, vừa nắn bằng tay, điều này đòi hỏi phải có tay nghề cao, vững chãi, điêu luyện và có nhiều kinh nghiệm. Từ một nắm đất, chỉ qua đôi bàn tay bóp nặn mà tạo nên những bình hoa, chậu kiểng,…có kích thước, kiểu dáng, độ dày mỏng đều nhau là một việc làm không đơn giản. Vì vậy, những người thợ tạo dáng bằng bàn xoay phải là những nghệ nhân, những thợ gốm có tay nghề cao.

Ngoài việc nặn sản phẩm bằng bàn xoay, còn có phương pháp in và rót khuôn, hai phương pháp này không đòi hỏi mức khéo léo, điêu luyện cao của đôi bàn tay như ở khâu nặn sản phẩm. Khâu chạm khắc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và tính nhẫn nại, chịu khó của người thợ, nó bắt buộc người thợ phải tuân theo những đường nét, tiểu công đoạn kỹ thuật nghiêm ngặt đã định sẵn. Có như vậy, khi tráng men, màu sắc, cảnh trí trên sản phẩm mới được hài hòa. Khâu tráng men là công đoạn làm tăng vẻ đẹp của sản phẩm. Lớp men đóng vai trò bảo vệ, tăng thêm độ bền vững của sản phẩm và là hình thức trang trí làm đẹp sản phẩm. Nhìn vào lớp men bọc ngoài người ta có thể đánh giá được trình độ kỹ thuật nghề gốm của mỗi cơ sở, mỗi địa phương. Khâu nung sản phẩm là một trong những khâu quan trọng quyết định phần lớn màu sắc, hình dạng, chất lượng của gốm. Nó phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm của người thợ. Người thợ lò nhiều kinh nghiệm chỉ cần nhìn ngọn lửa là biết sản phẩm nung đã chín đúng lửa hay chưa.

Từ năm 1901 khi Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (nay là Trường Cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai) đã đào tạo mỹ nghệ gốm, tại đây học sinh được hướng dẫn nhiều bí quyết và nghệ thuật mới trong các khâu luyện đất, nung lò, tô màu, tráng men và vẽ các họa tiết trên gốm; nhà trường cũng tìm ra được phương pháp chế tạo loại men đặc sản bằng nguyên liệu trong nước, cải tiến hình dáng sản phẩm gốm. Từ đó, ngành gốm mỹ thuật và trang trí ra đời, biểu hiện mối tương tác giữa các yếu tố dân gian và yếu tố bác học trong sản phẩm gốm Nam Bộ.

Gốm mỹ thuật vừa giữ được nét cổ kính Á Đông, vừa có nhiều tìm tòi để tiếp cận hợp lý một số phong cách hiện đại, do đó nó có giá trị nghệ thuật cũng như giá trị kinh tế cao so với gốm dân dụng; nó vượt xa về chất lượng từ hình thể, kiểu dáng đến nội dung đề tài trang trí, màu sắc và chất lượng của men. Đó là bước phát triển quan trọng trong nghề làm đồ gốm của người Việt ở Nam Bộ, thể hiện trình độ thẩm mỹ ngày càng cao của người thợ gốm trong vùng.

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX trong kỹ thuật sản xuất các loại đồ gốm (gốm, sành, sứ), người thợ làm gốm ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Lái Thiêu,…đã tiếp thu, kế thừa và sáng tạo trong kỹ thuật tráng men, kỹ thuật sử dụng màu sắc và đặc biệt là về hình vẽ trên gốm.Lúc bấy giờ, đồ gốm Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Lái Thiêu đã trở thành mặt hàng xuất khẩu đem lại nhiều ngoại tệ cho đất nước.

Nói đến độ nổi tiếng sản phẩm của thợ thủ công dân gian Nam Bộ, không thể bỏ qua sản phẩm gốm đen ở An Giang. Bà con ở thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới đã sử dụng một loại đất đặt biệt trong vùng để chế tác và nung ra một loại gốm đen hiếm thấy trong nước. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là một sự kế tục độc đáo hệ gốm đen trong văn hóa Óc Eo.

Gốm đen là một loại gốm có màu đen tuyền từ trong ra ngoài, được tạo thành từ một phương pháp nung đặc biệt, không sử dụng chất tạo màu nhân tạo. Đây là một sản phẩm độc đáo của An Giang, xét về phương diện văn hóa lịch sử cũng như về quá trình khai thác sử dụng nguyên liệu địa phương. Các nhiên cứu khoáng vật, bùn học và tảo học liên quan đến đất làm nguyên liệu sản xuất gốm đen được công bố, cho thấy loại đất này chỉ tập trung trong các lòng sông đào cổ và các dòng kinh cổ thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo. Loại gốm này được phát hiện lần đầu tại mương Chín Huệ , vùng Lò Mo phía nam núi Sam khi cải tạo rạch Cần Thảo vào năm 1980. Đến năm 1990, một nhóm nghệ nhân ở thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới đã tiến hành nghiên cứu và sản xuất gốm đen bằng loại đất này.

Hiện nay quy trình sản xuất gốm đen và công tác tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ khu vực Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang đã hoàn chỉnh, Trung Tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ thuộc Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường tỉnh An Giang đã sản xuất thành công gốm đen mỹ nghệ với nhiều mẫu mã như: bộ tượng Phước – Lộc – Thọ, Thần Voi, Phật Di Lạc và sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Các sản phẩm mỹ nghệ gốm đen An Giang là sản phẩm đặc trưng, độc đáo của vùng châu thổ sông Cửu Long.

Để phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, ngành gốm cung cấp số lượng lớn sản phẩm gốm công nghiệp, chất lượng tốt, hình thức đẹp và tiện lợi, không những làm cho cuộc sống thêm phong phú, tươi vui mà còn có tác dụng giáo dục, hướng dẫn thẩm mỹ tốt cho mọi người. Bên cạnh đó không quên lưu giữ và phát huy gốm thủ công với nhiều sản phẩm mang nội dung, đề tài truyền tải những thông điệp ý nghĩa từ giá trị văn hóa tinh thần đã có từ lâu đời. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ, nhắc nhở đến những giá trị truyền thống mà ông cha ta đã xây dựng bao đời nay.Mở ảnh

Mở ảnh

Hình: Gốm mỹ nghệ và gia dụng Sông Bé vào khoảng những năm đầu của thập niên 90 (nay là Bình Dương)

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 8 năm 2022

Võ Cư

Phòng Truyền thông, Giáo dục và Quan hệ Quốc tế

  1. Tài liệu tham khảo:

1. Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội).

2. Gốm Nam Bộ – truyền thống và những vấn đề trong quá trình hội nhập, phát triển bền vững (Tạp chí phát triển KH&CN, tập 16, số X2-2013).

Tour 360° Tour 360° 360 Tour