Ngày nay, di sản văn hóa đã thực sự khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội. Công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đã có một truyền thống lâu đời và nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước. Cùng với thời gian và những thăng trầm của lịch sử đất nước, công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đã để lại nhiều dấu ấn và thành quả của mình. Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ – TTg về việc lấy ngày 23 tháng 11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”.
Ngày nay, di sản văn hóa đã thực sự khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội. Công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đã có một truyền thống lâu đời và nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước. Cùng với thời gian và những thăng trầm của lịch sử đất nước, công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đã để lại nhiều dấu ấn và thành quả của mình. Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ – TTg về việc lấy ngày 23 tháng 11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”.
Tiền đề để chính phủ quyết định chọn ngày 23/11 làm “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam’ xuất phát từ Sắc lệnh 65/SL. Ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL ấn định nhiệm vụ cho Đông phương Bác cổ học viện nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam – Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Sắc lệnh số 65/SL gồm các nội dung cơ bản như: Khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam” (khái niệm “cổ tích” trong Sắc lệnh ngày nay được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể); Đông Phương Bác cổ Học Viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, thay thế cho Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ Học viện bị bãi bỏ; Giữ nguyên các luật lệ về bảo tồn cổ tích đã có trước đây; “Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”; “Chính phủ công nhận nguyên tắc những khoản trợ cấp hàng năm của toàn quốc, của mỗi kỳ hay mỗi tỉnh cho Đông Phương Bác cổ Học viện. Khi dự thảo ngân sách cho toàn quốc, cho từng kỳ hay từng tỉnh; ông Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Ủy viên tài chính mỗi kỳ, mỗi tỉnh phải dự tính khoản trợ cấp cho Đông Phương Bác cổ Học viện”.
Sắc lệnh số 65/SL ra đời đến nay đã hơn 60 năm nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Đó là quan điểm về vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa…
Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới; ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ – TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng; Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo pháp luật về thi đua khen thưởng.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2005 tới nay, trải qua 9 lần tổ chức, Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11 đã thực sự trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hoá dân tộc trong trái tim của người dân Việt Nam. Với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng không ngừng tìm kiếm, sưu tầm thêm tài liệu, hiện vật, hình ảnh, di vật độc đáo và quý hiếm về những đóng góp của phụ nữ miền Nam trong công cuộc đấu tranh xây dựng, bảo vệ đất nước và trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Hiện nay, Bảo tàng đang sở hữu hơn 30.000 hiện vật, trong đó có những hiện vật thuộc loại độc bản, vô giá. Bảo tàng đã đón hàng triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước với hàng chục chuyên đề trưng bày. Số lượng các loại hiện vật này là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong thời gian tới, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ chú trọng đến việc phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ trong việc lồng ghép các hoạt động của Hội với hoạt động của Bảo tàng, đưa Bảo tàng đến gần hơn với chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn. Chức năng của Bảo tàng ngày càng được mở rộng và sự nhìn nhận của xã hội về Bảo tàng cũng đã có nhiều thay đổi nên chúng ta có thể đa dạng các hoạt động để phát huy giá trị những di sản mà Bảo tàng đang lưu giữ.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 11 năm 2013
Phạm Thị Diệu