MÙA VU LAN ĐẶC BIỆT NĂM TÂN SỬU 2021

Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Qua hàng ngàn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, giờ đây lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ của Phật Giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam. Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, trùng với ngày Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông.

Ở Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức bông hồng cài áo. Đây là nghi thức khởi xướng bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách “Bông Hồng Cài Áo” viết năm 1962. Bông hồng được xem là vua các loại hoa, là biểu tượng của tình yêu, sự cao quí, ngát hương. Bông hồng cài trên ngực áo thể hiện những tình cảm tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất của người con dành cho cha mẹ mình. Những ai may mắn còn cha mẹ sẽ được cài bông hồng đỏ và một bông hồng trắng cho những ai cha mẹ đã mất.

Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu Lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt. Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ.

Ngày lễ Vu Lan là một trong hai lễ lớn nhất của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nay không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa của con người. Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Đại lễ Vu Lan kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.

Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Thông bạch nêu rõ, mùa Vu lan báo hiếu PL.2565 – DL.2021 đang đến gần trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm vô cùng phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố. Tăng ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội đang thực hiện cấm túc, ở yên tại chỗ tu tập, tụng kinh cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, đem lại bình an cho tất cả mọi người.

“Nhiều chùa đang nỗ lực ngày đêm nấu những suất cơm đong đầy tình thương, tràn ngập từ bi, hiếu nghĩa gửi tới đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, cũng như quan tâm đến các y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang và các tình nguyện viên nơi tuyến đấu chống dịch. Có những tăng ni, phật tử đang tận tâm phục vụ người bệnh trong các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến, khu thu dung. Đó chính là những bông hồng đầy ý nghĩa dâng lên Đức Phật, chư vị Tổ sư và hai đấng sinh thành, cũng như hồi hướng tới chư vị tiền bối hữu công, anh linh các anh hùng liệt sĩ và Cửu huyền thất tổ trong mùa Vu lan báo hiếu năm nay”- Thông bạch nhấn mạnh.

Đối với mùa Vu lan năm nay, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị, tăng ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện cấm túc, ai ở đâu ở đấy, tụng kinh Vu lan báo hiếu mẹ cha và hồi hướng tới Cửu huyền thất tổ, anh hùng liệt sĩ, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an. Không tập trung đông người tổ chức nghi lễ bông hồng cài áo và các nghi lễ khác trong ngày Vu lan. Cùng với đó, Ban Hoằng pháp Trung ương, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, tăng ni trụ trì các chùa, cơ sở tự viện phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến online trong mùa Vu Lan năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào phật tử và nhân dân.

Các chùa, cơ sở tự viện có đông tăng ni đang cấm túc sinh hoạt chúng và an cư kết hạ trong nội viên, nếu tổ chức Vu lan cần thông báo tới chính quyền địa phương và phải nghiêm túc thực hiện theo nội dung chỉ đạo tại công văn số 186/HĐTS – VP1 ngày 28-7-2021. Trong quá trình tổ chức Vu Lan phải thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế, thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách đảm bảo giãn cách theo quy định. Thông bạch cũng kêu gọi, trong mùa Vu Lan năm nay, tăng ni, phật tử bằng hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất hãy tiếp tục phát tâm ủng hộ, đóng góp nguồn lực cho các Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và Quỹ Vaccine Covid-19 để chung tay cùng các cấp chính quyền đảm bảo mọi người đều được tiêm vắc xin miễn phí và bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân. Giáo hội kêu gọi các Đạo tràng phật tử phát tâm tổ chức nấu những suất cơm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế trong xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong mùa Vu Lan…

Lễ vu lan đặc biệt năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn số 194/HĐTS-VP1 đề nghị các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thiết lập trai đàn cầu siêu cho các vong linh nạn nhân tử vong vì Covid-19, tiếp nhận miễn phí các hũ tro cốt. Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, TP, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thiết lập trai đàn cầu siêu cho các vong linh nạn nhân tử vong vì Covid-19 được siêu sinh tịnh độ theo nghi lễ trang nghiêm, đúng truyền thống văn hóa dân tộc.

Trong những ngày Vu lan, người dân đã được chứng kiến những hình ảnh đầy xúc động. Dù già hay trẻ, trai hay gái khi dự lễ Vu lan đều thành kính và tràn ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo. Những người còn cha mẹ cài bông hồng đỏ như một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ. Người không còn cha mẹ cài bông hoa trắng để tưởng nhớ đấng sinh thành. Tuy nhiên, màu sắc hoa hồng chỉ là sự quy ước. Nghi thức lễ Vu lan không nên tiếp cận theo góc độ thuần túy tín ngưỡng tôn giáo mà mang ý nghĩa thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu. Đó là ý nghĩa đích thực của ngày Vu lan, nét đẹp nhân văn trong ứng xử của những người con đại hiếu bởi sự hiếu thảo không thuộc về bất kỳ tôn giáo nào.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 8 năm 2021

Nguyễn Thị Thu Hồng

Phòng Truyền thông- Giáo dục- Quan hệ quốc tế

Tài liệut tham khảo:

www.binhphuoc.gov.vn

www.baodongnai.com.vn

– www.kinhtedothi.vn

Tour 360° Tour 360° 360 Tour