MỘT NGÀY THÁNG NĂM TRONG CHUỒNG CỌP

Câu chuyện kể về nữ tù chính trị Côn Đảo Lê Hồng Quân bị đày từ khám lớn Chí Hoà ra Côn Đảo tháng 11/1969 và bị giam ở Chuồng cọp 1. “Chuồng cọp” là một loại “nhà tù trong nhà tù”, nơi dành cho những tù nhân không chấp hành nội quy, bị tra tấn khắc nghiệt, tận cùng của “địa ngục trong địa ngục”. Chính nơi tối tăm ấy, bà có được bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đó là một thứ vũ khí tư tưởng, tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tiếp sức cho tập thể nữ tù chính trị ở Chuồng cọp Côn Đảo trong các cuộc đấu tranh, giữ vững khí tiết. Câu chuyện xoay quanh được viết trong bốn giai đoạn của cuộc đời bà Lê Hồng Quân cùng những người đồng đội rất đặc biệt của bà. Bà viết câu chuyện bằng cánh tay đã không còn nguyên lành và bằng một trái tim nguyên vẹn, đầy ắp tình đồng chí, đồng đội.

Đặc biệt trong bốn đoạn đời đó, người là đồng đội, cũng là người thầy dẫn dắt bà, kề vai sát cánh, động viên cùng thực hiện lý tưởng cao cả; không ai khác chính là người mẹ của Lê Hồng Quân – Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thọ trên trăm tuổi, nay đã an yên nơi chín suối. Với bà, mẹ là người tuyệt vời, không ca từ nào có thể diễn tả chính xác tấm lòng của bà dành cho mẹ. Song, tình cảm yêu thương con thì không gì sánh bằng, không gì thiêng liêng bằng tình mẫu tử cùng với những năm tháng bà cùng với mẹ trong nhà giam và vượt qua các cuộc tra khảo đầy cạm bẫy.

Bà Lê Hồng Quân ảnh tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Suốt nửa tháng trời, mỗi ngày đêm hơn mười lượt, giặc lôi bà và mẹ từ xà lim lên phòng khảo, rồi lại lôi xuống xà lim. Cũng là nửa tháng trời không ngủ, không ăn uống được, bọn giặc cố làm cho cơ thể, thần kinh và tinh thần của hai mẹ con rã rời, đau đớn tột cùng, mất đi ý thức, để chúng truy bắt đồng đội và cơ sở trong thành phố.

Mỗi lần từ nơi tra khảo về xà lim là bấy nhiêu những câu thơ gián đoạn giữa chừng bà đang viết dở. Chúng khảo cung đóng đinh tay và chân bà mẹ, trấn áp mẹ, nhằm vào vết thương của bà để chiêu dụ người mẹ “nhận con đi”.

Đến tận bây giờ, khi nhớ lại những cuộc khảo cung của hai mẹ con buộc phải nhận người thân. Chính bọn giặc và cả bà không hiểu nổi vì sao bà vượt qua được. Bà đã từng hỏi mẹ điều đó và nhận được cái ôm xiết chặt cùng những lời ấm áp:

 “ Má biết rồi, mình nhớ những chặng ác liệt để lớn lên, tiếp tục vững bước trong lửa đạn chiến trường. Đã khuya, mình về ngủ đi con, sáng mai má còn xuất phát”.

Má ơi….má thật kiên cường. Tiếng gà rừng báo canh ba, suốt đêm thao thức bà không ngủ được. Tiễn má đi, bà vẫy gọi với theo:

Má….má…! Con hẹn gặp má ở chiến trường T4. Sự chia ly lúc này là nơi khởi đầu của đoạn đường tiếp, con đường phía trước chúng ta có thể nhìn thấy nhưng tương lai… thì không.

Một mắt xích trong cuộc đời bà không thể quên là quãng thời gian nói dài không dài, ngắn thì lại không ngắn, đó là những ngày tháng trong chuồng cọp sau những lần tra khảo…

Sự hy sinh của đồng đội Nguyễn Văn Quang, người chiến sĩ trinh sát trẻ tuổi của Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng đã xông xáo, can trường, tả xung hữu đột phá vây cho đồng đội rút tại mặt trận Đề Thám, Cô Giang trong đợt 2 Tết Mậu Thân 1968 cùng Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân. Quang hy sinh vì không chịu nỗi những đòn tra khảo man rợ của kẻ thù vào NGÀY THỨ NĂM TRONG TÙ. Đó cũng là tên chủ đề, một trong bốn giai đoạn cuộc đời của bà trong sách.

Có lần Quang hỏi bà rằng:

– Hình như trại số 5 đây, đang là điểm giặc tập trung thương binh trong đợt này phải không chị?…

– Chị biết không? Em không muốn xa chị! Nhưng nếu kẻ thù tách. Khi đó, em sẽ chiến đấu “độc lập bằng trách nhiệm một đoàn viên cho đến phút cuối, như chị nói “phải biết làm chiến sĩ”.

Bà khuyên Quang hãy nghỉ ngơi một chút vì vết thương ở phổi chưa lành mà ngày càng nặng thêm sau những lần khảo cung. Người em trai ấy vẫn tươi cười, giơ hai bàn tay bấm từng ngón lẩm nhẩm: “Hôm nay nữa là hết ngày thứ 4 trong tù, mỗi ngày như một con thác lao đi, cuốn đi bao sự việc nhưng không có gì mất cả phải không chị? Mai sẽ là ngày thứ 5 trong tù”.

Bà động viên, an ủi đồng đội rằng: “Gian khổ thử thách còn nhiều ở chặng đường phía trước. Ngày mai, dù chia xa hay những lúc đau đớn, em hãy nhẩm đoạn thơ hoặc hát một bài hát chiến đấu cho chính mình nghe, em sẽ thấy mình được tiếp sức hơn để chịu đựng.”

Quang tiếp lời: “Em còn nhớ đêm chiến dịch ở căn cứ “Phước dân”, chị đã hát cho em nghe bài “Anh nhớ chăng anh” bài hát hay lắm, bây giờ chị có thể hát cho em nghe không?”.

  • Được, nhưng bài ấy không hợp với cảnh này.

Và bà đã hát bài ca ngợi đất nước, ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng bất khuất.

  • Bây giờ em mới hiểu ý nghĩa câu “Tiếng hát át tiếng bom” mà bộ đội ta hát trên chiến hào.

Cả hai chị em ôn lại kỷ niệm và những ước mơ dự định trong tương lai khi đất nước hoà bình.

Bà nhớ như in trận đòn khảo lần cuối, ngày thứ năm, lúc cây ma trắc lọt thỏm vào vết thương đồng đội mình. Đôi môi rắn rỏi của Quang mím chặt, thẳng như một đường cắt. Tên an ninh dùng tay xô mạnh vào ngực Quang rút cây ma trắc ra. Máu tuôn tràn, đẫm đỏ vùng ngực. Mặt Quang tái đi, đôi mày rậm của em cau lại. Quang hát, tiếng hát lạ thường như có lửa…

“Không, không thể sống chần chờ hay trông đợi!

Tương lai hồng ta phải nắm về ta

Không, không thể nén hờn căm và uất hận!

Sống là đây mà chết cũng là đây!”

Giọng hát trẻ trung, ngân vang cuồn cuộn… Tiếng hát người đồng đội vút cao, vút cao, rồi bỗng ngừng bặt. Căn phòng ở góc trại số 5 khoảnh khắc chìm trong im ắng ngột ngạt. Một sự im lặng đáng sợ. Cả ba tên an ninh đứng đờ ra, chúng nhìn Quang như bị thôi miên. Người chiến sĩ biệt động trẻ mới 15 tuổi đời đã vĩnh viễn ra đi để lại tiếng hát cháy lòng cho những người bạn tù bị thương tại trại số 5 bệnh viện Chợ Quán.

Đại Hội Thương Binh Phía Nam năm 1980

Với bà, bốn câu chuyện là bốn ký ức rất thật, rất đẹp trong cuộc đời của bà. Đoạn đời rất đặt biệt với và những đồng đội rất đặc biệt của bà. Tất cả cùng với khát vọng được chiến đấu cùng đồng đội, góp phần giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để viết và xuất bản cuốn sách này, tác giả phải trưởng thành, trải nghiệm đỉnh cao và nhiệt huyết của cuộc đời cách mạng, để truyền đạt một cách chân thực, xứng đáng niềm tin của mẹ và sự hy sinh của các chiến sĩ, đồng đội của mình trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, thống nhất nước nhà.

Sách được viết với câu từ đơn giản, mộc mạc gần gũi với người đọc ẩn chứa nỗi niềm khơi dậy trí tò mò, hiện đang có tại Thư viện của bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, kính mời quý độc giả đón đọc.

                                 Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2024

                                                  Đào Thị Hồng Quyên

                            Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

 

Tour 360° Tour 360° 360 Tour