TTO – Mỗi chiếc bóp đầm, giỏ đi chợ, xuồng ba lá hay thậm chí là bộ đồ bà ba… tại triển lãm “Nữ chiến sĩ giao liên Miền Nam” đều mang chứa một câu chuyện về mảng khuất còn ít người biết của chiến tranh Việt Nam.
Mỗi chiếc bóp đầm, giỏ đi chợ, xuồng ba lá hay thậm chí là bộ đồ bà ba… tại triển lãm “Nữ chiến sĩ giao liên Miền Nam” đều mang chứa một câu chuyện về mảng khuất còn ít người biết của chiến tranh Việt Nam. Đó là sự hiện diện của những nữ chiến sĩ giao liên trên khắp các mặt trận.
Thanh niên xung phong vận chuyển hàng hóa trên vùng sông nước trong kháng chiến chống Mỹ
Triển lãm được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức, vừa khai mạc sáng 15-10 giới thiệu hơn 200 hiện vật và ảnh tư liệu do bảo tàng sưu tập và được trao tặng từ các nhân chứng lịch sử – những nữ giao liên còn sống đến thời hậu chiến.
Trong chiến tranh Việt Nam, do đặc thù của cuộc “chiến tranh nhân dân”, nên sự tham gia của người phụ nữ vào công tác giao liên và chính nhiệm vụ công tác giao liên là một phần rất quan trọng của chiến trường. Nhưng, những nghiên cứu về bộ phận quan trọng này của cuộc chiến đến nay vẫn còn chưa được bao nhiêu.
Và triển lãm lần này như mở hé thêm một cánh cửa nhỏ để công chúng nhận biết thêm một phần khốc liệt và oai hùng của cuộc chiến, đặc biệt với thân phận người phụ nữ đảm trách công tác giao liên, những câu chuyện nằm đằng sau các chiến công nhiều người biết đến lắm khi lại rất thật và mang nhiều chiều kích cảm xúc khác nhau.
Chính vì lẽ đó, ban tổ chức thiết kế tại buổi khai mạc triển lãm một chương trình giao lưu gặp gỡ ba nữ giao liên lão thành, bước ra từ cuộc chiến và đến nay vẫn còn minh mẫn.
Đây cũng chính là dịp để những nhân chứng lịch sử – những nữ giao liên miền Nam gan góc một thời – tâm sự lại chặng đường đi làm cách mạng của mình.
Nữ Anh hùng LLVT Võ Thị Tâm (thứ hai từ trái) ngồi giữa hai nữ giao liên miền Nam là Nguyễn Thị Phương (bìa trái) và Lại Thị Kim Túy (thứ ba từ trái) cùng kể lại câu chuyện mình đi làm giao liên trong chiến tranh Việt Nam – Ảnh: L.ĐIỀN
Như trường hợp của nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Tâm, cô làm giao liên từ năm 16 tuổi tại quê nhà Bến Tre. Để rồi sau đó được “rút lên” Trung ương Cục miền Nam, rồi nhận chỉ thị vào nội thành Sài Gòn gây dựng cơ sở chuẩn bị cho trận Mậu Thân.
Bản thân cô Tâm 3 lần dẫn bộ đội đánh vào Sài Gòn trót lọt trong trận tổng tiến công này. Sau đó cô bị bắt, bị đưa ra giam tại chuồng cọp Côn Đảo đến tháng 4-1975.
Còn câu chuyện của cô Nguyễn Thị Phương lại gợi mở đến những suy nghĩ khác. Làm giao liên, đảm trách vận chuyển vũ khí đạn dược trên tuyến đường sông từ Bến Tre – Cà Mau bằng thuyền hai đáy, nhưng khi về Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu Sài Gòn – Gia Định, cô Phương còn giữ nhiệm vụ viết các chỉ thị mật bằng loại mực hóa chất trên giấy đặc biệt, rồi chuyển các thư từ ấy đến nơi nhận một cách an toàn…
Có những lúc chẳng may gặp tình thế ngàn cân treo sợi tóc như lần thuyền chở vũ khí bị hỏa hoạn suýt chút nữa cả thuyền vũ khí nổ tung. “Mình hi sinh thì đành rồi, nhưng như vậy là cách vận chuyển và đường dây vận chuyển sẽ bị lộ”, cô Phương thật tình tâm sự.
Từ đây có thể thấy loại hình công tác giao liên ở một chiều hướng khác, chính là một mắt xích trong đường dây tình báo quân sự phục vụ đắc lực cho chiến tranh.
Và cô Lại Thị Kim Túy còn sống đến hôm nay dự buổi giao lưu chính là nụ cười của số phận. Bởi trong trận Mậu Thân, cô Túy là giao liên đội 3 biệt động, dẫn đường cho quân chủ lực hướng Tây Nam đánh vào Phú Thọ Hòa – Sài Gòn.
“Sau đợt đầu, chúng tôi bị chiêu hồi dẫn quân phản công ra quá mạnh, và trong một trận địch phản công ngày 13-1-1968, đơn vị của tôi 44 người đã hi sinh hết 38, còn tôi và 5 đồng đội sống sót. Bây giờ hằng năm tôi đều cùng địa phương làm lễ giỗ cho các anh em đã hi sinh trong trận đó”, cô bùi ngùi kể.
Và theo dõi các hiện vật được trình hiện hôm nay, công chúng sẽ bắt gặp nhiều điều thú vị mở ra từ quá khứ:
Đồng hồ của Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hữu (Nguyễn Thị Trung, Sáu Trung – 1930-2019), quê ở Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam; nguyên là chiến sĩ giao liên độ cận vệ A6, bà làm giao liên cho Bí thư khu ủy Sài Gòn – Gia Định và cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bà sử dụng đồng hồ trong quá trình công tác của mình – Ảnh: L.ĐIỀN
Đồng hồ của Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hữu (Nguyễn Thị Trung, Sáu Trung – 1930-2019), quê ở Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam; nguyên là chiến sĩ giao liên độ cận vệ A6, bà làm giao liên cho Bí thư khu ủy Sài Gòn – Gia Định và cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bà sử dụng đồng hồ trong quá trình công tác của mình – Ảnh: L.ĐIỀN
Mô hình nhà hai nóc – hình thức nuôi giấu cán bộ thời chống Mỹ tại Cần Giuộc, Long An