Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, dân tộc ta có rất nhiều tấm gương sáng ngời đã có công trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Một tấm gương là người chị, người mẹ trong kháng chiến luôn tâm huyết, tận tuỵ cho công tác đoàn thể, cống hiến góp hết sức mình vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc là má Nguyễn Thị Thanh (chị Tám Thanh) – nguyên Thành uỷ viên, Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu.
Má là một trong những nữ cán bộ, một đồng chí gần như suốt đời làm công tác phụ nữ. Má tên thật là Nguyễn Thị Uyển, sống tại quê nhà tại làng Tương Mai, ngoại thành Hà Nội (sau này thuộc quận Hai Bà Trưng). Thuở bé, má chưa hiểu nhiều về sự bóc lột, cũng chính mùa hè năm ấy, má cùng một số bè bạn tham gia chuyến nghỉ mát tại Kompong Cham gần trang trại cao su Chúp của Trường Trung học Lycee Síowwath tổ chức. Trong chuyến đi thăm rừng, một cảnh tượng hãi hùng gây xúc động sâu sắc trong tâm hồn non trẻ, không thể quên được là hình ảnh đoàn người già- trẻ, lớn- bé ăn mặc rách rưới, da vàng, người thì ốm tong teo, bụng to chướng lên. Tất cả đều mặc quần đùi để lộ hai ống chân khẳng khiu như que củi khô, bước đi xiêu vẹo. Thấy đoàn khách lạ, họ chìa tay xin cứu giúp qua cơn đói khát, bệnh hoạn. Điều khác lạ hơn hết, câu hỏi lúc ấy trẻ con đồng lứa như má bật hỏi:“Sao ở rừng mà cũng có đông người ăn xin như thế?”
Cô bạn cùng lớp tên Hiền giải thích: “Không phải người ăn xin đâu, đó là thợ cạo mủ cao su đấy. Họ nghèo khổ, lương không đủ sống, lại bị sốt rét rừng, không có thuốc uống tội nghiệp lắm!”
Mỗi đứa học trò và cả má lúc ấy đều móc túi ra giúp đỡ người khổ. Khi về nhà, má được cha mình giải thích thêm về tình hình khốn khổ của người phu cao su, hình ảnh ấy cứ làm má ray rứt mãi. Niềm nung nấu ấy dần lớn thêm từng ngày. Năm 13 tuổi, suy nghĩ ấy của má không còn đóng khung trong nhà trường nữa mà mở rộng quan hệ bạn bè trong xã hội; với ý muốn vượt lên số phận, hơn hết muốn giải phóng phụ nữ khỏi kiếp sống đau khổ của giới nữ. Rồi má tham gia cách mạng, ra đi theo tiếng gọi của quê hương.
Bà ở trên cùng ở giữa
Chiếc xe đò Sài Gòn – Mỹ Tho định mệnh tách bến từ con đường Trần Hưng Đạo hướng về phía Chợ Lớn. Hôm ấy là ngày 25/12/1947, một ngày rất đáng ghi nhớ trong đời má. Buổi ban mai khi tất cả còn đóng cửa im lìm trong giấc ngủ, khoảnh khắc ấy, xe chạy vun vút qua nhanh, nhìn thoáng xa kia là ga Sài Gòn, rạp hát Nguyễn Văn Hảo và căn nhà 21 Trần Hưng Đạo, rời xa trụ sở bí mật là nơi cùng các chị lớn lên trong bàn tay cách mạng để bay xa hơn với ước mơ là làm chiến sĩ cách mạng, làm cô Vệ quốc quân. Má đành phải khất lại bao nhiêu hy vọng ủ ấp của ba, má mình, mong muốn co gái cố gắng học và đi du học cho có tương lai, trong lòng buồn tê tái trước giờ ly biệt.
Thấm thoát cũng đã tuổi 17 – 18 tuổi, những ngày đầu rời xa nhà, má cùng Nhu –là bạn học đường, được các chị em dẫn dắt, từng bước đi theo đường dây từ thị xã về tỉnh. Phần lớn thời gian di chuyển vào ban đêm bằng đường bộ để tránh địch. Đường đi vừa xa, với muôn vàn nguy hiểm thì má càng nung nấu lý tưởng con đường cách mạng bảo vệ tổ quốc.
Đêm đầu tiên xa nhà má và Nhu nhớ gia đình đến não ruột chỉ biết lặng thinh trông xa, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng. Ký ức thời thơ ấu, quãng đời học sinh trôi qua như một giấc mộng đẹp ùa về. Mới đó mà má đã thoát ly gia đình, rời bỏ cuộc sống thành thị, ra chiến khu, đồng cam cộng khổ với các chiến sĩ làm cách mạng.
Theo chị An liên lạc dẫn đường ra chiến khu Đồng Tháp Mười, xế chiều đoàn đến xã Long Hưng, thuộc huyện Châu Thành, Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) – là xã nổi tiếng về truyền thống cách mạng và là một trong những trọng điểm của Khởi Nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Tiếp nối đi theo đoàn có tổ võ trang, trước khi đi các đồng chí phổ biến kỷ luật đi đường, ám hiệu khi đứt đuôi hoặc phục kích, hai đồng chí dẫn đầu và một khoá đuôi. Khi thì băng qua mương, vượt qua lộ, đi phải êm, hành quân ban đêm gian nan vất vả, chân mỏi rã rời nhưng lòng mang niềm thích thú khi nghĩ mình hoà nhập vào cuộc kháng chiến. Đến chặng cuối đến trạm của tỉnh, đoàn đi bằng xuồng, không khí hai bên bờ kinh, vùng nông thôn giải phóng ban đêm náo nhiệt hơn ban ngày. Tiếng nô đùa trẻ con, hát xướng vui vẻ hay thỉnh thoảng những tiếng vỗ tay nhịp nhàng hát những bài ca mới của nhóm thanh niên. Đây mới thật sự là vùng giải phóng.
Đến trạm, má cùng các chị em được bố trí trong đội Tuyên truyền xung phong của Ty, đúng đợt công tác huyện Châu Thành, má và Nhu thiết tha đề nghị và được các chị chấp thuận đi theo học tập thực tế. Đoàn sẽ đến các xã Điềm Hy, Đạo Thạnh, Trung An để tuyên truyền về đời sống mới. Các chị tuyên truyền xen giữa nội dung nếp sống mới phổ biến cho đồng bào là những bài hát, vở kịch ngắn vui.v..v.. Chị nào cũng duyên dáng, hát hay, nói chuyện hấp dẫn. Má tự hỏi không biết đến bao giờ mới nói được như các chị.
Rồi má và Nhu được đưa về cơ quan Phụ nữ cứu quốc khi giữa chừng đợt công tác, Ban Thường vụ Phụ nữ Nam Bộ phân công mỗi người đi một tỉnh. Nhu đi Vĩnh Long, còn má đi Gò Công. Gò Công khi ấy, địch lấn chiếm, cần củng cố, đây là nơi má được rèn luyện thử thách. Đi cùng má là chị Sáu Xê, người dẫn đường và cùng chị chia sẻ về những lý tưởng, nhân sinh cách mạng, chủ nghĩa Mác – Lênin, về lập trường giai cấp và đặc biệt là nổi thống khổ của phụ nữ dưới chế độ phong kiến, tư bản. Vạch ra con đường giải phóng phụ nữ là câu trả lời chị Sáu Xê đáp án những câu hỏi của má là khi nào dân tộc và giai cấp được giải phóng, phụ nữ phải độc lập về kinh tế thì mới bình đẳng với nam giới được. Má tâm đắc và thấm thía điều đó, chỉ có cách mạng mới giải phóng con người, nhất là những người bị áp bức như phụ nữ. Câu chuyện hai chị em kéo dài suốt thời gian đi đường. Mấy chốc đã đến nơi, má được phân công công tác tuyên truyền với quần chúng ở nông thôn tại địa phương.
Không chỉ đơn thuần đi tuyên truyền cho đồng bào theo sự phân công, có lần má còn nhớ, ở Vườn Thơm tại Chợ Lớn tháng 2/1949, xảy ra trận càn lớn, lúc trời vừa sáng, sương mù chưa tan, tiếng mõ vang lên trong xóm báo động, trong lúc hỗn loạn chạy giặc, má cùng vợ chồng anh Năm Tú là công an ở thành ra thăm nhờ xuồng qua kinh hướng chạy về rừng Bà Vụ. Máy bay trinh sát L19 của địch quần đảo trên trời, siết chặt vòng vây, xả súng dọc theo bờ kinh và các đường mòn. Anh Năm dẫn vợ và má chui vào đám chồi rậm, thu mình lại nghe ngóng bên ngoài. Xen kẽ tiếng động cơ máy bay, súng bắn, còn có những quả bom đìa. Địch đốt rừng, vợ anh Năm nắm chặt tay anh, còn má níu tay chị cho đỡ run. Lửa bốc cháy ngày càng cao như thiêu đốt, má cố tự trấn tĩnh theo lời dặn của anh Năm. Tình hình kéo dài ba, bốn tiếng, tiếng súng bắt đầu thưa thớt, lửa rụi xuống, chỉ còn khói nghi ngút, theo chân anh Năm cảnh giác đi dò từng bước phòng bom bi hoặc mìn, ra đến bìa rừng.
Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong kháng chiến má luôn được những lời chỉ dẫn của các chị động viên. Má cảm thấy mình đã trưởng thành lên nhờ sự dìu dắt của tổ chức. Đặc biệt, cuộc sống tập thể ở cơ quan Phụ nữ Nam Bộ lúc đó vui vẻ, ấm áp như một gia đình. Bà Mười Thập là người chị cả, kế đó là bà Tư Định, bà Lê Đoan, trong lúc đi công tác chung nhiều ngày đường, má được nghe các chị kể cho nghe cuộc đời chiến đấu thời lúc còn trẻ. Má rất khâm phục tấm gương chiến đấu dũng cảm của những người phụ nữ.
Bà ở bên trái hình, thứ 3
Những bài học kinh nghiệm mà các chị căn dặn đã từng trải, bảo rằng: Cán bộ phải vượt qua ba cửa ải: “Tù – Tình – Tiền”, nhưng đối với cán bộ phụ nữ thì ải tình cảm đối với chồng con lại khó vượt qua nhất, vì không ít chị khi còn là thanh nữ thì rất hăng hái, tích cực, đến khi có chồng, nhất là có con lại bỏ công tác.
Đồng đội luôn nhắc rằng: “Cán bộ phụ nữ phải có cái trán bằng cao su”, nghĩa là phải kiên trì đương đầu vượt qua mọi trở ngại. Hoặc khi thấy chị em nào bi quan, các bà khuyên: “Phải luôn luôn lạc quan cách mạng, bi quan là biểu hiện của sự xuống dốc, thụt lùi về tư tưởng”. Bài học kinh nghiệm của các chị khuyên luôn đi đôi với thực tiễn trong kháng chiến. Chiến tranh tuy diễn ra khốc liệt nhưng cũng không thiếu những lúc đoàn viên cùng các anh chị đùm bọc lẫn nhau như anh em ruột thịt trong gia đình.
Năm 1951, má 23 tuổi được đề bạt vào Đảng đoàn Phụ nữ Nam Bộ và được phân công công tác củng cố, lo phát triển tổ chức Đoàn thể, Chi bộ ở xã Thới Bình, tỉnh Bạc Liêu. Cũng vào dịp này, má xây dựng gia đình với anh Hồng Việt, là một cán bộ công tác ở miền Bắc được Trung ương chi viện cho Nam Bộ. Lúc đó, anh Hồng Việt được phân công phụ trách tờ tạp chí lý luận của Đảng là tạp chí Nghiên cứu.
Bước sang năm 1954, sau thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân ở miền Bắc, tiếp theo là chiến thắng vang lừng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, phong trào cách mạng của nhân dân Nam Bộ cũng như của cả nước bước vào một thời kỳ mới đầy triển vọng. Thời gian này, má công tác ở cơ quan Phụ nữ Nam Bộ đóng ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Bạc Liêu (gần Sông Đốc) không đi công tác xa được vì có thai con đầu lòng là Việt Nga, rồi đến cuối năm 1956 thì sanh con gái thứ hai là Việt Hà được sự chăm sóc của gia đình yêu thương đùm bọc. Nghỉ sanh đúng hai tháng, má tiếp tục trở lại công tác, được tổ chức sắp xếp cùng các chị nhanh chóng hỗ trợ, chia sẻ thông cảm và đoàn kết nhau trong công tác.
Nhưng những ngày tháng má có thai lần 3 là Việt Hùng đã có ký ức đặc biệt sâu sắc đối với má. Năm 1955, sau khi truất phế Bảo Đại, Ngô Đình Diệm tiếp tục dẹp phe Bình Xuyên ở Sài Gòn, củng cố cơ sở tề nguỵ, đàn áp phong trào cách mạng. Giữa năm 1957, Cơ sở hoạt động tài chính cho Đảng ở Mỹ Tho bị địch phát hiện, địch dẫn đội biệt kích lên Sài Gòn, đóng bót Ngô Quyền, đi lùng sục đánh phá cơ sở nội thành của Đặc khu uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn. Đến cuối năm 1957, Ban Phụ vận Khu uỷ bị lộ. Một số đồng chí bị bắt và bất ngờ địch ập vào nhà má khi đang dùng cơm với gia đình, trước nét mặt hoảng hốt của mẹ và các em khi chiếc xe jeep dẫn má về bót đúng 12 giờ trưa. Chúng khảo cung, thẩm vấn bằng roi mây cột chặt chân, tay kéo dài 4 tiếng đồng hồ khiến phồng to, rớm máu, bầm tím, mắt môi thì sưng vù. Tiếp đến chúng chở hết mọi người về bót, tra khảo như thiên lôi, quất xối xả và gán nhận tội. Nhìn mẹ và các em bị đánh đập, tra tấn hung bạo nhằm làm lung lạc tinh thần má. Không những thế, chúng tiếp tục vừa đánh vừa đổ nước xà bông vào miệng mũi, lỗ tai má gây ngột ngạt, sặc vì ngộp không thở được, bụng óc ách, ói ra mật xanh, tai lùng bùng không nghe được gì. Má ráng chịu đựng nhưng phải la hét rùng rợn giữa đêm với lời buộc tội tố cáo tội ác của bọn ác ôn. Chúng tiếp tục tra tấn đổ nước đến 5 giờ sáng, hết nước lại thêm nước, đến khi má kiệt sức chúng gọi anh em tù nhân khiêng má vào phòng giam. Sáng hôm sau, đổi sang kiểu tra tấn khác, bị dí điện vào người, làm má co rúm lại, té lăn đúng, bụng đau quặn, rồi ngất đi. Lúc tỉnh dậy má thấy mình nằm góc phòng được các chị bóp tay, xoa bụng. Các chị bảo: “rờ bụng thì thấy thai gò, máy mạnh, chắc bé đau lắm”.
Sau ba trận tra tấn má động thai ra huyết, chúng chở má đi bệnh viện Chợ Quán. Những ngày nằm đây, má có điều kiện nhắn gia đình thăm nuôi là nhờ được sự giúp đỡ của vị bác sĩ Minh thông cảm cho má găp người thân. Nhờ vậy má được gặp các con nhưng chỉ đứng ngoài sân bệnh viện. Bé Hà thì gọi bi bô “má ơi, má ơi!”, còn bé Nga hiểu chuyện hỏi thăm chừng nào mẹ sanh em bé. Những gian khổ, thử thách chông gai cuộc đời kháng chiến bảo vệ quê hương của má thì bù lại các con sinh ra và khoẻ mạnh, đứa con nào cũng kháu khỉnh từ 3,9kg đến 4kg ,5 kg.
Đến ngày thứ ba, bọn công an giải má từ bệnh viện Hùng Vương về Bệnh viện Chợ Quán và đúng một tuần về lao Gia Định. Ở đây, má và bé mới sinh được các chị ưu tiên phân công chia nhau chăm sóc, chia sớt từng món ngon để có sữa, giặt giũ quần áo tã lót, rồi chùi sàn xi măng thường xuyên. Các chị em tranh nhau ẵm và hát ru véo von. Thấm thoát được hai tháng, Việt Hùng lớn lên nhờ uống nước cơm gạo lứt của nhà lao pha với sữa bò vì thiếu sữa mẹ thay một tô nước cơm. Sống với tập thể chị em tù ở đề lao Gia Định, má thấy ấm cúng. Rồi đến 7/7/1958 má được chuyển đến Ty công an Mỹ Tho cùng bé út và được thả ra theo chủ trương ân xá tù nhân, rêu rao khoan hồng nhân đạo nhân lễ quốc khánh Chánh phủ Ngô Đình Diệm.
Kháng chiến của má không dừng ở đó giống như các chị đã răn dạy: “Phụ nữ không tránh khỏi vì tình là vì chồng vì con mà bỏ dở cách mạng”. Khi nào đất nước chưa độc lập, các bà mẹ vẫn tiếp tục chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng má Tám Thanh cùng với các bà, các dì thành lập “Tổ công tác tổng kết lịch sử phong trào Phụ nữ Nam Bộ” (gọi tắt là Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ) đi khắp các địa phương từ miền Đông, miền Trung, miền Tây Nam Bộ đến cả những nơi xa xôi để sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu để viết lịch sử phụ nữ Nam Bộ kháng chiến và thành lập Nhà Truyền thống phụ nữ Nam Bộ, tiền thân của bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày nay
Năm 1993, má qua đời vì tuổi cao sức yếu. Cuộc đời má là tấm gương sáng, một đảng viên trung kiên, một phụ nữ bình dị, chân tình với đồng chí, bạn bè, thương yêu chồng con hết mực, luôn phấn đấu để xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” của Phụ nữ Việt Nam.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 9 năm 2024
Đào Thị Hồng Quyên
Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế