MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG HỒ THỊ ĐƯNG

Trong chiến tranh Việt Nam, Củ Chi là địa bàn trọng điểm khi Mỹ thực hiện chiến dịch Đông – xuân 1965-1966, với 12.000 quân (trong đó có 8.000 quân Mỹ) để rồi sau đó 1967-1968, Mỹ mở cuộc hành quân cấp quân đoàn thứ hai là chiến dịch Cedar Falls đánh vào vùng “tam giáp sắt” (Bến Súc – Củ Chi – Bến Cát) nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não Quân khu Sài Gòn – Gia Định và triệt hạ vùng giải phóng Củ Chi.

Gia đình Mẹ Hồ Thị Đưng sinh sống tại vùng sâu của xã Trung An (huyện Củ Chi) là nơi lực lượng dân quân, du kích và bộ đội thường xuyên trú ẩn và đóng quân. Nhà  Mẹ lại là cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng, trong đó có cán bộ Thành đoàn khu Sài Gòn – Gia Định về hoạt động. Những năm tháng sống trong vòng vây của quân thù, gia đình Mẹ phải kiên cường, dũng cảm vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, vừa bảo vệ cơ sở cách mạng, vừa đảm bảo đường dây liên lạc an toàn. Mẹ còn là người phụ nữ giỏi đan lát. Dưới bàn tay lành nghề của Mẹ những thanh tre mộc mạc biến thành rổ, rá, thúng, mủng xinh xắn. Khi chúng tôi thực hiện Dự án “Nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày tư liệu Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh”, gia đình Mẹ đã gửi tặng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cái thúng tre do chính tay Mẹ đan.

Thúng có kích thước nhỏ, gọn đựng vật dụng sinh hoạt hàng ngày và cất giữ những tài liệu, thư từ của cách mạng được Mẹ nghi trang khi nhận nhiệm vụ giao liên giữa các cơ sở hoạt động bí mật với du kích và bộ đội địa phương. Khi làm công tác giao liên, Mẹ ngụy trang mặt trên thúng có khi là xấp bánh tráng, lúc là trái cây, củ mì…của một bà nội trợ đến buổi họp chợ. Nhờ vậy, Mẹ dễ dàng thoát khỏi sự tò mò của giặc. Với sự thông minh và lòng dũng cảm của Mẹ, nhiều tài liệu quan trọng và những tin tức cách mạng được thông suốt và vận chuyển an toàn. Mẹ còn tham gia đấu tranh chính trị trực diện không những với quân ngụy mà cả với Mỹ khi càn vào làng. Mẹ là người dẫn đầu trong các đoàn đấu tranh chính trị đòi Mỹ cút khỏi Việt Nam, chống bom đạn Mỹ pháo kích vào xóm làng, chống dồn dân lập ấp chiến lược tại Bình Dương, Sài Gòn, Phú Hòa Đông (Củ Chi).

Với thành tích đấu tranh dày dặn kinh nghiệm, Mẹ được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Noi gương Mẹ, các con lần lượt lên đường nhập ngũ và bốn người con trai thân yêu của Mẹ đã nằm lại nơi chiến trường, đó là các liệt sĩ: Phan Văn Mến hy sinh năm 1966, Trần Phan Văn Tuột hy sinh năm 1967, Trần Văn Hôm hy sinh năm 1968, Trần Văn Minh hy sinh năm 1970.

Hòa bình lập lại, Mẹ về sống với người con trai út – Trần Thanh Tâm tại phường 4, quận Gò Vấp và qua đời vào năm 1988. Chiếc thúng tre của Mẹ trở thành kỷ vật sống mãi với thời gian được Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trân trọng giữ gìn, giới thiệu những tấm gương phụ nữ bình dị nhưng rất anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

                                       T.p Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 6 năm 2012

                                                         Nguyễn Thị Thu Hồng

Tour 360° Tour 360° 360 Tour