Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Ó, sinh năm 1909, hy sinh ngày 20 tháng 9 năm 1961, hưởng dương 52 tuổi, quê quán: ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ Huỳnh Thị Ó sinh được 07 người con (02 trai, 05 gái), 02 người bị bệnh chết từ nhỏ; trong số 05 người con còn lại tất cả đều thoát ly gia đình đi kháng chiến hoặc tham gia công tác cách mạng tại địa phương.
Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Ó, sinh năm 1909, hy sinh ngày 20 tháng 9 năm 1961, hưởng dương 52 tuổi, quê quán: ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ Huỳnh Thị Ó sinh được 07 người con (02 trai, 05 gái), 02 người bị bệnh chết từ nhỏ; trong số 05 người con còn lại tất cả đều thoát ly gia đình đi kháng chiến hoặc tham gia công tác cách mạng tại địa phương. Mẹ có hai con là liệt sĩ (một con trai và một con gái) đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Là con cháu của những người nông dân Bến Nghé xưa, có truyền thống lao động cần cù, có đức tính thật thà chất phác, Mẹ Huỳnh Thị Ó được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh quê hương đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, người dân tất thảy đều phải lầm than cơ cực. Trưởng thành trên quê hương có truyền thống chống giặc ngoại xâm từ lâu đời, mẹ Ó sớm giác ngộ cách mạng và tham gia công tác từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mẹ là cán bộ của xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.
Chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Tranh, người cùng thôn, ông cũng tham gia các công tác cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như phá cầu đường ngăn cản bước tiến quân của địch… Trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhà mẹ Ó là cơ sở nuôi dưỡng thương bệnh binh, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Mẹ luôn tích cực cùng bà con tham gia trong các cuộc đấu tranh chính trị trực diện với địch.
Cũng như những bà mẹ Việt Nam anh hùng khác, mẹ Huỳnh Thị Ó là người phụ nữ Việt Nam rất đổi bình dị, nhưng rất kiên cường bất khuất trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Mẹ tảo tần sớm hôm cày cấy nuôi chồng con, góp gạo nuôi quân chỉ với ước nguyện lớn nhất là nước nhà sạch bóng quân thù, gia đình đoàn tụ trong hòa bình, hạnh phúc. Mẹ đã nuôi dưỡng các con khôn lớn, giáo dục, động viên các con thoát ly gia đình tham gia đi kháng chiến.
Con mẹ, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bá sinh năm 1929, tham gia công tác cách mạng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là Chi ủy viên Chi bộ xã Bình Mỹ, hy sinh ngày 19/9/1961 do bị địch sát hại trên đường đi công tác.
Khi biết cả gia đình mẹ đều tham gia công tác cách mạng và để truy sát tận gốc, địch lôi xác anh Bá đem về bỏ tại cầu Cây Xanh (ấp 6 B, xã Bình Mỹ) và gài thuốc nổ dưới xác anh. Sau đó, chúng báo tin cho gia đình mẹ đến lấy xác anh mang về chôn cất. Hay tin, mẹ và người con gái thứ Bảy là chị Nguyễn Thị Khương, sinh năm 1939, tham gia ông tác cách mạng từ sau năm 1954, là Phó Bí thư xã Đoàn xã Bình Mỹ, chị Nguyễn Thị Khuya là vợ của anh Bá đang mang thai gần ngày sinh nở cùng với một số bà con trong ấp đến kéo xác anh Bá về chôn cất; mìn nổ làm mẹ và chị Khương hy sinh. Vợ con anh Bá và số bà con đứng xung quanh cũng đều tử nạn, trong đó có vợ của đồng chí Mười Sử (cán bộ An ninh quận Củ Chi), đó là ngày 20/9/1961.
Chỉ trong vòng 2 ngày, do sự độc ác của kẻ thù, cả gia đình mẹ hy sinh và chết mất 5 người cùng nhiều bà con lối xóm khác. Hận thù chồng chất, các con còn lại của mẹ biến đau thương thành hành động cách mạng, tiếp tục con đường mà mẹ đã chọn, quyết tâm chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược cho đến ngày giành thắng lợi hoàn toàn.
Chị Nguyễn Thị Ba (con gái thứ ba của Mẹ Ó) tham gia vào đơn vị hậu cần tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đồng chí Nguyễn Văn Bứa (tức thiếu tướng Nguyễn Hồng Lâm). Sau ngày giải phóng, chị công tác trong Hợp tác xã mua bán xã Bình Mỹ, đến năm 1979 nghỉ về nhà mua bán sinh sống.
Anh Nguyễn Văn Diệp (con trai thứ năm), tham gia cách mạng từ năm 1962 vào Đoàn 81, cấp bậc Thượng sĩ- Chức vụ Trung đội phó. Sau ngày giải phóng năm 1976, anh chuyển công tác sang Cục Xây dựng Hậu cần Kinh tế Quân khu 7. Năm 1979, anh Diệp phục viên về công tác ở ấp 7, xã Bình Bình Mỹ; năm 1993 nghỉ hưu.
Chị Nguyễn Thị Chính (con gái út của Mẹ Ó), tiếp bước con đường của mẹ đã chọn, chị luôn tích cực tham gia công tác tải thương, chăm sóc nuôi dưỡng thương binh trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất 30/4/1975.
Mẹ Huỳnh Thị Ó được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 28 tháng 4 năm 1997, Quyết định số 1212 KT/CTN.
Chiến tranh đã kết thúc 43 năm, hoà bình đã trở về với dân tộc Việt Nam, niềm vui đã trở lại nhưng nỗi đau thì vẫn còn đấy. Hiện cháu nội trai của mẹ là anh Nguyễn Hoàng Việt lo việc thờ cúng mẹ tại nhà số 12 B, đường 144, ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 4 năm 2018
Nguyễn Văn Đức
(Nhà truyền thống huyện Củ Chi)