Nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2021, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vinh dự được nghệ nhân may y phục Năm Tuyền, tên thật là Phạm Văn Tuyền trao tặng 02 bộ áo dài ngũ thân (01 bộ áo nữ (áo, quần), một bộ áo nam (mấn , áo ngoài, áo lót, quần). Đây là hai bộ áo dài đã được nghệ nhân tìm hiểu, nghiên cứu trau chuốt,chỉn chu trong từng vuông vải, từng đường kim, mũi chỉ để thiết kế và may thành bộ áo dài ngũ thân mang cốt cách truyền thống. Mẫu áo dài này nguyên gốc từ xưa đều dùng cho cả nam và nữ mặc nhưng để phân biệt rõ hơn với chiếc áo dài thiếu nữ Việt Nam thường xuất hiện lâu nay.
Nghệ nhân Năm Tuyền với ý tưởng muốn hiểu thêm về quá khứ của cha ông cũng như muốn lưu giữ lại nguyên bản áo dài truyền thống, đặc biệt là áo dài ngũ thân của Thời Nguyễn (1558-1945).
Sự ra đời của chiếc áo dài ngũ thân được định hình từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765). Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và hoàn thiện chiếc áo dài Việt Nam ở xứ Đàng Trong (để phân biệt với trang phục của những khách trú người Trung Hoa). Kể từ năm 1802 thời vua Gia Long trở đi, nhà Nguyễn đã hoàn thiện tà áo dài ngũ thân hoàn chỉnh.
Sở dĩ áo dài ngũ thân có tên gọi như vậy là vì loại trang phục này được ghép bởi 5 thân (5 vạt) gồm 2 thân trước, 2 thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất.
Áo dài ngũ thân nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác vài đặc điểm, như: cổ áo nữ thấp hơn nam, ống tay áo nữ hẹp hơn ống tay áo nam, vạt áo nam dài hơn áo nữ, áo dài ngũ thân thường được mặc thêm áo lót phía trong, nhưng không để hở áo lót mà chỉ điểm xuyết, lấp ló màu trắng ở cổ cáo, cổ tay và phần xẻ tà, làm tăng vẻ thanh nhã, sạch sẽ. Áo nam và nữ đều có 5 cúc, hàng cúc chạy theo vạt bên trái, phía trước rồi xuống eo. Ống tay được may nhỏ gọn hơn ống tay của áo tấc, áo giao lĩnh nên còn gọi loại áo này là áo ngũ thân tay chẽn, trang phục này thường được mặc với quần ống rộng, sáng màu.
Áo dài ngũ thân được may hai lớp, gồm lớp bên ngoài và lớp lót bên trong, thoải mái, tiện lợi, gọn gàng, kín đáo khi mặc. Kiểu dáng, kết cấu áo có công năng sử dụng cao, tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong. Với áo nữ có thể tôn dáng, che khuyết điểm cơ thể.
Chiếc áo dài ngũ thân chịu ảnh hưởng chung của tư tưởng Nho giáo: Tam cương ngũ thường đối với nam giới; Tam tòng, tứ đức với phụ nữ đã trở thành nền tảng đạo đức xã hội và luân lý Áo dài có ngũ (năm) thân tượng trưng phụ mẫu hai bên và chính người mang áo. Năm hạt nút cài áo mang ý nghĩa ngũ thường, nhân – lễ – nghĩa – trí – tín, cho thấy người mang áo tôn trọng nghi lễ làm người trong xã hội.
Suốt chiều dài lịch sử, áo dài nữ cho thấy sự phát triển không ngừng, phù hợp với bối cảnh xã hội và thẩm mỹ đương thời. Áo dài nam cũng có sự biến đổi nhưng lại hoàn toàn xa rời bản sắc văn hóa Việt. Khi đất nước hội nhập với thế giới, các nhà thiết kế cách điệu, biến tấu, thêm bớt nhiều lần khiến tà áo dài không còn giữ được những nét tạo hình, nét đẹp vốn nền nã, trang nhã, đoan trang, lịch thiệp của áo dài ngũ thân thuở ban đầu. Nhiều bộ trang phục còn bị sáng tạo thái quá, đôi khi mang tính khoa trương, kiểu cách. Thậm chí nhiều mẫu áo dài cách tân thể hiện rõ sự ảnh hưởng của trang phục các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar…
Vì vậy, nghệ nhân Năm Tuyền mong muốn thiết kế và may được bộ áo dài ngũ thân nguyên bản của nó, nhằm giữ gìn và bảo tồn những giá trị nhân văn của tà áo dài ngũthân, góp phần tôn vinh trang phục truyền thống của người Việt Nam. Do đó, nghệ nhân Năm Tuyền đã phối hợp với 3 đơn vị: Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế; Câu lạc bộ Đình làng Việt và Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân, để tạo ra áo dài chuẩn gốc, không bị lai với các dân tộc khác.
Là người yêu tà áo dài theo cốt cách truyền thống và dưới bàn tay tài hoa của mình, nghệ nhân Năm Tuyền đã thiết kế và may bộ áo dài ngũ thân hoàn toàn giữ nguyên cách thức cắt, may, chất liệu vải…Để chọn vải may cho bộ áo dài nghệ nhân đãchọn lựa kỹ lưỡng các loại vải chất lượng cao từ những làng nghề nổi tiếng như làng lụa: tơ tằm Bảo Lộc (Lâm Đồng), lụa Nha Xá (Hà Nam)…Hai bộ Áo dài truyền thống ngũ thân nghệ nhân tặng cho Bảo tàng Phụ nữ được may bằng chất liệu vải:
Áo dài nữ: Nghệ nhân đã dùng vải lụa tơ tằm Bảo Lộc để cắt may, vải lót dùng vải của Nha xá; quần sử dụng vải lụa tơ tằm Bảo Lộc
Áo dài nam: Nghệ nhân đã dùng vải đũi – lụatơ tằm Bảo Lộcđể cắt may, vải lót dùng vải của Nha xá.
Thời gian để may được một bộ áo dài mất 2 ngày. Nghệ nhân đã sử dụng kỹ thuật may thủ công và may máy.
Nghệ nhân Năm Tuyền trao tặng hai bộ áo dài ngũ thân cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ với mong muốn giúp công chúng và du khách được chiêm ngưỡng những giá trị di sản truyền thống của trang phục Việt, đặc biệt là chiếc áo dài ngũ thân mang cốt cách truyền thống, như thủa ban đầu vốn có của nó, góp phần bảo tồn, phát huy và trân trọng giá trị di sản của trang phục dân tộc, đồng thời đưa các giá trị này gần gũi hơn với đời sống và hy vọng Việt Nam sẽ có quốc phục chính thức từ chiếc áo dài ngũ thân. Áo ngũ thân hội tụ đầy đủ các điều kiện của một y phục, vừa tạo nên vóc dáng đĩnh đạc ở người nam, thanh nhã ở người nữ, và lại phù hợp với mọi sinh hoạt trong đời sống thường nhật của người Việt.
Phát biểu cảm ơn nghệ nhân, bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trân trọng tình cảm, tâm huyết với nghề và tấm lòng của nghệ nhân Năm Tuyền dành cho Bảo tàng, hai bộ áo dài ngũ thân góp phần bổ sung và làm phong phú thêm bộ sưu tập “Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ” đang lưu giữ và sẽđược trưng bày trong không gian trưng bày hiện đại của Bảo tàng để giới thiệu đến công chúng.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 11 năm 2021
Nguyễn Thị Vân Huệ
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ