Cách nay hơn 1980 năm, tháng Ba năm Canh Tý (năm 40 Sau Công nguyên), bà Trưng Trắc, cùng em là Trưng Nhị hội quân ở Hát Môn làm lễ tế cờ phát động cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Hán. Nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy dưới ngọn cờ chính nghĩa của Hai Bà Trưng. Toàn dân tộc ta vùng lên, khí thế ngút trời, như triều dâng thác đổ, kẻ thù không kịp trở tay, chỉ trong một thời gian ngắn, 65 thành trì đã lần lượt về tay nghĩa quân. Thành Luy Lâu, sào huyệt cuối cùng do Thái thú Tô Định chỉ huy cũng bị phá tan. Tô Định phải cắt râu, bỏ giáp, quẳng ấn tín, trà trộn vào dân thường để trốn thoát về phương Bắc. Ách thống trị hơn hai trăm năm của Nhà Hán được cởi thoát. Bà Trưng Trắc được nhân dân suy tôn là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh (nay thuộc huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Nước ta được độc lập. Tuy chỉ làm Vua được 3 năm (40-43), nhưng khí phách của Trưng Nữ Vương vẫn sống mãi trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam mọi thời đại. Có thể thấy, khi nhắc đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ai cũng nhớ công lao của bà Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Có một điều ai cũng biết, đồng hành và cùng khởi nghĩa với Hai bà là các nữ tướng anh hùng của Hai Bà Trưng. Tiếc là, sử sách chưa đề cập hay viết chi tiết về từng nữ tướng tham gia khởi nghĩa thời đó. Hơn 70 vị nữ tướng anh hùng đã từng sát cánh chiến đấu mưu lược, dũng mãnh bên cạnh Hai Bà Trưng. Một trong những vị nữ tướng ấy, phải kể đến nữ tướng Lê Chân khởi nghĩa ở An Biên (Hải Phòng), được Trưng Vương phong là Nữ Tướng quân miền biển.
Theo ghi chép của thần tích đền Nghè ở An Biên (nay thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) thì Lê Chân vốn quê ở vùng nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bà là con gái quý của ông Lê Thái Bảo . Lê Chân giỏi võ nghệ, thạo nghề cung kiếm thường dẫn đầu các đoàn đi săn, đánh bắt thú rừng. Cha mẹ bị Tô Định hãm hại nên Lê Chân đã phải uất hận bỏ xứ mà đến đất An Biên. Chính Lê Chân là người đã đứng ra tổ chức khai hoang và lập ra làng này vào năm Bà mới 19 tuổi. Cũng tại An Biên, Lê Chân đã lập ra đội dân binh gồm đủ cả nam lẫn nữ. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ cho dân làng, đội dân binh An Biên còn chủ động tổ chức những trận tấn công rất bất ngờ vào lực lượng quân đô hộ. Tô Định rất tức tối và ra rất lúng túng trong kế sách đối phó.
Với lòng căm thù giặc, bà lập trại ấp, chiêu mộ dân xây dựng vùng biển có vị trí quan trọng này làm căn cứ và cũng là nơi sản xuất lúa gạo, cá, mắm, muối làm hậu cần sau này. Vì thế, khi cư dân đông đúc bà đã luyện quân, đóng thuyền, sản xuất vũ khí. Trại An Biên có nhiều ngòi lạch, sú vẹt mọc thành rừng là cửa ngõ qua Biển Đông nên bà quan tâm luyện thủy binh. Những thuyền do bà cho thợ đóng, thời bình thì đánh bắt cá, thời chiến thì trở thành thuyền chiến.
Mùa xuân năm 40 sau Công nguyên, Lê Chân nhận được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh, bà tung toàn bộ lực lượng quân sự đánh vào các trại giặc, giải phóng vùng ven biển rộng lớn, rồi đưa quân về hội quân với Hai Bà Trưng hạ thành Luy Lâu, đầu não của Thái thú Tô Định. Sau khi đánh đuổi Tô Định, bà Trưng Trắc lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh, phong thưởng cho các tướng sĩ, Lê Chân được phong làm “Thánh Chân công chúa” giữ chức “Chưởng quản binh quyền nội bộ”. Đề phòng giặc Hán sang xâm lược, vua Trưng giao cho bà về đóng quân ở An Biên với chức “Trấn thủ hải tần” để ngăn chặn quân giặc xâm lược từ phía Biển Đông.
Vua Hán sai “Phục Ba tướng quân Mã Viện” sang đánh Hai Bà Trưng. Nữ tướng Lê Chân đưa một đạo quân lên Lạng Sơn tiến đánh cánh quân bộ của giặc. Song Mã Viện gian ngoan theo đường biển đánh vào sông Lục Đầu, chiếm vùng Lãng Bạc. Quân ta thua ở Lãng Bạc phải rút về phòng tuyến ở Cấm Khê. Bà Lê Chân rút quân về hoạt động ở vùng Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam. Cuối cùng bà rút quân về Lạt Sơn, thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Đây là vùng núi non hiểm trở, bà lấp suối ngăn sông, chặn đánh thủy quân Hán. Sau khi đánh bại các tướng quân khác, Mã Viện, Lưu Long tập trung quân đánh phá căn cứ Lạt Sơn. Trong một trận huyết chiến ngày 25 tháng chạp năm 43, bà Lê Chân hy sinh.
Nhận được tin bà Lê Chân tử trận, nhân dân trại An Biên thiết lập bàn vị, lập miếu thờ. Năm 1919 thành lập ngôi đền, gọi là đền Nghè như ngày nay.
Tp. Hồ Chí Minh , ngày 03 tháng 3 năm 2021
Nguyễn Thị Kim Voanh
Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Thanh Sơn. ( 2009). Trưng Vương và các nữ tướng. Hà Nôi: NXB Phụ nữ.
2.http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202003/nhung-nu-tuong-thoi-hai-ba-trung-tren-que-huong-dat-to
3. http://khxhnvnghean.gov.vn/nghien-cuu-khxhnv/nhung-phu-nu-anh-hung-trong-cuoc-khoi-nghia-hai-ba-trung