KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

Trong không khí sôi nổi thi đua lập thành tích kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8//1945 – 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015) và 70 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2015); ngày 28/8/2015 Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Độc lập dân tộc và chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

altTrong không khí sôi nổi thi đua lập thành tích kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8//1945 – 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015) và 70 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2015); ngày 28/8/2015 Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Độc lập dân tộc và chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

Đến dự Lễ kỷ niệm có bà Ngô Thị Huệ – nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trung ương Đảng, một trong mười nữ đại biểu Quốc Hội khóa đầu tiên, thành viên Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ, các thành viên Tổ sử phụ nữ Nam bộ, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ban giám đốc Bảo tàng các tỉnh, thành.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Nam bộ cùng nhân dân cả nước đồng loạt đứng dậy tiến hành cuộc Tổng Khởi nghĩa oanh liệt. Hàng triệu phụ nữ khắp các vùng, các miền đang sống trong vòng khủng bố kèm kẹp gắt gao dưới ách phát xít Nhật – Pháp, đã vùng lên với sức mạnh quật khởi cùng toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Ở các tỉnh, huyện, xã, những người phụ nữ bị áp bức bóc lột cùng cực là lực lượng hăng hái nhất tham gia khởi nghĩa. Trong đó, có nhiều chị em tham gia trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa. Ở các đô thị, đông đảo nữ công nhân, dân nghèo, trí thức, tiểu tư sản, tư sản dân tộc bấy lâu bị đè nén dưới ách phát xít Nhật – Pháp được Đảng giác ngộ, rèn luyện đã hăng hái xuống đường, phong trào khởi nghĩa nổ ra hàng loạt đều khắp các tỉnh, thành Nam bộ.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã thực sự giải phóng phụ nữ thoát khỏi cuộc đời nô lệ của người dân mất nước, đồng thời cũng giải phóng cho phụ nữ bước đầu thoát khỏi những tục lệ phong kiến hàng nghìn năm đã trói buộc, kìm hãm chị em. Nhờ đường lối đúng đắn nên chỉ trong vòng 15 năm, Đảng Cộng sản đã lãnh đạo toàn dân giành được độc lập, tự do cho đất nước, giải phóng cho phụ nữ. Ngày 28/8/1945 cách nay 70 năm đã đi vào mốc son lịch sử của dân tộc ta. Đó là ngày Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia gồm các bộ, ngành để đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc. Trong số trên mười bộ, ngành được thành lập ngày 28/8/1945 có Bộ Thông tin – Tuyên truyền, nay là Ngành Văn hóa.

Thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là thiên anh hùng ca bất hủ trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi này là minh chứng hùng hồn truyền thống yêu nước quật cường, trí thông minh, sáng tạo và tài thao lược của dân tộc Việt Nam, trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, toàn dân, toàn diện của cả dân tộc có sự đóng góp to lớn của những người phụ nữ Việt Nam anh hùng.

Kế thừa những truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc, phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Nam bộ nói riêng rất thuỷ chung, gan dạ, anh dũng trong chiến đấu. Có biết bao những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Nam bộ trong đấu tranh, mặc dù bị địch bắt bớ, tù đày, tra tấn dã man nhưng các mẹ, các chị vẫn giữ trọn khí tiết của người cán bộ cách mạng. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, phong trào đấu tranh của phụ nữ Nam bộ đạt tới đỉnh cao nhất, xứng đáng với truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu, xứng đáng với lời khen của Bác Hồ: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước”. Tại Đại hội Phụ nữ Giải phóng lần thứ nhất (1965), thay mặt Trung ương Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đánh giá: “phong trào đấu tranh trực diện của phụ nữ miền Nam là một phong trào độc đáo, có đầy đủ tính chất giai cấp, tính chất dân tộc và tính chất quần chúng”. Lịch sử hào hùng của dân tộc ta tạo ra những người con anh hùng bất tử đó, và chính các mẹ, các chị đã tôn cao vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, làm cho dân tộc Việt Nam rạng danh khiến cả thế giới khâm phục, ngợi ca.

Ý tưởng thành lập bảo tàng dành riêng cho giới nữ được khơi gợi vào ngày 20/12/1982, hơn 200 cán bộ Hội Liên Hiệp Phụ nữ TP.HCM gồm nhiều thế hệ đồng loạt ủng hộ và biểu thị sự nhất trí là cần phải tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam bộ, đánh giá những cống hiến của phụ nữ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hình thành nên những bài học lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.

Để có được công trình có bề dày về lịch sử và khoa học, một Ban biên tập được hình thành mà sau này thường được dùng với tên gọi Tổ sử Phụ nữ Nam bộ, gồm 13 vị cán bộ lão thành cùng các cán bộ phụ nữ các cơ sở đã lặn lội khắp các địa phương tại Tây Nam bộ, Đông Nam bộ tập trung tìm kiếm hình ảnh, tư liệu, kể cả tư liệu sống, hình thành nên tác phẩm: Phụ nữ Nam bộ thành đồng. Tuy nhiên, sách không cũng chưa đủ, Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ thấy cần phải có hiện vật trưng bày để minh chứng cụ thể và sống động về những cứ liệu mà mình đã viết, do vậy cần phải có không gian thể hiện. Nhà Truyền thống phụ nữ Nam bộ ra đời vào ngày 29/4/1985 là nơi để tôn vinh tinh thần anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang của những người phụ nữ đã cống hiến toàn bộ tinh thần và sức lực cho cách mạng. Đây cũng là mái nhà chung dành cho các cán bộ cách mạng và cán bộ Hội gặp gỡ, trao đổi vào những ngày lễ truyền thống.

Theo thời gian, hiện vật cùng tư liệu hình ảnh ngày càng nhiều, nhu cầu cần phải phát triển nhà truyền thống lớn mạnh thành bảo tàng được đặt ra. 5 năm chuẩn bị nội dung và tiến hành cuộc vận động quy mô kêu gọi quyên góp từ tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý đến vật chất của hàng triệu phụ nữ và các cơ quan đoàn thể khắp các tỉnh thành Nam bộ tự nguyện hiến tặng với mong muốn nâng cấp Nhà truyền thống thành Bảo tàng. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ chính thức cắt băng khánh thành vào ngày 30/4/1990 trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định số 431/QĐ-UBND, ngày 28/2/1990. Phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhất được Nhà nước trao tặng vào 1998 là sự đánh giá mang tính khẳng định về vai trò, vị trí của bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trong đời sống văn hoá – chính trị – xã hội tại Thành phố.

Sau chặng đường 12 năm xây dựng, các Dì thành viên Tổ sử Phụ nữ Nam bộ đã chính thức bàn giao Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cho con cháu với lòng tin yêu, kỳ vọng. Các thế hệ viên chức Bảo tàng vô cùng cảm động nhận lấy sứ mạng này nhưng đó cũng là một nhiệm vụ không dễ dàng. Ban giám đốc Bảo tàng các thời kỳ đã nỗ lực hết sức mình, vừa xây dựng đội ngũ vừa đưa hoạt động Bảo tàng ngày càng chuyên nghiệp, phong phú, phù hợp với xu thế hội nhập; vừa gìn giữ, phát huy truyền thống lịch sử phụ nữ, tri ân những người đã nằm xuống. Tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trong quá trình hoạt động chuyên môn đã phát hiện, đưa những mảnh đời khó khăn, bị lãng quên ra ánh sáng, vận động, hỗ trợ xây dựng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, gửi những phần quà nghĩa tình đến những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, những nữ Thanh niên xung phong, Nữ pháo binh, cán bộ phụ nữ trong kháng chiến… Các thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã nhận lấy trách nhiệm nặng nề trước các Dì Tổ sử phụ nữ Nam bộ – những người đã có công sáng lập Bảo tàng bằng tất cả sự nỗ lực để giữ gìn và phát huy truyền thống phụ nữ Nam bộ nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung; đưa Bảo tàng ngày càng gần gũi, đồng hành và tác động sâu sắc đến công chúng…

alt30 năm nhìn lại, có những điều chưa làm được như mong muốn, cơ sở vật chất của Bảo tàng còn lạc hậu so với các Bảo tàng bạn, nhưng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã từng bước khẳng định mình và trưởng thành hơn. Thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng hôm nay luôn nỗ lực làm hết sức mình, đoàn kết để cùng nhau đưa Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ ngày càng phát triển. Hiện nay, Dự án nâng cấp và mở rộng Bảo tàng đang được Thành phố triển khai thực hiện, tạo điều kiện cho Bảo tàng có thể làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thu hút ngày càng nhiều công chúng đến tìm hiểu, nghiên cứu, thưởng ngoạn những nét đẹp văn hóa của phụ nữ Nam bộ. Đó cũng là ước vọng của đội ngũ cán bộ, viên chức bảo tàng. Năm 2011, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ nhận cờ thi đua của Ủy Ban nhân dân Thành phố trao tặng và năm 2014, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ xác lập kỷ lục Việt Nam, được công chúng cả nước và khách quốc tế bình chọn “Top 10” Bảo tàng của Việt Nam thu hút khách tham quan nhiều nhất.

Thấm thoát đã 30 năm trôi qua, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã nhận được biết bao tình cảm quý báu, sự đóng góp, ủng hộ, chia sẻ vô cùng cảm động của nhân dân trong và ngoài nước. 30 năm nhìn lại, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến các vị lãnh đạo đất nước trong những ngày bề bộn bước vào công cuộc đổi mới nhưng vẫn luôn quan tâm ủng hộ, chỉ đạo và tạo điều kiện cho sự ra đời của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ – ngôi nhà chung của các thế hệ phụ nữ Nam bộ; tri ân sâu sắc đến các Dì Tổ Sử phụ nữ Nam bộ, tri ân các tổ chức, cá nhân những tấm lòng đã góp công sức, ủng hộ, chia sẻ, tham gia đồng hành với Bảo tàng trên nhiều lĩnh vực, đã hỗ trợ, tạo điều kiện để Bảo tàng tiếp bước vững chắc trên chặng đường phía trước.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 9 năm 2015

Phạm Thị Diệu

Tour 360° Tour 360° 360 Tour