Bà Phạm Thị Trinh (tức Lân), sinh nhày 8 tháng 3 năm 1914 tại xã An Phú (nay là Tịnh Minh) một vùng quê bên dòng sông Trà thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Năm 16 tuổi, bà đã tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Người con gái sông Trà ấy đã trở thành người cán bộ ưu tú của Đảng, người cầm cờ chỉ huy cuộc biểu tình của hàng ngàn đồng bào Sơn Tịnh trong cao trào cách mạng 1930-1931. Khi phong trào bị đàn áp, bị thực dân Pháp truy nã, bà vẫn tìm mọi biện pháp để hoạt động. Người phụ nữ ấy hai lần vào tù (năm 1931 và 1941), bất chấp mọi cực hình tra tấn dã man, mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ hèn hạ của bọn Tuần phủ, mật thám, Toàn quyền, bà vẫn giữ trọn khí tiết của người Cộng sản, kiên quyết đấu tranh không khuất phục kẻ thù. Không chỉ không khuất phục, trong tù bà còn cùng các bạn tù của mình biến nhà tù thành trường học cách mạng.
Khi mãn hạn tù, thực dân Pháp đưa bà về quản thúc tại quê nhà, bà lại tiếp tục hoạt động. Thời kỳ Ba Tư khởi nghĩa trong 9 năm kháng chiến, bà là uỷ viên ban vận động Cứu quốc tỉnh, Tỉnh uỷ viên, Hội trưởng phụ nữ Quảng Ngãi và Hội trưởng Liên Khu V. Trong giai đoạn này, với những khó khăn chồng chất tưởng chừng như không vượt nổi, tình nhà nghĩa nước mang nặng hai vai, bà đã nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người mẹ, người vợ trung hậu, đảm đang.
Tháng 11 năm 1954, bà Phạm Thị Trinh cùng gia đình ra Bắc tập kết. Bà công tác tại Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Với cương vị uỷ viên Đảng đoàn, thường trực phụ vận Trung ương Hội, đại biểu Quốc Hội khoá II và III, bà đã cống hiến cho phong trào phụ nữ, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bà đã kinh qua nhiều chức vụ: Tỉnh uỷ viên, Hội trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Liên khu V, Uỷ viên Thường trực Ban Phụ vận kiêm Trưởng Ban tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Xã An Phú nơi bà sinh ra cũng như nhiều mảnh đất khác của tỉnh Quảng Ngãi, biết bao người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh với quyết liệt với quân thù từ phong trào Văn Thân, Cần Vương, Duy Tân đến cao trào cách mạng năm 1930-1931 và chính cha mẹ của bà cũng bị nhà cầm quyền địa phương gắn cho tội “theo giặc”. Cha qua đời khi bà mới tròn 7 tuổi, mẹ của bà goá bụa phải tần tảo nuôi 10 người con trong cảnh nghèo túng và thường xuyên bị bọn hào lý địa phương ức hiếp, vu khống. Cơ cực trong nghèo khổ, túng quẩn và mồ côi cha, anh chị em bà quây quần bên mẹ và mẹ là chỗ dựa duy nhất trong cuộc sống.
Mùa thu năm 1930, hôm ấy là ngày 10 tháng 9, bà Phạm Thị Trinh cùng các bạn gái trong làng đi gặt thuê cho nhà địa chủ bên cạnh, đến 3 giờ chiều, bà cùng các bạn đội lúa về nhà chủ. Tạt ngang về nhà, ăn vội lát khoai khô dính vài hạt cơm, bà nghe thông tin chị Mai Thị Thục và anh Trân là người cầm cờ chỉ huy huy cuộc biểu tình của huyện Sơn Tịnh bị bắt. Cuộc biểu tình yêu cầu bỏ thuế thân, thuế đò, giảm thuế điền, giảm sưu. Đoàn biểu tình đi đến đâu, đồng bào từ già đến trẻ đều hưởng ứng, gia nhập vào dòng người tưởng như kéo dài vô tận; trong tay họ mang theo gậy gộc, dao phay, dây thừng… Cuộc biểu tình đi đến gần huyện thì gặp lính chặn tại các ngả ba đường. Tiếng mõ, tiếng trống giục liên hồi, tiếng hô vang đả đảo đế quốc Pháp vang trời.
Ở huyện Đức Phổ cuộc biểu tình nổi lên mạnh mẽ như vũ bão. Thấy các anh hội họp, bàn tán, bà sốt ruột, chất vấn sao không cho mình tham gia và nhiệm vụ đầu tiên, bà được các anh giao cho là đem gói truyền đơn rải từ xóm An Trường Đông đến gò mả Miễu.
Ngày 30 tháng 9 năm 1930, bà giã từ mẹ lên đường. Trước ngày ra đi, mẹ đưa cho bà cái áo dài láng của mẹ và cái quần cưới của chị Bưởi, với lời dặn: “Con đi chắc chắn còn lâu mới về, con đem theo cho có bộ lành, bộ rách thay đổi kẻo chị em cười”. Nghe mẹ dặn, bà bổng thấy thương mẹ quá và biết đâu trong quá trình hoạt động, nếu bà và anh Kiệt- anh trai bị bắt, mẹ bà củng sẽ bị địch tra tấn. Nghĩ đến đó, khi đến bãi xoan, bà oà lên khóc, khóc nghẹn ngào, nức nở, khóc cho vơi đi nổi nhớ thương và vững bước trên con đường mới. Đó là những ngày đầu bà tham gia hoạt động và thoát ly.
Phong trào kháng chiến cứu nước ở Quàng Ngãi sôi sục. Theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân không tiếc của cải, tài sản, tập trung tất cả cho công cuộc kháng chiến chống Pháp. Trước dã tâm cướp đất nước ta của thực dân Pháp lần nữa, ý chí quyết tâm bảo vệ cách mạng của nhân dân ngày càng lên cao. Trong tình hình ấy, bà lại mang thai và mang nặng cảm giác nặng nề như bị trói tay chân giữa cái tuổi ba mươi đầy nhiệt tình cách mạng. Bà trở về nhà mẹđẻ để sinh con. Tấm lòng người mẹ, nghĩa vụ của người Cộng sản đối với đất nước bao ngày dằn vặt bà, phải đắn đo suy ngẫm “đem con theo” hay “gửi” lại cho bà ngoại nuôi cháu. Cả đêm không ngủ, người mẹ “Cộng sản” cứ nhìn vào khuôn mặt đứa con thơ mới một tháng rưỡi, lòng trĩu nặng như ai xát muối. Cuối cùng, bà quyết định giao cháu cho bà ngoại và trở về cơ quan tiếp tục hoạt động. Đến chiều, hai bầu sữa của người mẹ căng cứng, người như muốn lên cơn sốt, càng nghĩ càng thương con không có sữa mẹ để uống đang phải uống nước cháo và đi bú nhờ. Lòng người mẹ đau thắt. Biết rằng lòng mẹ nào mà chẳng thương con, dành cho mỗi đứa con của mình một quả tim trọn vẹn. Nhưng đối với bà, cao hơn cả vẫn là tiếng gọi của Đảng và lý tưởng.
Không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng, bà Phạm Thị Trinh còn là một nhà thơ. Thơ đối với bà không chỉ là một phương tiện hoạt động cách mạng, để đấu tranh chống kẻ thù mà còn ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ kính yêu, ca ngởi tình đồng chí, tình chồng vợ, tình mẹ con… Thơ là một bộ phận không thể tách rời trong cuộc đời bà. Đó là niềm đam mê theo suốt cuộc đời dài gần một thế kỷ của bà từ lúc 16 tuổi đến nay khi bà không thể sáng tác nữa. Thơ đã giúp bà vượt qua những chặng đường gian khó, đã động viên bà những lúc nhớ con, thắng sự cô đơn của tuổi già, hoà nhập với cuộc sống đương đại, đã góp phần làm cho cuộc sống vất vả của bà trở nên thi vị hơn.Bà cùng ông Nguyễn Chánh vừa là đồng chí, vừa là vợ chồng, vừa là đôi bạn thơ. Thơ của bà trong thời kỳ bí mật là thơ truyền miệng, mang tính chiến đấu cao, được nhiều người yêu thích, sau này đã được tuyển chọn và in trong nhiều tập thơ cùng nhiều tác giả khác nhau.
Với bà, mẹ là nỗi nhớ quây quắt, nỗi lo khi con lỡ sa vào tay giặc thì mẹ vẫn chung số phận đòn roi. Một trong những bài thơ bà làm trong nhà tù Quảng Ngãi vào năm 1933 khi nhớ đến nười mẹ kính yêu bị địch bắt, tra tấn để mong bắt được hai con của mẹ, với bài “Trong xà lim nhớ mẹ”:
Xà lim ngoài cửa ánh trăng xa,
Nghĩ đến làng quê dạ thiết tha.
Con trẻ chỉ mong nhìn thấy mẹ,
Thử xem sức mẹ đến bao giờ.
Đầu mẹ hoa râm tóc rối bời,
Đôi hàng lệ nuốt chẳng thèm rơi.
Mắt đen năm trước giờ sâu thẳm,
Sâu tựa đầm xanh, tựa biển khơi.
Vì kẻ thù kia đánh mẹ nhiều,
Khảo tra: “Con mụ trốn giờ đâu?
Hai thằng Lao Bảo, Buôn Ma Thuột?”
Mẹ gật đầu cười nhưng nửa xót đau!
Mẹ sống qua ngày cảnh cháo rau,
Thép nung so với mẹ còn thua.
Mẹ ơi, mẹ mãi là gương sáng!
Sẽ đến cùng con dưới bóng cờ.
Với con bà, mẹ Trinh mang những đức tính cao đẹp: hiền lành, chất phác, thương người, hoà đồng cùng những người nghèo khó. Tuy học hành không nhiều nhưng lúc nào mẹ cũng lo cho các con học cái chữ, biết làm người.
Đoàn công tác của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ra Hà Nội, đến thăm bà vào một ngày tháng 2/2017, bà mẹ 105 tuổi đời, 87 năm tuổi Đảng không đi lại được nhưng còn khá minh mẫn, cặp mắt linh hoạt khi bà kể về một thời tuổi trẻ gắn bó với phong trào cách mạng, gắn bó với Đảng, hỏi thăm những người bạn, người đồng chí trong miền Nam. Người mẹ, người đảng viên 87 năm tuổi đảng đã đảm đang vai trò người mẹ, một mình nuôi và dạy 6 người con trưởng thành. Tôi hỏi bà: “Ba mất khi mạ còn rất trẻ, sao mạ có thể chăm sóc tốt 6 người con và hoàn thành nhiệm vụ công việc?”, bà cười móm mém và nói: “đâu có, nhờ Đảng và đồng chí hết đó. Đảng cho con của mẹ đi học, tạo việc làm; đồng đội của mẹ thay nhau chăm sóc con mẹ khi mẹ có công tác và thậm chí gửi cho bà con gia đình hai bên nội ngoại nuôi hộ”. Chia tay bà, chúng tôi cầu mong bà luôn mạnh khỏe, với chúng tôi đó là di sản quí, minh chứng hùng hồn cho 8 chữ vàng mà Đảng và Bác Hồ đã tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang”.
Trái tim người mẹ, tác giả hồi ký “Những chặng đường của người mẹ” Phạm Thị Trinh đã ngưng đập vào ngày30 tháng 4 năm 2019 (nhằm ngày 26 tháng 3 năm Kỷ Hợi), hưởng thọ 107 tuổi. Người mẹ có tuổi Đảng bằng tuổi của Đảng Cộng sản Việt Nam- lớp đảng viên đầu tiên.
Quí khách có thể xem hồi ký của bà Phạm Thị Trinh tại Thư viện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Thư viện mở cửa đón khách vào sáng thứ ba và thứ năm hàng tuần từ 8 giờ đến 11 giờ 30.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 01 năm 2021
Nguyễn Thị Thắm