Là một trong những thiết chế văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã và đang nỗ lực thực hiện chức năng giáo dục lịch sử và truyền thống của phụ nữ; phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác truyền thông, giáo dục của bảo tàng có thể ví như chiếc cầu nối giữa bảo tàng và công chúng. Thuyết minh viên – hướng dẫn tham quan là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng giúp khách tham quan hiểu được nội dung trưng bày bảo tàng, từ đó khơi dậy niềm tự hào, ý thức trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hoá, lịch sử dân tộc. Từ nhiệm vụ thực tế trong công tác thuyết minh, xin đưa ra một vài suy nghĩ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục, truyền thông tại Bảo tàng nhằm góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá.
Để công tác truyền thông đạt hiệu quả cao, thuyết minh viên phải nắm bắt độ tuổi, tâm lý, trình độ nhận thức của từng đối tượng khách để lựa chọn cách thuyết minh phù hợp. Trong quá trình hướng dẫn khách tham quan tại bảo tàng, thuyết minh viên có thể vận dụng những hình thức thuyết minh khác nhau như tái hiện lại những động tác khi đang làm việc, kể chuyện, đặt ra những câu hỏi, tạo không khí gần gũi để khách tham quan có thể tương tác.
Bảo tàng cần phải trang bị thiết bị loa thuyết minh có công suất khuếch đại âm thanh lớn, chất lượng âm thanh tổt giúp dể nghe đồng thời tiếp thu những thông tin mà người nói cần truyền tải một cách đầy đủ nhất, giúp người dùng dể dàng truyền tải ngữ điệu, lời nói đến người nghe một cách hoàn hảo. Từ đó, sẽ đảm bảo chất lượng công việc thuyết minh được hiệu quả hơn. Sử dụng thiết bị thuyết minh với thiết kế nhỏ gọn, không dây, giúp người dùng dễ dàng mang theo tạo sự chuyên nghiệp và lịch sự hơn cho người sử dụng.
Trong các hoạt động giáo dục của bảo tàng, hướng dẫn tham quan vẫn là hình thức giáo dục quan trọng mang tính truyền thống, mang lại hiệu quả cao. Để công việc này đem lại hiệu quả thực sự, đòi hỏi cán bộ làm công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại bảo tàng phải tự đổi mới, tìm tòi, sáng tạo trên cơ sở khuyến khích sự tương tác, đối thoại với công chúng, khách tham quan. Trong thời buổi công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin mang lại hiệu quả cao trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam. Trong đó, việc sử dụng phần mềm Powerpoint với nội dung cô đọng, súc tích các chuyên đề người xem cảm thấy thích thú và dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Thuyết minh viên cần thiết kế nội dung chương trình tham quan thuyết minh bằng phần mềm Powerpoint để tiết kiệm thời gian tham quan của du khách, đồng thời cũng có thể các ứng dụng trực tuyến để thuyết minh nội dung trưng bày trên Powerpoint một cách hiệu quả nhất.
Bảo tàng cần thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình địa phương và Trung ương để tuyên truyền hoạt động của mình. Xây dựng mối quan hệ với cơ quan báo chí, truyền thông, kết nối với phóng viên báo chí trở thành một người bạn thân thiết. Đây là điều kiện cần thiết để công tác truyền thông của Bảo tàng đạt được hiệu quả cao nhất.
Thiết kế các loại tờ gấp, catalogue giới thiệu về bảo tàng và hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng để cung cấp cho khách tham quan, các khu di tích, khách sạn, công ty du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh, thành. Biên soạn, in ấn, phát hành sách hướng dẫn tham quan dành cho khách tham quan tự do. Thiết kế sản phẩm lưu niệm, lấy ý tưởng từ các hiện vật tiêu biểu của bảo tàng kết hợp những giá trị văn hóa, gắn bó với các làng nghề truyền thống trong tỉnh, thành; xuất bản ấn phẩm, sách về các sưu tập hiện vật tiêu biểu của bảo tàng…, nâng cao ảnh hưởng và vị thế của bảo tàng trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao trình độ dân trí, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc
Một công cụ tiếp thị bảo tàng hiệu quả và nhanh nhất, không giới hạn phạm vi địa lý đó là sử dụng website để quảng bá và tiếp thị các cuộc trưng bày và các hoạt động đang diễn ra trong bảo tàng. Ứng dụng công nghệ thông tin trên Website của Bảo tàng góp phần nhanh chóng cập nhập thông tin hoạt động của Bảo tàng đến với công chúng trong và ngoài nước. Việc đầu tư thay đổi giao diện, nội dung thường xuyên nhằm tạo sự hấp dẫn, mới lạ nhằm giới thiệu về bảo tàng, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua những bài viết, clip, phóng sự tài liệu…. Hỗ trợ khách tham quan và những người chưa có kế hoạch tham quan được tiếp cận nội dung của Bảo tàng, tăng cường hiểu biết về bảo tàng, có chuyên mục giải đáp thắc mắc, phản hồi website thông tin cuả Bảo tàng góp phần phổ biến thông tin hiệu quả nhất hiện nay.
Trang thông tin điện tử (website) của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ với địa chỉ www.baotangphunu.com (www.womanmuseum.net) đã trở thành kênh tuyên truyền thu hút khá đông số lượt khách truy cập với các nội dung đa dạng, giàu cảm xúc giới thiệu những câu chuyện kể về hiện vật, cuộc đời và sự nghiệp của phụ nữ miền Nam; về các ngày kỷ niệm lễ lớn, sự kiện văn hóa của đất nước …
Ngoài ra, việc sử dụng mạng xã hội phổ biến như: Facebook, Instagram, zalo,Tiktok…) trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của bảo tàng là rất cần thiết. Thông qua các trang mạng xã hội, bảo tàng thực hiện các nhiệm vụ là chia sẻ thông tin, giới thiệu về bảo tàng, giữ liên lạc thường xuyên, lắng nghe, tạo mối quan hệ tương tác với công chúng. Thành lập đội ngũ để làm nội dung chia sẻ trên mạng xã hội. Mỗi cá nhân sẽ phụ trách một trang mạng xã hội. Do mỗi kênh sẽ có nhóm đối tượng khác nhau và cách viết giới thiệu cũng khác nhau cho mỗi trang.
Hiện nay, Fanpage Facebook là nơi giao lưu, tương tác giữa Bảo tàng và khách tham quan giúp Bảo tàng quảng bá rộng hơn hình ảnh của mình cũng như có những giới thiệu ngắn gọn nhất về các hoạt động của Bảo tàng…. Và những thông tin đó được truyền tải đến người xem khi họ theo dõi, like fanpage. Như vậy, để fanpage tiếp cận gần hơn đối với người dùng, Bảo tàng cần nỗ lực hơn nữa trong việc tăng tần suất của tin, bài; nắm bắt sở thích và mối quan tâm của nhóm đối tượng mục tiêu cũng như tiếp cận thêm rất nhiều đối tượng khác là bạn bè và người quen của họ bằng các kỹ năng mở rộng, phát triển thương hiệu bảo tàng. Bằng cách tạo liên kết vòng với người sử dụng thông qua youtube, instagram…, việc livestream trực tiếp cũng là một trong những cách hiệu quả để tăng lượng người tiếp cận đối với trang Fanpage của Bảo tàng. (Fanpage Facebook: Bảo Tàng Phụ Nữ Nam Bộ – Southern Women’s Museum).
Sử dụng màn hình Led như một công cụ quảng bá hình ảnh Bảo tàng thông minh và rất phổ biến. Nhờ vào hình ảnh sắc nét và màu sắc rực rỡ và chế độ hiển thị nội dung động, video và thông điệp sáng tạo. Sự kết hợp giữa hình thức nổi bật, tính tương tác và khả năng tùy chỉnh nội dung đã tạo nên một phương tiện truyền thông hiệu quả và ấn tượng, hỗ trợ bảo tàng trong việc thu hút khách tham quan.
Ngoài ra Bảo tàng còn sử dụng email như phương tiện trao đổi thường xuyên (baotangphununambo@gmail.com – bt.pnnb.svhtt@tphcm.gov.vn) để gửi thư mời, cung cấp những thông tin mới về các cuộc triễn lãm, trưng bày mới cho khách tham quan và tiếp nhận phản hồi cảm tưởng từ khách tham quan từ đó nâng cao chất lượng, thương hiệu bảo tàng.
Xây dựng và đưa vào hoạt động phòng khám phá, phòng trải nghiệm
Việc nghiên cứu xây dựng phòng khám phá, góp phần thỏa mãn sự tò mò, sáng tạo cho khách tham quan cũng là điều cần thiết, phù hợp xu thế phát triển chung. Mục đích nhằm tạo ra những trưng bày nhỏ và những hoạt động đăc biệt dành cho trẻ em, gồm các hoạt động học tập và vui chơi phù hợp với độ tuổi, khả năng tiếp thu, giúp trẻ dễ hiểu và nhận biết kiến thức về khoa học và đời sống, kích thích sự tò mò tìm tòi khám phá của trẻ, phát huy tính chủ động trong mọi hoạt động. Chương trình phòng khám phá thường xuyên thay đổi, bổ sung những chủ đề mới: Khám phá về kỹ thuật, truyền thống, thẫm mỹ thông qua các hiện vât giúp học sinh trải nghiệm, tương tác, trao đổi, thảo luận, học tập, rèn luyện các kỹ năng và thể hiện sự sáng tạo của mình qua các hoạt động học mà chơi, chơi mà học theo hướng giáo dục tích cực.
Trải nghiệm dệt chiếu tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Tổ chức các chương trình giao lưu, các buổi tọa đàm, thuyết trình, nói chuyện liên quan đến các chủ đề trưng bày của bảo tàng; tái hiện các hoạt động lễ hội truyền thống; tổ chức các buổi chiếu phim tư liệu về các đề tài lịch sử, văn hóa, các sự kiện quan trọng của Thành phố… gặp gỡ nhân chứng lịch sử, các nữ anh hùng trong chiến đấu và trong lao động sản xuất, những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; những nhà khoa học nữ; những người phụ nữ thành đạt … với thế hệ trẻ.
Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng, bảo tàng không ngừng cập nhật các quy trình công nghệ mới, thiết bị hiện đại nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh, trong các cuộc hội nghị, hội thảo và các buổi hướng dẫn tham quan để mọi người trong xã hội có thức thức cao về việc giữ gìn và sưu tầm tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến phụ nữ miền Nam phù hợp với nội dung hoạt động chủ đạo của bảo tàng. Triển khai ứng dụng các thiết bị nghe nhìn hiện đại phục vụ công tác trưng bày và thuyết minh phục vụ khách tham quan, nghiên cứu học tập. Duy trì và nâng cao việc tổ chức các cuộc thi online, các cuộc vận động nhằm thu hút khách tham quan đến với bảo tàng,… tạo điều kiện thuận lợi để công chúng tham gia vào các hoạt động này cũng như hình thành ý thức bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.
Mặt khác, để hội nhập và phát triển, bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang từng bước đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác thuyết minh, giảm dần công tác tuyên truyền từ phía thuyết minh viên, tăng dần sự tự do tham quan khám phá của công chúng bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện nay công tác đối ngoại và hợp tác Quốc tế của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang được lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, và nâng cao vị thế của bảo tàng trong nước và quốc tế.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 10 năm 2023
Huỳnh Thị Kim Loan
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế