Đến với vùng đất Tri Tôn, An Giang – xứ sở nổi tiếng với những cánh đồng lúa xanh mướt, những hàng thốt nốt cao vút xen giữa cánh đồng thẳng cánh cò bay, đây đó điểm xuyết lên màu vàng rực rỡ của những mái chùa, chùa trắng mang phong cách kiến trúc Khmer đặc sắc. Nơi đây quy tụ cộng đồng người Khmer ở đông nhất An Giang. Chính vì vậy, địa phương này có được một nền tảng văn hóa đặc thù, nhiều màu sắc và đầy sức thu hút. Người dân Khmer ở đây, ngoài làm ruộng nước, họ còn có nghề dệt vải tơ tằm ở Tịnh Biên, nghề rèn, nghề làm xe bò kéo, nghề làm rượu thốt nốt và nhiều nghề lâu đời khác…, nhưng độc đáo và mang tính cổ truyền nhất là nghề làm gốm ở ấp Phnom Pi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Nghề gốm của người dân Khmer ở xã Châu Lăng có một bề dày về truyền thống và lịch sử phát triển. Trải qua nhiều đời, đến nay không còn ai nhớ nghề gốm ra đời từ khi nào, người thợ làm gốm chỉ biết học nghề từ mẹ, mẹ học bà ngoại, bà ngoại học từ bà cố “nghề mẹ, truyền nghề con” cứ thế tiếp diễn qua nhiều thế hệ. Có người làm gốm từ tuổi còn nhỏ khoảng 12 – 15 tuổi, đến nay những người thợ cũng đã 60 – 70 tuổi, tính ra nghề gốm ngót cũng độ hơn 100 năm.
Xưa kia, gốm của người Khmer tuy đơn giản, nhưng là một thương hiệu nổi tiếng cả về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, mà cảnh trên nghe, dưới thuyền tấp nập của thương lái từ các tỉnh lân cận đậu kín bến sông Tri Tôn chờ mua gốm, giờ chỉ còn trong ký ức của những người dân nơi đây. Dù vậy, gốm Phnôm Pi không còn ở thời kỳ “hoàng kim” nhưng vẫn mang trong mình chất dân dã, bình dị, giữa cuộc sống hiện đại và là hiện thân cho một phần văn hóa Khmer vùng Bảy Núi.
Sản phẩm gốm của người Khmer ở Phnom Pi rất đơn giản, chỉ là những chiếc nồi dùng rang hoặc nấu nước, trã kho cá, khuôn bánh khọt, cà om (nồi), chậu rửa, cà ràng (bếp lò nấu củi)… Trong các sản phẩm làm ra, đồ đun nấu chiếm số lượng lớn. Đặc biệt, cà ràng và cà om là mặt hàng mang đậm nét truyền thống của đồng bào Khmer, khá nổi tiếng và bán chạy một thời. Điểm khác biệt ở làng gốm này là tất cả sản phẩm đều được làm thủ công, thô sơ, đơn giản, không cầu kì về hoa văn, kiểu cách. Các sản phẩm làm ra chỉ hướng đến phục vụ gia dụng, chứ không mang mục đích tạo hình nghệ thuật. Tuy gốm Phnôm Pi không đòi hỏi cao về trình độ tạo tác, nhưng để cho ra một sản phẩm đẹp đòi hỏi người nghệ nhân cần sự tỉ mỉ, siêng năng và tâm huyết. Theo sự phân công trong nghề, đàn ông thường làm những công việc nặng nhọc như đào, gánh đất, đốn củi, nung gốm… Còn phụ nữ thì đảm nhận những phần công việc đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và tỉ mỉ, như nhào nặn đất sét, tạo hình cho các sản phẩm gốm.
Để có sản phẩm gốm độc đáo, có độ bền cao và đẹp mắt, được nhiều người ưa chuộng, thì việc chọn đất làm gốm là một trong những công đoạn rất quan trọng. Đất làm cà ràng (bếp lò) là đất có màu vàng trắng, người dân hay lấy đất ở chân núi Nam Qui (nhưng nay đã cạn kiệt), bây giờ người dân đến khu vực dưới chân núi Cấm, bà con gọi là núi Latina (thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên). Đất làm nồi có màu xám đen, được lấy ở độ sâu từ 1 – 2m, hoàn toàn không pha lẫn tạp chất, đây là một loại đất sét rất đặc biệt vì vừa nhuyễn, vừa mịn, có độ dẻo, khi đốt chín đều có màu đỏ tươi, đổ nước vào không nứt. Sau khi lấy đất về, đất được các nghệ nhân tưới nước theo chế độ phun sương, sau đó đem ủ một thời gian từ 2 – 3 ngày, tiếp đến mới giã cho tơi, cho thật nhuyễn mịn, rồi loại bỏ hết tạp chất, đá, sạn, sỏi… chỉ sử dụng đất nguyên chất. Để tạo dáng sản phẩm, người nghệ nhân trộn đất với nước theo tỷ lệ thích hợp mà chỉ có những người có kinh nghiệm lâu năm mới điều hoà được nước và đất cho phù hợp, nhồi đất sao cho đất dẻo, kết dính mà không nhão, không khô, rồi mới chuyển sang công đoạn tạo hình sản phẩm. Đây là một khâu quan trọng thể hiện độ tinh thông, cũng như tay nghề của nghệ nhân và quyết định sự thành bại của một mẻ gốm.
Công đoạn tạo hình gốm của các nghệ nhân người Khmer ở Phnom Pi rất đặc biệt, đó là không dùng bàn xoay hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào, việc nặn gốm được người thợ làm hoàn toàn bằng tay, từng chút, tỉ mẩn và khéo léo với kinh nghiệm mang tính bẩm sinh của người phụ nữ. Người thợ đi vòng quanh vật nặn để đắp, bồi, xoa, vuốt… và dùng một số dụng cụ để hỗ trợ làm ra các sản phẩm gốm như:
– Bàn đập (tiếng Kh’mer gọi là Khlen) được làm bằng gỗ, nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau và được phân ra làm hai loại: loại trơn và loại có hoa văn được khắc sẵn. Ngoài ra, có loại bàn đập bằng tre (tiếng Kh’mer gọi là Chhăng đây), dùng để tạo dáng cổ sản phẩm gốm, vì tận dụng độ cong của thân tre.
– Bàn xoa còn được gọi là Hòn kê (tiếng Kh’mer gọi là Chhơ đom) hình nấm bằng gốm đã nung, hoặc bằng gỗ dùng để xoa và làm đỡ cho bàn đâp.
– Bàn kê được làm bằng gỗ dùng để sản phẩm gốm lên trên.
– Lá nốt (tiếng Kh’mer gọi là Slất vel rò miất). Lá được hái ở rừng về phải hơ lửa cho khô mới sử dụng được. Lá dùng để vuốt miệng gốm và làm láng bóng sản phẩm.
– Chậu đựng nước dùng để tạo độ ẩm, làm mềm đất và làm bóng sản phẩm.
Ngoài ra còn có các dụng cụ khác để lấy đất như: cuốc nhỏ, chày giã đất.
Về quy trình tạo ra sản phẩm gốm cho tất cả các loại hình sản phẩm đều bắt đầu từ cuộn thỏi đất sét hình con chạch, đập bẹt ra và cuộn lại thành hình trụ, từ đó bắt đầu tạo hình theo sản phẩm định tạo lần lượt theo các bước sau đây:
Bước 1: Nhồi đất, se dây, ra khuôn hình.
Bước 2: Lên miệng, bê cổ (với các loại nồi, lu, trã, cà ràng…) hoặc lắp ghép bồi gắn các phần phụ (như quai, đầu ông táo…) vào sản phẩm chính.
Bước 3: Hoàn chỉnh dáng sản phẩm.
Bước 4: Xoa mịn mướt bề mặt, làm bóng sản phẩm, có những mặt hàng cầu kỳ cần tới hoa văn thì dùng bàn đập có khắc hoa văn để in trang trí hoặc theo những hoa văn bằng tay do các nghệ nhân tạo nên.
Để hoàn tất một sản phẩm cũng tùy vào mỗi sản phẩm lớn nhỏ. Bình thường sản phẩm nhỏ và vừa thì mất khoảng 20 – 30 phút là xong. Để làm 1 cái cà ràng cỡ trung bình, người nghệ nhân tạo hình nhanh và chỉ một lần làm là xong, khoảng 1 tiếng/1 cái, một ngày làm được 8 – 10 cái. Riêng đối với một số sản phẩm gốm cần một khoảng thời gian khá dài, có khi mất nửa ngày vì phải chờ cho đất se khô qua các công đoạn như làm nồi, làm bình… Do đó, khi thực hiện người thợ tạo theo từng bước cho một loạt sản phẩm, sau đó tiếp tục tạo dáng các bước tiếp theo cho đến hết loạt sản phẩm dự kiến thực hiện trong một buổi hoặc một ngày.
Trong thao tác tạo hình sản phẩm nồi gốm gồm các bước sau:
Bước 1: Nhồi đất, se dây ra khuôn hình ống trụ tròn: Người thợ lấy đất vừa đủ làm đồ gốm muốn tạo dáng, ngồi trên ghế thấp, đặt đất sét bên trên mảnh ván và nhồi đất cho đều, vừa lăn đất thành thỏi dài. Ngắt bỏ hai đầu làm cho thỏi đất cân đối, kích cỡ tương đương với đồ gốm định tạo dáng. Sau đó đặt thỏi đất lên trên mảnh bao tải đã trải trên tấm ván, người thợ đập dẹt miếng đất bằng gang lòng bàn tay phải, rồi dùng mép ngón tay cái của bàn tay phải ấn đều lên thành hàng ngang. Tiếp đến, dùng cả ngón tay cái và mép bàn tay phải miết từ trái sang phải và nghiêng bàn tay phải miết từ phải sang trái làm cho miếng đất được cán đều. Trong khi miết đất, có thể lựa bỏ các viên sỏi nhỏ hoặc tạp chất còn sót ra khỏi miếng đất. Sau khi đất đã được cán đều thành hình chữ nhật dẹt, người thợ dựng đứng miếng đất theo chiều ngang và cuốn lại thành hình tròn, thêm một chút đất vào để làm kín vết nối, kết thúc bước 1 của quy trình tạo dáng.
Bước 2: Lên miệng, bê cổ: Sau khi ống đất se khô, người thợ đặt ống đất trên bàn kê. Dùng bàn xoa hình nấm lấy một ít nước xoa vào đáy hình nấm, xoa đều với lòng bàn đập cho trơn, và làm cho đất sét đủ độ ẩm giúp dễ dàng tạo dáng sản phẩm, sau đó đặt bàn xoa để nống, giữ bên trong, dùng bàn đập ở ngoài đập xung quanh ống đất. Người thợ đi vòng ngược chiều kim đồng hồ, vừa đi vừa tạo dáng, với một tay cầm bàn xoa bên trong, một tay cầm bàn đập bên ngoài, điều chỉnh độ rộng của miệng gốm. Tiếp đến người thợ dùng bàn đập bằng tre, có độ cong ½ hình tròn đập ngang để tạo dáng cổ nồi, kế đến lấy một lá nốt thấm nước, một tay dùng ngón tay cái và ngón trỏ giữ chặt miệng đồ gốm, ngón tay cái của bàn tay phải ấn giữ bên trong và đi xung quanh, vuốt tạo miệng. Để vuốt miệng cân đối và đẹp cần phải giữ chặt mảnh lá nốt bám vào thành miệng đồ gốm, đi nhanh, vuốt đều và thấm nước lá nốt ướt để tạo độ bóng mịn cho miệng gốm.
Bước 3: Tạo thân: Làm miệng xong, đợi cho đồ gốm se khô trong vòng 2 giờ, người thợ tiếp tục tạo thân đồ gốm trên bàn kê. Cũng với bàn xoa bên trong và bàn đập không có hoa văn bên ngoài, tiếp tục điều chỉnh dáng tròn cho đồ gốm, bắt đầu là nống vai, nống bụng. Sau đó dùng bàn đập có hoa văn đập ấn xung quanh cổ tạo hoa văn khắc vạch.
Bước 4: Đập đít (làm khín đáy): Đây là khâu cuối cùng hoàn chỉnh nồi gốm. Người thợ ngồi trên ghế đặt chiếc nồi gốm úp xuống trên đùi. Sau khi thấm một ít nước xoa ướt dụng cụ, tay trái cầm bàn xoa đặt bên trong, tay phải dùng bàn đập kéo giãn đất xung quanh để khép kín đáy nồi gốm. Khi nồi gốm gần kín, chuyển tay trái lồng vào bên trong xuyên qua miệng nồi gốm, giữ bàn xoa và đập sao cho đáy nồi kín và đất sét dàn đều là được.
Khi tạo hình xong các sản phẩm gốm, người thợ sẽ đem phơi khô ở nơi thoáng mát từ 2-3 ngày tùy vào thời tiết, tránh ánh nắng trực tiếp sẽ làm cho gốm bị nứt vỡ. Sau đó sản phẩm gốm được đưa ra phơi nắng nửa ngày và trước khi nung gốm mộc người thợ dùng củi đốt bên trong lòng sản phẩm khoảng 15 – 20 phút làm cho đồ gốm khô hẳn. Khi tập trung đủ số lượng sản phẩm gốm cần thiết sẽ tiến hành nung. Quá trình nung gốm ở Phnom Pi là nung lộ thiên ở sân phẳng xung quanh nhà. Nhiên liệu để nung là rơm, củi tre, củi rừng… Đầu tiên người thợ trải 1 lớp rơm bên dưới nền đất, rồi sắp xếp một lớp củi theo hình chữ nhật, xếp đồ gốm mộc lên trên củi theo hàng, xếp làm sao để tránh đổ và có khoảng hở giữa các sản phẩm để gốm khi nung được chín đều, kế đến chèn củi giữa các đồ gốm, bên trên và xung quanh sao cho sản phẩm gốm nằm cố định. Cuối cùng phủ rơm lên toàn bộ khối đồ gốm để không bị lọt hơi ra ngoài. Trước khi châm lửa đốt, người thợ sẽ phun sương 1 ít nước lên phía trên với mục đích để cho rơm và củi cháy âm ỉ, gốm mới chín từ từ thì sản phẩm mới có độ bền cao và đẹp, nếu ngọn lửa cháy bùng lên quá nhanh, gốm sẽ không chín đều. Trong quá trình đốt, liên tục tiếp rơm vào trong cho đến khi gốm chín đỏ rực như than mới ngưng đốt, nhiệt độ nung khoảng 700-800oc. Thời gian nung khoảng 2 – 3 giờ. Sau khi tàn lửa để khoảng 2 giờ cho hết nóng, mới lấy sản phẩm gốm ra. Sản phẩm chín đều sẽ có màu đỏ nhạt, nâu hoặc vàng đậm. Đó là màu của sự kết tinh từ những giọt mồ hôi mà người phụ nữ Khmer đổ xuống để làm ra sản phẩm.
Hiện nay, bà con Khmer ở ấp Phnom Pi, xã Châu Lăng chỉ còn một số hộ dân còn gắn bó với nghề gốm và hầu hết chủ yếu người già làm nghề này, làm theo đơn đặt hàng với số lượng không nhiều và họ muốn duy trì nghề của cha ông không bị mai một, lớp trẻ hiện nay không còn theo nghề của mẹ và bà nữa, bởi nghề gốm truyền thống làm ra sản phẩm hoàn toàn thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, nhưng vất vả, cực nhọc và tốn nhiều thời gian mới ra được một sản phẩm, nhưng không có thị trường tiêu thụ, giá thành lại rẻ, nên nguồn thu nhập không cao, đồng thời nguồn đất ngày càng cạn kiệt. Chính vì vậy, việc giữ gìn nghề truyền thống này đòi hỏi sự quan tâm, định hướng và hỗ trợ của chính quyền địa phương để có thể duy trì, gìn giữ và phát triển bền vững một làng nghề truyền thống, giữ lại những giá trị văn hóa, nghệ thuật của một cộng đồng dân tộc Khmer tại ấp PhnomPi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang không bị mai một.
Tp.Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 11 năm 2022
Nguyễn Thị Vân Huệ
Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày