DƯỢC SĨ MÃ THỊ CHU – NỮ TRÍ THỨC SUỐT ĐỜI GẮN BÓ VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG

Nói đến phụ nữ Việt Nam là nói đến tinh thần dũng cảm, lòng vị tha, đức hy sinh, tính cần cù, nhẫn nại, tận tụy, thủy chung và tài năng sáng tạo. Từ thời Bà Trưng bà Triệu cho đến thời đại Hồ Chí Minh đã có hàng triệu triệu phụ nữ can trường hy sinh vì nền độc lập của nước nhà. Truyền thống yêu nước nồng nàn ấy đã kết tinh sáng ngời trong hình ảnh của bà Mã Thị Chu – người con gái sông Cái Tàu bất khuất, kiên trung.

Tỉnh Minh Hải (tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay) là mũi đất cuối cùng của Tổ quốc. Giữa vùng rừng nhiễm phèn ngập mặn này có một vùng quanh năm cây xanh, trái ngọt, vườn tược phì nhiêu, đó là khu vực quanh con sông Cái Tàu (thuộc xã Khánh An – Cà Mau), đó là sinh quán của bà Mã Thị Chu (chị em trong cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ và bạn bè quen biết thường gọi là chị Tư Chu). Phụ nữ Cái Tàu xưa có tiếng là đẹp gái, dịu dàng, khéo tay và bà Mã Thị Chu cũng là người phụ nữ có dáng dấp xinh đẹp, dịu hiền, dễ mến như chính mảnh đất quê hương của bà.

Thông minh từ nhỏ, nên khi từ giã mái trường ở tỉnh nhà, bà lại tiếp tục đi lên Sài Gòn học, bà thi vào trường Áo Tím (Gia Long) và sau đó là trường Pétrus Ký. Tại hai nơi bà đều đậu hạng ưu và được nhận học bổng toàn phần của trường. Khi Nhật đảo chính Pháp, bà cùng với một số chị em lao theo dòng thác cách mạng. Vốn đàn giỏi và có giọng hát hay, bà cùng với người chị họ là chị Thiều tham gia đoàn tuyên truyền xung phong và biểu diễn văn nghệ do anh Lưu Hữu Phước dẫn đầu – cổ vũ đồng bào trong không khí sục sôi chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám – 1945. Từ Sài Gòn về đến Cần Thơ, Bạc Liêu, trên đường biểu diễn khá dài, bà vẫn kịp có mặt trong cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ở thị trấn Cà Mau – quê của bà.

Ảnh đồng chí Mã Thị Chu

Trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, bà Tư Chu đã cùng với chị em lao vào mọi công tác: ca hát, diễn kịch, vận động “Tuần lễ vàng” để mua súng đánh Tây, làm cứu thương phục vụ bộ đội từ mặt trận Phong Điền (Cần Thơ) xuống Nhu Gia, Rạch Rập (Bạc Liêu).

Sau này bà tâm sự: “Hồi đó nữ sinh, không biết sức đâu mà mình có thể cõng được anh thương binh gọn ơ nữa. Mình rất sợ ma, vậy mà trong ghe tải thương có một anh hy sinh trên đường về, mình ôm lấy anh ấy trong tay như cố gắng giữ một người thân ruột thịt”.

Hàng ngày bà tận tụy chăm sóc chiến thương, đêm đêm bà lại cùng với đoàn ca kịch đi biểu diễn phục vụ đồng bào, kêu gọi ủng hộ thương binh. Thương anh em đau đớn vì thương tật, mỗi khi đem được trái cây hay gà vịt của đồng bào cho về bồi dưỡng anh em, đối với bà đó là niềm vui vô hạn. Rồi mặt trận Tân Hưng – chiến lũy cuối cùng bị vỡ, ta chuyển sang thế trận chiến tranh du kích, toàn dân đánh giặc, trạm quân y giải thể, anh em thương binh được phân tán về sống trong sự đùm bọc của đồng bào.

Các đồng chí như: Chu, Thiều, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Tú Vinh lần lượt được chuyển về hoạt động ở nội thành Sài Gòn – Gia Định. Với ý chí không ngừng phấn đấu vươn lên, bà vừa tham gia công tác bí mật, vừa thi vào trường Đại học Dược khoa Sài Gòn. Khi tốt nghiệp, để có vị trí hợp pháp, bà làm phụ giảng cho Trường Đại học Dược khoa, nhưng rồi bà bất mãn với thái độ hống hách của tên giáo sư người Pháp, bà xin thôi việc và rủ bạn bè bỏ vốn ra thành lập hiệu thuốc Tây để làm bình phong hoạt động cách mạng.

Nhà thuốc Mã Thị Chu được thành lập và cũng vang tiếng một thời. Sau Hiệp định Genève, cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ của đồng bào các đô thị miền Nam ngày càng diễn ra quyết liệt. Năm 1958, thân phận bị lộ, bà bị địch bắt và phải bế đứa con mới 2 tuổi vào tù. Địch tra tấn bà vô cùng dã man và tàn bạo, chúng mua chuộc bà bằng mọi thủ đoạn nhưng không khai thác được gì, chúng buộc phải thả bà ra sau một năm giam giữ.

Khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và các đoàn thể giải phóng được thành lập ở chiến khu, đồng chí Mã Thị Chu được bầu vào và giữ các trọng trách quan trọng như: Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của miền Nam Việt Nam. Một thời gian sau, theo yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng, bà được phân công chuyển sang mặt trận đấu tranh ngoại giao. Với tư cách là đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí Mã Thị Chu đã hoạt động ở hơn 30 nước từ châu Âu, châu Á, châu Úc, châu Phi đến châu Mỹ Latinh, bà đã tham dự nhiều cuộc hội nghị và phát biểu tại các diễn đàn quốc tế, bà tham gia viết sách và tố cáo tội ác của địch đối với phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Vốn có khả năng về ngoại ngữ, tài hùng biện và sức thuyết phục rất “phụ nữ”, bà đã góp phần không nhỏ vào việc tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước bạn bè và lực lượng tiến bộ trên thế giới, của phụ nữ nhiều nước đối với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Về lại Thành phố thân yêu sau ngày giải phóng miền Nam, bà Mã Thị Chu được bầu vào Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, bà phụ trách công tác đối ngoại rồi chuyển sang làm công tác đoàn kết hữu nghị của Mặt trận Tổ quốc Thành phố. Dù sức khỏe của bà không được tốt, nhiều lúc còn gặp nhiều khó khăn về đời sống, nhưng bà đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình để góp phần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè mới và trọn nghĩa thủy chung với bạn bè xưa.

Ai đã một lần được biết, được tiếp xúc và làm việc cùng với bà Mã Thị Chu, một người cán bộ phụ nữ, người đảng viên tri thức ấy thì không thể nào quên được bà, một người con gái dịu hiền và khiêm tốn, hòa mình được vào cuộc sống ở bất cứ nơi đâu. Hôm được tổ chức kết nạp vào Đảng, bà vô cùng xúc động nói: “Nhờ có sự dìu dắt và giúp đỡ của các chị, các anh, kể cả anh Hiếu – chồng của tôi, tôi mới có được ngày hôm nay”. Bà đã đi khắp năm châu bốn biển, nhưng mỗi lần về căn cứ ở Trung ương Hội Phụ nữ thì bà vẫn rất bình dị, sinh hoạt như một chiến sĩ du kích, như một phụ nữ nông thôn giản dị và rất ái ngại khi được chị em chăm sóc, nhất là sợ bị xem mình như khách. Từ thuở xách cái túi cứu thương chạy theo chiến trận cho đến lúc làm cán bộ ngoại giao, tình yêu thương bộ đội của bà lúc nào cũng đậm đà sâu nặng. Mỗi lần có dịp là bà chắt chiu gởi về những thứ cần thiết cho các đơn vị kết nghĩa của Hội.

Nói đến đồng chí Mã Thị Chu là nói đến một đảng viên cộng sản dũng cảm, trong sáng, mẫu mực và gương mẫu, nói đến một tấm chân tình dịu ngọt đối với đồng chí, bạn bè, là nói đến một người vợ đảm đang, thương yêu chăm sóc và kính trọng chồng mình. Nói đến bà Mã Thị Chu là nói đến người mẹ dịu hiền, vượt qua mọi nghịch cảnh trong cuộc sống`để nuôi dạy con nên người.

Sau một thời gian bệnh nặng, bà mất vào ngày 8/3/1992. Ngày bà ra đi đúng vào ngày 8/3 là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng lại dễ gợi nhớ, gợi thương trong mỗi trái tim của bạn bè, đồng đội. Với 68 năm tuổi đời và 47 năm gắn bó với hoạt động cách mạng, bà đã luôn thủy chung trước sau như một. Dược sĩ Mã Thị Chu, hình ảnh giản dị của bà vẫn sống mãi trong lòng bạn bè đồng chí trên mảnh đất quê hương.

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2024), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trân trọng giới thiệu về bà với tấm lòng tri ân sâu sắc, sự quả cảm, trái tim nhân hậu của bà còn là bài ca bất tử với muôn đời sau, là tấm gương sáng để thế hệ cán bộ đảng viên hôm nay và mai sau noi theo.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 9 năm 2024

Phạm Tuấn Trường

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế

Tài liệu tham khảo:

Tập sách “Áo tím trên các nẻo đường đất nước”.

 

Tour 360° Tour 360° 360 Tour