(VOH) – Ra đời từ phong trào Ðồng Khởi năm 1960, “Ðội quân tóc dài” phối hợp 3 mũi tiến công: chính trị, vũ trang, binh vận tạo thành sức mạnh tổng hợp giành nhiều chiến công khiến quân thù khiếp sợ.
Bến Tre phát triển theo mô hình “Đồng Khởi mới” Đội quân tóc dài ra đời từ phong trào Đồng khởi gồm các mẹ, các chị không ngại nguy hiểm, đấu tranh trực diện với kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Đồng Khởi Bến Tre (17/01/1960-17/01/2020), 100 năm ngày sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định, sáng nay 05/12, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Vai trò của Đội quân tóc dài trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Có không ít huyền thoại nói về đội quân đặc biệt – Đội quân tóc dài tay không tấc sắt, nhưng họ có mặt khắp mọi nơi đương đầu với đại bác, các loại vũ khí hiện đại của quân địch, ngăn chặn những trận càn tàn phá xóm làng của địch. Cũng chính họ là những người vận động nhân dân trở về bám trụ sản xuất, tham gia các phong trào địa phương, đóng góp nuôi quân. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, có hơn 20.000 phụ nữ các cấp tham gia “xuống đường” hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động vũ trang, vây hãm các căn cứ của địch, vận động các gia đình binh sĩ ngụy kêu gọi con em bỏ súng trở về gia đình.
Quang cảnh tọa đàm
Là người trực tiếp chứng kiến phong trào Đồng Khởi khi mới 10 tuổi, Thiếu úy Lê Thị Hồng – Xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre – sau này là chính trị viên của đơn vị Biệt động tỉnh Bến Tre kể, đã bị “giặc bắt 3 lần, chúng tra tấn bằng điện, đánh móp sườn non nhưng mình vẫn giữ vững lập trường, kiên quyết không khai báo. Sau đó chúng dùng đến việc phá hoại trinh tiết của người phụ nữ, khi đó tôi phải nhập viện cấp cứu. Sau đó trở về lại tiếp tục cùng đơn vị chiến đấu. Bởi những hành động thô bạo và tra tấn dã man của giặc làm mình căm thù và ý chí chiến đấu càng cao hơn”.
Ngày 17/1/1960, nổ ra cuộc Đồng khởi tại tỉnh Bến Tre. Ngày 26/1/1960, địch huy động nhiều đơn vị vũ trang với hơn một vạn tên đánh vào ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày. Chiến dịch khủng bố này lấy tên là “Bình trị Kiến Hòa” với mục tiêu đè bẹp phong trào cách mạng của quần chúng và tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta.
Để đối phó âm mưu của địch, ngày 15/3/1960, Tỉnh ủy Bến Tre tập hợp hơn 5.000 phụ nữ gồm đủ các thành phần, lứa tuổi, tổ chức thành một đoàn hơn 200 ghe xuồng kéo vào quận Mỏ Cày, đòi chữa chạy cho những người bị thương, cung cấp thuốc men, thực phẩm, gạo thóc cho đồng bào và yêu cầu địch ra lệnh rút quân để bà con yên ổn làm ăn.
Đến ngày thứ 12 của cuộc đấu tranh, trước sức mạnh của những phụ nữ không một tấc sắt trong tay, cả binh đoàn sừng sỏ của địch đành phải rút lui, bỏ dở cuộc hành quân. Thắng lợi của cuộc đấu tranh đã thêm một minh chứng sinh động về sự sáng tạo của đường lối đấu tranh chính trị kết hợp với võ trang và binh vận mà về sau đã trở thành phương châm chỉ đạo chiến lược cho cao trào đồng khởi của toàn miền Nam.
Đại tá Khuất Biên Hòa – Trợ lý, thư ký giúp việc cho nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khâm phục bày tỏ “người phụ nữ là người giỏi nhất trong việc luồn lách, xâm nhập và qua mặt quân thù để đưa vũ khí, chuẩn bị lực lượng để cho bộ đội tấn công những mục tiêu quan trọng nhất làm cho Mỹ choáng váng. Công lao của các mẹ Việt Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung là vô cùng to lớn. Những người lính bộ đội cụ Hồ chúng tôi luôn kính cẩn nghiêng mình tôn trọng và vô cùng biết ơn sự cống hiến to lớn và hy sinh của các bà mẹ Việt Nam”.
Với phương châm “3 mũi giáp công” gồm chính trị, binh vận và vũ trang, lúc đấu tranh tại chỗ, các mẹ, các chị kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”; khi kết hợp vũ trang thì mưu trí, sáng tạo và cơ động. Đội quân tóc dài khai sinh từ quê hương Bến Tre đồng khởi đã trở thành biểu tượng đầy tự hào của phụ nữ miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong đấu tranh đã xuất hiện biết bao tấm gương nữ anh hùng dũng cảm, thông minh khi trực diện đấu lý, đấu lẽ với địch và biết bao con người tay không tấc sắt, bồng ẵm con kiên cường, bất khuất trước sự phản kích điên cuồng của kẻ thù.
Bà Nguyễn Thị Hiển Linh – Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tự hào cho biết: “Đồng Khởi đánh dấu bước đầu tiên cách mạng Việt Nam bước ra khỏi thời kỳ đen tối trước sự khủng bố của phong trào Mỹ Diệm và vai trò của phụ nữ đã thể hiện rất xuất sắc. Đội quân tóc dài Bến Tre đã xuống đường biểu tình, hô vang khí thế của cách mạng. Tiếp nối phong trào Đồng khởi năm 1960 nhiều thế hệ phụ nữ của miền Nam đã bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với một tinh thần dũng cảm, kiên cường”.
Dù bị đàn áp, tra tấn dã man, các mẹ, các chị trong Đội quân tóc dài vẫn một lòng kiên trung, giữ vững khí tiết, góp phần làm nên cuộc đồng khởi thần kỳ. Có thể nói, phong trào đồng khởi và Đội quân tóc dài đã góp phần làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền ở cơ sở, góp phần quan trọng đưa đến thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.