Trang phục truyền thống là cốt cách, linh hồn của từng dân tộc, là nét đặc trưng riêng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục truyền thống của các dân tộc không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, là thông điệp của quá khứ để lại cho hiện tại và mai sau.
Trang phục truyền thống của người Khmer Nam Bộ mang nhiều nét văn hóa độc đáo, đa dạng qua chất liệu vải, màu sắc, hoa văn, cách thức sử dụng và đặc sắc ở lối mặc váy. Váy, áo (tầm vông chor-phum) dệt bằng tơ tằm sợi bông, hay chỉ kim tuyến với các loại hoa văn khác nhau bằng sử dụng kỹ thuật dệt và nhuộm truyền thống látkat, ba-tik.
Điểm nổi bật trên trang phục truyền thống của người phụ nữ Khmer là bao giờ cũng được đính hạt cườm hay kim sa kết hợp với hoa văn tinh xảo..
Hình 1: Trang phục truyền thống của người Khmer Nam Bộ (Ảnh: Sưu tầm)
Sampot ra đời dưới triều đại Funan khi một vị vua Campuchia ra lệnh cho các thần dân của mình mặc sampot theo như yêu cầu của công sứ Trung Quốc. Kể từ triều đại này, dệt lụa trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong nền văn hóa lâu đời của Campuchia. Những phương pháp dệt đầy phức tạp và những mẫu hoa văn tinh tế được phát triển. Đặc biệt, người Campuchia từ thời này đã sở hữu cho riêng mình kỹ thuật dệt chéo không theo khuôn mẫu nhất định dù hiện nay vẫn chưa có bất cứ lời giải thích rõ ràng nào cho việc áp dụng kỹ thuật này. Những kiểu sampot bằng lụa được sử dụng như những vật dụng gia truyền trong mỗi gia đình, trong tiệc cưới, ma chay cũng như dùng để trang trí trong các đền thờ. Sampot là kiểu vải truyền thống của Campuchia và khá tương đồng với những trang phục truyền thống của những quốc gia lân cận như Lào và Thái Lan, nhưng mỗi trang phục lại có những nét độc đáo riêng.
Hình 2: Trang phục truyền thống Sampot của người Campuchia (Ảnh: Sưu tầm)
Sampot truyền thống là một mảnh vải dài, hình chữ nhật được quấn quanh phần eo che phần bụng, chân và được buộc lại ở ngay trước bụng. Phần cơ thể phía trên, theo truyền thống, người Campuchia sẽ dùng Chang Pong – một loại vải có màu bất kỳ vắt chéo ngang một bên vai và che đi phần ngực của người phụ nữ, chỉ để hở một ít phần bụng nhằm tôn lên nét quyến rũ của phụ nữ Á Đông nói chung và phụ nữ Campuchia nói riêng.
Váy áo tầm vông chor-phum dệt bằng vải tơ tằm, sợi bông hay chỉ kim tuyến với các loại hoa văn khác nhau. Điểm nổi bật trên trang phục truyền thống của họ bao giờ cũng đính hạt cườm hay kim sa sáng lấp lánh, kết hợp hoa văn tinh xảo, màu sắc sặc sỡ… Trên váy, họa tiết trái trám là hoa văn chủ đạo, kích thước rộng khoảng 1m, dài 3,5m; khi mặc cuốn lại che nửa người phía dưới.
Vào mỗi dịp lễ tết, lên chùa lễ Phật, vẻ đẹp của trang phục và đồ trang sức càng rực rỡ hơn. Họ mặc xà rông có đính chuỗi hạt cườm ở cạp. Áo tầm vông với các loại hoa văn màu trắng hoặc vàng là chủ đạo. Màu vàng được ưa dùng vì nó gợi không khí hội hè, cũng là những màu sắc trong trang trí kiến trúc tôn giáo truyền thống thường gặp tại các ngôi chùa Phật giáo. Để tôn thêm nét dịu dàng uyển chuyển đầy nữ tính, trong bộ lễ phục này không thể thiếu “sbay” – một loại khăn lụa màu xanh mềm mại cuốn chéo từ vai xuống bên sườn phải. Tương tự, trang phục truyền thống Campuchia cũng chuộng màu vàng hay các màu sắc sặc sỡ hơn làm chủ đạo và bên cạnh đó họ còn sử dụng Krama. Krama là chỉ những chiếc khăn truyền thống của người dân xứ sở chùa Tháp, gần giống như khăn rằn ở Việt Nam. Krama thường được làm từ lụa hoặc vải cotton.
Hình 3: Khăn Krama (Ảnh: Sưu tầm)
Những chiếc Krama đã gắn liền với văn hóa Campuchia hàng ngàn năm nay và hầu như không có thay đổi nhiều về thiết kế. Điều đó cũng thể hiện tính vẹn nguyên trong những giá trị văn hóa mà Campuchia vẫn luôn trân trọng bảo tồn. Khi có cơ hội đến đây, có thể nhìn thấy hình ảnh người dân Campuchia mặc Krama ở khắp nơi. Đặc biệt là trên những cánh đồng bát ngát ở khu vực nông thôn.
Người dân Campuchia thường quấn Krama ở quanh đầu hoặc cổ. Đôi khi nó còn được dùng thay gối đầu, làm võng, địu cho trẻ sơ sinh hoặc tận dụng như 1 dây an toàn hỗ trợ leo cây. Krama được bán phổ biến ở bất cứ nơi nào trên đất nước Campuchia.
Vùng biên giới Việt Nam – Campuchia như Hòn Đất, Hà Tiên… phụ nữ Khmer thường mua các loại váy áo tầm vông vấn khăn (lẩm) in hoa lá sặc sỡ từ Campuchia. Điều này cho thấy Sampot của Campuchia và trang phục truyền thống của người Khmer Nam Bộ có nét tương đồng và có thể kết hợp độc đáo.
Người Khmer quan niệm, để được khỏe mạnh, cần đeo vào cổ, tay hoặc thắt lưng một sợi dây bùa gắn một mảnh xương hay nanh vuốt của thú dữ như hổ, cá sấu, heo rừng,… để ngăn trừ gió độc và tà ma. Đối với người Khmer, trang sức của họ ẩn chứa một khát vọng lớn lao cầu mong niềm vui và sức khỏe. Phụ nữ đeo bông tai to như những trái cây chín mọng, gợi cảm giác họ là người chăm chỉ và khỏe mạnh. Từ người già đến trẻ em, ai ai cũng đeo một loại trang sức nào đó.
Với người Khmer, trang sức là vật không thể thiếu trong đời sống của họ. Những món đồ trang sức là của hồi môn có thể truyền qua nhiều đời. Những chiếc vòng cổ, lắc tay thường mô típ đa dạng như hình trăng lưỡi liềm, hình thoi, trái cây, hình chim, thú,…
Ngày thường phụ nữ Khmer chỉ đeo một đôi hoa tai, đeo vòng cườm, nhưng vào ngày lễ tết, họ thích đeo nhiều hơn. Sau những ngày tháng lo công việc đồng áng vất vả, vào mùa xuân, họ dành thời gian cho những buổi họp mặt, vui chơi và tổ chức các đám cưới. Vào dịp này, các cô gái Khmer đều xúng xính trong những bộ váy áo mới, trang sức lộng lẫy, tạo nên bức tranh đầy màu sắc.
Tương tự người Campuchia cũng xem trang sức là một phần không thể thiếu để tạo điểm nhấn cho trang phục. Họ thích mang trên người những món đồ có màu sắc sặc sỡ và có họa tiết khá cầu kỳ.
Người Campuchia đa phần vẫn giữ cách ăn mặc truyền thống, còn người Khmer Nam Bộ lại thường chọn chất liệu vải mềm, mỏng dễ may y phục hơn vì thời tiết Nam Bộ thường xuyên nắng nóng. Trước đây phụ nữ Khmer mặc váy (xà rông), áo bà ba đen và quàng khăn rằn. Đây là hình ảnh chân thật nhất thể hiện cho sự giao thoa văn hóa giữa người Khmer và người Kinh ở miền Tây Nam Bộ.
Váy (xà rông) thường là mảnh vải thổ cẩm rộng 100 – 350cm. Kiểu váy này thường được mặc trong các ngày lễ và cưới hỏi, ngày thường người Khmer rất hiếm khi mặc. Còn ở Campuchia xà rông là một bộ trang phục truyền thống Campuchia dành cho cả nam và nữ ở tầng lớp thấp. Nó được thiết kế từ 1 miếng vải được may ở 2 đầu, được buộc ở thắt lưng với nhiều màu sắc khác nhau. Hiện tại, sarong được người dân nước này sử dụng rộng rãi hơn bởi nó khá là tiện lợi.
Gần giống với Krama ở Campuchia, khăn ( khần seng) được làm từ vải sợi bông, dài trung bình từ 180cm, rộng 75 – 80cm. Khăn có nhiều loại khác nhau nhưng phổ biến là có hai loại: loại không có hoa văn thường màu trắng và có hoa văn, đầu khăn dệt kẻ ô vuông.
Khác với các tộc người khác, khăn của người Khmer ít dùng để cuốn trên đầu mà thường là vắt cuối hoặc vắt chéo ở vai. Khi vắt chéo vai, khăn được quấn từ nách phải vắt lên vai trái rồi luồn qua nách phải, một đầu khăn được cuốn lên phía trước ngực một đầu được thả sau lưng bên trái.
Hiện nay, thường ngày phụ nữ Khmer mặc áo dài, quấn xà rông. Để giản tiện trong sinh hoạt, nhiều phụ nữ Khmer ngày thường mặc giống như người Kinh Nam Bộ. Trang phục phụ nữ Khmer chịu ảnh hưởng từ nhiều luồng giao thoa văn hóa, dẫn tới sự biến đổi trang phục tộc người.
Có thể thấy, trang phục truyền thống của người Khmer Nam Bộ đa phần tương đồng với nhau về hình dáng, kiểu cách và theo tông màu sặc sỡ với Sampot của Campuchia. Nhưng do môi trường sống và quá trình thích nghi với điều kiện tự nhiên và xã hội nên nét văn hóa có nhiều điểm riêng biệt, vì vậy chúng ta cũng nhận thấy được phần nào nét đặc trưng của mỗi trang phục.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 01 năm 2025
Dương Kim Ngọc
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đăng Trường – Hoài Thu Trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam – Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin (tr54 – 63)
- TS. Ngô Đức Thịnh Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam – Nhà xuất bản Tri thức.
- http://review.siu.edu.vn/thoi-trang/sampot-trang-phuc-truyen-thong-cua-nguoi-campuchia/327/3468 (truy cập ngày 23/12/2024)
- https://m.infonet.vietnamnet.vn/chuyen-la/net-rieng-trong-trang-phuc-truyen-thong-cua-nguoi-campuchia-118588.html (truy cập 23/12/2024)