Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa.Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn tinh túy và giữ được vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm.
Làng Bàu Trúc trước còn có tên gọi theo tiếng Chăm là Paley Hamu Trok (có nghĩa là “Ma Tro”, hay làng Trũng theo tiếng Việt). Dưới thời vua Minh Mạng, năm 1832, có tên là làng Vĩnh Thuận. Hiện nay, làng gốm Chăm Bàu Trúc thuộc về hai khu phố của thị trấn Phước Dân, huyên Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ngôi làng có lịch sử từ trước thế kỷ XII. Theo người dân kể lại rằng: Tổ nghề gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chanh, người đã từ quan triều đình, để về làng dạy cho phụ nữ Chăm cách nặn, tạo hình, nung đất sét để chế tác thành vật dụng phục vụ đời sống hằng ngày và đồ thờ cúng trong các dịp lễ, Tết. Đến nay những người phụ nữ Chăm vẫn truyền cho nhau từ đời này sang đời khác thổi hồn vào đất sét lấy ở vùng sông Quao. Họ đã tạo ra nhiều tác phẩm mỹ thuật và giữ lửa cho nghề gốm truyền thống sống mãi với thời gian.
Khác với những sản phẩm gốm các nơi, gốm Bàu Trúc được nhào nặn bằng đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, không làm bằng khuôn. Do đó sản phẩm gốm khi ra lò đều có sự khác biệt mang tính độc đáo của từng sản phẩm. Nguyên liệu chính làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc là: đất sét, cát, nước ngọt. Đất sét được lấy ở giữa cánh đồng bên bờ sông Quao cách làng Bàu Trúc khoảng 5km. Đất sét được trộn với cát từ các sông suối xung quanh. Đặc trưng của đất ở đây có độ kết dính cao. Hơn nữa, nguồn đất không bao giờ bị khan hiếm. Người dân khai thác đất sét từ mỏ một cách tiết kiệm và nguồn đất có thể phục hồi một cách tự nhiên.
Đất sét được tiến hành khai thác bằng cách: Người thợ gốm chọn khu ruộng khô ráo, tiến hành đào sâu khoảng nửa mét đến một mét cho đến khi phát lộ lọn đất sét dài thì dừng lại. Phần trên và dưới của lọn đất được bỏ đi, chỉ lấy phần giữa của lọn đất này vì có độ kết dính cao, ít lẫn sạn, tạp chất.
Công đoạn làm đất
Đất sét nguyên liệu đem về được phơi khô, đập nhỏ trộn với một lượng nước vừa đủ. Sau đó ủ qua đêm. Sáng hôm sau đem đất sét đã ủ trộn với cát mịn với một tỉ lệ nhất định (thường là 1:1 cũng có khi 2 đất 1 cát), rồi nhào nặn thật nhuyễn, trước khi đem tạo hình tác phẩm. Sau khi lấy đất, chỗ đào sẽ được lấp đi và người ta trồng lúa ngay trên đất đó. Sau đó khoảng một năm sau nhờ mùa lũ hằng năm, người ta sẽ lại có thể đào đất mới.
Đất được nhồi bằng chân rồi ủ qua đêm hoặc khoảng một tiếng đồng hồ sau, trước khi tạo hình dáng gốm, người thợ gốm nhồi đất bằng tay một lần nữa. Sau đó, dùng đôi tay lăn những lọn đất hình trụ tròn trên một tấm ván bằng phẳng có rải lót một lớp cát mỏng vừa chống dính vừa tăng thêm lượng cát cho đất sét.
Nhồi là cách loại bỏ tạp chất tránh tình trạng gẫy, đổ sản phẩm khi tạo dáng; đồng thời là cách để các nguyên liệu (đất sét, cát, nước ngọt) hòa quyện vào nhau nhằm đạt độ dẻo lý tưởng. Hỗn hợp nguyên liệu sẽ không quá dẻo, không quá khô, đó phải là một sự mềm dẻo vừa phải để đôi tay mềm mại của những nghệ nhân Bàu Trúc cảm nhận được và nặn lên những hình hài “lý tưởng”.
Kỹ thuật tạo gốm:
Việc đầu tiên là tạo dáng gốm cơ bản, người thợ gốm vo tròn những khối đất thành hình quả bí. Tùy theo kích thước sản phẩm mà tạo quả bí lớn hay nhỏ, rồi để lên hòn kê bắt đầu tạo hình dáng gốm. Từ đây, người thợ gốm dùng tay để nặn ra hình dạng cơ bản của gốm cao 20 – 30cm. Tiếp theo, thợ gốm nâng dần kích cỡ, ráp nối đế và nâng thân gốm cao dần lên ở các mặt bằng các lọn đất (con trạch) cuộn tròn bằng tay gắn kết vào miệng gốm. Tuy nhiên phương pháp kết nối con trạch này, người thợ gốm Bàu Trúc chỉ sử dụng đối với gốm có kích thước lớn từ 40-50 cm trở lên như lu, thạp… Còn với các sản phẩm là vật dụng sinh hoạt hàng ngày có kích thước nhỏ khoảng 40cm trở xuống như nồi, niêu, lò than… thì không cần sử dụng phương pháp gắn kết con trạch. Họ sử dụng đất sét thô bóng chải quanh thân để che đi các phần ráp nối, làm sạch dấu vân tay, làm mịn phần thân và miệng gốm, trước khi chà thân gốm bằng vải cuộn, do đó làm cho đất sét bóng láng.
Ở bước thứ hai, người thợ gốm tạo bề mặt thân gốm cho trơn. Thợ gốm sẽ quấn một miếng vải quanh tay và nhẹ nhàng thấm vào nước trước khi chà đi chà lại thân gốm. Trong khi chờ cho gốm được ráo nước, người thợ tiếp tục tạo dáng miệng sản phẩm. Kĩ thuật bẻ miệng gốm được thực hiện lần lượt như sau: bẻ miệng đứng, rồi đến miệng loe, hơi loe, cuối cùng là miệng khum. Thao tác bẻ miệng gốm là giai đoạn cuối cùng trong công đoạn tạo hình dáng gốm Chăm Bàu Trúc. Ngoài ra gốm còn cần được cạo mỏng thân nhằm cân bằng kích thước, tránh chỗ dày mỏng cho thân gốm giúp tăng độ hấp thụ nhiệt trong quá trình nung. Sau khi cạo mỏng thân xong cần phải nông đáy gốm để trong quá trình phơi cũng như nung gốm sẽ không bị nứt vỡ.
Đến bước thứ ba, các họa tiết trang trí được thêm vào. Chủ đề trang trí đặc trưng của gốm Chăm Bàu Trúc chủ yếu là các họa tiết truyền thống bao gồm đường răng cưa, hình sóng nước, hoa văn thực vật và vô số họa tiết được mô tả một cách chân thực từ những dụng cụ hỗ trợ thô sơ, chân chất nhất như vỏ sò, nhánh cây, bông hoa…
Gốm sau khi được trang trí xong phải được phơi ở nơi râm mát tránh phơi ngoài nắng. Ánh nắng có nhiệt độ cao chiếu thẳng vào gốm ướt sẽ làm cho gốm dễ bị nứt vỡ khi nung. Gốm chỉ được phơi nơi bóng râm để gốm được khô từ từ, giảm hư hao về sản phẩm.
Một điểm khác biệt và cũng là đặc trưng của gốm Bàu Trúc là các nghệ nhân sử dụng “bàn tạo hình cố định” . Các nghệ nhân giải thích rằng nếu dùng bàn xoay thì đất sét ở đây dính chặt và khi xoay đất sét sẽ bị trể xuống, nên không thể chế tác ra sản phẩm theo ý muốn. Vì thế, các nghệ nhân chủ yếu dùng tay xoay hoặc di chuyển người để tạo hình sản phẩm. Các nghệ nhân gốm Bàu Trúc dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để tạo sản phẩm đầy tính ứng dụng và đạt tính mỹ thuật cao. Bởi thế người làm gốm Bàu Trúc thường ví von “làm bằng tay, xoay bằng mông” khác nhiều làng gốm Việt Nam người ta dùng bàn xoay để tạo hình sản phẩm gốm.
Nung gốm:
Nung gốm là nơi tập hợp những kỹ thuật quan trọng nhất định. Những giá trị kỹ thuật này vừa quyết định chất lượng của sản phẩm gốm vừa khẳng định những giá trị nghệ thuật thể hiện trên áo gốm. Công đoạn nung gốm thể hiện qua các khâu như: cách sắp xếp gốm khi nung, cách đốt lò, canh lửa, cách xác định gốm chín và tạo màu rắc lên áo gốm.
Gốm Bàu Trúc được nung lộ thiên nên trước khi xếp gốm, người thợ phải xếp các nguyên liệu nung (củi, rơm, trấu) thành những lớp nền nhất định. Cụ thể, họ xếp củi ngang dọc trên mặt đất theo hình chữ nhật với độ dày khoảng 0.3m, sau đó mới xếp đồ gốm cần nung theo thứ tự đồ lớn ở dưới, đồ nhỏ ở trên. Đồ gốm lớn được xếp ở dưới nhằm làm trụ lò giữ cho gốm nằm ở tầng trên không bị nghiêng hoặc đổ.
Tiếp theo việc xếp gốm, người thợ gốm phủ lên bề mặt một lớp rơm dày, tiếp đó họ đổ thêm một lớp trấu mỏng lên mặt rơm và dùng cây đòn dài đập nhẹ đều làm cho lớp rơm trên lò gốm có độ xốp, kết chặt lại với nhau.
Lò gốm được nung ngoài trời nên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết do đó họ thường đốt lò nung lúc về chiều khi trời êm gió hoặc gió nhẹ và chọn hướng đốt lò nung theo chiều ngược gió để cho lò nung có nhiệt độ ổn định và đều đặn. Đốt lò nung theo hướng này là tránh được hướng gió thổi mạnh làm cho nguyên liệu rơm, củi cháy quá nhanh, gốm chưa kịp chín. Hơn nữa khi đốt lò nung theo chiều ngược gió sẽ làm cho lớp rơm rạ phủ bên trên lò cháy chậm, giữ được lớp tro rơm, tránh được sức gió thổi mạnh bay lớp tro rơm trên bề mặt lò. Vì chính lớp tro rơm này đã trở thành một lớp áo che phủ lò gốm. Từ đó, lớp tro sẽ giữ và hấp thụ được nhiệt độ để nung chín gốm. Do đó trong lúc nung người thợ gốm luôn giữ lớp tro phủ kín bề mặt lò gốm. Nếu trường hợp nung gặp gió thổi mạnh làm bay mất lớp tro rơm trên bề mặt lò nung thì người thợ gốm phải hốt tro bên ngoài bổ sung, đắp kín lại làm sao phủ kín được lò nung. Nếu trường hợp lớp tro trên bề mặt lò bị gió làm thủng thì lò nung sẽ bị nhiệt độ tỏa ra ngoài, lò nung không giữ được nhiệt độ cần thiết để nung chín gốm, từ đó sẽ làm cho gốm trong lò nung không đủ độ chín, gốm sẽ có màu đen, dễ vỡ.
Khi gốm nung đến độ chín thì người thợ gốm nếu có nhu cầu trang trí, nhuộm màu thực vật cho áo gốm, thì ngay khi gốm đã chín, lò còn nóng, người thợ gốm dùng cây dài móc, đưa từng cái gốm ra ngoài lò để trang trí. Nếu thợ gốm không có nhu cầu trang trí gốm bằng màu thực vật thì lò gốm khi đã nung chín phải để đến ngày hôm sau khi lò cháy hết nguyên liệu, ngụi hẳn thì gốm mới được đưa ra khỏi lò nung.
Việc rắc màu lên gốm lúc còn nóng, khi vừa lấy ra từ lò nung được thực hiện đối với cả gốm gia dụng và gốm mỹ nghệ. Để tạo màu trên áo gốm, trước đây thợ gốm Bàu Trúc chế biến màu từ vỏ cây thị thì hiện nay họ dùng vỏ điều với lý do vỏ cây thị phải đi lấy ở trên rừng, rất bất tiện, trong khi vỏ điều vừa rẻ tiền vừa không phải đi xa và màu sắc được chế biến từ vỏ điều lại khá đơn giản. Cụ thể vỏ điều được ngâm qua nước ngọt một đêm, sang hôm người thợ gốm chắt lọc hạt điều, chỉ lấy nước cho vào bình xịt là có thể sử dụng.
Do đó, trong mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc chứa cả sự tinh hoa của mỗi người thợ, của từng nghệ nhân mang đậm nét bản sắc văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng dân tộc Chăm Ninh Thuận trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển của mình, gốm Bàu Trúc vẫn tồn tại bằng một sức sống đặc biệt. Những người thợ gốm Bàu Trúc với đôi tay tài hoa đã rất khéo léo khi gửi “tâm hồn mình” vào sản phẩm gốm và cũng chính đôi tay tinh tế ấy đã tạo nên những đặc trưng, những giá trị nghệ thuật độc đáo nhằm đưa gốm Bàu Trúc có một chỗ đứng vững trên thị trường gốm hiện nay với nhiều mặt hàng mỹ nghệ nổi tiếng./.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 11 năm 2022
Trần Thanh Tú
Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm = Trưng bày