“Dịch hạch”: thông điệp đoàn kết để chiến thắng dịch bệnh

Dịch hạch là tên một tiểu thuyết của nhà văn, triết gia người Pháp Albert Camus ra đời năm 1947. Năm 1957, Albert Camus được trao giải thưởng Nobel Văn học vì “các sáng tác văn học của ông đã “đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta”.

Không có mô tả.

Tiểu thuyết Dịch hạch ra đời ngay sau đại chiến thế giới thứ 2, nên những gì mà tác phẩm miêu tả khiến người ta liên tưởng tới một đại dịch khủng khiếp mà nhân loại vừa thoát khỏi trước đó 2 năm: chủ nghĩa phát xít. Thế nhưng, với mỗi tác phẩm ra đời, nhiều khi nó thoát khỏi sự lệ thuộc về tư tưởng của người đã sinh ra nó và sống một đời sống độc lập trong con mắt và suy nghĩ của độc giả. Nếu như nhà văn là những người dự báo thiên tài thì Albert Camus chính là một trong số đó.Những gì tác giả mô tả trong tác phẩm Dịch hạchhơn 70 năm trước lại đang diễn ra trong đời sống nhân loại những ngày này trong cuộc chiến đại dịch COVID-19.

Câu chuyện xảy ra năm 194… ở Oran (Orăng), một thành phố bên bờ Địa Trung Hải ở Algérie (Anghêri) khi còn thuộc Pháp. Oran là một thành phố yên tĩnh bỗng một ngày xuất hiện và xảy ra những sự kiện “không đúng chỗ, có phần không bình thường”. Đầu tiên là những con chuột chết lẻ tẻ nơi cầu thang, rồi người ta bắt gặp xác chuột chết ở ngoài đường không đúng chỗ…Dịch hạch xuất hiện. Các bệnh nhân đã bắt đầu được đưa vào bệnh viện và đã có những người tử vong đầu tiên. Chỉ mấy ngày sau những hiện tượng bất bình thường này, dịch bệnh bùng phát. Sau nhiều cuộc tranh cãi, chính quyền buộc phải công nhận đó là đại dịch, thành phố bị đóng cửa, mọi liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt. Bắt đầu từ đây, một cuộc chiến cam go chống chọi giữa con người và dịch bệnh để chiến thắng đã diễn ra âm thầm, quyết liệt bên trong thành phố bị phong tỏa ấy.

Trong bối cảnh cả thành phố bị cách ly thì cuộc sống của con người vẫn phải tiếp diễn. Những công dân của thành phố mỗi người mang một tâm trạng khác nhau, người sống trong sợ hãi, người tuyệt vọng tìm những thú vui để quên đi sự lo âu, cũng có những kẻ cơ hội đã tìm cách kiếm lợi từ đại dịch. Bác sĩ Rieux (Riơ), người đầu tiên nhìn thấy những xác chuột chết vào sáng buổi sáng ngày 16 tháng 4 năm ấy đã cùng những con người can đảm, với những phương tiện ít ỏi cố gắng nỗ lực cứu người, đẩy lùi đại dịch. Bác sĩ Riơ có suy nghĩ đơn giản, rõ ràng nhưng quyết liệt: “Nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu buông tay trước dịch hạch”, “sức lực tôi đến đâu thì tôi bảo vệ họ đến đó…”. Riơ từng nói với cha Paneloux (Panơlu) “Cứu rỗi nhân sinh là một chữ quá lớn đối với tôi. Tôi không nhìn xa như thế. Tôi chỉ chú ý đến sức khỏe. Sức khỏe con người trước tiên”. Chính trong thời gian dịch hạch, vợ bác sỹ Riơ bị bệnh phải đi điều dưỡng và khi người vợ qua đời Rieux cũng không được gặp. Những lời nói và hành động của Riơ đã thuyết phục được nhiều người, trong đó có linh mục Panơlu,Jean Tarrou (Taru), một trí thức xuất thân danh giá,là người đáng lẽ đứng ngoài cuộc, nhưng anh đã tình nguyện cùng Riơ chống lại bệnh dịch…Taru đã nói với Riơ: “Nạn dịch bệnh này chẳng dạy tôi được bài học gì hết, nếu không phải là bài học phải đứng bên cạnh các anh chống lại nó. Tôi biết đích xác (…) là mỗi người đều mang mầm mống dịch hạch trong mình, bởi vì không một ai, vâng, không một ai trên đời này được miễn trừ cả. Và tôi biết là phải không ngớt tự kiểm soát mình để khỏi, trong một phút lơ là nào đó, thở vào người bên cạnh, làm anh ta bị lây nhiễm”.Giữa lúc dịch bệnh hoành hành, gieo rắc cái chết và đau thương thì Panơlu đã giảng cho các con chiên của mình phải yên lòng đón nhận “sự trừng phạt” và “cơn giận” bất thần của Chúa để được “chóng trở về” với Chúa. Trước những tấm gương tận tụy của Riơ và những người khác đã cảm hóa cha Panơlu. Trong một buổi cầu kinh, cha Panơlu không dùng từ “các con” để gọi các con chiên, mà tự xưng là “chúng ta”. Cha Panơlu đã dùng tay đấm mạnh xuống mặt bàn và kêu gọi: “Hỡi những người anh em, chúng ta phải là những người ở lại”. Bản thân cha Panơlu đã tự nguyện xung phong vào đội cứu chữa để rồi cuối cùng nhiễm bệnh và qua đời. Sự đoàn kết, nỗ lực của mọi người cuối cùng đã chiến thắng đại dịch: “Cửa thành phố được mở, vào một buổi bình minh tháng hai đẹp trời, trong niềm hoan hỷ của dân chúng”.

Khi viết Dịch hạch, Camus hiểu rằng “Mọi người đều mang nó trong mình, bệnh dịch, bởi vì không ai trên thế giới thoát khỏi nó…Bệnh dịch có mầm mống tự nhiên”. Bởi vậy, tuy sự rút lui của dịch bệnh vượt quá hy vọng, “đồng bào chúng tôi vẫn không vội vã vui mừng. Những tháng vừa qua nung nấu thêm nguyện vọng thoát khỏi tai họa. Nhưng lại cũng là một bài học chung: ai nấy trở nên thận trọng hơn và không nghĩ là dịch bệnh chấm dứt ngày một ngày hai (…). Đồng bào chúng tôi đã sẵn sàng nói tới việc tổ chức lại cuộc sống sau khi dịch bệnh chấm dứt: rõ ràng mọi người đều ấp ủ hy vọng được sống bình yên, không bệnh tật”.

Không có mô tả.

Triển lãm tranh, ảnh mặt tiền Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ góp phần lan tỏa tinh thần lạc quan chống dịch đến mọi người.

Ảnh: Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng.

Albert Camus là nhà tiên tri khi những gì ông viết ra 74 năm trước thì nay đang diễn ra khốc liệt ở TP. Hồ Chí Minh. Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đang hoành hành dữ dội ở TP. Hồ Chí Minh với số ca nhiễm những ngày gần đây đã nâng từ 2 lên đến 3 rồi 4 con số. Thành phố đang “trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có” (Lời của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu kêu gọi người dân Thành phố đồng lòng thực hiện nghiêm tinh thần nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ). Dù đã trải qua 2 lần giãn cách theo Chỉ thị 15 và 15+ (bằng Chỉ thị số 10 của Thành phố) và nay là thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nhưng tình hình dịch bệnh vẫn mỗi ngày càng phức tạp hơn.

Nhiều người sống gần cả đời ở Thành phố cho biết chưa khi nào, kể cả trong chiến tranh, không khí thành phố lại vắng vẻ như lúc này. Đường phố, nhà hàng, quán ăn với những đêm không ngủ thì nay vắng lặng, cửa đóng then cài. Trên gương mặt nhiều người dân, nhất là những người lao động, người nghèo hằn rõ những nét lo âu. Lo âu vì dịch bệnh, lo âu vì sinh kế, lo âu vì những khó khăn chất chồng phía trước.

Thế nhưng, không phải như thành phố trong tác phẩm của Albert Camus, cả TP. Hồ Chí Minh dù đang căng mình chống dịch những vẫn đầy tinh thần lạc quan. Trong đại dịch, tinh thần đoàn kết, tình người lại hiện lên sáng đẹp lung linh. Giữa khó khăn chất chồng đã xuất hiện những mô hình giúp đỡ nhau đặc biệt. Những cửa hàng “không đồng” mọc lên khắp nơi góp phần chia sẻ với những khó khăn của người nghèo. Đó là những “tủ lạnh cộng đồng”, đó là “ATM lướt ống” do linh mục Nguyễn Hoàng Lê Nguyên nghĩ ra nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch. “ATM gạo” ra đời từ lần dịch trước và lần dịch này mô hình đẹp ấy lại đang phát huy hết công suất. Tác giả của “ATM gạo” nhân ái ấy cũng đã quyết định bán chiếc xe hơi đắt tiền của mình để cho những dòng gạo trắng ngày đêm tuôn chảy. Các doanh nghiệp lớn nhỏ của Thành phố chung tay chống dịch bằng sự đóng góp những nguồn tài chính trong khả năng của mình, còn những người dân đóng góp bằng những việc làm bình thường nhưng đầy ý nghĩa. Hàng trăm nhóm thiện nguyện vẫn ngày đêm hoạt động sôi động không ngừng nghỉ, họ len lỏi vào từng ngõ ngách của phố phường trao tận tay những người lao động các suất ăn, phần quà miễn phí.

Có thể là hình ảnh về 2 người và mọi người đang đứng

Bà con Quảng Bình chuẩn bị lương thực, thực phẩm gửi tặng người dân TP. Hồ Chí Minh chống dịch (nguồn: internet).

Cả hệ thống chính trị Thành phố dường như không ngủ. Các cuộc họp về chống dịch diễn ra bất kể thời gian. Ở khắp mọi nơi, cán bộ, công chức phường xã làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ. Ai ai cũng mong muốn được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình vì sự bình yên của thành phố. Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày đưa 6.000 tình nguyện viên đến các điểm lấy mẫu xét nghiệm và phòng, chống dịch. Khi Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố lên tiếng tuyển tình nguyện viên để tạm thời thay thế những lái xe bị bệnh phải đi cách ly, ngay lập tức đã có hàng trăm người từ khắp mọi miền Tổ quốc xung phong tình nguyện. Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nói với người viết rằng không thể không làm gì khi cả Thành phố đang chuyển động, để rồi có những bức tranh, ảnh vô cùng ấn tượng được trưng bày để cổ vũ tinh thần chống dịch!

Những ngày “trọng thương” vì COVID-19, Thành phố không chỉ nhận được tấm lòng từ các tỉnh thành trên cả nước mà còn nhận được tấm ân tình của đồng bào từ khắp mọi nơi trên cả nước. Đó là những chuyến xe chở rau củ quả của cán bộ, Nhân dân tỉnh Lâm Đồng trao tặng. Đó là những xe cá ba sa tươi sống của người dân miền Tây với thông điệp “Bà con miền Tây tiếp sức TP.Hồ Chí Minh chống dịch” và lời nhắn nhủ đầy thân thương “Ăn cá ba sa, Sài Gòn mau hết dịch nha!”. Đó là những trái bầu, bí, những lọ muối ân tình của người dân Quảng Bình, Quảng Trị vốn cũng không sung túc gì v.v.. Tất cả những ân tình sâu đậm ấy đã làm cho người dân Thành phố cay khóe mắt.

Không có mô tả.

Một điểm đặt đồ cứu trợ miễn phí ở TP. Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: internet.

Trên tuyến đầu chống dịch, hàng nghìn bác sĩ, nhân viên y tế của Thành phố đang làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ để chống lại con virus quái ác vô hình, vô ảnh và trong số họ không ít người đã bị lây nhiễm. Hình ảnh bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh kéo vali vào bệnh viện để cùng các đồng nghiệp của mình chống dịch trong điều kiện bệnh viện bị phong tỏa đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Có những bác sĩ, nhân viên y tế cả tháng nay vẫn chưa về nhà. Để chia sẻ gánh nặng này của ngành y tế Thành phố, từng đoàn sinh viên, bác sĩ, nhân viên y tế từ các tỉnh thành và của Bộ Y tế đã lên đường chi viện cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch, và còn nhiều, rất nhiều nữa…

Còn nhớ, trong một bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn có đoạn ca từ xúc động: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”. TP Hồ Chí Minh đang trải qua những ngày khó khăn nhất, song “Sài Gòn đang giãn cách/ Lòng người không giăng dây” (Cù Mai Công). Ở khắp nơi nơi, lòng tốt vẫn tràn đầy, tình thương vẫn mênh mang.Khi kết thúc tác phẩm Dịch hạch, Albert Camus đã nhận ra rằng: “Cái bài học rút ra được giữa lúc gặp tai họa là trong con người, có nhiều điều đáng khâm phục hơn là cái đáng khinh ghét…”. Dịch bệnh được đẩy lùi thì mầm bệnh vẫn lẩn khuất đâu đó và chỉ chờ dịp để bùng phát lại. Vậy nên, con người vừa luôn phải cảnh giác, vừa luôn phải đoàn kết giữ vững niềm tin. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể chiến thắng đại dịch. Đó là thông điệp mà Albert Camus đã gửi gắm vào tác phẩm Dịch hạch,và đó cũng là những gì chúng ta đang chứng kiến ở Thành phố Hồ Chí Minh những ngày đặc biệt này./.

Vũ Trung Kiên

Tour 360° Tour 360° 360 Tour