DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA Ô MỊCH – NƠI LƯU GIỮ NHIỀU DẤU ẤN TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG NGOẠI XÂM

Chùa Ô Mịch hay còn có tên gọi khác là RATANADIPÀRÀMKOSKEO tọa lạc tại ấp Ô Mịch, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Chùa được xây dựng vào những năm giữa thế kỷ XVI. Theo tiếng Khmer, tên gọi “Ô Mịch” mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt: “Ô” nghĩa là vùng đất trũng thấp, trong khi “Mịch” (hay “Mịt”) là tên gọi một loài rùa thuộc họ vít. Do đó, Chùa Ô Mịch có thể hiểu là “vùng đất trũng thấp có nhiều rùa sinh sống”. Còn trong tiếng Pali, tên gọi Ratanadipàràmkoskeo mang ý nghĩa “nơi có nhiều kim cương” hoặc “vùng đất có nhiều tài nguyên, vùng đất tốt” (1). Tên gọi này không chỉ thể hiện sự trù phú của vùng đất mà còn khắc họa sự phong phú về tâm linh và tinh thần của chùa.

Chùa Khmer thường được xây dựng trên một khu đất rộng, bao bọc bởi những hàng cây dầu, cây thốt nốt hay rừng tràm xanh tươi. Tổng thể một ngôi chùa Khmer gồm: cổng chùa, tường rào, ngôi chính điện, tháp đựng cốt, tăng xá, nhà hội, an xá,… Trong đó, nổi bật và quan trọng nhất là ngôi chính điện được xây dựng ở trung tâm của ngôi chùa. Ở mỗi ngôi chùa Khmer, chính điện được xây theo hướng Đông – Tây với quan niệm Đức Phật luôn ngự ở phía Tây nhìn về hướng Đông mà ban phúc lộc, phổ độ chúng sinh(2).

Những ngôi chùa Khmer Nam Bộ được xây dựng trên tinh thần văn hóa Phật giáo Tiểu thừa qua nghệ thuật kiến trúc, trang trí độc đáo. Nóc chùa thiết kế theo hình tam giác cân, mái chùa có ba cấp, mỗi cấp được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn, hai nếp phụ hai bên bằng nhau, không có tháp nóc. Ở góc nóc mái chính điện trang trí đuôi rồng uốn lượn tạo cảm giác uyển chuyển, mềm mại cho ngôi chùa. Hai bên lối lên xuống chính điện được các nghệ nhân điêu khắc các bức tượng chằn, chim hoon… Ngôi chính điện luôn có hình tượng chim thần Krud nâng đỡ mái chùa. Cổng và tường rào được các nghệ nhân Khmer điêu khắc, trang trí những bức tượng gắn với đời sống tín ngưỡng của cộng đồng người Khmer, tạo nên nét riêng có ở mỗi ngôi chùa. Nổi bật là hệ thống tượng chằn (Yeak) trên những hàng cột bao quanh chính điện.(3)

Chùa Ô Mịch – huyện Cầu Kè, Trà Vinh

Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, chùa Ô Mịch còn là địa điểm nuôi chứa cán bộ cách mạng, là nơi tổ chức các phong trào đấu tranh chính trị và là vùng căn cứ của Huyện ủy Cầu Kè trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Nhờ sự ủng hộ của sư sãi, phật tử, chùa đã trở thành một căn cứ cách mạng quan trọng, nơi bảo vệ và nuôi chứa cán bộ kháng chiến. Gọi đây là nơi lưu giữ những ký ức về chiến tranh bởi đây là cầu nối các vùng trũng thấp, hiểm trở được xây dựng thành căn cứ cách mạng trong kháng chiến. Trong kháng chiến chống Pháp, vì vị trí địa lý thuận lợi, huyện ủy Cầu Kè đã quyết bám dân để xây dựng địa bàn thành khu căn cứ cách mạng phục vụ cho chiến đấu. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, nơi đây đi đầu với phong trào đấu tranh chính trị. Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh chống lại các Chỉ dụ số 02, số 07 về nông nghiệp và Chỉ dụ số 57 qui định về việc thu nộp tô của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Trong phong trào đấu tranh chính trị tại đây không thể không nhắc đến cuộc đấu tranh của các bà các mẹ. Tiêu biểu cho phong trào này là cuộc biểu tình ngày 21/3/1956, do má Thạch Thị Thanh dẫn đầu đã kéo lên quận Cầu Kè đấu tranh. Địch lấy cớ cho đây là cuộc bạo động chống chính quyền do Việt Cộng xúi giục nên đã ra tay đàn áp. Tên Quản Sen cho quân lính nổ súng đàn áp tại ngã ba Rừng Chuối và bắt đi 13 người gồm Phạm Văn Mười, Lê Văn Trí, Nguyễn Văn Giá, Lê Văn Thương, Sáu Giắc, Mười Tươi, Hai Mai, Tư Đến, Ba Nhơn, Sáu Lai, Ba Vuông, Thợ Rèn, Ba Muôn đày ra Côn Đảo(4).

Trong giai đoạn 1957-1958, chùa Ô Mịch dưới sự trụ trì của sư cả Thạch Som đã đóng vai trò quan trọng là nơi trú ẩn, nuôi dấu, bảo vệ cán bộ các mạng tại địa phương cũng như cán bộ huyện để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng.

Tại đây còn là địa điểm tập trung lực lượng trong vùng đấu tranh chính trị trong đó má Thạch Thị Thanh, Thạch Thị Thôn, Thạch Thị Son là những người nồng cốt, đi đầu. Đặc biệt, trong năm 1957, khi bọn biệt kích càn vào Ô Mịch lùng sục, bắt bớ, đánh đập những người dân mà chúng cho là có tham gia giúp đỡ cách mạng trong đó có anh Chiêng một nông dân Khmer bị trọng thương. Má Thạch Thị Thanh đến nhà anh Chiêng xem xét tình hình rồi bàn biện pháp đấu tranh. Má cùng bà con khiêng anh Chiêng lên trụ sở xã Châu Điền đấu tranh đòi địch không được bắt người vô cớ và phải chửa trị. Trước áp lực của quần chúng nhân dân mỗi lúc một đông, trước sự đấu tranh kiên quyết nên bọn địch phải chấp nhận đưa anh Chiêng đi chữa trị(5).

Ác liệt hơn khi đạo luật 10/59 của Ngô Đình Diệm được ban bố, chúng lê máy chém đi khắp nơi. Thế nhưng, sư sãi và đồng bào Khmer ở Ô Mịch vẫn một lòng trung thành với Đảng, cương quyết bảo vệ cách mạng và sau Đồng khởi năm 1960 Ô Mịch thật sự trở thành mối đe dọa cho an ninh của Chi khu Cầu Kè.

Để bảo vệ căn cứ trước quyết tâm tái lập ấp chiến lược của địch, bà con, sư sãi ở Ô Mịch tiếp tục đấu tranh chính trị và binh vận hết sức quyết liệt. Đi đầu là sư cả Thạch Som phản đối không cho địch đóng quân trong chùa, làm mất yên tịnh nơi thờ cúng tôn nghiêm, làm ô uế nhà chùa, chà đạp tín ngưỡng của đồng bào.

Bà má Thạch Thị Thanh – huyện Cầu Kè, Trà Vinh

Ngày 10/5/1961, sư cả Thạch Som bị địch bắt và đưa về giam tại khám lớn Trà Vinh. Sự việc này càng làm tăng cường thêm ý chí đấu tranh của nhân dân. Ngay sau khi sư cả bị bắt, đồng bào từ ba ấp Ô Mịch, Rùm Sóc, Sóc Ruộng đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình lên xã, lên quận và lên Ty Cảnh sát Vĩnh Bình để đấu tranh. Sau bảy ngày bị giam giữ, địch không thể thuyết phục được sư cả, lại phải đối mặt với sức ép từ các cuộc đấu tranh mạnh mẽ, nên chúng đã buộc phải thả sư cả trở về(6). Tuy nhiên, bọn lính vẫn ngoan cố ở lại chùa.

Trong lúc cách mạng ở thế lưỡng nan đó, má Thạch Thị Thanh, một cán bộ phụ nữ đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị đã nảy ra sáng kiến kết hợp đánh địch bằng ba mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận. Theo kế hoạch của má, vào ngày Đôl-ta năm 1962 (22-24/9/1962), trong dịp cúng cơm Phật bà con, sư sãi sẽ cùng kéo nhau vào chùa đấu tranh đòi địch rút đi để bà con tổ chức lễ cúng Phật. Nếu bọn chúng không chịu rời chùa thì bà con sẽ rước Phật đưa đi. Khi chùa không còn Phật thì đó chỉ là cái bót của địch lúc đó ta sẽ dùng quân sự tấn công. Sáng kiến của má Thạch Thị Thanh được Huyện ủy Cầu Kè chấp thuận, bà con phật tử cùng sư sãi đồng tình hưởng ứng(7).

Sau khi vạch ra phương án đấu tranh, một kế hoạch phối hợp đánh địch bằng ba mũi chính trị, binh vận và quân sự được thực hiện. Sự hợp tác giữa các đơn vị trong huyện và bộ đội tỉnh được chỉ huy trực tiếp bởi đồng chí Bí thư Huyện ủy Hồ Nam (Năm Đạt) và đồng chí Huyện đội trưởng Phạm Công Trung (Sáu Chánh). Huyện ủy đã giao cho đồng chí Thạch Khênh – Huyện ủy viên và đồng chí Thạch Sang – Bí thư xã Hòa Ân lựa chọn những người vào ban chỉ huy đấu tranh công khai với địch. Ban này được thành lập một cách thận trọng, gồm có vợ chồng anh Sơn Som ở xã Châu Điền và các chị Thạch Thị Tư, Thạch Thị Phêne, Thạch Thị Son ở xã Hòa Ân, do má Thạch Thị Thanh làm người dẫn đầu.

Huyện ủy đã chỉ đạo toàn huyện, khi xã Châu Điền tiến hành đấu tranh, đồng bào tôn giáo từ các xã lân cận sẽ ủng hộ bằng cách xuống đường biểu tình và sẵn sàng rước tượng Phật từ chùa Ô Mịch về nhà mình, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến đấu bảo vệ chùa.

Đúng ngày Đôl-ta, hơn 300 người đã tiến vào chùa, đưa ra yêu sách với những lý lẽ xác đáng, yêu cầu địch rút quân. Mặc dù bọn địch không dám nổ súng nhưng tình hình trở nên căng thẳng khi xảy ra xô xát, và nhiều bà con đã bị đánh đập. Sau một thời gian giằng co, cuối cùng, các tượng Phật đã được bà con và sư sãi đưa ra khỏi chùa, an tọa tại chùa Rùm Sóc và chùa Tam Ngãi. Hành động này không chỉ khẳng định quyết tâm bảo vệ các giá trị tâm linh mà còn thể hiện sức mạnh tinh thần của cộng đồng trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do.

Có thể thấy, phong trào chống đóng quân tại chùa Ô Mịch cũng như tinh thần đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ – Ngụy của nhân dân ta rất đáng được ghi nhớ và trân trọng. Trong đó, phải kể đến sự hy sinh và cống hiến cao cả của những người phụ nữ Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng. Ngày nay tại bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là nơi có trưng bày một số hình ảnh cũng như kỷ vật của những người phụ nữ ấy như thể hiện sự trân trọng và lòng biết ơn dành cho họ với những điều mà họ đã làm cho tổ quốc và dân tộc.

Chùa Ô Mịch như là một chứng nhân của lịch sử đã chứng kiến biết bao sự hy sinh, thăng trầm trong cuộc sống của người dân nơi đây và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ra quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

 

Chú thích:

Tài liệu tham khảo:

  1. Trường Lưu (Chủ biên) (1993), Văn hóa người Khmer vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, Viện Văn hóa, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

    Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 08 năm 2024

                           Dương Kim Ngọc

    Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

     

Tour 360° Tour 360° 360 Tour