ĐẤU TRANH VŨ TRANG CỦA PHỤ NỮ MIỀN NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đánh dấu thắng lợi hết sức to lớn của nhân dân ta và thất bại nặng nề của thực dân Pháp, buộc chúng phải công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam, âm mưu biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á. Tháng 6/1954, đế quốc Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về lập chính phủ bù nhìn thân Mỹ ở miền Nam, từ đó trực tiếp tài trợ, trang bị, huấn luyện, điều khiển ngụy quyền Ngô Đình Diệm. Đế quốc Mỹ đã trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Nam.

Từ thực tiễn tình hình hình cách mạng miền Nam, ngày 13/01/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 ra nghị quyết về đường lối cách mạng miền Nam. Nghị quyết nêu rõ “Con đường phát triển của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là con đường bạo lực, lấy sức mạnh bạo lực của quần chúng, dựa vào lực lượng của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ quyền thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang”. Nghị quyết 15 đã đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân miền Nam, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên. Thực hiện Nghị quyết 15, phụ nữ miền Nam vùng lên như nước vỡ bờ, phá tan ách kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ ở thôn xã. Với khí thế và quyết tâm mới, phụ nữ toàn miền Nam đã hăng hái tham gia và động viên chồng, con thoát ly gia đình tham gia lực lượng vũ trang.

Thi hành chủ trương của Đảng, cán bộ phụ nữ, trừ một số chị em đi tập kết ra tham gia xây dựng miền Bắc, số còn lại đều chuyển về cơ sở, tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiệp định Giơ-ne-vơ, lãnh đạo chị em đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi thực hiện tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Phụ nữ chẳng những động viên chồng con tòng quân xây dựng lực lượng vũ trang mà còn tự mình tham gia dân quân tự vệ vào đội du kích, hăng hái tập luyện quân sự, dùng vũ khí thô sơ đánh giặc. Nhiều đội nữ du kích độc lập tác chiến, diệt giặc với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. Tiêu biểu cho cách đánh mưu trí, bình tĩnh, gan dạ của phụ nữ trong thời kỳ này là chị Út Tịch, chị Tạ Thị Kiều, chị Tô Thị Huỳnh…

Lực lượng nữ du kích ở miền Nam đánh giặc giỏi, biết động viên được tinh thần quần chúng, kết hợp “hai chân, ba mũi”, bám đất, giữ làng, bẽ gãy âm mưu địch; vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu. Những người phụ nữ chân chất, hiền lành, hết mực yêu chồng, thương con, bất đắc dĩ phải cầm súng chiến đấu, nhưng khi chiến đấu, chị em rất mưu trí, sáng tạo, dũng cảm. Trước kẻ thù hung hãn được trang bị đủ loại vũ khí tối tân, hiện đại, hủy diệt thì những người phụ nữ Việt Nam đánh giặc bằng cách rất riêng của mình.

Khí thế đánh Mỹ, diệt Mỹ lập công lan nhanh khắp nơi. Bằng sự dũng cảm, sáng tạo, với tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong chiến đấu, phụ nữ miền Nam ở nhiều địa phương đã dấy lên phong trào diệt Mỹ lập công. Hàng trăm nữ dũng sĩ đã xuất hiện trong phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Chị em đã kết hợp lý lẽ và vũ lực chống các cuộc khủng bố tàn bạo của địch, vững vàng bám trụ, quyết “một tấc không đi, một li không rời”. Những người con gái Củ Chi như Bảy Gừng, Tư Mô đã trở thành “dũng sĩ diệt Mỹ” đầu tiên, chỉ bằng khẩu B40, các chị đã bắn hạ chiếc HU1A và 24 tên lính Mỹ.

Khi quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam, chiến tranh trở nên ác liệt, phong trào du kích càng phát triển, xuất hiện nhiều đơn vị du kích tập trung của phụ nữ như Trung đội nữ du kích Củ Chi, Đội nữ du kích vành đai Bình Đức (Mỹ Tho)… và nhiều đội nữ pháo binh như Đội nữ pháo binh Long An, Đội nữ pháo binh Bến Cát (Bình Dương).. Nhiều nữ thanh niên hăng hái tham gia lực lượng du kích, bộ đội địa phương và thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Thế trận “chiến tranh nhân dân” được thể hiện rõ nét ở các “vành đai diệt Mỹ” mà lực lượng chiến đấu thường trực là phụ nữ. Đây chính là nét độc đáo và cũng là một sáng tạo mới của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời kỳ này.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, có hơn 2 triệu lượt phụ nữ miền Nam nổi dậy vũ trang, phát huy cách đánh ba mũi sở trường. Có cả trăm đơn vị nữ thuộc các loại binh chủng: bộ binh, pháo binh, công binh, đặc công, biệt động. Nhiều đội vũ trang trưởng thành mau chóng trong chiến đấu. Nhiều đội vừa thành lập đã tham gia chiến đấu ngay, chị em có nhiều hình thức hoạt động rất phong phú, linh hoạt như: vừa đánh xong là cải trang hợp pháp đến tận nơi điều tra kết quả hoặc cùng đồng bào ra đấu tranh chính trị để tuyên truyền phát huy chiến thắng hoặc tuyên truyền giáo dục binh sĩ.

Đội nữ pháo binh Long An

Trên mặt trận đấu tranh vũ trang, công tác giao liên là công tác nguy hiểm. Dù phải đối mặt với hàng trăm mối nguy hiểm, cực hình tàn khốc của quân thù nhưng những người phụ nữ vẫn hiên ngang, quả cảm. Những nữ chiến sĩ giao liên hoạt động trong vòng vây kẻ thù, vượt qua gian khổ bằng sự mưu trí, thông minh và lòng dũng cảm. Các chị nhận nhiệm vụ liên lạc, móc nối đưa cán bộ hoạt động bí mật từ căn cứ ngoài thành vào nội ô và ngược lại; nhận mệnh lệnh bí mật từ chỉ huy đến từng bộ phận công tác. Bên cạnh những nữ cán bộ giao liên thoát ly, còn có nhiều đảng viên cơ sở, những quần chúng chí cốt với cách mạng, sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Đảng cần. Đó là lực lượng cách mạng hùng hậu, làm giao liên đắc lực cho Đảng, rất khôn khéo, dũng cảm, mưu trí qua mắt địch, vượt khỏi vòng vây, đưa đón cán bộ, chuyển tài liệu…

Nói đến chiến công của phụ nữ miền Nam trên mặt trận vũ trang, chúng ta không thể không nhắc đến lực lượng nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến – những người đã đóng góp công sức thầm lặng trên khắp các nẻo đường chiến đấu, họ đã vượt qua bao khó khăn, vừa chiến đấu mở đường, vừa cáng thương tải đạn; tiếp thêm lửa tiến công cho mặt trận. Bên bãi bom, giữa rừng sâu bạt ngàn và vượt qua những bưng biền lầy lội, chịu đựng biết bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn, bệnh tật, súng quàng vai, lựu đạn thắt lưng, ngày đêm đi liên tục hàng chục cây số, qua sông rạch, qua đồn bốt, qua ổ phục kích, vừa đánh vừa mở đường, vừa đưa cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm đạn dược, lương thực cho mặt trận và vận chuyển thương binh về tuyến sau.

Cùng với lực lượng thanh niên xung phong tập trung, các địa phương cũng hình thành các đơn vị thanh niên xung phong hỏa tuyến ở khu và tỉnh, phục vụ cho các trung đoàn chủ lực mở những chiến dịch lớn tấn công địch. Đó là lực lượng trực tiếp phục vụ chiến trường, từ hỏa tuyến đến hậu phương, chủ yếu làm nhiệm vụ tải đạn, chuyển thương, phục vụ kịp thời cho quân giải phóng đánh địch. Có thanh niên xung phong, bộ đội thêm vững lòng yên dạ. Thiếu đạn, có thanh niên xung phong lên tận chiến hào tiếp ứng; chiến đấu bị thương, có thanh niên xung phong kịp thời băng bó đưa về tuyến sau… Nhiệm vụ nặng nề ấy hầu hết do phụ nữ đảm nhiệm. “Không tiền tuyến, không hậu phương, đâu Đảng cần, đó là tiền tuyến”. Trong thiếu thốn, đói rét, bệnh tật, gian khổ thử thách tưởng chừng như sức người không thể vượt qua được nhưng lòng yêu nước đã tạo ra sức mạnh diệu kỳ tạo nên những con người “vai trăm cân, chân ngàn dặm” đã gùi thồ hàng chục tấn đạn dược, thuốc men, lương thực đến trận tuyến, đưa hàng vạn thương binh về tuyến sau. Có biết bao nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã dâng tặng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, hàng vạn phụ nữ ở vùng căn cứ, vùng giải phóng tự nguyện tham gia vào các đoàn dân công phá đá, đào hầm, làm cầu, mở đường. Công tác đảm bảo hậu cần, nhất là vũ khí, đạn dược được chuẩn bị một cách khẩn trương, các đơn vị vận tải, xe đạp thồ do các nữ chiến sĩ đoàn H50 đảm nhiệm làm việc suốt ngày đêm. Tinh thần phục vụ của chị em đoàn H50 là một hình ảnh tiêu biểu cho ý chí tự lực tự cường, chịu đựng khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, trong thời kỳ này lực lượng tự vệ đã phát triển thành lực lượng biệt động, một binh chủng đặc biệt, tinh nhuệ, mưu trí, dũng cảm, tồn tại ngay trong lòng địch và đánh địch bằng cách riêng của mình. Rất nhiều nữ thanh niên giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc đã xung phong vào các đội biệt động, được phân công chuyển vũ khí từ căn cứ vào nội thành, xây dựng nơi cất giấu vũ khí, trực tiếp đánh vào các mục tiêu. Sống trong hang ổ của địch, những nữ chiến sĩ biệt động không chỉ mưu trí dũng cảm mà còn phải xây dựng được một mạng lưới cơ sở, tuân thủ bí mật tổ chức, vượt qua những áp lực từ gia đình, dư luận xã hội, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ.

Chính ở công tác đấu tranh vũ trang – 1 mặt trận với biết bao gian khổ, hy sinh và chiến công của các bà, các chị đã góp phần tạo nên chiến thắng vinh quang cho dân tộc Việt Nam. Miền Nam tự hào có 1 Phó Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam là nữ, đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Định – người phụ nữ gắn liền với mảnh đất Bến Tre, với phong trào Đồng Khởi và “Đội quân tóc dài” huyền thoại. Và cũng từ mặt trận này đã có hàng trăm phụ nữ ở miền Nam đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

“Người phụ nữ cầm súng” một biểu tượng dường như nghịch lý, nhưng ở miền Nam, trong chiến tranh giải phóng dân tộc, biểu tượng ấy trở thành quen thuộc và phổ biến. Tuy nhiên, phải đến thời chống Mỹ, người phụ nữ mới bộc lộ đầy đủ năng lực và phẩm chất của mình, kể cả năng lực chỉ huy chiến đấu. Chưa bao giờ phụ nữ cầm súng đông đảo và chiến đấu, hy sinh oanh liệt như thời kỳ chống Mỹ. Phụ nữ miền Nam đã biết kết hợp tài tình, nhuần nhuyễn đấu tranh chính trị, kết hợp vũ trang và công tác binh vận theo tinh thần của Nghị quyết 15 năm 1959, khéo léo vận dụng những chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sử dụng linh hoạt chiến lược, chiến thuật của chiến tranh nhân dân, tấn công địch bằng hai chân, ba mũi giáp công trên ba vùng chiến lược, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng lập nhiều thành tích vẻ vang, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ “Sống anh dũng, chết vẻ vang”.

21 năm chống Mỹ cứu nước là một chặng đường đầy gian khổ hy sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào. Bom đạn giặc Mỹ đã trút lên từng tấc đất của quê hương, thiêu cháy từng buôn nóc, mái nhà, gây đau thương tan tóc cho mọi gia đình nhưng với quyết tâm “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, phụ nữ miền Nam cùng với toàn dân từ già đến trẻ, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng, không phân biệt tầng lớp xã hội… đã cùng nhau trong cuộc chiến đấu chung, tự nguyện làm bất cứ việc gì có thể làm cho cách mạng, từ đấu tranh chính trị đến vũ trang, ở hậu phương cũng như tiền tuyến, từ phục vụ chiến đấu đến trực tiếp chiến đấu,… Có thể nói đây là thời kỳ chị em phụ nữ tham gia đông đủ nhất, đóng góp nhiều nhất và toàn diện nhất cho cách mạng.

Phụ nữ miền Nam đã không quản ngại hy sinh, gian khổ cùng với nhân dân chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Nhiều chị em bị địch bắt, tù đày, bị tra tấn dã man vẫn một lòng trung thành, giữ vững khí tiết cách mạng. Và từ phong trào đấu tranh vũ trang này đã hình thành một đội ngũ cán bộ phụ nữ vừa đông đảo về số lượng vừa có phẩm chất đạo đức, năng lực đảm nhiệm những cộng việc quan trọng mà Đảng và đất nước giao cho. Tên tuổi và chiến công của các bà, các chị mãi mãi được lịch sử ghi nhận để thế hệ sau luôn tự hào về truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa, hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đã được thực hiện. Cũng như mọi người dân Việt Nam, phụ nữ miền Nam hăng hái bước vào kỷ nguyên mới. Chúng ta tin tưởng rằng, với trí thông minh, lòng dũng cảm và tinh thần tự lực tự cường sẽ là tiền đề vững chắc để phụ nữ chúng ta bước vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Phạm Thị Diệu

Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ (2015), Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ kháng chiến, NXB Chính trị quốc gia.
  2. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1999), Phụ nữ Nam Trung Bộ trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước (1930-1975), NXB Đà Nẵng.

 

Tour 360° Tour 360° 360 Tour